I – Nước Lào trước khi thực dân Pháp xâm lược
Vào thế kỷ XIV, nước Lào đã được thống nhất. Pha Ngừm là người có công thống nhất đất nước, lập nên một chính quyền từ trung ương đến địa phương. Cũng giống như các nhà nước chuyên chế phương Đông, vua là người chủ tối cao tất cả đất đại trong nước, đồng thời là người nắm quyền lực tuyệt đối về chính trị. Vương quốc Lạn Xạng chia ra làm nhiều châu mường, đứng đầu mỗi mường là một thủ lĩnh do nhà vua chỉ định. Hàng tháng, các thủ lĩnh gửi tấu cáo về triều đình và ba năm một lần, đích thân đem thuế về đóng và trình diện với nhà vua ở kinh đô để biểu lộ lòng trung thành.
Quý tộc và các sư sãi đều được nhà vua ban cho đất đai và số cư dân nhất định sống trong vùng cư trú.
Nông dân thường ở trong các làng bản dưới hình thức công xã nông thôn. Sống trong các vương quốc nhỏ thần phục và trong vùng đất đai phong kiến, nông dân không có quyền di cư sang đất khác. Người nông dân gánh vác nghĩa vụ của nhà nước đồng thời chịu sự bóc lột nặng nề của chúa phong kiến. Với sự tồn tại phổ biến của công xã nông thôn, nền sản xuất ở Lào chưa phát triển, dân cư thưa thớt, việc chiếm cứ đất đai chưa phải là yêu cầu bức thiết mà vấn đề chủ yếu là chiếm và chi phối sản phẩm ruộng đất và lao dịch. Nông dân là lực lượng gánh vác thuế má, phu phen tạp dịch và đóng góp nghĩa vụ quân sự. Họ là bộ phận cư dân chính quyết định nền sản xuất xã hội và bảo vệ quốc gia.
Ở Lào lúc này vẫn còn tồn tại chế độ nô lệ không phát triển. Nô lệ là những người cùng khổ nhất trong xã hội. Họ không có chút quyền tự do nào, bị đem làm vật đổi chác, mua bán. Một số nô lệ vốn là nông dân thiếu nợ, thiếu thuế, do thiên tai họ không thể trang trải và tự nuôi sống, nên bán mình làm nô lệ. Cũng có một số nô lệ do bị bắt làm tù binh trong chiến tranh. Thân phận nô lệ có tính chất truyền đời, như đẳng cấp cùng khốn. Trong thực tế, người nô lệ không thể nào trở thành người công dân tự do vì không có quy định cho phép nô lệ được tự chuộc mình. Họ có thể bị bán, bị cho mượn hoặc nhượng lại. Thảng hoặc cũng có nô lệ được giải phóng, đó là khi được lệnh ân xá của nhà vua và sự khoan dung của chủ.
Là nhà nước tập quyền phong kiến thống trị đất nước bằng sức mạnh quân sự, nên Lạn Xạng đã xây dựng một đạo quân hùng mạnh. Tuy vậy, đây vẫn là nhà nước ít tập trung nhất so với một số quốc gia phong kiến ở phương Đông cùng thời. Các vương quốc nhỏ hợp thành quốc gia Lạn Xạng vẫn giữ tính độc lập tương đối. Các châu mường được quyền thế tập. Chính vì vậy, sự tập trung của chính quyền trung ương không mạnh. Các cuộc chiến tranh giữa các địa phương vẫn xảy ra, sự tranh chấp quyền lợi trong nội bộ các nhóm quý tộc hết sức gay gắt.
Vào thế kỷ XVII, Nhà nước Lạn Xạng bước vào thời kỳ phồn vinh, nền kinh tế hàng hóa phát triển. Những trung tâm thương mại trong nước hình thành có quan hệ buôn bán với Đại Việt, Trung Quốc, Xiêm, Campuchia v.v… Mường Khúc là một trong những trung tâm chính ở thế kỷ XVII xuất cảng sang Xiêm vàng, cánh kiến đỏ và đen, mật ong, vải vóc. Luông Phabăng là nơi hội lưu của nhiều chi nhánh sông Mê Công thành một trung tâm trao đổi, là nơi dừng chân của nhiều đoàn thương nhân nước ngoài, và từ nơi đó, các sản phấm tiểu thủ công, nông nghiệp được chuyển đi khắp vùng trong toàn quốc.
