Trang chủ Nông nghiệp Kỹ thuật lúa cấy (cấy lúa)

Kỹ thuật lúa cấy (cấy lúa)

by Ngo Thinh
217 views

Tập quán sản xuất lúa ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long là sạ, ít khi cấy lúa. Người ta thường chỉ cấy lúa mùa địa phương và cấy lúa cải tiến để làm giống, mặc dù lúa cấy có những ưu điểm như:

Thời gian chiếm đất ngắn hơn (vì không mất đất của thời gian mạ), nên dễ dàng làm được nhiều vụ trong một năm.

Ruộng mạ chỉ cần trên diện tích nhỏ, bởi vậy có điều kiện chăm sóc mạ tốt hơn.

Lúa cấy dễ đảm bảo độ đồng đều, chủ động về mật độ, chống được cỏ dại, chống được chua, phèn, mặn và tiết kiệm được lúa giống.

Ngày nay trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng, đã và đang áp dụng máy cấy lúa, nên năng suất lao động cấy lúa bằng máy rất cao. Chính vì vậy, một số vùng sản xuất lúa có điều kiện đã và đang áp dụng phương thức cấy trong sản xuất lúa. Lúa cấy bao gồm các khâu như sau:

1. Làm đất gieo mạ

Mạ là thời gian từ khi gieo hạt lúa đến khi mang ra ruộng cấy được. Cơ sở kỹ thuật cho lúa cấy có năng suất cao là phải có mạ tốt. Nông dân Trung Quốc cho rằng: “Mạ tốt quyết định một nửa năng suất lúa”. Nông dân Việt Nam cũng có kinh nghiệm: “Tốt mạ tốt lúa”. Thời gian sinh trưởng ở ruộng mạ không dài nhưng lại có ý nghĩa quyết định đến sinh trưởng và năng suất lúa sau này. Để có mạ tốt, tùy theo điều kiện sản xuất, đất đai, thời tiết, … có thể làm mạ bằng nhiều phương pháp khác nhau:

a. Mạ nước:

Ruộng mạ phải chọn loại đất thịt nhẹ, độ phì khá, giữ nước, xới, trục bằng phẳng, lên luống gieo hạt đã nảy mầm, giữ ẩm thời kỳ đầu, sau đó mới tưới nước và chăm sóc mạ cho đến lúc cấy. Các bước của gieo mạ nước:

+ Chuẩn bị hạt giống và xử lý trước khi gieo: Kỹ thuật làm mạ nước cũng như các loại mạ khác đều phải qua bước chuẩn bị và xử lý hạt giống. Bước này nhằm xúc tiến hạt nảy mầm, ra rễ trước khi gieo. Hạt giống cần được chọn lọc kỹ, không lẫn tạp, thử tỷ lệ nảy mầm (tỷ lệ nảy mầm đạt trên 90%) và không có mầm mống sâu bệnh. Các khâu chuẩn bị hạt giống gồm:

> Phơi lại hạt giống: Phơi lại hạt giống có tác dụng làm cho hạt giống hút nước nhanh, xúc tiến hoạt động của hệ thống men tăng khả năng nảy mầm. Hạt giống cần phơi lại từ 6 ÷ 8 giờ, không phơi trực tiếp trên nền sân gạch hay xi măng lúc nắng gắt có nhiệt độ > 37o

> Chọn hạt tốt, loại hạt lép lửng: Loại hạt lép lửng bằng cách dùng quạt, rê gió, máy thổi, hoặc bằng nước sình, nước muối… Tỷ trọng của dung dịch nước sình, nước muối tùy theo giống lúa, các giống hạt dài với d = 1,08; các giống hạt tròn với d = 1,13. Có thể dùng trứng gà tươi thả vào để thử tỷ trọng dung dịch, thao tác cần làm nhanh, vớt ngay các hạt nổi bỏ đi, chỉ dùng những tốt là hạt chìm. Sau khi đã có được hạt lúa giống tốt, cần phải xử lý hạt.

