Trang chủ Địa lý kinh tế và xã hội Hàng hóa vận tải là gì? Phân loại hàng hóa vận tải

Hàng hóa vận tải là gì? Phân loại hàng hóa vận tải

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 419 views

1. Khái niệm

Hàng hoá: Hàng hoá là sản phẩm của nền kinh tế quốc dân được đưa ra trao đổi và mua bán trên thị trường.

Hàng hoá vận tải: Hàng hoá trong vận tải là tất cả các loại nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm tiếp nhận sự di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Nói như vậy ta hiểu hàng hoá trong vận tải rất đa dạng về giá trị, tính chất, kích thước, trọng lượng thậm chí về ý nghĩa của chúng đối với nền kinh tế của đất nước cũng khác nhau.

2. Phân loại hàng hóa vận tải

Phân loại hàng hoá là công việc cần thiết đối với công tác tổ chức vận tải, lựa chọn kiểu phương tiện và bảo quản trong kho. Có nhiều cách phân loại hàng hoá:

– Phân loại theo bao bì: Tất cả các loại hàng được chia thành hàng có bao gói và hàng không có bao gói. Bao bì cần thiết để bảo quản hàng hoá trong quá trình vận chuyển. Có thể có bao mềm như bao vải, bao tải để đựng các loại hàng hạt nhỏ như gạo, đỗ, ngô…; bao cứng bằng gỗ, kim loại để đựng những loại hàng nặng, hàng cái lớn hoặc nhỏ nhưng cần bảo quản tốt trong quá trình vận tải. Hàng không cần bao gói chủ yếu là các loại hàng đổ đống.

– Phân loại theo kích thước: Chia ra hàng bình thường và hàng quá khổ. Hàng bình thường là hàng có kích thước vừa với kích thước thùng xe. Hàng quá khổ là hàng mà kích thước của nó vượt quá kích thước cơ bản của thùng xe (rộng quá 2,5 mét; cao quá 3,8 mét khi xếp hàng lên phương tiện; dài quá mép sau thùng xe hơn 2 mét). Hàng quá khổ còn bao gồm cả hàng quá dài khi vận chuyển nó phải dùng xe chuyên dùng như: Gỗ dài, cột điện, đường ray, thép bó…

– Phân loại theo tính chất hàng hoá

Theo tính chất hàng hoá khi vận chuyển được phân theo các nhóm sau:

  • Nhóm 1: Bao gồm các loại hàng hoá dễ cháy, dễ vỡ, chất nổ, nguy hiểm…
  • Nhóm 2: Hàng chống hỏng, hàng chống hỏng là những hàng thực phẩm tươi sống, chóng hư theo thời gian và nhiệt độ không khí.
  • Nhóm 3: Hàng lỏng là những loại hàng chất lỏng như: xăng dầu và các chất lỏng khác.
  • Nhóm 4: Hàng có kích thước và trọng lượng lớn đó là những loại hàng dài và những loại hàng có trọng lượng lớn, kích thước quá khổ.
  • Nhóm 5: Hàng rời là những hàng hoá rời không có bao bì được đổ đống như cát, đá, sỏi….
  • Nhóm 6: Hàng thông dụng là hàng bao gồm những loại hàng còn lại không thuộc 5 nhóm hàng đã nêu trên.

– Phân loại theo tính chất nguy hiểm chia hàng hoá ra làm 7 loại:

  • Loại 1: Hàng ít nguy hiểm như vật liệu xây dựng, hàng bách hoá, hàng thương nghiệp…
  • Loại 2: Hàng dễ cháy như xăng, đồ nhựa…
  • Loại 3: Xi măng, nhựa đường, vôi…
  • Loại 4: Chất lỏng dễ gây bỏng như a xít, kiềm, xút…
  • Loại 5: Khí đốt trong các bình chứa vừa dễ cháy, dễ nổ.
  • Loại 6: Hàng nguy hiểm về kích thước, trọng lượng (quá dài, quá nặng, quá rộng, quá cao).
  • Loại 7: Chất độc, chất phóng xạ, chất nổ. Khi vận chuyển các loại hàng nguy hiểm phải có những quy định cụ thể.

– Phân loại theo tính chất vật lý hàng hoá chia ra 3 loại: Hàng thể rắn, thể lỏng, thể khí. Tính chất vật lý quan trọng nhất của hàng hoá là tỷ trọng của nó. Tỷ trọng của hàng hoá quyết định hệ số sử dụng trọng tải của phương tiện. Tỷ trọng của hàng càng thấp thì hệ số sử dụng trọng tải của xe càng thấp.

