Trang chủ Lịch sử Lịch sử Nhật Bản thời trung đại

Lịch sử Nhật Bản thời trung đại

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 481 views

Nhật Bản là một nước đảo bao gồm 4 đảo lớn là Hốc-cai-đô, Hôn-su, Si-cô-cư, Kiu-su và hơn 500 đảo nhỏ, trong đó đảo Hôn-su là đảo lớn nhất và quan trọng nhất về mọi mặt.

I. Những nhà nước đầu tiên

Theo truyền thuyết, nước Nhật Bản thành lập từ năm 660 TCN, khi thiên hoàng Jim-mu (Thần Vũ) dòng dõi của nữ thần Mặt trời lên ngôi. Thực ra, nhà nước ở Nhật Bản ra đời tương đối muộn.

– Theo sử sách Trung Quốc thì từ thế kỷ I và thế kỷ II, các thủ lĩnh của những nhà nước phôi thai đã sai sứ đến Trung Quốc. Đến đầu thế kỷ III, ở đảo Kiu-su đã xuất hiện nhiều nước, trong đó lớn nhất là nước Yamatai do nữ vương Himicô thống trị. Quốc gia này đã nhiều lần sai sứ giả sang cống Trung Quốc.

– Đến cuối thế kỷ IV, ở Tây Nam đảo Hôn-su xuất hiện một quốc gia mới gọi là nước Yamatô. Kẻ thống trị nước Yamatô đó chính là nguồn gốc của dòng vua Nhật Bản sau này. Trong xã hội nước Yamatô, ngoài quý tộc, nông dân, nô lệ còn có một tầng lớp đặc biệt gọi là bộ dân. Nguồn gốc của tầng lớp này là những thành viên của những thị tộc bị chinh phục; kiều dân Trung Quốc và Triều Tiên; con cháu của những người phạm tội. Đây là tầng lớp giữ vai trò quan trọng trong việc sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp.

– Đến thế kỷ V, nước Yamatô thống nhất được cả Nhật Bản. Sang thế kỷ VI, di dân Trung Quốc và Triều Tiên sang Nhật Bản ngày càng nhiều, do vậy kỹ thuật sản xuất tiên tiến, chế độ chính trị, tư tưởng Nho gia, Phật giáo và các thành tựu khác về văn hoá lục địa cũng được theo họ truyền vào Nhật Bản.

Trong hoàn cảnh đó, nội bộ giai cấp thống trị Nhật Bản chia làm hai phái: họ Xôga chủ trương tiếp thu chế độ chính trị, văn hóa, tôn giáo của lục địa, còn họ Mônônôbe thì chủ trương tiếp tục duy trì tình trạng như cũ, tiếp tục thờ các thần cổ truyền của Nhật Bản. Năm 587, nội chiến giữa hai tập đoàn này xảy ra, kết quả là họ Xôga giành được thắng lợi. Từ đó, Nhật Bản nhiều lần sai sứ sang Trung Quốc, đồng thời còn cử nhiều nhà sư sang học tập ở Trung Quốc. Những lưu học sinh này về sau trở thành những học giả có tên tuổi và có nhiều đóng góp trong cuộc cải cách Tai-ca sắp tới.

II. Nhật Bản từ thế kỷ VII đến thế kỷ XII:

1. Cuộc cải cách Tai-ca:

Trong khi Nhật Bản đang muốn xây dựng chế độ tập quyền trung ương thì tầng lớp quý tộc lại không ngừng phát triển thế lực bằng cách chiếm hữu nhiều ruộng đất công làm của riêng và biến các thành viên công xã nông thôn thành bộ dân. Tình hình đó làm cho mâu thuẫn giữa Thiên hoàng và tầng lớp quý tộc ngày càng thêm sâu sắc.

Đến đầu thế kỷ VII, ở Trung Quốc, nhà Đường được thành lập. Cách tổ chức bộ máy nhà nước, chế độ ruộng đất và tô thuế…của nhà Đường đều là những vấn đề mà Nhật Bản cho là khuôn mẫu đáng bắt chước.

Lúc bấy giờ, họ Xôga không những chiếm nhiều ruộng đất, bộ dân mà còn lũng đoạn chính quyền của Thiên hoàng. Vì vậy, năm 645, ở Nhật Bản đã xảy ra một cuộc chính biến trong cung đình, thế lực của họ Xôga bị tiêu diệt. Ngay sau đó, Thiên hoàng Cô-tô-cư (Hiếu Đức) được lên ngôi đặt niên hiệu là Tai-ca (Đại Hóa), nghĩa là cải cách lớn. Năm 646, Thiên hoàng hạ chiếu cải cách, lịch sử Nhật Bản gọi là cải cách Tai-ca.