Nhưng cuối thế kỷ XVII, Xulinha Vôngxa chết, sự suy yếu của vương quốc Lạn Xạng trở nên rõ rệt. Các cuộc đấu tranh giữa các tập đoàn phong kiến tranh giành quyền lợi ngày thêm mạnh mẽ. Cũng chính lúc đó, vương quốc Xiêm với triều đại Ayuthaia thôn tính các nước lân bang bắt đầu tiến hành chiến tranh xâm chiếm Lào. Mặc dù nhân dân Lào chiến đấu hết sức dũng cảm bảo vệ nên độc lập của mình, các vùng Chămpaxắc, Mường Nakhon, Noongkhai v.v… bị mất vào tay quân Xiêm. Vào năm 1779, Xiêm chiếm Viêngchăn và ép Luông Phabăng thừa nhận quyền đô hộ. Cuộc đấu tranh của nhân dân Lào chống ách nô dịch và giành độc lập còn kéo dài mấy chục năm sau, đặc biệt cuộc khởi nghĩa của Chậu Anu ở đầu thế kỷ XIX. Nhưng cuộc khởi nghĩa đã bị đàn áp, cuối cùng bị thất bại vào năm 1828. Bọn thống trị Xiêm xâm lấn nước Lào, cướp bóc nhiều của cải vàng bạc châu báu. Luông Phabăng, Viêngchăn thành một tỉnh của Xiêm. Chămpaxắc cũng thành thuộc địa của Ayuthaia – vương quốc Xiêm.
Chính giữa lúc nước Lào ở trong cảnh nước mất nhà tan, bị Xiêm khống chế thì đế quốc Anh, Pháp bắt đầu cuộc phân chia thế lực trên bán đảo Trung Ấn. Đế quốc Anh sau khi vào Miến Điện và chiếm cứ Mã Lai đang bành trướng thế lực về phía đông và phía bắc. Đế quốc Pháp vào những năm 90 đã chiếm xong Việt Nam và Campuchia, bắt đầu vươn về phía tây nên đặc biệt chú ý đến Lào. Sự xâm lược của Pháp đối với Lào bắt đầu vào cuối thế kỷ XIX.
II – Quá trình xâm nhâp và sự thống trị của thực dân Pháp
Giữa thế kỷ XIX, thực dân Pháp dưới triều đại Napôlêông III đã xâm lược Việt Nam và Campuchia. Đồng thời, Pháp cũng bắt đầu cuộc tranh giành quyền lợi kinh tế ở phía Hoa Nam Trung Quốc, đặc biệt vùng Quảng Đông, Vân Nam. Chúng không thể không tính đến đất nước Lào giầu có với rừng gỗ bạt ngàn và nhiều nguyên liệu quý khác.
Sự phân cắt về chính trị, tình trạng suy yếu và lạc hậu về kinh tế đã làm cho nước Lào trở thành vùng đất đầy hấp dẫn với Pháp. Con sông Mê Công như một trục giao thông xuyên suốt từ Vân Nam xuống Nam kỳ đổ ra biển. Thực dân Pháp thèm muốn của cải hai bờ sông này. Năm 1865, chúng tiến hành thám hiểm sông Mê Công do Đuđa đơ Lagơrê chỉ huy.
Ngày 5-6-1866, trên hai pháo thuyền, “đoàn thám hiểm” khởi hành từ Sài Gòn lên Luông Phabăng, phải gần một năm sau đoàn mới đến nơi. Đoàn thám hiểm này đã khảo sát nhiều sông, nhiều vùng như Xêcông, Xêbanghiên, Bôlôven, Atôpơ, Xaravan… Năm 1875-1877, Ácmăng lại cầm đầu đoàn “thám hiểm khoa học” ở Campuchia, Lào và vùng Trường Sơn.
Năm 1882, Pôn Mari Nêt cũng đi thăm dò vùng Hạ Lào, cao nguyên Mường Phuôn. Tháng 11873, hàng chục giáo sĩ Pháp được phái sang Đông bắc Lào. Năm 1880, giám mục Puyginiê lại phái thêm 30 giáo sĩ nữa.
Cho đến năm 1883, Pháp đã tổ chức được 5000 giáo dân ở miền Đông Lào. Những giáo sĩ nhiều khi đi theo đoàn quân làm sĩ quan tôn giáo, tham gia vào những cuộc chinh phục những vùng cư dân lạc hậu.
Công cuộc thâm nhập của thực dân Pháp vào Lào được đẩy mạnh từ khi phái đoàn do Pavi làm lãnh sự đến Luông Phabăng năm 1885.
Thực dân Pháp hiểu rằng muốn chiếm Lào thì trước hết phải đẩy lùi ảnh hưởng của Xiêm. Vì vậy, việc Pháp giành được chỗ đứng bên cạnh triều đình Lào Luông Phabăng có ý nghĩa quyết định. Pavi đã lợi dụng mọi thời cơ có thể gây cảm tình của vua Lào để đánh bại uy thế của Xiêm. Nhân việc Đèo Văn Trì kéo quân đánh phá Luông Phabăng, khâm sai của triều đình Băng Cốc chạy về nước, Pavi đã phái người theo sát bảo vệ nhà vua Lào và thân quyến. Tại căn cứ Pắclay, Pavi đã gây được lòng tin của vua Lào và sau đó lôi kéo các quan lại, châu mường, đầu bản theo mình.