> Xử lý hạt

Xử lý hạt bằng nước nóng 54oC: Nước nóng 54oC (để có nước nóng 54oC pha tỷ lệ 3 sôi 2 lạnh), trước khi xử lý ngâm hạt vào nước 24 tiếng đồng hồ, sau đó đưa vào nước nóng 45 ÷47oC trong 5 phút và sau cùng là nước nóng 540C trong vòng 10 phút. Phương pháp này đơn giản, ngoài tác dụng trừ nấm bệnh còn giúp cho hạt hút nước nhanh, hạt mau nảy mầm.

Xử lý hạt bằng axit: Dùng axit Nitơric (HNO3), nồng độ 0,2% (100ml dung dịch dùng cho 120 ÷ 140 kg hạt giống). Khi pha, dùng dụng cụ lấy đủ lượng nước cần dùng rồi đổ axit vô nước từ từ, khuấy đều rồi mới đổ hạt lúa giống vô ngâm khoảng 24 tiếng đồng hồ.

+ Ngâm lúa giống

Hạt lúa giống trước khi đem ủ cần phải ngâm cho hạt hút no nước (1 thể tích hạt giống cần ngâm trong 3 thể tích nước). Tùy điều kiện thời tiết, nhiệt độ và tình trạng hạt giống mà thời gian ngâm hạt có khác nhau. Vụ Đông – Xuân ngâm hạt giống từ 30 ÷ 36 giờ. Vụ Hè – Thu ngâm hạt giống trong 24 ÷ 30 giờ, sau khi ngâm xong rửa thật sạch nước chua, để hạt giống chảy hết nước thì đem ủ.

+ Ủ hạt lúa giống

Trong quá trình ủ, hạt hô hấp, nhiệt lượng tỏa ra kích thích quá trình hoạt động của phôi, xúc tiến quá trình nảy mầm. Nếu hạt giống nhiều thì ủ thành đống. Đổ hạt xuống nền thành đống rộng 1 ÷ 1,2m. Cao 30 ÷ 40cm, trên phủ lớp cao su (tấm đậy) rồi tủ rơm, rạ, Nếu lượng

giống ít có thể ủ trong bao. Sau ủ 10 ÷ 12 giờ, trộn thuốc bảo vệ thực vật như regent 2 gói 1,6g cho 10 kg lúa giống hay Hai lúa đỏ chai 250 cc cho 50 kg lúa giống, trộn xong lại ủ tiếp. Trộn thuốc bảo vệ thực vật như vậy sẽ có tác dụng ngừa sâu bệnh cho cây mạ, đồng thời trong thuốc có chất dưỡng cây mạ làm cho cây mạ khỏe. Trong quá trình ủ cần thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ phù hợp và đảo hạt giống để mầm nảy đều. Khi hạt nẩy mầm đạt yêu cầu thì đem gieo (thông thường ủ 2 đêm, một ngày hay 2 ngày, 2 đêm).

+ Chuẩn bị ruộng mạ và gieo hạt

  • Chọn đất: Đất mạ cần chọn những chân ruộng cao, chủ động tưới tiêu. Thành phần cơ giới nhẹ (đất cát pha hoặc thịt nhẹ). Nên chọn các ruộng đã gieo mạ trước đó: “mạ đất quen”.
  • Làm đất: Đất mạ được làm cho nhuyễn, phẳng, sạch cỏ. Nếu đất chua có thể bón từ 40 ÷ 50 kg vôi, 1000 kg phân chuồng, 2 ÷ 2,5 kg N, 3 ÷ 3,5 kg lân và 3 ÷ 3,5 kg kali cho 1000m2 ruộng mạ. Lên luống rộng 1,2 ÷ 1,5m, luống cách luống rộng 25 ÷ 30cm, mặt luống phẳng và không đọng nước. Đất không chua thì không cần bón vôi.
  • Mật độ: Lượng mạ để cấy đủ 1 ha ruộng cần gieo như sau: Nếu cấy lúa giống thì gieo từ 30 ÷ 35 kg/500m2 ; Nếu cấy lúa hàng hóa thì gieo từ 50 ÷ 60 kg/700m2
  • Kỹ thuật gieo: Gieo đều trên mặt luống, gieo xong nên phủ một lớp tro để vừa có tác dụng lấp hạt vừa có tác dụng khi cấy dễ nhổ mạ.