Nội dung chủ yếu của cải cách này là:

– Bỏ chế độ tư hữu về ruộng đất của quý tộc, biến thành ruộng đất công (công điền) và bỏ chế độ bộ dân, biến thành thần dân của nhà nước (công dân).Trên cơ sở ấy nhà nước ban hành chế độ ban điền (chia ruộng) để định kỳ phân phối ruộng đất cho nông dân cày cấy. Những người được cấp ruộng đất có nghĩa vụ phải nộp “tô dung điệu”. “Tô” nộp bằng lúa; “điệu”nộp bằng tơ lụa, bông vải; “dung” là loại thuế thay lao dịch cũng nộp bằng lụa vải.

– Xây dựng bộ máy nhà nước tập quyền Trung ương. Ở Trung ương, Thiên hoàng trở thành kẻ có quyền uy cao nhất, thậm chí được coi như một vị thần sống. Các cấp hành chính địa phương gồm quốc (tỉnh), quận, lý (làng) do Quốc ty, Quận ty, lý trưởng đứng đầu.

Từ đó Nhật Bản bước vào một thời kỳ tương tự như một xã hội đời Đường ở Trung Quốc.

2. Thời Na-ra và thời Hây-An:

Từ đầu thế kỷ VIII đến cuối thế kỷ XII, lịch sử Nhật Bản trải qua hai thời kỳ: từ năm 710- 794, Nhật Bản đóng đô ở Nara, nên gọi là thời Nara; năm 794, Nhật Bản dời đô đến Hây-An (Kiôtô), từ đó đến năm 1192 tức là khi Mạc phủ Camacưra thành lập, gọi là thời Hây-An.

Bắt đầu thời Nara, những thành quả của cuộc cải cách Taica đã bị lỏng lẻo, chế độ ruộng tư lại ra đời và phát triển, trên cơ sở ấy, chế độ trang viên cũng xuất hiện. Những người cày cấy trong các trang viên ấy đều là những nông dân lệ thuộc. Trong khi trật tự xã hội không ổn định, các chủ trang viên đã tổ chức huấn luyện võ nghệ cho các trang dân của mình để bảo vệ trang viên do đó đã lập thành những tập đoàn võ sĩ, trong đó quần chúng võ sĩ phải tuyệt đối trung thành với chủ tướng của mình.

Đến thế kỷ X, ở Nhật Bản có hai tập đoàn võ sĩ mạnh nhất là tập đoàn họ Taira và tập đoàn họ Minamôtô. Cả hai họ này đều có quan hệ bà con với hoàng tộc.

Trong khi đó, ở trong cung đình, mọi quyền hành càng ngày càng tập trung vào tay họ Fujioara, Thiên hoàng thực chất chỉ làm bù nhìn. Vì vậy, năm 1086, Thiên hoàng Xi-ra-ca-oa (Bạch Hà) sau khi nhường ngôi cho con mình đã vào chùa đi tu. Tại đây, Thượng hoàng lập một triều đình riêng gọi là “Viện chính”. Về hình thức,Viện chính là một tổ chức có nhiệm vụ giúp đỡ Thiên hoàng nhưng thực chất, đây là cơ sở của vương thất chống lại họ Fujioara.

Đến đầu thế kỷ XII, Viện chính đã dựa vào lực lượng của họ Taira và họ Minamôtô để đấu tranh với họ Fujioara. Kết quả là họ Fujioara bị thất thế nhưng quyền hành lại chuyển vào tay họ Taira, do đó, họ Taira lại gây nên mâu thuẫn với họ Minamôtô. Năm 1181, chiến tranh giữa hai tập đoàn này bùng nổ và đến năm 1185, họ Taira bị thất bại. Từ đó, mọi quyền hành dần dần tập trung vào tay Yôritômô thuộc họ Minamôtô.

3. Nhật Bản từ cuối thế kỷ XII- XIX:

Từ năm 1192,bên cạnh triều đình của Thiên hoàng, ở Nhật Bản còn có chính quyền của Tướng quân gọi là Mạc phủ. Từ đó, mọi quyền hành ở Nhật Bản đều ở trong tay Tướng quân, Thiên hoàng chỉ làm vì mà thôi. Tình hình ấy kéo dài đến cuối năm 1867 mới chấm dứt. Trong gần 7 thế kỷ ấy, Nhật Bản trải qua 3 Mạc phủ, đó là Mạc phủ Camacưra, Mạc phủ Murômachi và Mạc phủ Tôcưgaoa.

a/ Mạc phủ Camacưra (1192-1333):

Từ năm 1184, Minamôtô Yôrimôtô đã lập một chính quyền riêng tại Camacưra ở miền Đông Nhật Bản. Sau khi diệt họ Taira, họ Minamôtô dần dần khống chế các mặt chính trị, kinh tế và quân sự trong cả nước. Năm 1192, Yôrimôtô được Thiên hoàng phong cho danh hiệu “Tướng quân”, việc đó đánh dấu Mạc phủ Camacưra chính thức thành lập.

