Hôn nhân là gì? Hôn nhân trong quan hệ liên nhân cách.
Hôn nhân là một hiện tượng pháp lý, trong đó người đàn ông và đàn bà cam kết chung sống với nhau và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Hôn nhân cũng là nhu cầu tình cảm cảm xúc, sinh lý, kinh tế của con người một cách lành mạnh. Hôn nhân tiến bộ là hôn nhân xuất phát từ tình yêu chân chính không bị ràng buộc bởi kinh tế, bởi những định kiến tôn giáo, đẳng cấp, mà họ tự nguyện quyết định hạnh phúc của mình. Sau khi kết hôn, họ cần bảo vệ hạnh phúc của mình bằng lòng tin cậy lẫn nhau, đối xử tế nhị, bình đẳng, có sự quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhau. Trong đó, lòng chung thủy sẽ giúp cho gia đình bền vững và phát triển.
Rất ít bậc cha mẹ cảnh báo về những vấn đề sóng gió sau hôn nhân, hiếm cha mẹ dám kể hết cho con cái những sự thật về hôn nhân bởi họ sợ hình ảnh đẹp đẽ về gia đình biến mất. Đến một ngày, khi thấy chồng/vợ mình ngoại tình, họ tưởng như bầu trời sụp đổ, không hiểu tại sao nó xảy ra, trong khi không biết một sự thật rằng: không hiểu hoặc cố tình không chấp nhận những sự thật về tình yêu và hôn nhân, tin vào tình yêu vĩnh cửu. Đây là sai lầm của hầu hết các cặp vợ chồng khi quyết định đến với nhau. Sự thật, tình yêu chỉ là một dạng cảm xúc và cảm xúc thì không bất biến. Con người chỉ thích những gì mới mẻ, những mục tiêu chưa đạt được, trong khi đó hôn nhân và cuộc sống gia đình phần lớn chính là sự lặp đi lặp lại, đó là cuộc sống. Còn một khi số phận đã đẩy hai người vốn dễ hấp dẫn nhau và gần nhau về cả không gian và thời gian, 99% sẽ không thể cưỡng lại. Bạn cưỡng lại thế nào khi gặp một người hấp dẫn, lại chia sẻ buồn vui, lại thấu hiểu, lại thông cảm hơn người bạn đời của mình? Cưỡng lại thế nào khi chờ đón bạn ở nhà là sự nhàm chán, sự căng thẳng, còn một bên chỉ toàn là niềm vui?
Nếu ai đó nói rằng họ vẫn không gục ngã trước những hoàn cảnh đấy, chắc chắn họ là một người vốn chẳng có mấy cảm xúc, và tất nhiên khó mà nói họ đang hạnh phúc. Đừng đem cái gọi là đạo lý ra để mong chống lại ngoại tình. Con người là sinh vật có cảm xúc, cảm xúc đỉnh cao nhất là tình yêu, là khác biệt nhất của con người hơn sinh vật khác là có lý trí. Vậy nên, đừng đem cái nguyên tắc đạo lý ra để ép con người không được yêu. Muốn chống lại nó, bạn phải có một tình yêu mạnh hơn, đầy cảm xúc hơn. Bạn phải duy trì được sự hấp dẫn, tươi mới trong hôn nhân, sự lắng nghe luôn thấu hiểu, thông cảm, đồng cảm, đừng trông chờ vào cái gọi là nguyên tắc về đạo lý.
Bởi vì, không được dạy về những nguyên tắc tiền hôn nhân để giữ hạnh phúc gia đình. Thực tế, duy trì được tất cả những điều đó trong hôn nhân khó vô cùng. Nó cũng thực sự là một cuộc chiến, mà lễ cưới diễn ra chính là điểm bắt đầu chứ không phải điểm kết như nhiều người lầm tưởng. Các bậc cha mẹ hãy trung thực hơn, dũng cảm hơn để dạy cho con cái mình về hôn nhân và hạnh phúc. Các cặp trai gái hãy tìm hiểu kỹ về hôn nhân, về những gì mình phải đối mặt. Hãy hiểu hơn về tình yêu và cách duy trì nó.
Thậm chí, một khóa học tiền hôn nhân là rất cần thiết. Chúng ta biết trước các nguy cơ sẽ giảm thiểu rủi ro. Hãy tìm cách ngăn chặn nó, đừng chỉ mong hoặc tin nó sẽ không xảy ra với chính gia đình mình.
Trong quan hệ vợ chồng bao giờ cũng nảy sinh sự ghen tuông. Đó là sự nghi ngờ lòng chung thủy của chồng hoặc vợ. Ghen tuông tạo cho con người có trạng thái thần kinh căng thẳng, lo lắng, buồn bã, đau khổ tức giận, luôn có tâm trạng mình yếu kém và cảm thấy mình mất mát một cái gì đó…Ghen là một trạng thái cảm xúc tâm lý của con người phản ánh những suy nghĩ mang tính tiêu cực được biểu hiện bằng cảm giác bất an, sợ hãi, và lo lắng về một sự mất mát, vuột vỡ. Trong đó hai cảm xúc chủ đạo mang tính phổ biến là sự ganh tỵ (hay đố kỵ) thể hiện sự không bằng lòng về một đối tượng hoặc những kết quả, thành tích, hoạt động hoặc sự hạnh phúc, thành công của người khác thể hiện qua thái độ không vui, khó chịu, tức tối, bực bội, hậm hực, bất mãn… và một trạng thái rất phổ biến là sự ghen tuông trong tình yêu và hôn nhân và gia đình.
Ghen tuông bao gồm một chuỗi trạng thái cảm xúc lẫn lộn hay một loạt những cảm xúc đặc biệt mạnh mẽ như giận dữ, oán giận, bất lực và tiêu cực hơn là cảm giác coi khinh và ghê tởm với đối tượng đang hướng đến cùng những đối tượng liên quan (tình địch, người tình cũ, bạn tình…). Ghen tuông là một trạng thái tâm lý phổ quát trong mọi nền văn hóa biểu hiện qua những mối quan hệ xã hội, quan hệ gia đình, quan hệ tình yêu nam nữ. Nguyên nhân chung được cho là tâm lý thiếu tự tin nên có phản ứng phòng vệ, đồng thời nguyên nhân từ cảm giác lo sợ, tính sở hữu ích kỷ và do quá yêu đến mức mù quáng.
Về bản chất, ghen tuông hay ghen tỵ là một dạng tình cảm ích kỷ xuất hiện khi cảm thấy mình bị người khác bỏ rơi, bị coi thường, phớt lờ, bị đánh giá thấp hơn người khác. Chính vì vậy, ghen là yêu chính bản thân mình chứ không phải là yêu người khác. Ghen tỵ cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều loại bệnh như bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp và u nhọt, ngoài ra nó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều nghịch cảnh, oái ăm, tan vỡ trong tình yêu, hôn nhân và gia đình và thậm chí là dẫn đến những kết quả thảm khốc, không mong muốn.