Ngày nay trong điện ảnh hiện đại, một bộ phim không thể không có kịch bản điện ảnh. Kịch là cái gốc, là bản thiết kế của bộ phim và phim là công trình hình ảnh.
Các loại phim điện ảnh bao gồm: Phim truyện, phim khoa học, phim hoạt hình, tài liệu.
Yêu cầu về kịch bản điện ảnh
a. Kịch bản phim truyện
Một kịch bản phải hội tụ đầy đủ những yêu cầu sau:
-Thứ nhất, phải có ý tưởng.
-Thứ hai, phải có cốt truyện là lịch sử các mối quan hệ mâu thuẫn được thể hiện qua hành động, có các nhân vật xung đột, va chạm với nhau để bật ra các tình huống khác nhau và thái độ của tác giả trước tình huống đó.
-Thứ ba, phải tạo ra được trạng thái tình cảm.
Kịch bản phải có tính kịch. Đó là động lực để đẩy cốt truyện lên, tính kịch nằm ở ngay trong mâu thuẫn mà mâu thuẫn thì đầy tính kịch.
Kịch bản phim truyện chi tiết đến từng cảnh quay
b. Kịch bản phim hoạt hình:
Cũng giống như kịch bản của phim truyện, những nhân vật không phải là con người thực. Những hình vẽ, con rối, búp bê được nhà làm phim “thổi hồn” và trở thành nhân vật mang tính cách, suy nghĩ như con người. Phim hoạt hình có khả năng dẫn dắt người xem đi đến những thế giới kỳ lạ của những câu chuyện dí dỏm, ngộ nghĩnh, ít thấy ở mảng đời dung tục.
c. Kịch bản phim khoa học
Mục đích của phim khoa học là nhằm nâng cao nhận thức khoa học cho người dân. Kịch bản phim khoa học đơn giản không có hư cấu, không có mâu thuẫn như trong phim, nhằm thể hiện những công trình khoa học một cách đúng đắn nhất. Trong kịch bản, nhất thiết phải nêu rõ người chủ trì và phát minh ra công trình khoa học ấy.
d. Kịch bản phim tài liệu
Phim tài liệu phản ánh người thực việc thực. Phim tài liệu đem đến cho người xem những nhận thức và tư duy xuất phát từ hình ảnh có thực; nó nâng sự kiện lên tầm khái quát bằng hình tượng, phát hiện bản chất có ý nghĩa triết học của hình tượng, sự kiện, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội của hiện tượng. Đối tượng của phim tài liệu là con người, sự kiện, sự việc có thật trong đời sống.
Do những đặc điểm trên nên kịch bản phim tài liệu không giống như phim truyện, không có hư cấu và không có gợi ý diễn xuất dàn dựng. Kịch bản phim tài liệu bao gồm kịch bản văn học và kịch bản phân cảnh.
Kịch bản văn học được viết ra theo ý tưởng, cảm xúc, lập luận của người biên kịch, nhưng chất liệu phải lấy từ cuộc sống hiện thực; các nhân vật, sự kiện, sự việc được ghép nối theo đường dây liên tưởng, cảm xúc lập luận lôgic của tác giả. Khác với phim truyện, phim tài liệu lựa chọn hình mẫu. Phim truyện khắc hoạ tính cách nhân vật ở những giây phút cá biệt, còn phim tài liệu nêu bật phẩm chất con người ở những giây phút tiêu biểu nhất, còn phim tài liệu nêu bật phẩm chất con người ở những giây phút tiêu biểu nhất.
Kịch bản phim tài liệu mang tính giả định, dự kiến mọi sự kiện, nhưng các dự kiến này đều có cơ sở để thực hiện. Vì vậy kịch bản phim tài liệu có thể chi tiết đến từng cảnh quay.
Kịch bản điện ảnh là gì?
Như vậy, kịch bản điện ảnh là một loại hình mới của văn học. Bởi vì, một tác phẩm điện ảnh không phải là kết quả của một phút cảm hứng ngẫu nhiên của một nghệ sỹ thiên tài nào. Nó là sản phẩm của một sự đầu tư lớn, cả về nghệ thuật, khoa học kỹ thuật và kinh tế. Là kết quả của sự đóng góp của tập thể các nghệ sỹ thuộc rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau: tác giả kịch bản văn học, đạo diễn, hoạ sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, quay phim, dựng phim, thu thanh… Để có một bộ phim cần huy động cả một đội ngũ những nhà kinh tế (chủ nhiệm phim), kỹ sư hoá, công nhân in tráng, thợ máy chiếu, thợ mộc, thợ may… người ta đã tính đến những người tham gia quá trình sản xuất và phổ biến phim tới người xem là 72 dạng nghề khác nhau. Bảy mươi hai dạng nghề khác nhau xây dựng nên ngành điện ảnh. Nhưng “nghề” nào trong 72 nghề đó góp phần quyết định trong nghệ thuật đưa thứ trò kỹ thuật giải trí chợ phiên (thời kỳ đầu của điện ảnh) thành một nghệ thuật quan trọng? Đó là “nghề” sáng tác kịch bản văn học của điện ảnh nghệ thuật- nghề thực hiện khâu đầu tiên của một quá trình sáng tạo tập thể.
