Francois Charles Fourier (1772-1837) là đại biểu thứ hai của CNXH không tưởng Pháp, xuất thân trong một gia đình thương gia, bản thân ông đã từng là thương nhân và trải qua nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau như: thủ quỹ, kế toán, theo dõi thị trường chứng khoán v.v… Ông là người học vấn uyên bác, nghiên cứu nhiều khoa học khác nhau. Tác phẩm quan trọng của ông là: “Sự hòa hợp thế giới”(1805), “Học thuyết về bốn sự vận động và vận mệnh chung” (1810), “Học thuyết về sự thống nhất toàn thế giới” (1822).
Nội dung tư tưởng kinh tế của Charles Fourier:
– Quan niệm về lịch sử phát triển xã hội:
Theo ông, lịch sử xã hội loài người vận động không ngừng và ông chia làm 4 giai đoạn phát triển sau đây:
- Giai đoạn mông muội: giai đoạn này chưa có sản xuất, con người sống lệ thuộc vào tự nhiên.
- Giai đoạn dã man: xuất hiện công cụ sản xuất, con người làm nghề săn bắn, có sự tư hữu về công cụ sản xuất và sản phẩm tiêu dùng, nhưng chưa có tư hữu về đất đai.
- Giai đoạn gia trưởng: Xuất hiện nghề nông, chế độ tư hữu ruộng đất ra đời, hình thành nhà nước và bắt đầu có khoa học.
- Giai đoạn văn minh công nghiệp: Chế độ tư hữu thống trị dẫn đến cạnh tranh tàn khốc và tàn nhẫn giữa con người, giai đoạn này chính là xã hội đương thời, một sự nhầm lẫn của nhân loại.
Mỗi giai đoạn lại có 4 thời kỳ: sinh ra – lớn lên – thành niên – già cỗi. CNTB nhất định sẽ chuyển sang giai đoạn khác “công bằng và hấp dẫn”. Như vậy, theo Fourier sự phát triển của xã hội là có tính quy luật.
– Phê phán xã hội đương thời: Theo ông, XHTB là một xã hội dối trá dựa trên bạo lực và cưỡng bức. Sản xuất bị chia cắt và bị chi phối bởi lợi ích cá nhân, con người luôn trong tình trạng chiến tranh với nhau, xã hội bị thống trị bởi tính tham lam và ích kỷ, có nhiều kẻ ăn bám và lao động bị bóc lột thậm tệ, trong khi người lao động không có sản phẩm để dùng thì lại có chổ dư thừa để bỏ. Fourier đứng về phía những người nghèo khổ, ông đặc biệt có cảm tình đối với dân lao động, coi nghèo khổ là một tệ hại đặc biệt, đáng sợ của nền văn minh, “sự nghèo khổ sinh ra từ sự thừa thãi”. Ông cho rằng mọi tai họa trong XHTB là vì sự vô chính phủ trong nền sản xuất. Ông nhìn thấy tự do cạnh tranh đã nãy sinh ra tập trung sản xuất và độc quyền.
– Kế hoạch xây dựng xã hội tương lai:
Xã hội tương lai theo Fourier là “xã hội chủ nghĩa” hay nền sản xuất công bằng và hấp dẫn. Xã hội đó tổ chức thành những hiệp hội theo sở thích và năng lực của mọi người trong đó bao gồm 1.800 thành viên đủ các lứa tuổi và tri thức, chia làm nhiều nhóm, mỗi nhóm phụ trách một công việc.
Theo Fourier chế độ mới vẫn duy trì chế độ tư hữu, sự bất bình đẳng về giai cấp và tài sản, vẫn còn kẻ giàu và người nghèo, những người nghèo được bảo đảm đời sống tối thiểu, những người sở hữu tư liệu sản xuất sẽ chia lãi theo lợi tức cổ phần. Tất cả các thành viên khi gia nhập vào hiệp hội, tài sản của họ sẽ được đánh giá khi gia nhập vào Hiệp hội. Toàn bộ thu nhập của hiệp hội se được chia làm 3 phần căn cứ vào lao động, tư bản và tài năng. Hiệp hội phát triển sẽ dẫn đến chổ hợp nhất các giai cấp và “hòa hợp xã hội”.
Ông coi cơ sở kinh tế của xã hội tương lai là nền đại sản xuất, nhờ đó tận dụng được tối đa mọi nguồn lao động, nguyên liệu, máy móc. Sự kết hợp giữa sản xuất công nghiệp và nông nghiệp dẫn đến sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn biến mất. Theo Fourier, trên cơ sở các Hiệp hội kiểu mẫu sẽ mọc lên được CNXH, vì vậy ông đã cùng các môn đệ của mình xây dựng các Hiệp hội ở Anh và ở Pháp nhưng cuối cùng đều bị tan rã.
Tư tưởng của Fourier đã mang lại cho khoa học quan điểm về lịch sử phát triển của xã hội sâu sắc. Trên cơ sở phê phán xã hội hiện tại, ông đã nêu lên mô hình về xã hội tương lai, mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng đã cung cấp được nhiều ý tưởng có giá trị.