Khi nghiên cứu phát triển nông thôn, một vấn đề đặt ra là cần có biện pháp đo lường sự phát triển cho mỗi quốc gia, mỗi vùng và địa phương. Phương pháp đánh giá thích hợp là sử dụng các tiêu chí phản ánh sự phồn thịnh của quốc gia, vùng hoặc địa phương đó. Trong đánh giá phát triển ngoài tiêu chí tăng trưởng kinh tế, còn các tiêu chí phản ánh tiến bộ xã hội như giáo dục, đào tạo, dân trí, sức khoẻ, tuổi thọ, giá trị cuộc sống, công bằng xã hội, cải thiện môi trường.
Có thể phân thành 3 nhóm chỉ tiêu phản ánh:
- Nhóm chỉ tiêu thể hiện sự tăng trưởng kinh tế.
- Nhóm chỉ tiêu thể hiện sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế.
- Nhóm chỉ tiêu thể hiện sự tiến bộ xã hội.
1. Nhóm chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế
Các chỉ tiêu thông dụng để đánh giá tăng trưởng kinh tế được sử dụng gồm:
- Tổng sản phẩm quốc nội:
- Tổng thu nhập quốc dân: GNP,
- Thu nhập quốc dân thuần: NNP hay
Các chỉ tiêu trên dùng để tính tốc độ (%) tăng trưởng kinh tế hàng năm hay tăng trưởng bình quân từng thời kỳ của một quốc gia, một vùng, một địa phương, ví dụ cho ở bảng 3.
Bảng 3. Tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 1990 đến 2004 (%)
Năm | 90 | 91 | 92 | 93 | 94 | 95 | 96 | 97 | 98 | 99 | 00 | 01 | 02 | 03 | 04 |
Tăng trưởng | 5,2 | 6,1 | 8,6 | 8,0 | 8,9 | 9,5 | 9,3 | 8,3 | 5,8 | 4,8 | 6,8 | 6,9 | 7,1 | 7,2 | 7,7 |
Nguồn: Niên giám Thống kê 2003 – Tổng cục Thống kê, Hà Nội – 2004
Bảng 4. Tăng trưởng của các ngành kinh tế Việt Nam một số năm (%)
Ngành sản xuất | 1995 | 1996 | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 | 2001 | 2002 | 2003 |
Nông nghiệp | 4,8 | 5,3 | 7,8 | 4,8 | 7,0 | 6,4 | 3,9 | 5,0 | 4,1 |
Công nghiệp | 14,5 | 14,2 | 13,2 | 12,5 | 11,6 | 17,5 | 14,2 | 14,0 | 16,0 |
Dịch vụ | 10,3 | 11,7 | 9,5 | 8,7 | 7,2 | 7,9 | 8,0 | 8,1 | 8,0 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2003 – Tổng cục Thống kê, Hà Nội 2004
Bảng 5. Tăng trưởng GNP của một số nước châu Á (%)
Nước | 1983 | 1984 | 1985 | 1986 | 1987 | 1988 |
Ấn Ðộ | 8,6 | 4,2 | 3,7 | 4,7 | 3,9 | 3,8 |
Bangladesh | 3,5 | 4,2 | 3,7 | 4,7 | 3,9 | 3,8 |
Nepan | -3,0 | 9,7 | 6,1 | 4,3 | 2,7 | 9,7 |
Pakistan | 6,8 | 5,1 | 7,5 | 5,5 | 6,5 | 7,1 |
Srilanca | 3,9 | 1,7 | 7,4 | 1,4 | 1,2 | 2,7 |
Trung Quốc | 9,8 | 13,5 | 13,0 | 8,0 | 10,5 | 11,2 |
Inđônêsia | 3,3 | 6,1 | 2,5 | 4,0 | 3,4 | 5,5 |
Hàn Quốc | 12,1 | 9,6 | 6,9 | 12,6 | 11,9 | 11,3 |
Malaysia | 6,4 | 6,9 | -1,1 | 1,3 | 5,3 | 8,9 |
Philipin | 1,1 | -6,3 | -4,5 | 1,4 | 4,9 | 6,5 |
Thái Lan | 7,2 | 7,1 | 3,6 | 4,4 | 8,1 | 10,9 |
Nhật Bản | 3,2 | 5,0 | 4,7 | 2,5 | 4,2 | 5,7 |