– Phân loại theo tỷ trọng của hàng hoá

Trong vận tải cước phí được tính theo trọng lượng hàng hoá thực tế chất trên xe, vì vậy, để thuận lợi cho việc tính cước vận tải, dựa vào khả năng sử dụng trọng tải xe của các loại hàng mà người ta chia thành 5 loại hàng như sau:

  • Loại 1: Gồm những loại hàng đảm bảo sử dụng 100% trọng tải phương tiện, đó là những hàng hoá khi xếp đầy thùng xe theo thiết kế quy định thì hệ số sử dụng trọng tải của xe bằng 1.
  • Loại 2: Gồm những loại hàng đảm bảo sử dụng từ 71 – 99% (trung bình tính là 80%) trọng tải phương tiện.
  • Loại 3: Gồm những loại hàng đảm bảo sử dụng từ 51 – 70% (trung bình tính là 60%) trọng tải phương tiện.
  • Loại 4: Gồm những loại hàng đăm bảo sử dụng từ 41 – 50% (trung bình tính là 50%) trọng tải phương tiện.
  • Loại 5: Gồm những loại hàng đảm bảo hệ số sử dụng trọng tải xe nhỏ hơn 40% (trung bình tính là 40%).

Khi lập biểu cước phí với 5 loại hàng trên còn phải xét thêm yếu tố giá trị của hàng hoá, hàng càng có giá trị cao thì cước phí càng cao.

Các cách phân loại hàng trên chỉ là tương đối, còn có thể phân theo nhiều tiêu thức khác nữa. Ở Việt Nam danh mục hàng hoá được thực hiện thống nhất cho tất cả các phương thức vận tải để thuận tiện cho việc thống kê theo dõi sản lượng. Bảng danh mục đó bao gồm 23 loại hàng:

  1. Than đá
  2. Xăng, dầu mỡ
  3. Quặng kim loại
  4. Máy móc dụng cụ
  5. Vật liệu kim khí
  6. Quặng apatít
  7. Phân bón
  8. Hoá chất
  9. Xi măng
  10. Đất đá cát són
  11. Vôi, gạch, ngói
  12. Gỗ, vật liệu gỗ
  13. Lâm thổ sản
  14. Nông sản
  15. Thóc, gạo, bột
  16. Ngô
  17. Muối
  18. Thực phẩm
  19. Vai
  20. Bông và nguyên liệu dệt
  21. Bách hoả
  22. Súc vật sống
  23. Hàng khác.

3. Một số loại hàng chủ yếu và yêu cầu trong quá trình vận tải

* Hàng lỏng – khô (theo tính chất vật lý)

Về nguyên tắc đối với hàng lỏng, nếu không có bao bì thì phải sử dụng xe chuyên dụng (xitéc). Các loại hàng này trong quá trình vận chuyển không có yêu cầu gì đặc biệt trừ một số loại hàng lỏng nguy hiểm như xăng, dầu khi vận chuyển phải hạn chế tốc độ.

Các loại hàng khô rất đa dạng, các loại hàng khô không có yêu cầu đặc biệt trong quá trình vận chuyển trừ một số hàng có yêu cầu cần bảo quản.

* Hàng dễ vỡ – hàng dễ cháy nổ

Đối với hàng dễ vỡ: quy định đối với các hàng hoá này phải có bao bì và các bao bì có dán các nhãn hiệu chuyên dụng. Phải dùng vật liệu lót đệm giữa các lớp hàng để hạn chế va đập, chấn động. Có nhiều loại vật liệu để đệm lót các loại này có thể quy định cụ thể cho từng khu vực hay từng quốc gia.

Loại hàng dễ cháy nổ đây là loại hàng nguy hiểm trong quá trình vận chuyển xếp dỡ phải hết sức cẩn thận, quá trình vận chuyển phải chạy với tốc độ thấp, xếp hàng không được xếp với khối lượng lớn (không đủ tải), không được đi từng xe một mà phải đi thành một đoàn với một khoảng cách an toàn. Thời gian vận chuyển rất khắt khe ví dụ khi vận chuyển chất phóng xạ chỉ được xếp dỡ trong điều kiện không có ánh sáng, xa khu dân cư, khu kinh tế văn hoá.