+ Chăm sóc quản lý ruộng mạ

  • Nước: Quản lý nước là khâu quan trọng nhất đối với ruộng mạ. Thời kỳ từ sau gieo đến 3 lá, mặt luống cần giữ ẩm, tạo điều kiện cho rễ mạ phát triển thuận lợi và xúc tiến quá trình phân giải của phôi nhũ. Thời kỳ mạ khỏe (từ 4 lá đến nhổ cấy), nên để nước ngập mặt luống mạ cho đất mềm sẽ dễ nhổ mạ.
  • Phân bón: Phân thúc cho mạ quan trọng nhất vào thời kỳ 3 ÷ 4 lá, đó là thời kỳ cây mạ chuyển sang sống tự lập. Bón 5 kg urea cho 1000m2 ruộng mạ. Đến trước khi nhổ cấy 3 ÷ 5 ngày bón 5 kg urê cho 1000m2 ruộng mạ gọi là bón tiễn chân cho mạ, giúp cây mạ ra rễ mới, để cấy xuống chóng bén chân. Nếu mạ đã tốt, không cần bón thúc cho mạ.
  • Sâu bệnh: Cần xử lý giống đầy đủ trước khi ngâm ủ để diệt trừ nguồn bệnh. Quan sát trong ruộng mạ từ gieo cho đến cấy, nếu có sâu bệnh cần phải phòng trừ ngay. Trước nhổ cấy, nên xịt phòng trừ sâu bệnh, vừa đỡ tốn công, vừa bảo đảm không để sâu bệnh lây lan sang ruộng cấy.

b. Mạ khô:

Làm đất khô, gieo sâu từ 2 ÷ 3cm rồi lấp hạt hay gieo trên mặt luống đất đã được chuẩn bị kỹ, đất tơi nhỏ, bằng phẳng, gieo hạt, lấp một lớp đất bột mỏng, rồi tưới đủ ẩm cho mạ mọc. Mạ gieo kiểu này, cây mạ cứng, đẹp, lúc cấy mau bén rễ, hồi

c. Mạ nổi:

Dùng vật liệu kết bè để nổi lên trên mặt nước, sau đó để một lớp sình mềm trên bè rồi gieo hạt hoặc phủ một lớp xơ dừa, gieo hạt xong lại phủ một lớp xơ dừa nữa lên trên, tưới đủ ẩm để mạ mọc. Sau này nhổ mạ rất dễ, chỉ việc túm nắm mạ rồi rũ sạch xơ dừa là

d. Mạ sân (mạ nền) hay làm mạ trên nền đất cứng ở bờ mương, ven đường:

Chuẩn bị vật liệu: Chọn đất khô có thành phần cơ giới nhẹ, đập nhỏ và sàng loại bỏ cục to trước khi trộn đều với phân bón theo tỷ lệ 1m3 đất + 20,0kg phân hữu cơ hoai mục + 0,25kg Urê + 4,0kg Super lân + 0,25kg Clorua kali. Có thể sử dụng sình hay vụn xơ dừa thay đất khô để làm nền, tỷ lệ trộn phân bón như với đất khô.

Làm nền và gieo mạ: Chọn sân phơi hoặc khu đất bằng phẳng, đủ ánh sáng, khuất gió, thoát nước, lót một lớp nylon để giữ ẩm và tránh rễ mạ ăn xuống đất. Đổ và san đều vật liệu đã trộn phân bón lên thành luống rộng 1,0 ÷ 2,0m, dày 3 ÷ 4cm, gieo 400 ÷ 500g lúa giống trên 1m2, để lại 1/5 lượng vật liệu phủ lên giống sau khi

Chăm sóc: Thường xuyên tưới nước giữ ẩm hàng ngày.

Sau gieo mạ 9 ÷ 13 ngày tuổi cấy là thích hợp nhất. Khi cấy cuộn từng ô mạ, vận chuyển tới ruộng cấy, không phải nhổ mạ.

2. Chuẩn bị ruộng cấy

– Đất trồng lúa và kỹ thuật làm đất:

+ Đối với đất ngập nước, sình mềm: Thường vụ Đông – Xuân, đất bị ngập nước, rút nước đi rồi trục để cấy. Trước mùa nước, xịt cỏ khai hoang trên bờ, trục dập gốc rạ của vụ trước, sau 2 ÷ 3 tháng hết mùa nước, chỉ việc rút nước rồi vệ sinh cỏ dại là có thể cấy được.