Nguồn: World Bank, World Tables 1989 – 1990
2. Nhóm chỉ tiêu về cơ cấu nền kinh tế xã hội
a/ Cơ cấu kinh tế phân theo ngành, theo thành phần kinh tế:
Cơ cấu kinh tế phân theo ngành, theo thành phần kinh tế là chỉ tiêu phản ánh cơ cấu GDP hay GNP của các nhóm ngành sản xuất chính nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ trong nền kinh tế, hay cơ cấu phân theo thành phần kinh tế là nhà nuớc, tập thể, tư nhân, cá thể, đầu tư nước ngoài. Sự tiến bộ về cơ cấu kinh tế là một tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ phát triển. Cơ cấu kinh tế tiến bộ có xu hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong khi tổng sản phẩm và tổng thu nhập quốc dân không ngừng tăng lên. Các nước phát triển có tỷ trọng các ngành dịch vụ và công nghiệp cao, cơ cấu nông nghiệp chỉ chiếm 2 – 3 % trong GDP cả nước. Nhiều nước đang phát triển đang hướng tới cơ cấu kinh tế ngày càng tiến bộ (ở Thái Lan cơ cấu nông nghiệp chỉ còn 8%, ở Trung Quốc – trên 10%).
Bảng 6. Cơ cấu kinh tế của Việt Nam năm 2003
Cơ cấu GDP theo khu vực kinh tế | Cơ cấu GDP theo thành phần kinh tế | ||
Ngành sản xuất | % | Thành phần kinh tế | % |
Nông nghiệp | 21,83 | Nhà nước | 39,08 |
Công nghiệp | 39,95 | Cá thể | 30,73 |
Dịch vụ | 38,22 | Tập thể | 7,49 |
Tư nhân | 8,23 | ||
Ðầu tư nước ngoài | 14,47 |
Nguồn: Niên giám thống kê 2003 – Tổng cục Thống kê – Hà Nội 2004
b/ Chỉ tiêu phản ánh thu nhập và mức sống dân cư:
Thu nhập bình quân trên đầu người dân: GDP/người; GNP/người; GNI/người là chỉ tiêu quan trọng phản ánh thu nhập và mức sống dân cư, thu nhập trên đầu người cao là điều kiện nâng cao mức tiêu dùng cá nhân cả về vật chất và tinh thần. Chỉ tiêu này được sử dụng ở trên thế giới và các quốc gia để phân định nước giàu, nước nghèo, người giàu, người nghèo, được tính bằng tổng sản phẩm quốc gia hay tổng thu nhập quốc dân chia cho tổng dân số, trong so sánh thế giới thường tính bằng đơn vị USD/người, tính theo phương pháp Atlas hay phương pháp PPP (bảng 7).
c/ Chỉ tiêu về cán cân thương mại (Export Import hay X-M):
Cán cân giữa xuất khẩu và nhập khẩu phản ánh sự mở cửa và hội nhập của nền kinh tế. Nền kinh tế càng phát triển mức xuất khẩu ngày càng tăng, tạo ra thu nhập ròng X-M > 0 tăng thể hiện mức xuất siêu ngày càng cao và ngược lại X- M < 0 là nhập siêu, phản ánh một nền kinh tế yếu và phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Xu hướng toàn cầu hoá ngày nay khối lượng xuất nhập khẩu giữa các quốc gia ngày càng tăng, phản ánh sự phát triển và sự hội nhập của nền kinh tế. Tuy nhiên, xuất nhập khẩu của các nước phát triển thường lớn hơn các nước đang phát triển (bảng 8).