Năm 1886 Pháp phái hai binh đoàn từ Hà Nội hành quân qua Lai Châu sang Luông Phabăng. Đạo quân này được coi như là công cụ “bảo đảm an toàn” cho vua Lào, nhưng thực ra, nó có nhiệm vụ bình định vùng biên giới Lào-Việt. Pavi quyết định xây dựng hàng loạt đồn bót dọc biên giới phía Đông bắc Lào.
Vào năm 1891-1892, quan hệ Pháp-Xiêm căng thẳng. Để gây sức ép với Xiêm, Pháp cho pháo thuyền Lơ Lutanh thả neo ngay trước cửa ngõ Băng Cốc. Tên toàn quyền Đơ Lanétxăng cho quân đến chiếm đóng một số địa điểm ở Lào và thành lập nhiều binh đoàn từ nhiều phía tiến vào chiếm đóng Lào.
Mâu thuẫn giữa Pháp và Xiêm ngày càng gay gắt. Trung tuần tháng 71893, có nguy cơ xảy ra chiến tranh nhưng Xiêm bị Anh bỏ rơi nên chịu nhận những điều khoản trong tối hậu thư của Pháp. Ngày 3-10-1893 Xiêm ký với Pháp hòa ước thừa nhận từ bỏ quyền khống chế Lào, thành lập một khu đệm bên hữu ngạn sông Mê Công có chiều ngang là 25km. Sự thống trị của Pháp trên đất Lào chính thức bắt đầu từ đó.
Sau ngày 4-10-1893, Pháp bắt tay xây dựng bộ máy cai trị ở Lào. Mỗi khi chinh phục được vùng đất, Pháp liền đặt ngay ở đó một “ủy viên chính phủ”, ở Luông Phabăng có một “ủy viên chính phủ” bên cạnh nhà vua. Còn Pavi trở thành “Tổng ủy viên chính phủ”, đóng vai trò của kẻ chỉ huy chung mọi việc ở Lào.
Đầu tiên, thực dân Pháp chia đất Lào thành hai khu vực. Miền Thượng Lào gồm 6 tỉnh lấy Luông Phabăng làm thủ phủ, miền Hạ Lào có 7 tỉnh thủ phủ là Khôổng. Để nắm tới từng tỉnh, Pháp cử đến mỗi tỉnh một “ủy viên chính phủ” có quyền hành lớn như khâm sứ.
Vận dụng chính sách chia để trị cổ truyền, bọn Pháp đặt ra trên đất Lào nhiều chế độ cai trị khác nhau. Nhưng tình trạng chia nước Lào thành hai khu vực lớn gây cho Pháp nhiều khó khăn về hành chính và tài chính. Năm 1899 chúng phải hợp nhất hai miền thành một, đặt thủ phủ ở Xavannakhẹt; thời gian sau chuyển về Viêngchăn. Thực dân Pháp tước đoạt hầu hết quyền của vua Lào ở Luông Phabăng, bên cạnh vua là “cố vấn” người Pháp có quyền quyết định công việc hành chính và ngoại giao. Ngôi vua ở Lào chỉ còn là hư vị, quyền hành thực tế đã hoàn toàn ở trong tay Pháp.
Về hệ thống cai trị ở Lào, Pháp vẫn giữ hình thức tổ chức như trước. Dưới tỉnh là các mường, mỗi mường gồm nhiều tà-xẻng, mỗi tà-xẻng có nhiều bản. Pháp đã chọn những tên tay chân, những kẻ đã bị mua chuộc đứng đầu cơ quan chính quyền địa phương.
Về mặt kinh tế, thực dân Pháp chủ yếu thi hành chính sách khai thác vơ vét bằng những phương pháp lạc hậu. Chúng không để ý xây dựng những ngành công nghiệp. Chúng mở rộng chế độ đồn điền, bắt phu, lao dịch. Nhân dân Lào phải chịu chế độ lao dịch nặng nề, hàng năm phải đi phu đến 60 ngày, có khi hơn 100 ngày. Công việc khai thác gỗ, cánh kiến, sau này là trồng thuốc phiện, cà phê, cao su, thuốc lá, đã đày đọa nhân dân Lào. Thực dân Pháp đã đặt ra nhiều thứ thuế vô lý, hết sức nặng nề. Thuế thân, một thứ thuế trái với tập quán của người Lào được đặt ra đối với nam từ 18 đến 60 tuổi. Chúng kìm kẹp nhân dân Lào trong vòng ngu dốt, ngân quỹ nuôi lính ở Lào nhiều gấp 10 lần ngân quỹ giáo dục. Sự xâm lược, ách áp bức nặng nề của chủ nghĩa thực dân dẫn tới những phong trào chống Pháp mạnh mẽ của nhân dân Lào.