* Hàng rời – hàng đổ đống:

Thông thường các loại hàng này là những loại hàng không nguy hiểm, có thể tạo điều kiện cơ giới hoá xếp dỡ. Đối với hàng rời trong quá trình vận chuyển có thể không có bao bì. Nhưng đặc biệt đối với hàng lương thực phải có bao bì để đảm bảo chất lượng và hạn chế hao hụt.

* Hàng thùng chứa (container) là những loại hàng xếp trong container.

Việc xếp hàng trong container có yêu cầu rất khắt khe. Thông thường container được sử dụng nhiều lần trong quá trình vận chuyển bằng đường biển. Thời gian vận chuyển dài do đó có sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn cho nên hàng trong container có hiện tượng điểm sương làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hoá.

Yêu cầu của việc đóng hàng vào container

  • Đối với hàng hút ẩm thì phải chống ẩm cho hàng hoặc dùng các container bảo ôn.
  • Trọng tâm của khối hàng phải trùng với trọng tâm của container.
  • Nếu xếp cùng một lúc nhiều loại hàng khác nhau thì hàng nặng xếp ở dưới hàng nhẹ.
  • Đánh dấu trọng tâm của container

* Hàng cồng kềnh quá khổ quá tải (hàng siêu trường siêu trọng)

– Đối với hàng cồng kềnh: Khi xếp hàng đầy thùng xe thì trọng tải thực tế nhỏ hơn hoặc bằng 1 / 3 trọng tải thiết kế của phương tiện vận tải (theo tiêu chuẩn Việt Nam).

– Đối với hàng quá khổ: vượt quá kích thước của thùng xe nghĩa là chiều rộng của hàng lớn hơn 2,5 mét chiều dài lớn hơn chiều dài của thùng xe. Hàng hoá có chiều cao của khối hàng tính từ mặt đất đến điểm cao nhất của khối hàng lớn hơn 3 mét.

– Hàng quá tải: thông thường các loại hàng cái chiếc là các loại hàng hoá không thể tháo rời trong quá trình vận chuyển và có tỷ trọng hàng tương đối lớn. Hàng cái chiếc có trọng tải vượt quá trọng tải thiết kế của phương tiện vận tải hoặc vượt quá khả năng chịu tải của đường và công trình trên đường. Để vận chuyển các loại hàng này cần phải hạn chế tốc độ chạy xe.

Muốn vận chuyển các loại hàng này phải được phép của Bộ Giao thông vận tải, tất cả liên quan đến chi phí vận chuyển chủ hàng phải trả.

Ngày 8 / 5 / 2007 tháp tách Propylene nặng 431 tấn, dài 81 mét đường kính chỗ lớn nhất rộng gần 9 mét đã được công ty vận tải đa phương thức Bộ Giao thông vận tải (Vietranstimex) vận chuyển thành công từ cảng Dung Quất về nhà máy lọc dầu số 1. Đây là loại hàng siêu trường siêu trọng lớn nhất được vận chuyển tại Việt Nam, hiện công ty vận tải đa phương thức Bộ Giao thông vận tải là doanh nghiệp có tiềm lực hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực vận chuyển hàng siêu trường siêu trọng với 160 trục rơmoc và nhiều đầu kéo, thiết bị hiện đại có thể vận chuyển những kiện hàng dài đến 100 mét, nặng hàng ngàn tấn.

* Các loại hàng tươi sống: bao gồm rau, hoa quả, thực phẩm…

Các loại hàng này rất mau biến chất trong quá trình vận chuyển bởi vì chịu ảnh hưởng của các điều kiện khí hậu thời tiết.

Để vận chuyển các loại hàng này có thể dùng xe chuyên dụng hoặc xe thông dụng (vận chuyển trong thời gian ngắn) các phương tiện phải có hệ thống thông gió, khi xếp hàng phải cẩn thận.

Quy định đối với các loại hàng hoá vận chuyển bằng ô tô: Tất cả các hàng hoá vận chuyển đều phải có nhãn hiệu, các nhãn hiệu được ghi trên bao bì. Nếu bao bì không đủ chỗ thì phải ghi vào giấy gửi hàng. Các dạng nhãn hiệu hàng hoá: Nhãn hiệu thương phẩm: được dán trên hàng hoá trên đó ghi ngày sản xuất nơi sản xuất và các thông số của hàng hoá.

Nhãn hiệu vận tải: được dán trên bao bì vận tải, bao bì gồm nhãn hiệu gửi hàng do người gửi ghi, nhãn hiệu vận tải do bên vận tải ghi.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net