Bảng 7. Thu nhập quốc dân bình quân đầu người của một số nước châu Á và khu vực Ðông Nam Á (tính theo phương pháp Atlas)
ÐVT: USD/người
Nước và vùng lãnh thổ | Năm | ||
1997 | 1998 | 1999 | |
Campuchia | 300 | 260 | 280 |
Trung Quốc | 860 | 750 | 780 |
Hồng Kông | 25.2 | 23.66 | 24.57 |
Ấn Ðộ | 370 | 440 | 440 |
Indonesia | 1110 | 640 | 600 |
Hàn Quốc | 10.55 | 8.6 | 8.49 |
Lào | 400 | 320 | 290 |
Malaysia | 4.53 | 3.67 | 3.39 |
Philipin | 930 | 890 | 810 |
Xingapo | 32.81 | 30.17 | 24.15 |
Ðài Loan | 13.56 | 12.33 | 13.25 |
Thái Lan | 2.74 | 2.16 | 2.01 |
Nguồn: World Bank, World Tables 1997 – 1999
Bảng 8. Xuất khẩu và nhập khẩu trên thế giới
Ðơn vị tính: Tỷ USD
Nhóm nước | 1997 | 1998 | 1999 | 2000 | ||||
XK | NK | XK | NK | XK | NK | XK | NK | |
Các nước phát triển | 3.600 | 3.600 | 3.700 | 3.700 | 3.700 | 3.900 | 4.000 | 4.300 |
Các nước đang phát triển | 1.800 | 1.900 | 1.700 | 1.800 | 1.900 | 1.800 | 2.300 | 2.200 |
Nguồn: World Bank, World Tables 1997- 2000
d/ Tỷ lệ về mức tiết kiệm đầu tư:
Tỷ lệ về mức tiết kiệm – đầu tư phản ảnh khả năng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tỷ lệ đầu tư cao phản ánh khả năng của nền kinh tế có cơ hội dành vốn lớn cho đầu tư tạo nguồn thu nhập cao trong tương lai, tích luỹ lớn hơn tiêu dùng nhằm tích luỹ vốn để tăng cường đầu tư tạo đà cho nền kinh tế phát triển.
Tỷ lệ về mức tiết kiêm đầu tư phụ thuộc vào 2 yếu tố: (i) Quy mô của GDP và (ii) Lượng vốn đầu tư của nền kinh tế.
Lượng vốn đầu tư của nền kinh tế được tính theo công thức: I = GDP – C + ( X – M )
Trong đó:
- I = Lượng vốn đầu tư của nền kinh tế
- C = Thu nhập dành tiêu dùng xã hội
- (X – M) = Chênh lệch xuất khẩu và nhập khẩu
e/ Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân theo đầu người:
Phản ánh tốc độ tăng mức tiêu dùng hay sự tăng lên của mức sống dân cư hàng năm và bình quân qua từng thời kỳ, nếu nền kinh tế phát triển ổn định thì mức tiêu dùng cá nhân tăng ổn định và ngược lại.
3. Nhóm chỉ tiêu về phát triển xã hội
a/ Tuổi thọ trung bình quân dân cư:
Chỉ tiêu này phản ánh sự gia tăng mức sống, điều kiện chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh, môi trường sống, nền kinh tế xã hội càng phát triển thì điều kiện môi trường sống càng cao dẫn tới tuổi thọ bình quân cao. Việt Nam tuy là nước đang phát triển nhưng có điều kiện bảo đảm cuộc sống và chăm sóc y tế khá tốt dẫn đến tuổi thọ bình quân dân cư đạt 68 tuổi. Ở các nước công nghiệp phát triển, tuổi thọ bình quân dân cư đạt 80 tuổi.
b/ Tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: (bảng 9)
Các tỷ lệ này phản ánh điều kiện sống, điều kiện chăm sóc sức khoẻ, vệ sinh, môi trường, trình độ dân trí, sự đáp ứng kế hoạch hoá gia đình. Khi nền kinh tế phát triển, tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh thấp, tỷ lệ chết vì bệnh tật thấp, tỷ lệ gia tăng dân số thấp và đạt tới mức độ ổn định dân số. Việt Nam có nhiều tiến bộ về kế hoạch hoá gia đình, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt mức bình quân 1,3 đến 1,4%. Tuy vậy mức đó còn khá cao so với các nước phát triển. Khu vực nông thôn có tốc độ tăng dân số cao hơn so với bình quân chung cả nước.
c/ Tỷ lệ số người biết chữ ở tuổi trưởng thành, tỷ lệ trẻ em thất học:
Chỉ tiêu này phản ánh trình độ dân trí của dân cư, phụ thuộc vào thu nhập và mức sống. Nền kinh tế càng lạc hậu, nghèo nàn thì tỷ lệ thất học càng cao. Nền kinh tế xã hội càng phát triển, con người càng có cơ hội học hành và phát huy năng lực bản thân.
d/ Tỷ lệ lao động được đào tạo:
Tỷ lệ lao động được đào tạo phản ánh trình độ chuyên môn và kỹ năng của người lao động đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hiện đại với yêu cầu công nghệ và tri thức con người ngày càng cao.