Nhà nghiên cứu, sáng tác và nhà sư phạm lão thành Xô Viết I.Mannhêvích viết trong cuốn “Điện ảnh và văn học”.
“Nhu cầu về chất liệu văn học đã xuất hiện đồng thời với sự ra đời của điện ảnh với tư cách một nghệ thuật trình diễn công cộng” Ngay những bộ phim đầu tiên đã được quay theo một dự kiến có sẵn từ trước và đã có một cốt truyện xác định. Mầm mống của kịch bản điện ảnh đã tồn tại ngay từ những ngày đầu mới phát minh ra điện ảnh. Muốn truyền đạt được nội dung phức tạp hơn món “kỹ thuật thần kỳ”- điện ảnh lúc ấy hướng trông vào văn học và đã trở thành một nghệ thuật. Nó đòi hỏi ngày càng cao ở những người viết chuyên môn cho màn ảnh.
Sự tham gia của những nhà văn chuyên nghiệp và những nhà biên kịch có tài năng văn học thật sự đã nâng cao chất lượng của phim, đã buộc bản thân nền điện ảnh phải tự nâng cao tầm mức khả năng thể hiện, phải hoàn thiện ngôn ngữ của mình để có thể tiếp nhận những kịch bản có chất lượng.
Sự xuất hiện của văn học điện ảnh chân chính đã thúc đẩy sự chuyển biến nhanh chóng của nền điện ảnh từ một trò giải trí kỹ thuật thành một nền nghệ thuật thật sự. Và trong quá trình tự tiến lên của chính mình điện ảnh lại đòi hỏi văn học cũng tự hoàn thiện thêm nữa, “điện ảnh” thêm nữa để trở thành một loại hình hoàn toàn mới trong văn học, loại hình văn học điện ảnh.
Kịch bản văn học điện ảnh không giống một loại hình văn học nào sẵn có bởi vì, nó mang hai yếu tố văn học và điện ảnh.
Kịch bản điện ảnh nhằm gửi đến người thưởng thức một (hay nhiều) thông điệp nghệ thuật. Trong kịch bản có phần tác giả miêu tả người, việc, thiên nhiên, có đối thoại giữa các nhân vật và có khi cả lời nói sau màn ảnh… Trong kịch bản điện ảnh có mâu thuẫn, xung đột… Các yếu tố tự sự, trữ tình và kịch đều được vận dụng trong kịch bản điện ảnh. Có thể đọc nó như một tác phẩm văn học.
Nhưng nó được viết ra chủ yếu làm phim, cho nên nhất thiết phải có chất điện ảnh: phải miêu tả những gì trông thấy được (để quay phim), có thể nghe thấy được (để thu thanh), phải dung dị, trong sáng dễ hiểu (để đáp ứng nhu cầu của số đông người xem), phải tính toán kiềm chế mức sử dụng bối cảnh phức tạp, cầu kỳ (để phù hợp với điều kiện kinh tế kỹ thuật), phải khống chế dung lượng vừa đủ để làm phim với số giờ, phút kéo dài nhất định.
Định nghĩa về kịch bản điện ảnh, nhà lý luận V.Jđam nguyên hiệu trưởng trường Đại học Điên ảnh Liên xô (cũ) nói:
“Kịch bản điện ảnh là điện ảnh ở dạng văn học hoặc là văn học trên đường đi lên màn ảnh, cũng giống như kịch bản sân khấu là sân khấu ở dạng văn học hoặc là văn học trên đường đi lên sân khấu”
Tóm lại, kịch bản điện ảnh là một loại hình mới của văn học bao gồm hai yếu tố văn học và điện ảnh, chất liệu sáng tác của kịch bản xuất phát từ đời sống xã hội- con người, cách thể hiện của nó dựa trên cơ sở hư cấu (đối với phim truyện và phim hoạt hình) và sáng tạo của người nghệ sỹ.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)