+ Đối với đất khô: Nếu nơi cấy 2 ÷ 3 vụ lúa/năm, hay làm đất để cấy lúa Hè – Thu, người ta phải cày hoặc xới ruộng, sau đó trục nhuyễn rồi cấy. Trước khi cấy, dọn sạch cỏ dại ở ruộng và xung quanh bờ để tránh cỏ dại phát triển làm nơi trú ngụ của mầm mống sâu bệnh.

– Bón lót:

Nếu có phân chuồng thì bón lót: 10 ÷ 12 tấn phân chuồng + 10kg N + 40kg P/1 ha; Không có phân chuồng thì bón lót: 20kg N + 40kg P/1 ha

3. Mật độ cấy

Mật độ cấy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đẻ nhánh và hình thành số bông, yếu tố quan trọng nhất của năng suất. Muốn xác định mật độ cấy cần dựa vào Giống lúa; Thời vụ; Đất đai; Dinh dưỡng; Tuổi mạ; Chất lượng mạ; Trình độ thâm canh và Mục đích sản xuất. Mật độ cấy được xác định bằng số bông cơ bản trên đơn vị diện tích:

Số bông cơ bản/m2 = Số khóm/m2 x Số bông/khóm

Các mật độ tham khảo:

Cấy 1 cây mạ (dảnh mạ, tép mạ)/khóm (bụi): cấy 60 ÷ 80 cây mạ (dảnh mạ)/m2 cấy nhân giống; 25 cây mạ/m2 cấy so sánh; 20 cây mạ/m2 cấy chọn dòng; 10 cây mạ/m2 cấy chọn dòng lúa mùa địa phương, đều cấy một cây mạ/khóm.

Cấy lúa hàng hóa, cấy 50 ÷ 60 cây mạ/m2 và cấy 2 ÷ 3 cây mạ/khóm.

4. Cách cấy

Cấy cạn (nông tay) 2 ÷ 3cm, cây lúa mau bén rễ, đẻ nhánh thuận lợi. Cấy ngửa tay thì dễ cấy cạn. Trong khi cấy, cứ 5 ÷ 10m cấy một nắm mạ để dặm.

5. Chăm sóc

– Dặm:

Chỗ nào mất khoảng thì lấy những nắm mạ dâm lúc cấy để cấy dặm, nhằm đảm bảo mật độ, không để đất trống, cỏ dại sẽ phát triển.

– Làm cỏ sục bùn:

Trong thời kỳ lúa bắt đầu đẻ nhánh, ngoài việc bón thúc cần kết hợp làm cỏ sục bùn nhằm:

+ Diệt cỏ dại

+ Vùi phân, tránh mất đạm

+ Tăng nguồn cung cấp ôxy, giúp cho bộ rễ và vi sinh vật đất hoạt động tốt

+ Làm đứt rễ già, kích thích ra rễ mới

Thời gian làm cỏ: Tập trung vào thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu. Tùy theo tình hình cỏ dại có thể làm cỏ từ 1 ÷ 2 lần. Thường làm cỏ sau khi bón thúc nhánh. Cần kết thúc trước khi lúa bước vào thời kỳ làm đòng.

Có thể làm cỏ bằng tay hay dụng cụ chuyên dùng, tránh làm ảnh hưởng đến gốc lúa. Có thể dùng thuốc trừ cỏ. Thông thường, lúa cấy nếu được làm đất và chăm sóc đúng kỹ thuật thì rất ít hoặc không có cỏ, nên không cần dùng đến thuốc trừ cỏ.