Bảng 9. Tỷ lệ sinh, tỷ lệ chết, tỷ lệ tăng tự nhiên và tuổi thọ trung bình của các châu lục và một số quốc gia năm 2001
Châu lục và quốc gia | Tỷ lệ sinh (%o) | Tỷ lệ chết (%o) | Tỷ lệ tăng tự nhiên (%) | Tuổi thọ TB (tuổi) | Tuổi thọ TB nam (T) | Tuổi thọ TB nữ (T) |
Toàn thế giới | 22 | 9 | 1,3 | 67 | 65 | 69 |
Châu Phi | 38 | 14 | 2,4 | 54 | 52 | 55 |
– Angiêri | 25 | 6 | 1,9 | 69 | 68 | 70 |
– Kênia | 34 | 14 | 2,6 | 48 | 48 | 49 |
-Ruanda | 39 | 21 | 1,8 | 39 | 39 | 40 |
Bắc Mỹ | 14 | 9 | 0,5 | 77 | 74 | 80 |
– Mỹ | 15 | 9 | 0,6 | 77 | 74 | 80 |
Nam Mỹ | 23 | 7 | 1,6 | 70 | 67 | 73 |
Châu Á | 22 | 8 | 1,4 | 67 | 65 | 68 |
– Trung Quốc | 15 | 6 | 0,9 | 71 | 69 | 73 |
Châu Ðại Duơng | 18 | 7 | 1,1 | 74 | 72 | 76 |
Châu Âu | 10 | 11 | -0,1 | 74 | 70 | 78 |
Nguồn: World Bank, World Tables 2001
d/ Tỷ lệ số người có trình độ đại học trở lên trong dân cư:
Tỷ lệ này phản ánh trình độ phát triển khoa học kỹ thuật và mức độ đáp ứng của xã hội cho phát triển một nền kinh tế tri thức với công nghệ ngày càng cao.
e/ Tỷ lệ số dân đô thị:
Phản ánh mức độ công nghiệp hoá, đô thị hoá nền kinh tế xã hội, nền kinh tế phát triển cao có mức độ đô thị hoá cao, số dân đô thị chiếm tỷ lệ cao trong dân cư. Hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ cư dân đô thị mới đạt 25,8%, trong khi đó ở các nước phát triển tỷ lệ này thường là 70 đến 80%.
g/ Số giường bệnh, số bác sĩ tính trên nghìn dân:
Phản ánh điều kiện bảo đảm và chăm sóc sức khoẻ cho dân cư, xã hội càng phát triển càng có điều kiện đầu tư xây dựng các cơ sở y tế để chăm sóc sức khoẻ và điều trị bệnh cho nhân dân và số bác sĩ trên một nghìn dân ngày càng cao.
h/ Chỉ số phát triển nhân văn (Human Development Index- HDI):
Đây là chỉ số phản ánh tổng hợp sự phát triển con người, phụ thuộc mức thu nhập bình quân đầu người dân, tuổi thọ trung bình, trình độ dân trí… Việt Nam xếp thứ 112/176 nước về chỉ số HDI mặc dù thu nhập bình quân đầu người thấp nhưng có tuổi thọ trung bình khá (68 tuổi) và trình độ dân trí được đánh giá khá cao.
i/ Những chỉ tiêu khác:
- Tỷ lệ số dân đô thị, nông thôn tiếp nhận các điều kiện vệ sinh (nước sạch, nhà vệ sinh).
- Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động.
- Mức tiêu dùng năng lượng bình quân trên đầu người dân (điện, xăng dầu).
- Tỷ lệ lạm phát.
- Nợ nước ngoài.
- Những tiêu chí phản ánh sự công bằng xã hội, bất bình đẳng: Hệ số Ghini, đường cong Loren.
- Những chỉ tiêu phản ánh các quyền tự do, quyền dân chủ công dân… các chỉ tiêu này mang tính định tính.
(Nguồn tài liệu: Thanh Mai Cúc, Nguyễn Đình Hà, Giáo trình Phát triển nông thôn, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)