III – Phong trào đấu tranh anh dũng chống Pháp của nhân dân Lào đầu thế kỷ XX
Nhân dân Lào vốn yêu độc lập và tự do, đã từng đấu tranh gìn giữ Tổ quốc một cách dũng cảm trong lịch sử. Trong giai đoạn cận đại, nhân dân Lào đã tiến hành cuộc đấu tranh bất khuất trên toàn lãnh thổ để chống lại ách nô dịch tàn bạo của thực dân Pháp.
1. Phong trào đấu tranh của nhân dân Lào dưới sự lãnh đạo của Phò Càđuột (1901-1903)
Phò Càđuột là một nông dân sinh trưởng ở bản Khanthachan, huyện Khanthaburi, tỉnh Xavanakhẹt cũng như nhân dân Lào ở khắp nơi đều bị thực dân Pháp bóc lột dã man. Họ phải đi phu, đóng thuế lao dịch nặng nề, tinh thần dân tộc bị xúc phạm, nên khi Phò Càđuột ra lời kêu gọi, nhân dân Lào đã đứng dậy chống Pháp. Mùa xuân 1902 cuộc khởi nghĩa đã phát triển mạnh mẽ ở vùng đồng bằng Xavanakhẹt và tiến xuống Xoỏngkhôn.
Sau khi đánh chiếm Xoỏngkhôn, quân khởi nghĩa phát triển đông thêm. Thừa thắng, nghĩa quân tiến về giải phóng Xavanakhẹt sáng ngày 19-4-1902, bao vây thị xã, tấn công tòa sứ và đồn lính. Những người khởi nghĩa đã cắt đứt đường dây liên lạc giữa Xavanakhẹt và Viêngchăn. Tuy vậy bọn thực dân Pháp vẫn nhận được tin, vội điều quân chính quy do tên quan ba chỉ huy từ Nam kỳ lên. Thực dân Pháp đã đàn áp nghĩa quân Xavanakhẹt một cách dã man. Chúng xả súng bắn vào đám biểu tình, giết hơn 200 người.
Sau khi mất địa bàn hoạt động ở vùng đồng bằng Xêbanghiên, nghĩa quân kéo sang hoạt động tại vùng Xêpôn trên đường số 9, ở vùng biên giới Lào-Việt. Cuối cùng, Phò Càđuột cùng các chiến hữu về hoạt động ở căn cứ Huội Longcong vùng Kengcốc. Trong một trận bao vây tấn công của quân Pháp, Phò Càđuột bị bắt và bị sát hại cùng hàng trăm bạn chiến đấu. Cuộc đấu tranh tuy vẫn còn kéo dài thêm một thời gian nữa, nhưng không tránh khỏi thất bại.
2. Cuộc khởi nghĩa của những người anh hùng cao nguyên Bôlôven Ong Kẹo và Kommađam (1901-1937)
Vào cùng thời gian nổi dậy của Phò Càđuột ở Xavanakhẹt thì trên cao nguyên Bôlôven, người Lào Thơng đã tiến hành một cuộc khởi nghĩa khác dưới sự lãnh đạo của Ong Kẹo và Kommađam. Cuộc đấu tranh anh hùng này kéo dài trong suốt 37 năm.
Cao nguyên Bôlôven là một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu rất thuận lợi cho việc chăn nuôi trồng trọt, đặc biệt là trồng cây công nghiệp. Ngay từ đầu, thực dân Pháp đã chú ý tới vùng này. Những đoàn thám hiểm thực dân đã từng đến khảo sát. Chúng phát hiện cao nguyên Bôlôven không những là một vùng đất có giá trị khai thác kinh tế mà đồng thời còn là một mảnh đất có vị trí chiến lược quan trọng nằm giữa biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đã từ lâu, thực dân Pháp muốn đưa giáo sĩ vào để lôi kéo những dân tộc ít người ở đây, nhưng không có kết quả nên phải dùng biện pháp quân sự để thu phục. Năm 1899, chúng lập đồn lính và đại lý ở bản Đon trên bờ sông Xêbốc, ra sức kiểm soát toàn khu vực. Cuộc sống của nhân dân Bôlôven bị xáo trộn. Vốn là vùng cư dân giàu có, ngoài lương thực, nơi đây còn có đậu khấu và gai là những cây công nghiệp có giá trị, có nhiều gia súc, bò lợn. Cuộc sống của nhân dân ở Bôlôven khá đầy đủ, nhưng từ khi thực dân Pháp kéo đến, bọn chúng và tay sai ra sức bóc lột làm cho đời sống nhân dân đói khổ. Các thứ thuế đè nặng lên đầu nhân dân. Chế độ phu phen, tạp dịch làm cho nhân dân điêu đứng. Nạn đói hòành hành, riêng năm 1902 có nhiều nơi số dân bị chết quá nửa. Hai bên bờ sông Huội Padúc đầy những xác xương khô.