Năm 1199, Yôrimôtô chết, mọi quyền binh của Mạc phủ rơi vào tay bố vợ là Hôjiô Tôkimaxa. Về danh nghĩa, họ Hôjiô chỉ giữ chức “ Chấp quyền” nhưng thực tế là kẻ nắm chính quyền của Mạc phủ.

Lúc bấy giờ, ở lục địa, Mông Cổ đã trở thành một đế quốc hùng mạnh. Năm 1268, Hốt Tất Liệt nhiều lần sai sứ sang yêu cầu Nhật Bản phải thần phục nhưng đều bị từ chối. Vì vậy, sau khi thành lập nước Nguyên, năm 1274 và 1281, Hốt Tất Liệt 2 lần đưa quân sang tấn công Nhật Bản nhưng đều bị tổn thất rất nặng nề.

Sau chiến tranh, vì không có đủ ruộng đất để ban thưởng cho các võ sĩ có công nên tầng lớp võ sĩ rất bất mãn với Mạc phủ Camacưra. Nhân tình hình ấy, năm 1331, Thiên hoàng đã phát động phong trào chống Mạc phủ.

Năm 1333, một viên tướng của Mạc phủ là Asicaga Tacauji được giao nhiệm vụ đem quân đi đánh dẹp phong trào khởi nghĩa ủng hộ Thiên hoàng của các lãnh chúa phong kiến, nhưng ông đã tuyên bố đứng về phía Thiên hoàng.

Cũng thời gian ấy, quân khởi nghĩa của các chúa phong kiến chiếm được Camacưra, chấp quyền Hôjiô Tacatôki tự sát. Mạc phủ Camacưra diệt vong.

b/ Mạc phủ Murômachi (1338-1573):

Sau khi diệt họ Hôjiô, quyền lực của Thiên hoàng lại được khôi phục, nhưng các yêu cầu của võ sĩ và nông dân đều không được đáp ứng nên cả xã hội mong muốn khôi phục lại chính quyền Mạc phủ.

Nhân thời cơ ấy, năm 1336, Tacauji tấn công kinh đô (Kiôtô). Thiên hoàng Gô Đaigô phải chạy xuống phía Nam lập một triều đình mới, lịch sử gọi là Nam triều. Còn ở Kiôtô, Tacauji lập Thiên hoàng Mixuaki lên làm bù nhìn, lịch sử gọi là Bắc triều.

Đến năm 1338, Tacauji tự xưng làm Tướng quân thành lập Mạc phủ mới. Về sau, Mạc phủ được xây dựng tại đường phố Murômachi ở Kiôtô nên gọi là Mạc phủ Murômachi.

Sau khi hình thành cục diện Nam Bắc triều, hai bên đánh nhau hơn nửa thế kỷ. Đến năm 1392,hai bên ký hoà ước, Thiên hoàng Nam triều phải thoái vị và chuyển giao các bảo vật tượng trưng uy quyền của vua cho Thiên hoàng Bắc triều.

Sau hơn 70 năm hòa bình, đến năm 1467 (năm Ônin thứ nhất) , do việc tranh giành các chức quyền trong chính quyền Mạc phủ, một cuộc nội chiến đã nổ ra ở kinh đô. Đến năm 1477, cuộc nội chiến này lan rộng ra khắp các địa phương, mãi đến năm 1573 mới chấm dứt.

Thời gian chiến tranh liên miên hơn một thế kỷ này, lịch sử Nhật Bản gọi là thời Chiến quốc (1467-1573). trong thời kỳ đó, Tướng quân họ Asicaga vẫn tồn tại nhưng không có thực quyền nữa. Năm 1573, tướng quân cuối cùng của họ Asicaga bị Ôđa Nôbunaga lật đổ. Mạc phủ Murômachi diệt vong.

c/ Quá trình thống nhất Nhật Bản – Mạc phủ Tôcưgaoa:

Quá trình thống nhất Nhật Bản:

Trong 30 năm kể từ khi Mạc phủ Murômachi bị lật đổ (1573), cho đến khi Mạc phủ Tôcưgaoa thành lập (1603), quyền hành ở Nhật Bản do 3 người nối tiếp nhau nắm giữ. Đó là Ôđa Nôbunaga (1573-1582), Tôyôtômi Hiđêyôsi (1582-1598) và Tôcưgaoa Iêaxu.

– Ôđa Nôbunaga là một chúa phong kiến ở miền Trung đảo Hônsu. Từ năm 1560, ông đã lần lượt đánh bại quân đội của các lãnh chúa ở các tỉnh lân cận, đến năm 1568, thì chiếm được kinh đô.

