Trang chủ Xã hội học Giới trẻ là gì?

Giới trẻ là gì?

by Ngo Thinh
4,1K views

Giới trẻ Việt Nam hiện nay đã và đang nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Họ là những người sẽ kế cận và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lịch sử dân tộc đã chứng minh, ở bất cứ thời đại nào, giới trẻ – thanh niên cũng là lực lượng “đứng mũi chịu sào” trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Do có những nét đặc thù về tâm sinh lý nên giới trẻ được coi là lực lượng nhạy cảm và năng động trong xã hội hiện đại. Tuổi trẻ chính là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời với mong muốn được cống hiến, sáng tạo nhưng cũng là lúc dễ bị lôi kéo và cám dỗ nhất.

“Giới trẻ” là cụm từ không hề mới mẻ và xa lạ. Tùy thuộc vào lĩnh vực nghiên cứu mà có thể đưa ra những định nghĩa khác nhau về giới trẻ.

Về phương diện sinh học: Người trẻ là người nằm trong lứa độ trẻ, từ thiếu niên (dưới 15 tuổi) đến tuổi bầu cử (trên 18 tuổi). Giới trẻ là một cộng đồng gồm những người trẻ.

Về phương diện văn hóa, xã hội: Giới trẻ là những người mà nhận thức không còn ấu trĩ con trẻ nữa nhưng cũng chưa đủ chín muồi của một người trưởng thành, chín muồi về mọi phương diện. Người trẻ là người đang trong phát triển, hoàn thiện để có một nhận thức viên mãn và tương thích với đại đa số trong cộng đồng.

Trong Từ điển Di sản Hoa Kỳ và Bách khoa toàn thư Britannica cũng đã đưa ra định nghĩa, người trẻ là người nằm trong độ tuổi chuyển giao phát triển sinh lý và tâm lý, thể chất và tinh thần, tiến trình diễn ra giữa thời kỳ thiếu niên và người trưởng thành (người lớn). Quá trình chuyển giao này liên quan đến thay đổi về phương diện sinh học (ví dụ như dậy thì), xã hội và tâm lý, trong đó những thay đổi về sinh lý và tâm lý thường dễ nhận thấy hơn.

Từ điển Oxford lại giải thích, thời điểm kết thúc độ tuổi “trẻ” và bắt đầu trở thành “người lớn” được quy ước ở mỗi nước một khác thậm chí khác nhau ở ngay trong một quốc gia, căn cứ vào các quyền công dân và quyền con người. Cách xác định một người còn “trẻ” hay “trưởng thành” thông qua việc xác định đủ tuổi cho một quyền gì đó cụ thể chẳng hạn như có chứng minh thư nhân dân, có bằng lái xe, có quyền quan hệ tình dục, nhập ngũ, bầu cử, hay lập gia đình.

Theo UNESCO (phương diện văn hoá – xã hội), “người trẻ” nên được hiểu là những người thuộc giai đoạn chuyển giao từ sự phụ thuộc của trẻ em đến sự độc lập của người lớn và nhận thức về sự tương thuộc (phụ thuộc lẫn nhau) giữa các thành viên trong một cộng đồng. Người trẻ hay tuổi trẻ là một phạm trù tương đối, linh hoạt hơn là chiếu theo độ tuổi cố định. UNESCO không có một độ tuổi cố định để xác định “giới trẻ” mà tuỳ vào bối cảnh, lĩnh vực và phạm vi.

Trong khi Hiến chương Thanh niên châu Phi (AYC) cho rằng “người trẻ” là những người thuộc độ tuổi từ 15 đến 35 thì Liên Hợp Quốc (UN) xác định “giới trẻ” là những người thuộc độ tuổi từ 15 – 24. Tất cả các báo cáo, thống kê của Liên Hợp Quốc đều căn cứ vào định nghĩa này, chẳng hạn như sách trắng của Liên Hợp Quốc về dân số, giáo dục, việc làm và y tế.