Cuối năm 1900 ở Xaravẳn bắt đầu tiến hành những buổi lễ kỳ lạ trên ngọn núi Phukham, và xuất hiện một người tên là My có uy tín trong nhân dân. My là người dân tộc Nghé (một chi của Lào Thơng), sinh ở Chà Bản, huyện Tha Teng, tỉnh Xaravẳn. Sau khi phong trào bùng nổ, nhân dân tặng ông cái tên tôn kính: Ong Kẹo (có nghĩa là viên ngọc). Người bạn chiến đấu và là người có công lớn bên ông là Kommađam đã cùng ông tập hợp lực lượng chuẩn bị đánh Pháp bằng vũ khí thô sơ, dáo mác, súng kíp, nỏ bắn tên độc… Đầu tiên nghĩa quân tập kết ở bản Toọc thuộc huyện Xê Roong.
Ngày 12-4-1901 nghĩa quân tấn công đơn vị lính Pháp đóng ở chùa Tha Teng. 1500 quân khởi nghĩa gồm nhiều tay súng kíp thiện xạ đã vây đánh đơn vị do tên công sứ Rêmi chỉ huy. Sự kiện này như tiếng súng mở đầu cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Nam Lào kéo dài trong 37 năm.
Người Lào Thơng, Lào Lùm cùng toàn thể nhân dân cao nguyên, cả những nhà sư đều làm lễ mừng, mong mỏi thắng lợi của “con người có phúc – Phumibun”.[43] Họ truyền nhau lời chúc tụng thiêng liêng “tống cổ nhanh chóng tất cả người Pháp”.
Bọn thống trị thực dân hoang mang, chúng phải rút khỏi Xaravẳn, Bátxắc để tránh đòn bất ngờ. Cuộc khởi nghĩa như vết dầu loang nhanh chóng. Đầu tháng 7 đã có những cuộc đụng độ khá quyết liệt giữa nghĩa quân và quân Pháp ở bản Khaso và bản Đaxia. Thực dân Pháp điều binh từ Bắc Bộ, Trung Bộ Việt Nam đến tăng cường ở Atôpơ, Xaravẳn và Bátxắc. Ở vùng Bôlôven, thực dân Pháp thiết lập một hệ thống đồn bót trên trục đường quan trọng Thateng, Đaxia để đối phó.
Pháp vội vàng thành lập tại Nam cao nguyên Bôlôven hai binh đoàn đặc biệt. Nghĩa quân chặt cây, lấp đá chặn lối đi về căn cứ Noọngbốc. Quân Pháp phải hành binh đến ba tháng mới về được khu căn cứ.
Chiến thuật của nghĩa quân là đánh du kích, đánh nhanh rút nhanh. Ngày 14-10-1901, quân Pháp bị chặn đánh thiệt hại một số; ngày 3-111901 quân Pháp lại bị phục kích thiệt hại nặng. Chặng đường tiến công vất vả phải đổi bằng máu. Cuối cùng, sau trận giao chiến ác liệt ở bản Xêpiên, quân Pháp mới vào được khu căn cứ Noọngbốc.
Phong trào đấu tranh lan dần đến vùng tả ngạn sông Xêcoong. Nhân dân biên giới LàoViệt bắt tay nhau cùng chống kẻ thù chung. Tháng 51901, nghĩa quân tiến công đồn Konketu, nơi hợp lưu giữa sông Pôcô và Pôxi, đồn biên giới hai nước Việt-Lào. Sáng ngày
29-5-1901, nghĩa quân cải trang tiến vào đồn và nhanh chóng đánh chiếm Konketu. Bị tập kích bất ngờ, binh lính trong đồn không kịp trở tay. Tên đồn trưởng bị thương nặng, quân lính hoang mang vội vàng cáng tên đồn trưởng tháo chạy về Kon Tum Việt Nam.
Năm 1902, nghĩa quân hoạt động mạnh ở Xaravẳn. Những cuộc đụng độ giữa nghĩa quân và quân Pháp xảy ra hàng ngày. Một người chỉ huy nghĩa quân ở Thoong Vải là Ong Prơi đã đánh rất giỏi làm cho quân Pháp lao đao, chúng phải điều động lính khố xanh từ Đaxia, Thateng, Tạcpạc đến.
Vốn tin vào sức mạnh của súng đạn kỹ thuật, thực dân Pháp cho rằng những lực lượng quân sự to lớn của chúng điều động từ khắp Đông Dương về sẽ có thể đánh tan nghĩa quân vào mùa mưa năm 1902. Nhưng chúng đã tính sai, nghĩa quân vốn người dân tộc quen thuộc địa bàn núi rừng, làng bản của họ, lại dùng chiến thuật du kích nên bọn Pháp kbông thể nào tìm được họ, không mở được cuộc càn quét có tính chất quyết định.
