Lý thuyết hoạt động của N.Leonchev.
Về hình thức, có hai loại hoạt động: Hoạt động bên trong (hoạt động tinh thần) và hoạt động bên ngoài (hoạt động vật chất, thực tiễn).
Về bản chất, hai loại hoạt động này có cấu tạo chung giống nhau. Hoạt động bên trong có nguồn gốc từ hoạt động bên ngoài, là quá trình chuyển đối tượng từ bên ngoài vào bên trong cá nhân.
– Cấu trúc của hoạt động:
Trong mỗi hoạt động có các đơn vị phân tử với các chức năng sau đây:
Hoạt động trong mối quan hệ chuyển hóa với đối tượng. Đối tượng (vật chất, tinh thần) với tư cách là động cơ của hoạt động, có chức năng kích thích hoạt động, hướng hoạt động về phía bản thân nó. Đằng sau động cơ là nhu cầu. Hoạt động đáp ứng nhu cầu của chủ thể. Thời kỳ đầu hoạt động trực tiếp thỏa mãn nhu cầu của chủ thể.
Về sau, do sự phát triển của chủ thể dẫn đến tách ra các đối tượng bộ phận đóng vai trò trung gian, là phương tiện để dẫn chủ thể đến thỏa mãn nhu cầu. Đối tượng bộ phận được tách ra đó chính là mục đích, tương ứng với mục đích là hành động. Mục đích là đối tượng mà cá nhân ý thức được cần phải chiếm lĩnh để làm phương tiện thỏa mãn nhu cầu. Mục đích có chức năng hướng dẫn chủ thể tới đối tượng.
Động cơ và mục đích đều là đối tượng khách quan chủ thể cần chiếm lĩnh. Nhưng nếu việc chiếm lĩnh nó thỏa mãn nhu cầu của chủ thể thì nó là động cơ, còn nếu nó là phương tiện để để thỏa mãn nhu cầu khác thì nó là mục đích.
Mục đích vừa có tính độc lập vừa có tính phụ thuộc. Vì vậy hành động cũng vừa độc lập vừa phụ thuộc vào hoạt động.
Để thực hiện mục đích, chủ thể không những ý thức được đối tượng mà còn phải có các thao tác chiếm lĩnh nó, thao tác của chủ thể phụ thuộc vào phương tiện khách quan và là phương tiện để chủ thể vận dụng vào trong hành động. Thao tác không có mục đích tâm lý, mà chỉ là cơ cấu kỹ thuật của hành động, thao tác có chức năng kỹ thuật. Thao tác được sinh ra từ hành động trước đó, nó là kết quả quá trình rèn luyện và kỹ thuật hóa hành động, đưa nó vào trong hành động khác, sau khi trừu xuất mục đích tâm lý của nó.
Như vậy, A.N.Leonchiev đã xác định cấu trúc chức năng của hoạt động, bao gồm sự chuyển hóa giữa các yếu tố chủ thể: Hoạt động; hành động; thao tác tương ứng với sự chuyển hóa chức năng của các đối tượng cần chiếm lĩnh: động cơ; mục đích; phương tiện.
Quá trình phát triển của trẻ em là quá trình lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội – lịch sử do loài người tích lũy được qua các thế hệ. Thực chất của quá trình này là tiến hành các hoạt động, trong đó có hoạt động chủ đạo. N.Leonchev cho rằng, hoạt động chủ đạo là hoạt động mà sự phát triển của nó quy định sự biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lý và trong các đặc điểm tâm lý của nhân cách trẻ em ở giai đoạn phát triển nhất định của nó, tạo nên cấu trúc đặc đặc trưng của nhân cách và định hướng sự phát triển của nhân cách đó.
Nguồn: Sưu tầm