Giáo dục đạo đức là quá trình tác động có mục đích, có kế hoạch của nhà giáo dục nhằm biến hệ thống chuẩn mực đạo đức của toàn xã hội thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục. Quá trình tác động sư phạm giúp người được giáo dục lĩnh hội các quy tắc, các chuẩn mực đạo đức, hình thành tình cảm đạo đức và thực hiện các hành vi đạo đức.
1. Giáo dục đạo đức ở học sinh trung học phổ thông
“Con ơi muốn nên thân người/ Lắng tai nghe lấy những lời mẹ ru“, câu ca ấy có còn đúng không nhỉ? “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư” câu ca ấy nữa, có còn đúng không nhỉ?
Và “Tiên học lễ, hậu học văn” cái “lễ” ấy vào thời đại bây giờ là gì vậy nhỉ?
Nghĩ đi rồi nghĩ lại, cải cách việc dạy môn đạo đức ở trường phổ thông bây giờ là khó nhất! Có thể có nhiều cách dạy toán hoặc dạy tiếng Việt, ít nhiều thì trẻ em cũng vẫn có được chút gì đó trong hành trang lôgic và ngôn ngữ để vào đời. Còn trong việc giáo dục đạo đức, ta có thể chứng kiến tình trạng nước đổ lá khoai ngay trước mắt mà đành bó tay chẳng làm gì nổi
Cái khó căn bản là ở chỗ người lớn chưa tìm ra nổi tiếng nói chung về nội dung và phương thức chuyển tải cái (hoặc) những lý tưởng đạo đức tới các em học sinh phổ thông. Ai ai và ở đâu đâu cũng có ý kiến được về dạy đạo đức. Có điều là, người trong trắng thì ngây thơ quá, mà người bớt ngây thơ thì cũng chẳng còn trong trắng bao nhiêu hoặc cũng chẳng còn tin tưởng bao nhiêu vào sự trong trắng.
Trong khi đó, xã hội nếu không muốn tiêu vong, chắc chắn vẫn cần đến một nền đạo đức bắt buộc phải được xây dựng thành lối sống cho thanh thiếu niên, để các em sống chết với một cái đạo làm người phù hợp với các em và phù hợp với thời đại các em phải sống.
Từ nửa đầu thế kỷ trước, nhà tâm lý học vĩ đại Jean Piaget đã tỉ mẩn nghiên cứu tâm lý trẻ em đối với vấn đề đạo đức. Piaget cho rằng có hiểu rõ trẻ em thì mới tổ chức nổi việc học của các em.
Trước Piaget, cũng có tác giả nghiên cứu sự tôn trọng mệnh lệnh của trẻ em và coi sự tôn trọng mệnh lệnh kia như là khởi đầu của thái độ đạo đức đối với không chỉ một mệnh lệnh mà đối với mọi nghĩa vụ.
Piaget coi cách nghiên cứu quan điểm đạo đức của trẻ em như thế là hời hợt vì nó không nghiên cứu sự xuất sinh nội tại cái quan niệm về đạo đức của trẻ em. Piaget còn phân tích xa hơn và cho rằng nếu chỉ nghiên cứu đạo đức dựa trên lòng tôn trọng cái được coi là “đạo đức” (có sẵn), thì sẽ có thể có hai thứ lòng tôn trọng, một đúng và một sai, một tốt và một không tốt, một chân thành và một giả dối.
Jean Piaget đã nghiên cứu theo cách khác. Ông quan sát, ghi chép và phỏng vấn các trẻ em trong khi chúng chơi các trò chơi và là trò chơi có luật lệ hẳn hoi – trò chơi đánh bi – và xem xét sự nảy sinh lòng tôn trọng các luật lệ chơi ra sao. Ở đây, thay vì mệnh lệnh, có sự quy ước. Ơ đây thay vì có người ra lệnh, chỉ có tự mình theo hay không theo các quy ước.
Điều đầu tiên Piaget thấy là tính chất nghịch lý như sau: Ở cái độ tuổi các em ít chịu áp dụng luật lệ thì lại chính là giai đoạn các em có lòng tôn trọng cao nhất đối với luật lệ; và đến cái độ tuổi hiểu biết rõ hơn cả đối với việc áp dụng luật lệ thì lại là cái giai đoạn các em không còn coi luật lệ là thiêng liêng và bất biến nữa.
Diễn giải cụ thể như sau. Khi ở độ 7-8 tuổi, các em vẫn còn ở trạng thái lấy mình làm trung tâm, song tự đáy sâu tâm lý, các em vẫn nghĩ mình như là người tham gia vào nhóm xã hội, và khi đó các em cảm thấy không cần lý giải về luật lệ, vì các em nghĩ rằng ai ai cũng tôn trọng luật lệ như mình.
Từ 8 đến 10-11 tuổi, đứa trẻ tìm cách gò mình vào một số luật lệ chung, nhưng là cái luật lệ riêng em đó nhớ được và nghĩ rằng mọi người cũng nhớ đến luật lệ đó như chính em đã nhớ.
Tới độ tuổi 10-11, luật lệ với các em trở nên cố định và rất chi tiết, chỉ cần một vi phạm nhỏ là những người trong cuộc chơi nhận ra ngay và có “cách xử lý” ngay. Đến độ tuổi này, nếu hỏi các em xem liệu có thể thêm bớt gì vào luật lệ đã có không, thì đạt được kết quả rất thú vị: càng lớn, thì càng thấy luật là bất biến, nhưng cũng càng thấy chúng chẳng còn thiêng liêng nữa!
