Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Khái niệm đầu tư tài chính của doanh nghiệp

Khái niệm đầu tư tài chính của doanh nghiệp

by Ngo Thinh
128 views

1. Vì sao doanh nghiệp phải đầu tư tài chính?

Để tiến hành các hoạt động kinh doanh nhằm thu lợi nhuận, các doanh nghiệp phải sử dụng vốn đầu tư vào các loại tài sản. Nếu dựa vào hình thái vật chất của kết quả đầu tư, có thể chia hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thành 2 loại:

  • Đầu tư vào các loại tài sản thực, như: nhà cửa, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, nguyên nhiên vật liệu…
  • Đầu tư vào các tài sản tài chính, như đầu tư vốn vào cổ phiếu, trái phiếu hoặc các công cụ tài chính khác.

Việc đầu tư vào các tài sản tài chính được gọi là đầu tư tài chính.

Đầu tư tài chính là một trong những hoạt động đầu tư không chỉ dành cho các nhà đầu tư cá nhân, mà nó còn dành cho cả các nhà đầu tư với tư cách là doanh nghiệp. Khi thị trường chứng khoán phát triển, sẽ tạo thêm một kênh đầu tư vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay cho thấy, có không ít doanh nghiệp, trong cơ cấu vốn đầu tư của mình có một phần vốn được dành cho việc đầu tư tài chính. Điều này xuất phát từ các lý do sau:

– Đây là một cách để đa dạng hoá đầu tư nhằm phân tán rủi ro hoạt động sử dụng tài sản trong quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

– Khi thị trường tăng trưởng tốt sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

– Các công ty mẹ thuộc các tập đoàn kinh tế hay tổng công ty thực hiện việc đầu tư tài chính vào công ty con nhằm nắm giữ cổ phần chi phối, từ đó giúp kiểm soát hoạt động của công ty con trong định hướng chiến lược kinh doanh của toàn Tập đoàn hay Tổng công ty.

2. Khái niệm đầu tư tài chính của doanh nghiệp

Đầu tư tài chính của doanh nghiệp là hoạt động sử dụng vốn để mua chứng khoán hoặc các công cụ tài chính khác nhằm mục đích tối đa hoá lợi nhuận và tối thiểu hoá rủi ro cho doanh nghiệp.

Để hoạt động đầu tư tài chính thực sự có hiệu quả, cần thiết phải tiến hành phân tích, đánh giá hiệu quả và định giá đối với các tài sản tài chính, qua đó giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư tài chính đúng đắn nhất. Trong phạm vi nghiên cứu đối với một doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh là chủ yếu, chúng ta chủ yếu xem xét các hoạt động đầu tư vào chứng khoán, tức là, doanh nghiệp phải đi phân tích và lựa chọn quyết định đầu tư vào chứng khoán nào, với mức giá bao nhiêu thì phù hợp, nhằm tối đa hoá giá trị của các khoản đầu tư tài chính.

Cần lưu ý rằng, đầu tư tài chính là một hoạt động đầu tư có tính rủi ro cao. Bởi thực tế, giá của các chứng khoán và các công cụ tài chính chịu sự chi phối rất lớn bởi nhiều yếu tố như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, chính sách kinh tế vĩ mô, quan hệ cung cầu của thị trường tài chính, mức độ minh bạch hoá thông tin, tình hình lũng đoạn thị trường… Vì vậy, để thực hiện đầu tư tài chính, giám đốc tài chính phải định giá chứng khoán, trên cơ sở đó tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện đầu tư tài chính.

Một trong những phương pháp định giá phổ biến được áp dụng trong định giá chứng khoán là phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF). Theo phương pháp này, dựa trên cơ sở dòng tiền do đầu tư vào chứng khoán mang lại, thực hiện chiết khấu về hiện tại theo một tỷ suất sinh lời đòi hỏi phù hợp với mức độ rủi ro của khoản đầu tư. Khi đó, tổng giá trị hiện tại của dòng tiền trong tương lai do chứng khoán mang lại chính là giá trị hợp lý của chứng khoán đó.

(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]