– Điều chỉnh nước

Chế độ tưới nước cũng ảnh hưởng lớn đến đẻ nhánh và sinh trưởng của ruộng lúa. Ngoài vai trò sinh lý đối với cây, nước còn ảnh hưởng đến điều kiện tiểu khí hậu trong ruộng lúa như điều tiết nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng, ôxy. Do vậy cần thiết có chế độ tưới thích hợp. Cần dựa vào sinh trưởng của cây, đặc điểm của đất và thời tiết để tiến hành chế độ tưới như sau: Sau cấy, giữ lớp nước săm sắp mặt ruộng. Bước vào thời kỳ đẻ nhánh hữu hiệu, giữ mực nước 3 ÷ 5 cm, thuận lợi cho quá trình đẻ nhánh. Thời kỳ cuối đẻ nhánh có thể tưới sâu 20cm để khống chế đẻ nhánh vô hiệu. Nếu lúa tốt, sinh trưởng mạnh, thì nên rút nước phơi ruộng, hạn chế dinh dưỡng, cũng có tác dụng làm giảm đẻ nhánh vô hiệu. Từ thời kỳ làm đòng đến trỗ bông, vào chắc giữ lớp nước 5 ÷ 10 cm. Nếu ruộng tốt chỉ đủ ẩm bão hòa. Sau thời kỳ chín sữa, có thể rút nước, lúa tiếp tục vào chắc, ruộng khô, thuận lợi cho quá trình thu hoạch.

Trường hợp ruộng lúa xấu hay trên chân ruộng chua, mặn, phèn phải luôn luôn duy trì nước vừa phải. Nếu tưới sâu lúa đẻ nhánh kém, độ ẩm trong ruộng cao, dễ phát sinh sâu bệnh. Ngược lại, nếu để mất nước, đất bốc phèn, mặn sẽ có hại cho lúa. Ngoài ra chế độ tưới nước (giữ nước) cho ruộng lúa còn phụ thuộc vào chế độ thủy lợi và thời tiết. Mùa khô dễ điều chỉnh nước hơn so với mùa mưa.

– Phòng chống lốp đổ:

Trong việc quản lý, chăm sóc cũng cần quan tâm đến việc phòng chống lốp đổ. Ở thời kỳ sinh trưởng dinh dưỡng, cây lúa đẻ nhánh, ra lá mạnh, nếu bón phân nhiều, nhất là phân đạm dễ làm cho ruộng lúa bị lốp. Ruộng lúa bị lốp là do thừa dinh dưỡng đạm, tỷ lệ C/N trong cây giảm, thân lá vươn dài, yếu ớt. Lúa lốp còn do tưới nước nhiều, mật độ dày, thân lá vươn lên do cạnh tranh ánh sáng. Đến thời kỳ trỗ bông, làm hạt, dẫn đến trọng lượng phần hạt tăng, phần gốc giảm, do đó khi gặp gió to hoặc mưa bão, có thể làm lúa đổ. Ruộng lốp đổ, tán lá che khuất lẫn nhau, quá trình vận chuyển chất từ thân lá về bông hạt bị trở ngại, nên tỉ lệ hạt lép, lửng tăng, trọng lượng hạt giảm, dễ phát sinh sâu bệnh, nên ảnh hưởng rõ rệt đến năng suất. Để phòng chống lốp đổ có thể sử dụng các biện pháp như: Chọn giống thấp cây, có khả năng chịu đạm; Mật độ cấy hợp lý; Bón phân cân đối hợp lý.

– Hạn chế hạt lép, nâng cao trọng lượng hạt:

Thời kỳ từ trỗ đến chín là thời kỳ quyết định trực tiếp đến tỷ lệ hạt lép và trọng lượng hạt, do đó cũng ảnh hưởng đến năng suất lúa, do đó cũng ảnh hưởng đến năng suất lúa, … Hạt lép có nhưng nguyên nhân sau:

+ Tính di truyền của giống: Trong cùng điều kiện ngoại cảnh những giống nào có tính chống chịu kém vào thời kỳ ra hoa thường có tỷ lệ lép cao. Trong công tác chọn tạo giống cần chú ý đến khả năng chống chịu các điều kiện bất thuận. Có thể sử dụng nguồn gen của các giống địa phương có tính thích ứng cao để nâng cao khả năng này.