Kết luận của Jean Piaget không rườm rà, không đao to búa lớn, chỉ giản dị thế này thôi: Ta cần phân biệt thứ đạo đức do bề trên áp đặt cho trẻ em với cái đạo đức do chính trẻ em áp đặt cho nhau. Sự giản dị là ở chỗ này: Bị bề trên áp đặt thì hay ho bao nhiêu cũng thành không tự nguyện.
Câu ca dẫn ra ở đầu bài này quả là vô cùng kiêu ngạo! Vì nếu chỉ biết nghe lời khuyên mà con người đều trở nên thiện cả, thì đã chẳng có cái ác trên đời này! Chân lý nằm ở vế ngược lại: trẻ em dù có áp đặt luật cho nhau thì đó cũng là sự đồng thuận hàm chứa trong đó cả sự tự do lẫn sự tự nguyện tước bỏ phần tự do “cồng kềnh” của cá nhân mình để hoà nhập với cộng đồng.
Một chương trình giáo dục đạo đức hợp lý có lẽ cần chú ý đến những nghiên cứu như Piaget đã tiến hành.
Đầu tiên có câu hỏi: Cái nhân lõi xuyên suốt công cuộc giáo dục đạo đức để rồi đi vào cuộc đời các em thiếu niên thanh niên sẽ là gì?
Nó phải thu gọn cho dễ nhớ, nhưng rành rành nó không còn có thể là kẻ quân tử của cụ Khổng nữa rồi. Nó cũng khó có thể là con người hy sinh chiến đấu của một thời hào hùng. Nó phải dễ thực hiện và dù giản dị đấy song nó lại phải mang tính thời đại.
Nghĩ rằng nhân lõi của chương trình giáo dục đạo đức sẽ là sự luyện tập để có tính đồng thuận và đạt tới nếp sống hoà hợp với cộng đồng, được chính trẻ em chấp nhận một cách tự nhiên.
Những “bài học đạo đức” về tính đồng thuận sẽ không thể là những bài giảng đã đành, cũng không thể biến tướng trong những “tình huống đạo đức” để thảo luận xuông, hy vọng thay thế cho các bài giảng một chiều sáo mòn. Các bài học đạo đức phải hình thành trong hoạt động của cộng đồng trẻ em, do các em chấp nhận rồi biến thành quy định.
Cái khái niệm cộng đồng đi từ lớp học, từ gia đình và mở rộng ra những cộng đồng càng lúc càng lớn hơn (dân tộc, loài người). Những bộ luật cũng đi dần vào cuộc sống trẻ em, bắt đầu từ Luật Giao thông (hàng ngày từ lớp 1 đã phải đi đi về về trên đường), sau đó đến Luật Quyền Trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Gia đình… tiến sang những luật khác nữa. Trong từng điều luật kia sẽ có cả sự áp đặt được chấp nhận của chủ thể công dân, lại còn có cả sự đấu tranh để thay đổi cho luật phù hợp với cuộc sống thực tiễn, và đó cũng là đồng thuận.
Với các học sinh khi con học trên ghế nhà trường trung học cơ sở thì việc giáo dục đạo đức cho các em tại trường là rất quan trọng. Nó sẽ giúp các em có được một tầm hiểu biết rộng, cái nhìn toàn diên hơn về các mối quan hệ trong gia đình nhà trường và xã hội. Ở nhà trường thì việc giáo dục đạo đức cho học sinh được giảng dạy thông qua các môn như: văn học, giáo dục công dân, công nghệ,…. Ở môn văn học qua các tác phẩm văn chương các giáo viên phải thông qua đó dăn dạy cho các em phải biết yêu thương, quý trọng và giúp đỡ những người thân và bạn bè của mình; môn giáo dục công dân qua từng bài học càng đi sâu tìm hiểu và thấm thía hơn các bài học đạo đức cho mỗi cá nhân; môn công nghệ thì qua các bài học dạy cho các học sinh có cái nhìn hướng thiện với cuộc sống hơn khi đó các em sẽ dễ dàng điều khiển được hành vi đạo đức của mình hơn hay nói cách khác là tạo động cơ và mục đích cho các hành vi đạo đức của các em.
2. Giáo dục đạo đức sinh viên đại học:
a. Sự cần thiết khách quan của giáo dục đạo đức cho sinh viên
Trong quá trình sống và hoạt động xã hội của con người, ý thức đạo đức được hình thành. Trong các xã hội, nhất là các xã hội dựa trên đối kháng giai cấp, ý thức đạo đức bao giờ cũng mang tính giai cấp. Trên thực tế, ở các xã hội khác nhau, đạo đức và ý thức đạo đức biểu hiện ở những điều cấm và khuyến khích khác nhau nhằm ngăn chặn những hành vi xấu xa và kích thích những điều tốt trên quan điểm lợi ích chung, lợi ích xã hội. Nói cách khác, sự phát triển của ý thức đạo đức có những biến thái cơ bản tương ứng với các hình thái kinh tế – xã hội bởi vì mỗi hình thức sở hữu đều sản sinh ra lý luận luân lý của nó.
Đối với Việt Nam, trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, các giá trị đạo đức trong truyền thống và hiện đại vẫn giữ một vai trò quan trọng. Công nghiệp hóa là một quá trình tất yếu nhằm tạo nên những chuyển biến căn bản về kinh tế – xã hội của đất nước trên cơ sở khai thác có hiệu quả các nguồn lực và lợi thế trong nước, mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, xây dựng cơ cấu kinh tế nhiều ngành với trình độ khoa học – công nghệ ngày càng hiện đại.