Năm 1573, Nôbunaga lật đổ Mạc phủ Murômachi rồi nắm lấy chính quyền trung ương, nhưng bề ngoài giả vờ trung thành với Thiên hoàng nên không xưng làm Tướng quân. Trong khi sự nghiệp thống nhất Nhật Bản chưa hoàn thành thì năm 1582, ông bị bộ hạ giết chết.

– Kẻ tiếp tục việc thống nhất Nhật Bản là Hiđêyôsi, một tướng của Nôbunaga. Hiđêyôsi tiếp tục tiến hành chiến tranh đến năm 1590 về cơ bản đã thống nhất được đất nước.

Năm 1592, Hiđêyôsi phát động cuộc chiến tranh xân lược Triều Tiên. Năm 1598, Hiđêyôsichết, ở chiến trường Triều Tiên, quân Nhật bị thất bại nặng nề nên phải rút về nước.

– Sau khi Hiđêyôsi chết, quyền binh rơi vào tay một tướng khác của Nôbunaga là Tôcưgaoa Iêaxu. Năm 1600, Iêaxu đánh bại hoàn toàn các lãnh chúa chống đối. Sự nghiệp thống nhất Nhật Bản đến đây hoàn thành.

Tình hình Nhật Bản thời Mạc phủ Tôcưgaoa:

Sau khi đánh bại các lãnh chúa phong kiến chống đối, năm 1603, Tôcưgaoa Iêaxu tự xưng làm Tướng quân, lập Mạc phủ mới ở Êđô(Tôkyô sau này) gọi là Mạc phủ Tôcưgaoa hoặc Mạc phủ Êđô.

Từ thời Chiến quốc, trong xã hội Nhật Bản đã xuất hiện một tầng lớp địa chủ mới gọi là đại danh (đamiô), đến thời kỳ này, đại danh trở thành giai cấp lãnh chúa phong kiến làm cơ sở giai cấp của Mạc phủ Tôcưgaoa.

Cũng từ thế kỷ XVI, kinh tế hàng hóa ở Nhật Bản ngày càng phát triển, việc buôn bán với bên ngoài như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Inđônêxia…lúc đầu được Mạc phủ Tôcưgaoa rất khuyến khích.

Trong hoàn cảnh đó, từ năm 1543, thuyền buôn Bồ Đào Nha bắt đầu đến Kiusu. Sau đó, người Tây Ban Nha, người Hà Lan, người Anh cũng đến Nhật Bản. Cùng với các lái buôn, các giáo sĩ đạo Thiên chúa đã đến Nhật Bản, trong đó người đến sớm nhất là giáo sĩ Xaviê, người Tây Ban Nha đến nước này năm 1549.

Do những hoạt động chính trị của các giáo sĩ phương Tây nên từ năm 1587, Hiđêyôsi đã ra lệnh cấm đạo Thiên chúa. Đến thời Mạc phủ Tôcưgaoa, chính sách cấm đạo này càng chặt chẽ.

Song song với việc cấm đạo, Mạc phủ Tôcưgaoa thi hành chính sách đóng cửa, đến năm 1639 thì chính thức cấm chỉ việc buôn bán với bên ngoài.

Đến năm 1854, dưới áp lực của Mỹ, Nhật Bản phải mở cửa cho Mỹ buôn bán, tiếp đó phải ký nhiều hiệp ước bất bình đẳng với Anh, Pháp, Hà Lan…

Mạc phủ là một chính quyền phong kiến cản trở sự phát triển xã hội. Vì vậy, đến thế kỷ XIX, ở Nhật Bản đã xuất hiện trào lưu tư tưởng yêu cầu Mạc phủ trả chính quyền cho Thiên hoàng. Đến nửa sau thế kỷ XIX, tinh thần chống Mạc phủ bùng lên thành một cuộc nội chiến giữa một bên là các thế lực ủng hộ Thiên hoàng và một bên là phe Mạc phủ.

Cuối năm 1867, tự nhận thấy Mạc phủ đã đến lúc thế cùng lực kiệt, Tướng quân Yôxinôbu phải đồng ý trao chính quyền lại cho Thiên hoàng.

Ngày 3-1-1868, Thiên hoàng Mêiji (Minh Trị) lập chính phủ mới, sau đó ban hành các chính sách cải cách, lịch sử Nhật Bản gọi là cuộc “Minh Trị duy tân”. Sự kiện đó đánh dấu chế độ phong kiến ở Nhật Bản kết thúc, thời kỳ tư bản chủ nghĩa bắt đầu.

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Gia Phu, Giáo trình Lịch sử thế giới trung đại)

Tỷ giá Man Nhật | Tỷ giá Yên Nhật

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net