Theo điều I, Luật Thanh niên quy định: Thanh niên là công dân Việt Nam đủ mười sáu tuổi đến ba mươi tuổi.

Theo từ điển tiếng Việt “Thanh niên là người còn trẻ, đang ở độ tuổi trưởng thành” [29, tr. 1029]. Khái niệm này bao hàm: Thanh niên là người có độ tuổi còn trẻ và độ tuổi đó đang trưởng thành. Khái niệm này hoàn toàn được hiểu theo lứa tuổi.

Trong cuốn sách Quản lý Nhà nước về công tác thanh niên trong thời kỳ mới, đồng chí Vũ Trọng Kim đã đưa ra khái niệm thanh niên như sau: “Thanh niên là một nhóm nhân khẩu – xã hội đặc thù bao gồm những người trong một độ tuổi nhất định, có quan  hệ gắn bó mật thiết với mọi giai cấp, tầng lớp xã hội, có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội, có vai trò lớn trong hiện tại và giữ vai trò quyết định sự phát triển trong tương lai của xã hội” .

Từ những khái niệm trên, trong phạm vi khả năng của mình, tác giả luận văn đưa ra khái niệm về giới trẻ như sau: Giới trẻ là những người ở độ tuổi từ 16 – 30 tuổi, có những đặc điểm tâm sinh lý khác biệt, có tâm tư, nguyện vọng và hoài bão theo lứa tuổi và theo giới tính. Giới trẻ Việt Nam có mặt trên khắp đất nước, trong các giai cấp và tầng lớp xã hội, thuộc các ngành nghề khác nhau như: học sinh – sinh viên, lực lượng vũ trang, công nhân, nông dân, văn nghệ sĩ… Giới trẻ Việt Nam là những người có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội và đất nước.

Với đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của báo điện tử đối với lối sống của giới trẻ Việt Nam hiện nay”, trong khả năng giới hạn của mình, tác giả luận văn muốn đề cập tới “giới trẻ” là những bạn trẻ công dân Việt Nam, có độ tuổi từ 16 – 28 tuổi.

Vậy giới trẻ có đặc điểm tâm sinh lý và thể chất như thế nào?

Trong cuốn “PR – công cụ phát triển của báo chí” (Nxb Trẻ), PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng đã nhận định: “Ở độ tuổi này cho phép thanh niên có thể đảm nhận được mọi công việc trong hoạt động học tập, lao động và giao tiếp xã hội… Tuy nhiên, với độ tuổi trên dưới 20, do sự hưng phấn cường độ cao của hệ thần kinh cộng với sức mạnh thể chất đang trên đà phát triển nên thanh niên độ tuổi này còn có biểu hiện hưng phấn nhiều hơn ức chế, dẫn đến đặc điểm tâm lý sôi nổi, nhiệt tình nhưng có pha chút bồng bột, dễ bắt chước, dễ kích động và dễ ngộ nhận…

Nhân cách của thanh niên đang trong giai đoạn hoàn thiện và định hình, rõ nét nhất là hệ thống thái độ và định hướng giá trị, từ đó hình thành thế giới quan, nhân sinh quan, niềm tin và lý tưởng. Tình cảm, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của thanh niên có bước chuyển biến mới. So với tuổi thiếu niên, nhận thức chính trị – xã hội của thanh niên, sự định hình và hoàn thiện các thuộc tính nhân cách diễn ra với tốc độ nhanh, cường độ mạnh, cùng với sự tác động của cảm xúc có phân cực rõ ràng. Khả năng chịu sự tác động của bên ngoài một cách nhanh nhạy, có thẩm định và tự điều chỉnh, khả năng thích ứng xã hội cao, nếu có hướng dẫn đúng” .

Với những đặc điểm tâm sinh lý đang trong giai đoạn hình và phát triển, giới trẻ đang đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Bởi vậy, việc chăm lo giáo dục đạo đức, tư tưởng và lối sống cho giới trẻ là vô cùng cấp thiết, cần được chú trọng quan tâm. Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, đào tạo họ trở thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net