Trong năm 1905, nhiều hoạt động quân sự của nghĩa quân lại nổ ra. Ong Kẹo và Kommađam bắt đầu mở những cuộc tiến công mới. Ngày 3011-1905, một đơn vị nghĩa quân tiến đánh vào Noọng Bốckhau trừng trị một số tên phản bội làm tay sai cho địch. Bọn Pháp buộc phải triệu tập một hội nghị quân sự quan trọng tại Xaravẳn vào ngày 4-1-1906 để thảo luận việc đối phó với nghĩa quân. Theo kế hoạch, chúng sẽ tổ chức một lực lượng quân sự lớn, có pháo binh yểm trợ, tấn công vào khu căn cứ của nghĩa quân ở vùng rừng núi tả ngạn sông Xêcoong.
Mùa hạ năm 1906, sau khi đã tập trung binh lực lớn, quân Pháp liền đánh mạnh vào căn cứ địa. Anh hùng nghĩa quân Ong Prơi ở Phu Kête buộc phải vượt sông Mê Công lánh sang Xiêm. Bọn tay sai ở Xiêm đã bắt ông trao cho thực dân Pháp. Chúng xử tử Ong Prơi năm 1908.
Nghĩa quân bị phiêu tán, năm 1907, sau khi phải rời căn cứ địa, lực lượng suy yếu nên không có những trận đánh lớn. Các lãnh tụ nghĩa quân lo củng cố lại lực lượng. Ong Kẹo tranh thủ mua vũ khí từ Xiêm về. Lực lượng nghĩa quân tuy đã yếu đi, nhưng thực dân Pháp không có cách gì để làm tan rã hoàn toàn nghĩa quân. Ong Kẹo và Kommađam vẫn được nhân dân che chở, Pháp khó lòng tiêu diệt được, nên chúng phải dùng kế lừa dối.
Công sứ Pháp Phenle giả thương lượng mời Ong Kẹo và Kommađam đến đàm phán ngừng chiến, hứa sẽ đáp ứng yêu cầu của nghĩa quân. Cuộc chiến tranh kéo dài làm một số lãnh tụ nghĩa quân mệt mỏi muốn đàm phán hòa bình; một số người khác ngây thơ tin vào sự đàm phán. Riêng Kommađam không đồng ý đàm phán vì không tin vào thiện chí của kẻ thù. Nhưng Ong Kẹo quyết định sẽ đến dự cuộc tiếp xúc với chúng ở chùa Xaravẳn.
Theo quy định, hai bên không ai được mang vũ khí vào cuộc họp. Hai bên khám xét lẫn nhau trước khi vào họp và trong phòng chỉ có công sứ Phenle và Ong Kẹo.
Bọn thực dân Pháp quỷ quyệt lợi dụng phong tục của dân tộc Lào Thơng là cấm sờ vào đầu người khác, tên công sứ Phenle đã giấu khẩu súng lục trong chiếc mũ nồi đang đội trên đầu. Sau khi làm xong thủ tục khám xét, trong phòng đàm phán chỉ còn Phenle và Ong Kẹo, y đã rút súng bắn chết Ong Kẹo. Ông hy sinh ngày 13-10-1907.
Sau khi Ong Kẹo bị hãm hại, nghĩa quân xiết chặt hàng ngũ xung quanh Kommađam.
Kommađam là lãnh tụ, có tài về quân sự, chính trị và có đầu óc tổ chức. Năm 13 tuổi, ông bị giặc Pháp bắt giam tại nhà lao Mường May. Chính trong nhà tù ông đã học đọc, học viết. Thoát khỏi nhà tù, ông theo Ong Kẹo và trở thành lãnh tụ số 2 của nghĩa quân sau Ong Kẹo.
Là người có đầu óc tổ chức, ông chú ý đến dân tộc Lào Thơng ở khắp nơi, tìm đủ mọi cách nhóm lên nhiều cuộc khởi nghĩa để chia nhỏ lực lượng kẻ thù. Ông không chỉ thấy phong trào ở Bôlôven mà nhìn rộng toàn đất nước, không chỉ thấy phong trào của dân tộc Lào Thơng mà còn động viên tinh thần đấu tranh yêu nước của dân tộc Lào Lùm và các dân tộc anh em khác ở Pắcxế, Bátxắc, Xaravẳn, Atôpơ, Xiphanđon.
Kommađam phát đi lời kêu gọi nhân dân thuộc các dân tộc đoàn kết chống thực dân Pháp bằng mọi biện pháp: không nộp thuế, không đi lính, không đi phu. Để công tác tuyên truyền giáo dục dân tộc một cách có hiệu quả, Kommađam đã cải tiến chữ “Khoọm” thành chữ riêng của dân tộc Lào Thơng.
Để chiến đấu lâu dài và có hiệu quả, Kommađam thiết lập nhiều căn cứ dọc sông Xêcatăng, mở lò rèn súng kíp, nấu lấy thuốc súng, khai thác chì đúc đạn.