+ Phòng chống hiện tượng lúa trỗ nghẹn (bao đòng). Lúa trỗ nghẹn do những lóng trên cùng không phát triển bình thường làm cho cổ bông không thoát khỏi bẹ lá đòng. Những gié ở hạt và gốc bông bị bao bởi bẹ lá đòng, do đó không thể tiến hành nở hoa thụ phấn được nên dẫn đến hạt lép. Lúa bị trỗ nghẹn do các nguyên nhân:

  • Bị hạn hoặc gặp mưa gió lớn lúc trỗ, thiếu dinh dưỡng hoặc do sâu bệnh, … Có thể khắc phục bằng các biện pháp bón phân, tưới nước thời kỳ trước và sau trỗ bông. Quan trọng nhất vẫn là cấy đúng thời vụ để lúa trỗ vào thời kỳ thích hợp.
  • Về nguyên nhân sinh lý: Hạt lép do hạt phấn mất sức nảy mầm, thời kỳ giảm nhiễm tế bào mẹ hạt phấn không tiến hành phân chia thuận lợi nên hạt phấn không hình thành đầy đủ, nhị và nhụy không phát triển hoàn toàn, … Phải chú ý tới thời vụ gieo cấy để lúa làm đòng, ra hoa vào thời gian thích hợp. Vụ Hè – Thu và Thu Đông, nếu lúa trỗ gặp mưa gió lớn, hạt phấn mất sức nảy mầm cũng làm tăng tỷ lệ lép.

+ Nâng cao trọng lượng hạt: Hạt vào chắc không đầy đủ gọi là hạt lửng. Hạt lửng làm trọng lượng hạt giảm. Trọng lượng hạt do 2 yếu tố cấu thành là trọng lượng vỏ trấu và trọng lượng hạt gạo. Muốn tăng trọng lượng hạt phải tác động vào cả 2 yếu tố này:

  • Kích thước và trọng lượng vỏ trấu: Kích thước và trọng lượng vỏ trấu tăng mạnh nhất từ bước 6 đến trỗ bông. Sau trỗ, trọng lượng vỏ trấu ít thay đổi. Bón phân đón đòng hoặc nuôi đòng giúp cho vỏ trấu phát triển tốt.
  • Kích thước và trọng lượng hạt gạo: Kích thước và trọng lượng hạt gạo tăng mạnh nhất từ trỗ bông đến chín sữa. Quá trình tăng trọng lượng hạt gạo phụ thuộc 2 nguồn: sản phẩm quang hợp sau trỗ và vật chất tích luỹ từ thân, lá, bẹ, vận chuyển về hạt. Tỷ lệ hai nguồn này phụ thuộc vào giống, thời kỳ chín, điều kiện ngoại cảnh và kỹ thuật canh tác. Muốn quang hợp tốt cần đủ ánh sáng, duy trì lá xanh, kéo dài tuổi thọ lá, không bị sâu bệnh nhất là những loại sâu bệnh hại lá… Muốn quá trình vận chuyển vật chất về hạt tốt, cần giữ cho lúa không bị đổ sớm. Biên độ chênh lệch ngày đêm lớn (khi chín sữa nhiệt độ thích hợp ban ngày 260C, đêm 200C). Các nước ở 35 ÷ 38 độ vĩ Bắc và Nam thường thời kỳ chín có biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn, thời gian chín kéo dài do vậy nên tỷ lệ lép thấp, trọng lượng hạt cao nên năng suất

– Bón phân:

Lượng phân bón cho lúa phụ thuộc vào các điều kiện đất đai, giống, thời tiết để đưa ra lượng phân bón phù hợp. Trong điều kiện bình thường nhất, người ta thường bón công thức: 100 ÷ 120kg N + 60kg P + 30kgK/ha cho vụ Đông – Xuân, vụ Hè – Thu bón 80kg N + 60kg P + 30kgK/ha.

– Phòng trừ sâu hại:

Tùy giống, tùy điều kiện thời tiết, tùy tình trạng ruộng lúa và mật độ gieo trồng mà thường có một số sâu hại xuất hiện phổ biến trên ruộng lúa như: Rầy nâu, bọ trĩ, sâu đục thân, bọ xít dài và bệnh đạo ôn, bệnh cháy bìa lá, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá. Bởi vậy cần gieo trồng tập trung, mật độ phù hợp, bón phân cân đối áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp để phòng ngừa sâu bệnh hại.

(Nguồn tài liệu: Giáo trình Cây lương thực)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]