Sau khi Ong Kẹo bị hãm hại, bọn thực dân Pháp tập trung một binh đoàn càn quét khu căn cứ, hy vọng sẽ dẹp tan hoàn toàn lực lượng nghĩa quân. Nhưng nghĩa quân dưới sự chỉ huy tài tình của Kommađam đã phục kích đánh tan binh đoàn càn quét của thực dân Pháp. Nghĩa quân không ngừng hoạt động ở Xaravẳn, Pắcxế, Bátxắc. Thực dân Pháp không bình định nổi, chúng gọi căn cứ nghĩa quân là “khu vực không chịu thuần phục” ở Nam Lào.
Cuộc đấu tranh của Kommađam lãnh đạo ngày càng phát triển và có căn cứ vững chắc ở vùng núi Phù Luổng Đông bắc Bôlôven. Nhân dân Lào yêu quý ông, coi ông như “Lãnh tụ của nhân dân”. Những chậu mường phản bội đều bị trừng trị. Tháng 7-1934 một chậu mường ở gần Phù Luổng làm tay sai cho Pháp đã phải đền tội.
Năm 1936, thực dân Pháp quyết tâm huy động một lực lượng lớn có không quân 5 tiểu đoàn bộ binh, 200 thớt voi, nhiều đơn vị kỵ binh mở cuộc tấn công Phù Luổng. Nhờ có một tên phản bội chỉ đường, bọn thực dân đã vào được tận bản doanh của Kommađam và đã giết hại ông trong một trận đánh tháng 9 năm 1936. Ba người con của Kommađam vẫn tiếp tục chiến đấu cho mãi đến tháng 7 năm 1937 mới bị bắt.
3. Cuộc khởi nghĩa của Chậu Pachay 1918-1922
Cuộc khởi nghĩa nổ ra trên một vùng rộng lớn gồm phần Bắc Lào và nhiều tỉnh Tây Bắc Việt Nam, lôi cuốn hầu hết những người thuộc dân tộc Mèo các tỉnh này tham gia.
Người Mèo sống trên lãnh thổ Lào là người Lào Xủng, có chừng 10 đến 15 vạn người. Địa bàn cư trú của họ là vùng Bắc Lào, đặc biệt là Xiêng Khoảng và Luông Phabăng. Đặc tính của dân tộc này là thiện chiến, sống trung thực, ưa giao du kết nghĩa, thích tự do và có tinh thần độc lập rất cao.
Mâu thuẫn giữa thực dân Pháp với dân tộc Lào Xủng là hậu quả của chính sách thống trị tàn bạo và vơ vét thuốc phiện. Bất kể người Lào Xủng nào cũng đều phải nộp 2kg thuốc phiện trong một năm, dù hút hay không, có trồng hay không. Lại thêm phu phen tạp dịch, thuế khóa nặng nề khác làm người Lào Xủng nổi dậy. Đầu thế kỷ XX, những cuộc vận động chống đối của cư dân dân tộc Lào Xủng đã dần dần hình thành.
Pachay một người đứng đầu bản Lào Xủng ở Mường Sơn tỉnh Sầm Nưa nhận thức được sự bóc lột tàn bạo của bọn Pháp đã lãnh đạo nhân dân nổi lên chống đối. Là người có tài tổ chức, biết vận động kết hợp tình cảm dân tộc với lòng yêu nước, yêu độc lập tự do, ông đã tập hợp người Lào Xủng, người Mẹo Tây bắc trên một địa bàn rộng lớn.
Cuộc đấu tranh đầu tiên nổ ra vào cuối năm 1918 ở vùng biên giới Việt-Lào. Cuộc chiến đấu của dân tộc ít người này đã mang tính chất liên minh giữa hai dân tộc Việt-Lào trong mối quan hệ đặc biệt. Cùng chung tộc người, cùng chung kẻ thù, một dải đất cư trú nối liền làm cho cuộc đấu tranh này thành cuộc đấu tranh có ý nghĩa sâu xa.
Ngày 4-12-1918 nghĩa quân đã đánh trận phục kích đoàn xe Pháp ở bản Nậm Ngan. Ngày 12, Pháp tung lực lượng tấn công vào khu căn cứ của nghĩa quân, Pachay phải rút lui về vùng rừng núi Sơn La. Tên quan ba Pháp là Gôchiê cho quân truy kích, nhưng bị nghĩa quân đánh cho thiệt hại ở Bản Lan và Xuân Yên. Chính trong thời kỳ này, các cuộc khởi nghĩa của người Lào Xủng và cả các dân tộc khác ở vùng Bắc Lào và Tây bắc Việt Nam đã bùng nổ. Nhiều cuộc đụng độ giữa nghĩa quân và quân đội thực dân luôn luôn xảy ra. Một số quân Pháp bị giết và bị thương. Tên quan ba Gôchiê bị chết trong một trận phục kích.
Mùa hè năm 1919, cuộc đấu tranh thực sự đã lan khắp vùng Tây bắc và Đông bắc Lào, vùng Nậm U, Sầm Nưa, Xiêng Khoảng. Vùng rừng núi hiểm trở có diện tích khoảng 4 vạn km2 thành mảnh đất hoạt động của nghĩa quân. Việc điều binh của Pháp gặp nhiều khó khăn và chiến đấu càng vất vả.
Mùa thu năm 1919, tên công sứ Pháp ở Luông Phabăng mở chiến dịch càn quét vào khu căn cứ Xênôphôn ở vùng thượng Nậm U. Nghĩa quân đã đánh tan cuộc càn quét này, tên quan hai Đixtăngti bị chết, số binh lính thiệt hại khá nhiều. Ngày 21-9-1919, bọn chúng phải bỏ dở cuộc càn quét.
Trong lúc quân Pháp còn đang hoang mang trước thất bại hồi tháng 9-1919, nghĩa quân bất ngờ tiến công đồn Mường Hợp gần biên giới ViệtLào. Pháp phải điều quân cứu viện từ Mường Ngói Hát Xa đến. Sau hơn 4 ngày bị vây và một bộ phận bị tiêu diệt, quân Pháp đóng ở Mường Hợp mới thoát khỏi vòng vây và rút về Hát Sa ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng. Phong trào lan sang đến biên giới Lào-Xiêm. Bọn Pháp đã phải kêu lên là cuộc khởi nghĩa đã lôi cuốn tất cả người Mẹo trên vùng Thượng Lào.
Cuộc đàn áp, vây ép nghĩa quân ngày càng gặp khó khăn, thực dân Pháp thấy rõ chinh phục quân sự không thể mang lại kết quả được, nên dùng các chính sách kết hợp chính trị và quân sự để trấn áp phong trào đấu tranh của nhân dân Lào. Về phía nghĩa quân, Pachay đã ra sức củng cố căn cứ. Ông trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng lực lượng ở khu trung tâm vùng Xốp Xang, Mường Sơn; các căn cứ Phù Loi, Phù Phan Trung, các căn cứ ở Sầm Nưa, Xiêng Khoảng, Luông Phabăng đều ở trong thời kỳ củng cố tổ chức.
Năm 1920, cuộc chiến giữa giặc Pháp với nghĩa quân Pachay đã xảy ra ở vùng núi Phù Loi, vùng bản Phù Teng, Pha Xa và bản Tao Tang.
Cuối năm 1920, nghĩa quân lại hoạt động mạnh, bọn tướng tá Pháp tập trung một lực lượng lớn để tiêu diệt hoàn toàn cuộc khởi nghĩa của Pachay. Tất cả lực lượng quân sự vùng Luông Phabăng, Xiêng Khoảng, Mường Hợp đều được điều động để tấn công căn cứ nghĩa quân ở Phù Chomchích, Phù Chomchạng với hy vọng bắt sống Pachay và bộ phận đầu não nghĩa quân.
Ngày 20-12-1920 quân Pháp tấn công vùng quan trọng nhất là quán Lào ván, nơi chúng nghi là bản doanh của Pachay. Đồng thời chúng cũng tiến công mạnh các căn cứ Nậm Hợp, Nậm Bông, Phia Chàm, Bản Pachay, Bản Lào Kú v.v… ở căn cứ Phia Chàm, quân Pháp đánh nhau với nghĩa quân suốt trong 4 ngày 22-23-24-25 tháng 12 năm 1920.
Suốt thời gian từ cuối năm 1920 đến đầu năm 1921 chính sách phá hoại của Pháp đã làm tổn thất rất lớn cho nhân dân và gây khó khăn thực sự cho nghĩa quân. Nhưng nghĩa quân vẫn chiến đấu ngoan cường, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Tuy vậy, nghĩa quân bị yếu dần, nhiều căn cứ bị mất, súng đạn lương thực thiếu thốn, lại thêm bọn Pháp tập trung truy lùng ráo riết. Sau trận chiến đấu ác liệt ngày 9-1-1921 ở Lào Kú, nghĩa quân bỏ căn cứ rút sâu vào rừng núi.
Pachay và các thủ lĩnh nghĩa quân mặc dù bị xé lẻ vẫn tiếp tục chiến đấu; song tình thế đã không thể xoay chuyển. Cuối năm 1922, Pachay bị sát hại do âm mưu cho tay sai làm nội gián của kẻ thù. Sau khi Pachay mất, cuộc khởi nghĩa bị tan dần.
Cuộc khởi nghĩa có ý nghĩa lịch sử phản ánh tính chất liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc Lào-Việt một cách tự phát đã kết thúc. Tuy vậy cuộc đấu tranh giải phóng lâu dài của hai dân tộc trong thời kỳ cận đại lại chỉ mới bắt đầu, nó sẽ còn tiếp diễn cho đến ngày thắng lợi.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục