Trang chủ Mỹ học Đặc trưng của nghệ thuật

Đặc trưng của nghệ thuật

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 957 views

Đặc trưng của nghệ thuật theo Mỹ học.

Đặc trưng đối tượng của nghệ thuật

Không có đối tượng thì không có nhận thức. Đối tượng là điều kiện khách quan của nhận thức. Nghệ thuật là một hình thái ý thức xã hội, một hình thức, vậy, đối tượng của hình thức nhận thức này là gì? Nhận thức luận Mácxít chỉ rõ: tồn tại khách quan quyết định ý thức con người, Ý thức con người không có gì khác hơn là tồn tại được ý thức (C. Mác). Nghệ thuật là một trong những hình thái ý thức xã hội, cho nên, đứng ở góc độ nhận thức luận, đối tượng của nghệ thuật cũng là đối tượng của nhận thức nói chung: đó là tồn tại khách quan. Biélinski khẳng định: chỗ khác nhau giữa khoa học và nghệ thuật không phải là nội dung mà là ở phương pháp sáng tạo ra nội dung. Plékhanov cũng có ý kiến tương tự: đối tượng của triết học cũng đồng thời là đối tượng của nghệ thuật. Theo ý nghĩa triết học thì không có sự phân biệt giữa đối tượng của khoa học và đối tượng nghệ thuật. Hiện thực phong phú vô cùng vô tận của tự nhiên và xã hội là đối tượng của nghệ thuật. Biélinski đã từng xác nhận: tất cả thế giới, tất cả những bông hoa, màu sắc và âm thanh, tất cả các hình thức của tự nhiên và đời sống đều có thể là những hiện tượng của thơ ca. Xác định một phạm vi phản ánh rộng lớn như vậy của nghệ thuật là để khẳng định khả năng to lớn của nghệ thuật trong việc miêu tả và phản ánh. Nhưng sẽ sai lầm nếu đánh đồng đối tượng của khoa học và nghệ thuật. Cần phải phân biệt tồn tại khách quan và đối tượng (với ý nghĩa đích xác của từ này). Tồn tại khách quan là cơ sở của mọi hoạt động nhận thức và cải tạo của con người. Nhưng tồn tại khách quan là vô cùng tận, muôn màu muôn vẻ, mang nhiều phương diện và nhiều tính chất khác nhau. Mỗi một hình thức nhận thức của con người chỉ có thể và trong phạm vi đó lại quan tâm đến những tính chất nào đó mà thôi, tùy thuộc vào mục đích, yêu cầu, năng lực của mình. Mặt trời làm cho nhiều nhà khoa học quan tâm, nhưng nhà hóa học chú ý tới những phản ứng hóa học xảy ra, nhà vật lý quan tâm đến nguồn nhiệt năng, nhà sinh vật quan tâm đến nguồn ánh sáng của nó, còn nhà thơ chú ý đến khả năng gây hứng thú ở con người.

Mặt trời là trái tim anh

Mặt trăng vành vạnh là tình của em

Thấy anh như thấy mặt trời

Chói chang khó ngó, trao lời khó trao

Viện sỹ T. Pavlor đã chỉ rõ: cả trong tự nhiên lẫn trong xã hội không hề có những đối tượng vật lý, hóa học, mỹ học thuần túy, nhưng mỗi đối tượng ấy lại có những thuộc tính khiến nó thu hút sự chú ý của nhà vật lý, nhà khoa học, nhà nghệ thuật. Như thế, đối tượng của một hình thức nhận thức nào đó là những thuộc tính nào đó của một phần khách thể. Vậy đối tượng của nghệ thuật là gì? Cái làm cho nhà nghệ thuật quan tâm trước tồn tại khách quan là gì?

Trả lời vấn đề này, Chernychevski đã khẳng định phạm vi của nghệ thuật bao hàm trong nó tất cả những gì có trong hiện thực (trong tự nhiên và trong xã hội) khêu gợi được hứng thú của con người- không phải với tư cách là học giả mà với tư cách là con người bình thường; cái mọi người qua tâm trong đời sống-đó là nội dung của nghệ thuật.

Trong đời sống, con người có hai mối quan tâm lớn: mối quan tâm tới tự nhiên và mối quan tâm tới xã hội. Tức chính là hai mối quan tâm đảm bảo cho con người tồn tại và phát triển: quan hệ tự nhiên và quan hệ xã hội. Hai mối quan hệ này quay quanh một trung tâm là con người. Chính những mối quan hệ trung tâm con người là trung tâm chú ý của nghệ sĩ. Nếu như đối tượng của khoa học là sự vật, hiện tượng tồn tại độc lập với ý thức con người thì đối tượng của

nghệ thuật là tất cả những gì quan hệ với con người. Hay nói chính xác hơn, đối tượng của nghệ thuật là những mối quan hệ có tính người của thế giới. Nhà khoa học và nhà nghệ thuật cũng quan tâm tới thế giới tự nhiên. Nhưng đối tượng của nhà khoa học sẽ là bản chất, quy luật vận động, thuộc tính phổ quát độc lập khách quan với ý thức của con người thì nhà nghệ thuật lại chọn cho mình trong giới tự nhiên những phương diện liên quan đến ý thức con người, đến tư tưởng, tình cảm con người, đến đời sống tinh thần của con người. Chẳng hạn, mưa đối với nhà khoa học là quá trình ngưng tụ của hơi nước khi gặp lạnh và rớt xuống. Nhưng mưa đối với nhà thơ bao giờ cũng có hồn người trong đó.

Nặng lòng xưa hạt mưa đau

Mát lòng nay trận mưa mau quê nhà (Tố Hữu)

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn. (Huy Cận)

Ơi cơn mưa quê hương Đã ru hồn ta thưở bé,

Đã tắm nặng lòng ta tình yêu chớm hé

Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối bẹ dừa

Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa

Ta yêu quá như lần đầu mới biết

Ta yêu mưa như yêu gì tha thiết. (Lê Anh Xuân)

Thời tiết ở trường sơn đối với nhà thiên văn, địa lý khác hẳn đối với nhà thơ. Tố Hữu nghĩ về mưa-nắng Trường Sơn:

Trường sơn Đông nắng Tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình.

Còn Phạm Tiến Duật:

Anh lên xe trời đổ cơn mưa

Cái gạt nước xua đi nỗi nhơ

Em xuống núi nắng về rực rỡ

Cái nhành cây gạt mối riêng tư

Thế giới tự nhiên là vô cùng vô tận, vô thủy vô chung và thế giới nghệ thuật cũng vô cùng phong phú. Khó có thể và không thể thống kê ra rằng bộ phận nào trong thế giới hiện thực được nghệ sĩ quan tâm nhiều hơn cả. Từ thế giới vi mô đến thế giới vĩ mô, từ hữu sinh đến vô sinh đều có thể xuất hiện trong nghệ thuật. Nhưng khi chúng đã xuất hiện trong nghệ thuật thì bao giờ cũng là bộ phận tự nhiên bị con người đồng hóa, tiềm ẩn, kết tinh một quan hệ người ở trong đó.

Đối với thế giới tự nhiên, nghệ thuật tìm cho ra một quan hệ người kết tinh trong đó, thì đối với thế giới xã hội, nghệ thuật càng quan tâm đến quan hệ này. Quan hệ người ở đây chính là quan hệ xã hội. Nếu bản chất của con người là tổng hòa của những mối quan hệ xã hội, thì văn nghệ sĩ biết xác định cho mình đối tượng trong thế giới con người cái bản chất nhất, đó là bản chất xã hội. Nghệ thuật tìm ra cho mình những kiểu quan hệ xã hội ở trong con người. Con người là một sinh vật của tự nhiên, một bộ phận của hiện thực. Trong nó, một mặt tồn tại những quy luật của sinh vật, mặt khác tồn tại những quy luật xã hội. Quy luật, bản chất xã hội, quan hệ xã hội của con người là đối tượng của nghệ thuật. Nếu không nhận thức được, hoặc cố tình xuyên tạc đặc trưng đối tượng của nghệ thuật thì nghệ sĩ sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng trong quá trình sáng tạo.

Chủ nghĩa tự nhiên, Chủ nghĩa Freud… đã dùng những quy luật sinh học để giải thích con người. Con người trong nghệ thuật của họ không phải con người xã hội mà là con vật- người. Con người hoàn toàn bị bản năng sinh vật chi phối. Đối với tự nhiên, nghệ thuật lưu tâm đến quan hệ người kết tinh trong đó; đối với xã hội, nghệ thuật quan tâm đến những quan hệ xã hội, chính vì vậy mà người ta xác định đối tượng chủ yếu của nghệ thuật là con người.  Con người là phạm vi hiện thực chủ yếu mà nghệ thuật quan tâm. Nhưng sẽ không chính xác nếu nói đối tượng của nghệ thuật là con người một cách chung chung. Nếu hiểu theo nghĩa này thì con người là đối tượng của hàng loạt khoa học (tự nhiên và xã hội) chứ không có riêng gì nghệ thuật. Khác với khoa học, con người trong nghệ thuật là trung tâm, kết tinh của những quan hệ.

Con người trong nghệ thuật được miêu tả từ rất nhiều phương diện kinh tế, chính trị, lao động, sản xuất, tinh thần, vật chất; bên trong, bên ngoài… Nhưng sẽ cũng không chính xác nếu nói con người trong nghệ thuật là đa diện. Con người trong nghệ thuật không phải là tổng số các tri thức nghiên cứu về con người của các khoa học. Quan hệ xã hội của con người gắn chặt với những phẩm giá tinh thần của nó. Quan hệ xã hội, phẩm giá tinh thần là thế giới vô hình- thế giới vô hình đó được hun đúc từ thế giới hữu hình ở con người. Thế giới vô hình càng phong phú phức tạp thì thế giới hữu hình càng phong phú càng phức tạp. Chính đối tượng của nghệ thuật là những quan hệ xã hội-những phẩm giá tinh thần sẽ khiến con người nghệ sĩ quan tâm toàn diện về con người. Như thế, nghệ thuật không lấy miêu tả con người toàn diện làm mục đích mà như là phương tiện để lý giải những kinh nghiệm quan hệ. Do đó, không phải mặt nào của đời sống con người cũng được nghệ thuật quan tâm và không phải những mặt được quan tâm, đều có được sự quan tâm ngang nhau.

Như nhiều khoa học xã hội khác, nghệ thuật đặt cho mình mục đích tìm hiểu bản chất xã hội con người. Nhưng nghệ thuật không đặt ra cho mình nhiệm vụ khái quát trừu tượng bản chất xã hội của con người như trong chính trị, lịch sử.v.v… Nghệ thuật tái hiện và tái tạo bản chất xã hội cụ thể. Do đó, trong nghệ thuật, con người xuất hiện như những cá nhân, những số phận, những tính cách.

A. Drêmov phân biệt: … Khi phản ánh những quan hệ đối kháng giữa công nhân và tư bản vào trong tác phẩm nghệ thuật, thì chúng ta không trực tiếp trình bày các công thức của quy luật giá trị thặng dư (đó là nhiệm vụ của chính trị kinh tế học). Nghệ thuật miêu tả những biểu hiện của quy luật ấy trong số phận những cá nhân con người.

Trung tâm chú ý của con người trong chính trị, lịch sử là những sự kiện, quy luật đã được trừu tượng hóa. Nghệ thuật có sự mệnh tái hiện con người với yêu cầu giữ cho được cá tính riêng biệt, sinh động, bảo đảm cho con người có sức sống, hoạt động và phát triển như trong hiện thực. Con người trong nghệ thuật là con người xã hội, đồng thời là con người cá tính. H. Heine nói: Mỗi con người là một vũ trụ. Dưới mỗi tấm mộ bia- có chôn cất cả một pho sử toàn thế giới.

Đặc trưng nội dung của nghệ thuật

Cần thiết phải phân biệt đối tượng và nội dung của nghệ thuật. Giữa đối tượng và nội dung của nghệ thuật có sự thống nhất, nhưng không đồng nhất. Đối tượng là cái tồn tại khách quan, còn nội dung là tồn tại khách quan đã được chiếm hữu bởi chủ quan. Đối tượng là khách thể của nhận thức, còn nội dung là sự nhận thức khách thể bởi chủ thể. Nội dung là đối tượng đã được ý thức tái hiện, tái tạo, khái quát, đánh giá cho phù hợp với tình cảm, tư tưởng, lý tưởng của nghệ sĩ.

Vì vậy, mặc dù nói nghệ thuật phản ánh cuộc sống, nhưng đặc trưng nội dung của nghệ thuật không phải ở chỗ những bức ảnh chụp về đời sống. Giá trị nội dung của nghệ thuật không phải là ở sức chứa ngồn ngộn những chi tiết sự thực về đời sống, cũng không phải ở sự tương đương xã hội học giữa cái được phản ánh (đời sống) và cái phản ánh (tác phẩm).

Đặc trưng nội dung của nghệ thuật là thế giới chủ quan của nghệ sĩ được bộc lộ trước những vấn đề đời sống phản ánh trong tác phẩm:

Trước hết, nội dung của nghệ thuật thể hiện rõ khát vọng của nghệ sĩ muốn thể hiện một quan niệm về chân lý đời sống, về đời sống chân, thiện, mỹ. Cuộc sống trong tác phẩm là một cuộc sống theo một quan niệm, theo đề nghị, yêu cầu của nghệ sĩ- cuộc sống cần có nên có, chứ không chỉ có vốn có.

Thứ đến, nội dung của nghệ thuật là cảm hứng mãnh liệt của nghệ sĩ trước những vấn đề sống. Nghệ sĩ cũng bao giờ cũng muốn khẳng định điều này, phủ định điều kia, tôn thờ điều nọ.

Cuối cùng, nội dung nghệ thuật là cuộc sống được lý giải, đánh giá, biểu hiện theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định phù hợp với xu hướng tư tưởng nhất định trong cuộc sống.

Tóm lại, nội dung của nghệ thuật là hiện thực được nhìn nhận dưới con mắt của nghệ sĩ, thấm đượm khát vọng, nhiệt tình của nghệ sĩ, được trình bày, lý giải dưới ánh sáng của thế giới quan, lý tưởng thẩm mỹ nhất định.

Đặc trưng phương tiện của nghệ thuật

Hình tượng phương tiện của nghệ thuật

Xác định phương tiện của nghệ thuật là xác định tế bào của cơ thể sống, xác định yếu tố cơ bản để cấu thành tác phẩm nghệ thuật, xác định công cụ tiếp cận cuộc sống của nghệ sĩ, xác định cơ sở cho sự tồn tại của khoa nghiên cứu nghệ thuật và cơ sở tiếp thu nghệ thuật của người thưởng thức. Đơn vị cơ bản (hoàn chỉnh, nhỏ nhất, có ý nghĩa) là điều kiện tồn tại của thế giới và là điều kiện tồn tại cho các hình thức nhận thức về thế giới. Mọi sinh vật trên trái đất đều được cấu tạo bằng tế bào (đơn bào hoặc đa bào). Tế bào là đơn vị sống nhỏ nhất. Sinh học lấy tế bào làm xuất phát điểm. Thế giới vật chất nói chung được cấu tạo bằng những nguyên tử. Nguyên tử là những đơn vị trọn vẹn nhỏ nhất có ý nghĩa của vật chất. Nó là điều kiện tối thiểu của sự tồn tại vật chất.

Trong khoa học tự nhiên đã vậy, trong khoa học xã hội cũng cần phải như vậy. Chính C. Mác đã nghiên cứu hàng hóa, Mác đã thấy được bản chất mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Lêïnin, trong tác phẩm Bút ký triết học phần Về phép biện chứng đã chỉ cho ta thấy điều đó: Trong Tư bản, Mác đã phân tích trước hết cái đơn giản nhất, quen thuộc nhất, chung nhất, thông thường nhất, cái thường gặp đến hàng nghìn triệu lần, mối quan hệ xã hội tư sản (xã hội thương phẩm): sự trao đổi hàng hóa, sự phân tích phát hiện trong cái đơn giản ấy (trong cái tế bào của xã hội tư sản) tất cả những mâu thuẫn, tức là những cái mầm mống của mọi mâu thuẫn xã hội hiện đại. Sau đó, sự trình bày của Mác vạch cho chúng ta thấy sự phát triển (cả sự lớn lên và sự vận động) của các mâu thuẫn ấy trong tổng số các bộ phận của nó, từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc của xã hội.

Vậy, đối với nghệ thuật nghệ thuật đơn vị cơ bản là gì? Tế bào đã cấu tạo nên cơ thể sống- chỉnh thể tác phẩm là gì?

Đã có ý kiến cho rằng hình ảnh là tế bào của tác phẩm. Ý kiến này phần nào thấy được sự khác biệt giữa nghệ thuật với các tác phẩm phi nghệ thuật. Nhưng, hình ảnh chỉ là sự phản ánh những thuộc tính của ngoại giới vào đầu óc con người. Nó mang tính chất tri giác. Nó chưa phải là kết quả của một sự nhận thức đúng đắn. Mặt khác, hình ảnh không phải là gia tài riêng của nghệ thuật. Trong các tác phẩm khoa học, ta vẫn thường bắt gặp các hình ảnh. Những hình ảnh đó có tác dụng minh họa cho các phán đoán và kết luận trừu tượng, làm cho các kết luận ấy rõ ràng, sinh động và trực quan. Chẳng hạn, các nhà thiên văn nghiên cứu về sao chổi Halây, ngoài việc khái quát nên bản chất và quy luật vận động của nó thì họ không thể không mô tả về nó và đặc biệt là chụp những bức ảnh về nó để minh họa cho kết luận của mình.

Trong nghệ thuật, cái chung nhất, cái quen thuộc nhất, cái thường gặp hàng nghìn triệu lần đấy là hình tượng. Người sáng tác luôn trăn trở, suy nghĩ, phấn đấu cho tác phẩm của mình có hình tượng đạt chất lượng cao. Dôbôlin nói: Đối với tôi hình tượng luôn luôn nằm ở đầu ngòi bút. Biêlinski phân biệt: Nhà thơ tư duy bằng hình tượng, nhà thơ không chứng minh mà trình bày chân lý. Ipxen nói: Trước khi viết ra giấy một chữ nào, tôi cần nắm chắc hình tượng đã nảy sinh trong tôi. Với Tsêkhov, ở trong đầu ông hình thành cả một đội ngũ sẵn sàng chờ lệnh. Gorki gọi nghệ thuật là khoa học về con người và nghệ thuật bắt đầu nói mà độc giả quên mất tác giả, chỉ trông thấy và nghe thấy những con người do tác giả trình bày trước độc giả. Nếu nghệ sĩ không xây dựng được hình tượng thì tác phẩm của anh ta sẽ rơi vào lý thuyết khô khan trừu tượng. Trường Chinh đã có một so sánh thú vị:

Không long lanh hình tượng Chắp cánh ước mơ

Thì thơ đó chỉ thua vè một chút.

Vè, diễn ca thật sự là loại văn vần minh họa chủ trương đường lối. Hình tượng là phương tiện cơ bản, độc lập duy nhất để nghệ sĩ nhận thức cuộc sống. Nghệ thuật và khoa học là hai hình thức nhận thức cơ bản con người. Chúng thống nhất với nhau về mục đích nhận thức: phát hiện ra quy luật, bản chất của thế giới để giúp con người tiến hành cải tạo thế giới ngày càng tích cực hơn. Khoa học và nghệ thuật tồn tại bên nhau để bổ sung cho nhau; làm cho nhận thức con người phong phú toàn diện, làm cho đời sống vật chất và tinh thần con người được đầy đủ. Nhưng khoa học và nghệ thuật không bài trừ lẫn nhau chính vì chúng có những đặc trưng riêng. Chẳng hạn, nghệ thuật và khoa học đều có chức năng nhận thức thế giới. Nhưng đặc trưng nhận thức của nghệ thuật ở chỗ không chỉ góp phần vào việc nhận thức thế giới mà còn giúp con người bồi dưỡng tâm hồn dưới ánh sáng của một lý tưởng đạo đức và thẩm mỹ nhất định.

Năng lực gây cảm xúc là một đặc tính tất yếu của nghệ thuật. Song, sự khác nhau quan trọng mà ta cần đặc biệt chú ý là ở phương tiện nhận thức của chúng. Khoa học nhận thức thế giới bằng công thức, định lý, định luật, khái niệm…trừu tượng. Còn nghệ thuật nhận thức thế giới bằng hình tượng cụ thể, cảm tính, trực tiếp. Đến một tác phẩm khoa học là đến với những công thức định lý, định luật, khái niệm. Tất cả những cái đó là hình thức tóm gọn bản chất thế giới muôn màu lại. Quá trình thâm nhập sâu vào bản chất thế giới là quá trình nhà khoa học trừu tượng hóa các điểm cá biệt riêng lẻ vào từng hiện tượng, sự vật để rút ra thuộc tính chung nhất của đối tượng. Thuộc tính chung nhất được biểu thị bằng một khái niệm nhất định. Chẳng hạn, sau quá trình nghiên cứu về nước từ nhiều thứ nước khác nhau người ta đã tìm ra thuộc tính cơ bản của nước là hai chất Hydro và Oxy, cứ một phân tử nước có hai nguyên tử hydro và một nguyên tử ôxy. Và người ta ký hiệu H2O. H2O là công thức trừu tượng và là một sự ký hiệu, quy ước. Công thức này không hề gợi cho ta một sự liên hệ trực tiếp nào giữa nó với nước cả.

Mỗi ngành khoa học sẽ có một hệ thống những khái niệm, công thức trừu tượng, có nội dung được xác định  rõ ràng, chặt chẽ. Hệ thống những khái niệm, thuật ngữ, công thức là phương tiện nhận thức thế giới của khoa học, là phương tiện truyền thụ kiến thức của nhà khoa học đến người khác, cũng tức là phương tiện tư duy của nhà khoa học. Do đó mà người ta nói nhà khoa học tư duy bằng khái niệm. Nhưng đến với nghệ thuật, ta không đến những công thức khô khan trừu tượng. Đến với nghệ thuật là đến với thế giới đã qua bàn tay nhào nặn của con người nhưng chung quy vẫn là ở dạng thái cuộc sống. Nghĩa là thế giới qua nghệ thuật không bị khô đi, cứng lại, trừu tượng hóa ra.

Một pho tượng, một bức tranh, một điệu múa, một cuốn phim ta không hề thấy công thức hay một khái niệm nào cả mà chỉ thấy những cảnh đời, những con người, những phong cảnh thiên nhiên có hình dạng, diện mạo, màu sắc, âm thanh, đường nét cụ thể. Ở đây, bằng giác quan ta có thể trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy và cảm nhận hình hài cuộc sống. Trong nghệ thuật có một sự nhập nhằng thú vị: nội dung của nó là sự phản ánh về đời sống, là ý thức tư tưởng của tác giả nhưng nhiều lúc người ta lại tưởng đó chính là cuộc sống. Có người kể rằng khi đọc xong truyện Phòng số 6 của Tsêkhov, Lênin đã nói với chị của mình rằng: Tôi không thể ngồi trong phòng của mình được nữa, tôi đứng dậy và đi ra ngoài. Tôi có cảm giác là chính tôi đang bị giam trong phòng số 6 đó. Mặc dầu Lênin rất tán thành ý kiến của Feuerbach: Nghệ thuật không đòi hỏi người ta thừa nhận các tác phẩm của nó như là hiện thực. Nhưng chính Lênin đã bị nghệ thuật cuốn hút đến mức tưởng nó là sự thực ngoài đời.

Hình thức phản ánh đời sống như đã nói trên, theo Tchernychevski là phản ánh hiện thực dưới hình thức đời sống. Biélinski đã so sánh 2 cách nhận thức thế giới của khoa học và nghệ thuật như sau: Tự vũ trang bằng những con số thống kê để tác động vào trí tuệ của thính giả và độc giả, nhà chính trị kinh tế học chứng minh rằng tình hình của một giai cấp nào đó đang hưng thịnh hay đang suy đồi do những hậu quả của những nguyên nhân nào đó.v.v… Còn nhà thơ vũ trang bằng những hình ảnh trong sáng và sinh động của hiện thực trọng một bức tranh chân thực để tác động đến trí tưởng tượng của độc giả mình, cho thấy tình hình của một giai cấp nào đó đang hưng thịnh hay đang suy đồi do những nguyên nhân nào đó.v.v… Một đằng là chứng minh, một đằng biểu hiện và cả hai đều thuyết phục, một đằng chỉ có là lôgíc, một đằng là những bức tranh. Những bức tranh đời sống đấy là những hình tượng. Hình tượng chính là phương tiện nhận thức và phản ánh hiện thực của nghệ sĩ, là môi giới giữa nghệ sĩ và bạn đọc, là phương tiện truyền đạt tư tưởng tình cảm của nghệ sĩ tới bạn đọc. Hình tượng là ngôn ngữ của nghệ sĩ, là ngôn ngữ đích thực của nghệ thuật. Công cụ giao tiếp của tác giả với đọc giả là hình tượng chứ không phải là ngôn ngữ hàng ngày. Ngôn ngữ hàng ngày ngoài xã hội là công cụ giao tiếp của xã hội chỉ là chất liệu vật chất để xây dựng nên hình tượng. Người ta gọi người nghệ sĩ tư duy bằng hình tượng.

Những đặc điểm cơ bản của hình tượng nghệ thuật

a. Phản ánh và sáng tạo: Phản ánh hiện thực là quy luật của nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật là hình ảnh của thế giới khách quan. Tuy vậy, không được đánh đồng khái niệm hình tượng trong nhận thức luận (triết học) với hình tượng trong lý luận nghệ thuật.

Trong triết học, khái niệm hình tượng hiểu là bất kỳ một sự phản ánh nào về ngoại giới vào trong ý thức con người. Ở đây, hình tượng đồng nghĩa với hình ảnh. Lêïnin viết: … Cảm giác, trí giác, biểu tượng và nói chung, ý thức của con người là hình ảnh của thực tại khách quan.

Trong nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật không phải là bất kỳ một sự phản ánh nào về hiện thực mà một sự phản ánh được ghi giữ lại trong một chất liệu của một loại hình nghệ thuật nhất định. Cụ thể, trong tác phẩm nghệ thuật sự phản ánh về hiện thực phải có được một sự tái hiện có nghệ thuật trong một chất liệu nhất định của một loại hình nghệ thuật cụ thể. Như thế, nghệ thuật bao gồm cả tư duy hình tượng và cả hoạt động thực tiễn nhất định- sự sáng tạo nghệ thuật, sự nhào nặn thẩm mỹ một chất liệu nhất định.

Nghệ thuật vừa tư duy (bằng hình tượng) vừa là hoạt động thực tiễn trực tiếp. Được vật chất hóa trong một tác phẩm nghệ thuật cụ thể, nghệ thuật tồn tại như một thực thể tinh thần trong dạng các giá trị nghệ thuật nhất định. Ở đây, tác phẩm nghệ thuật cũng là tự nhiên thứ hai như tất cả những gì được tạo ra bằng bàn tay khối óc của con người.

Với tư cách là một hình thái đặc thù của ý thức xã hội, nghệ thuật chính là một sự thống nhất liên tục của nhận thức hình tượng về hiện thực và sự tái hiện cảm tính- cụ thể hiện thực trong chất liệu của một loại hình nghê thuật.  Do đó, không được xem hình tượng chỉ là một kiểu tư duy (tư duy hình tượng) mà nó còn là một hành động thực tiễn vật chất- hoạt động sáng tạo, tạo ra một sự vật mới, tạo ra hiện tượng khách quan. Hình tượng nghệ thuật được vật chất hóa nhờ chất liệu nhất định. Nó vừa là ý thức tư tưởng của nghệ sĩ vừa là tài năng sáng tạo- nhào nặn chất liệu vật chất của nghệ sĩ.

Tuy vậy, không được xem phản ánh và sáng tạo như là 2 giai đoạn của việc xây dựng hình tượng theo nghĩa, nghệ sĩ có sẵn hình tượng tinh thần ở trong đầu óc sau đó, tìm và khoác cho nó một bộ áo vật liệu cụ thể nào đó. Thực ra, trước khi được vật chất hóa ra, hình tượng nghệ thuật đã tồn tại trong óc người nghệ sĩ, nghĩa là bao hàm sự sáng tạo trong ý thức tư tưởng. Lênin viết: Ý thức con người không chỉ phản ánh thế giới khách quan mà còn sáng tạo ra thế giới khách quan. Hình tượng nghệ thuật không phải là một bức ảnh chụp, một hình ảnh thu được trong tấm gương, cũng không phải là một sự tái hiện đơn giản cuộc sống, sự bắt chước máy móc tự nhiên. Sự bắt chước giỏi lắm cũng chỉ nhân đôi đối tượng mô tả chứ không tạo ra giá trị thẩm mỹ mới. Hình tượng nghệ thuật không phải là hình ảnh minh họa của khoa học. Hình ảnh minh họa của khoa học tái hiện các hiện tượng như chúng vốn có trong hiện thực. Tức là tái hiện thực tế một cách chính xác. Còn hình tượng nghệ thuật, sáng tạo là bản chất của nó. Hình tượng nghệ thuật bao hàm cả sự phóng đại, cường điệu, cả sự tỉa xén, nhào nặn. Hình tượng nghệ thuật là kết quả của trí tưởng tượng và tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ.

Phản ánh và sáng tạo là hai mặt của quá trình sản sinh ra hình tượng của nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật một mặt là hình ảnh của thế giới khách quan, mặt khác là sự sáng tạo lại thế giới khách quan; một mặt là ý thức tư tưởng, mặt khác là hoạt động thực tiễn vật chất của nghệ sĩ; một mặt là khách thể tinh thần mặt khác là thế giới hiện thực (tự nhiên thứ 2).

b. Cụ thể và khái quát: Cả hình tượng nghệ thuật và khái niệm khoa học đều là sự phản ánh hiện thực khách quan; đều không phải là sự lặp lại hiện thực. Nhưng nếu khái niệm khoa học là sự trừu tượng hóa ra khỏi cái chung ra khỏi cái riêng biệt, cụ thể của đối tượng thì hình tượng nghệ thuật lại phản ánh cái chung thông qua cái riêng biệt, cụ thể cảm tính trong dạng thái bản thân cuộc sống.

Một công thức khoa học cũng như một hình tượng nghệ thuật đó là sự thống nhất biện chứng giữa cái riêng và cái chung. Nếu như công thức khoa học, phép biện chứng này được biểu lộ thông qua cái chung thì ở hình tượng  nghệ thuật phép biện chứng này lại được biểu lộ thông qua cái riêng, cái đơn nhất. Một hình tượng nghệ thuật là tổng hòa các phẩm chất, thuộc tính, đặc điểm tiêu biểu cho một hiện tượng nhất định, con người nhất định. Hình tượng nghệ thuật là nơi phơi bày sự phong phú của cái cá biệt, tính muôn vẻ của hiện tượng. Hình tượng nghệ thuật tác động trực tiếp vào giác quan của chúng ta. Tiếp xúc với hình tượng nghệ thuật là tiếp xúc với những bức tranh những sự vật, những hiện tượng, những cảnh đời, những con người, những số phận riêng lẻ, cụ thể đang sống, vận động trong một tương quan cụ thể. Nội dung cụ thể của các tác phẩm là không bao giờ lặp lại nhau. Điều đó có nghĩa là các hình tượng nghệ thuật mang tính cá biệt- kể cả hình tượng phong cảnh tự nhiên và hình tượng nhân vật. Có biết bao nhân vật xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật nhưng có nhân vật nào giống nhân vật nào. Sự riêng biệt của các nhân vật không phải là chủ yếu của tên gọi, hình hài diện mạo mà chủ yếu ở tính cách, ở cá tính. Có người đã nhận định: nền nghệ thuật nhân loại là một phòng triển lãm các tính cách, là nơi phơi bày sự đa dạng phong phú của cốt cách, phẩm chất của con người.

Tính cá biệt cụ thể của hình tượng không chỉ biểu hiện ở chỗ miêu tả trực quan có tính chất tạo hình các sự  vật và con người riêng biệt mà còn ở chỗ: những tâm trạng của các nhân vật. Mỗi bài thơ trữ tình là mỗi một trạng thái tình cảm, suy nghĩ riêng của nhà thơ, của nhân vật trữ tình. Nếu như hiện tượng phong phú hơn quy luật, thì tính cụ thể, tính cá biệt của hình tượng đem đến con người nhận thức về tính đa dạng và phong phú của cuộc sống, hay  nói khác đi, đem đến cho con người nhận thức về quy luật trong sự đa dạng, phong phú của hiện tượng. Hình tượng của nghệ thuật bao giờ cũng nói với chúng ta về một vấn đề gì đó của cuộc sống. Bạn đọc thông qua những chi tiết, hình ảnh… của hình tượng để hiểu về cuộc sống. Tính cụ thể, cá biệt của hình tượng, vì vậy hàm chứa ý nghĩa khái quát. Trong hình tượng nghệ thuật không có chỗ cho những chi tiết, hình tượng ngẫu nhiên. Trong nghệ thuật cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới cái chung, bất cứ cái riêng nào cũng là thế nào đó của cái chung.

Trong hình tượng nghệ thuật cái cụ thể và cái khái quát xuyên thấu vào nhau, xoắn xuýt lẫn nhau; cái khái quát chuyển ra dưới dạng cái cụ thể, cái cụ thể chuyển vào cái khái quát, cái này chuyển thành cái kia; cả hai hòa vào nhau làm một. Balzac đã nói: Tư tưởng phải trở thành nhân vật.

c. Chủ quan và khách quan: Tất cả các hình thái ý thức xã hội đều không chỉ là sự phản ánh thế giới khách quan mà còn là sự biểu hiện thế giới chủ quan. Lênin đã chỉ rõ: Tư tưởng không chỉ là nhận thức mà còn là ý nguyện của con người.

Điều này đúng với cả nghệ thuật. Và hơn thế, trong nghệ thuật ý nguyện của con người (những rung cảm, hưng phấn, khát vọng.v.v…) là một đòi hỏi có tính tất yếu, là bản chất. Nghệ sĩ hướng tới đối tượng của mình không phải với tư cách là người chiêm ngưỡng mà với tư cách là chiến sĩ đấu tranh tích cực vì những lý tưởng của mình. Bélinski đã từng khẳng định: tác phẩm sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống để mà miêu tả, không có sự thôi thúc chủ quan mạnh mẽ nào đó có nguồn gốc từ trong tư tưởng bao trùm thời đại, nếu nó không là tiếng kêu đau khổ, một lời ca sung sướng một câu hỏi đặt ra hay một câu trả lời. Trong hình tượng nghệ thuật, sự giống với tự nhiên không phải là yêu cầu duy nhất, chưa phải là tất cả tính chân thực. Tính chân thực của nghệ thuật còn bao hàm cả việc phản ánh chân thực cảm xúc, cảm nhận và sự đánh giá về thực tại của người sáng tác. Trong tác phẩm nghệ thuật, sự biểu hiện nhân cách cá tính độc đáo của người sáng tạo cũng quan trọng như sự tái hiện chân thực đời sống.

Khái niệm khoa học có thể có hoặc không có chứa đựng sự đánh giá, nhưng hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng là bản án đối với hiện thực, bao giờ cũng là sự đánh giá của hiện thực. Trong hình tượng nghệ thuật, hiện thực được phản ánh dưới ánh sáng của một lý tưởng, thẩm mỹ xã hội nhất định, dưới ánh của các cặp phạm trù cái đẹp và cái xấu, cái bi và cái hài, cái cao cả và cái thấp hèn…

Nhưng, sự đánh giá trong hình tượng nghệ thuật không phải là những lời bình luận đưa từ ngoài vào. Sự đánh giá về hiện thực nằm ngày trong bản chất của hình tượng. Một hình tượng nghệ thuật vừa bao hàm sự phản ánh về hiện thực vừa bao hàm sự đánh giá về hiện thực đó. Nghĩa là, bằng hình tượng nghệ thuật nghệ sĩ phản ánh để đánh giá và đánh giá qua việc phản ánh hiện thực. Cái khách quan và cái chủ quan ở đây xuyên thấu vào nhau.

d. Lý trí và tình cảm: Cùng với khoa học, nghệ thuật có nhiệm vụ giúp con người nhận thức về thế giới, về con người và đời sống. Các hình tượng nghệ thuật, vì vậy tác động vào lý trí con người. Qua hình tượng, nghệ sĩ bày tỏ quan điểm, quan niệm và lý giải những vấn đề đời sống. Bất kỳ một hình tượng nghệ thuật nào cũng chứa đựng trong đó những nhận thức của người sáng tác. Qua hình tượng nghệ thuật, bạn đọc tiếp nhận được những vấn đề về đời sống, lý trí bạn đọc bao giờ cũng được soi sáng, nhận thức của bạn đọc bao giờ cũng được mở rộng, nâng cao. Nhưng nếu như khái niệm khoa học là kết quả của lý trí thì hình tượng nghệ thuật lại có sự thống nhất của hai yếu tố: lý trí và tình cảm. K. Marx viết: Con người khẳng định mình trong thế giới vật thể không chỉ bằng tư duy mà còn bằng tất cả cảm xúc. Điềìu này được bộc lộ đặc biệt rõ ràng trong nghệ thuật. Hình tượng nghệ thuật vừa thức tỉnh lý trí vừa làm rung động trái tim. Hai mặt thức tỉnh và rung động này của nghệ thuật hòa quyện vào nhau. Từ rung động mà thức tỉnh càng thức tỉnh càng rung động hơn. Giá trị thức tỉnh của hình tượng nghệ thuật to lớn bao nhiêu là do sức rung động mãnh liệt bấy nhiêu. Đối với nghệ thuật, không thể nói giá trị nhận thức to lớn mà lại không gắn liền với một tình cảm mạnh mẽ được. Thậm chí giá trị nhận thức của nghệ thuật chỉ có thể có được khi nghệ thuật đó tác động vào tình cảm con người.

Tình cảm đối với nghệ thuật là quy luật. Đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định: thường thường triết học giải quyết vấn đề lý trí, nghệ thuật xây dựng tình cảm và nói đến nghệ thuật là nói đến quy luật riêng của tình cảm.

Do vậy, hình tượng bao giờ cũng là kết quả của tỉnh cảm chín muồi của nghệ sĩ trước những vấn đề đời sống. Nguyên nhân thành công của Truyện Kiều về cơ bản chính là sự đau đớn của tác giả đối với thân phận người phụ nữ trong xã hội vạn ác. Phải có tình cảm cháy bỏng lệ chảy quanh thân Kiều như Nguyễn Du mới có tuyệt tác Truyện Kiều. Tâm sự về thơ, Tố Hữu khẳng định: Thơ từ trái tim đi rồi về trái tim. Nghệ sĩ phải có tình cảm với cuộc sống, rồi những hình bóng của đời sống- hình tượng do nghệ sĩ tạo nên thắm đượm tình cảm và tình cảm đó lây lan qua bạn đọc.

Nếu như tình cảm đó có thể là nguyên nhân sâu xa của sự ra đời một công thức khoa học, nhưng bản thân nó không gắn liền trực tiếp với tình cảm của con người sáng tạo ra nó, thì, ở hình tượng nghệ thuật tình cảm không chỉ là nguyên nhân mà còn là kết quả. Quá trình xây dựng hình tượng cũng như quá trình hình thành khái niệm khoa học là đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Song điểm khác biệt của tư duy hình tượng là trên mọi giai đoạn của tư duy đều gắn liền với cảm xúc. Tư tưởng không tách khỏi hình tượng và được thể hiện trong hình tượng đầy cảm xúc, nên hình tượng, không chỉ hướng vào lý trí mà còn hướng vào cảm xúc chúng ta.

Chính ở đây ta hiểu thêm lý do tại sao hình tượng nghệ thuật lại mang tính cá biệt, cụ thể cảm tính. Tình cảm con người nảy sinh do chỗ tiếp xúc trực tiếp với sự vật, hiện tượng cụ thể sinh động, riêng lẻ của thế giới bên ngoài. Nghệ sĩ muốn truyền đạt tới bạn đọc tư tưởng của mình thì không thể không làm cho tư tưởng tình cảm đó có hình  hài xương thịt của đời sống, không thể không làm cho tư tưởng tình cảm hình tượng của mình có một dạng thái đời sống- một tự nhiên thứ 2 trong một chất liệu nhất định của đời sống. Tính sinh động của hình tượng là yêu cầu đối  với nghệ sĩ, là bản chất của hình tượng. Lênin viết: Nắm lấy cái sinh động- chính là sức mạnh của nghệ sĩ.

đ. Tạo hình và biểu hiện: Xét về mặt quá trình vận động của tư duy thì quá trình vận động của tư duy lôgic là đi từ những hiện tượng cá biệt riêng rẽ để rút ra cái chung cái quy luật. Trong quá trình này người ta tiến  hành gạt bỏ những cái ngẫu nhiên để đi đến cái chung. Nhưng cái chung khi đã rút ra thì tách hẳn khỏi cái riêng. Còn ở tư duy nghệ thuật cái chung và cái riêng, cái khái quát và cái cụ thể thống nhất ngay từ đầu và cái chung, cái khái quát được biểu hiện qua cái riêng, cái cụ thể. Nếu như yếu tố ngẫu nhiên, tạm thời xa lạ với tư duy khoa học, thì nó lại có chỗ đứng trong tư duy nghệ thuật. Quá trình phát hiện bản chất của sự vật và quá trình lựa chọn, sáng tạo  những chi tiết cụ thể gợi cảm bộc lộ bản chất sự vật kết hợp hữu cơ với nhau. Nghệ sĩ, văn sĩ luôn luôn nghiền ngẫm, nhìn nhận và thể hiện đối tượng trong trạng thái tổng hợp sinh động, họ không một phút rời bỏ cái cụ thể, cá biệt. Nhà nghệ thuật âm nhạc vĩ đại Tchaikovski nói: Tôi không bao giờ sáng tác một cách trừu tượng, nghĩa là bao giờ tư tưởng âm nhạc cũng hiện ra trong tôi dưới một hình thức bề ngoài thích ứng với nó. Như vậy, tôi phát hiện ra tư tưởng âm nhạc cùng một lúc với sự phối khí. Từ cơ sở tư duy này mà hình tượng nghệ thuật có thuộc tính tạo hình. Các hình tượng nghệ thuật là đứa con tinh thần của nghệ sĩ. Nhưng không vô hình mà tồn tại một cách cụ thể, cảm tính trong một chất liệu vật chất nhất định. Đứa con tinh thần của nghệ sĩ luôn luôn có hình hài cụ thể, tồn tại trong không gian, thời gian và trong những mối quan hệ nhất định. Người ta chỉ có thể hiểu được phần hồn đứa con của nghệ sĩ thông qua phần xác của nó. Do đó, phần xác của hình tượng không phải là một thứ áo khoác ngoài, một loại nước sơn mà nó thực sự là một hình thức tồn tại một cách cụ thể vật chất của hình tượng. Không có nó thì không có hình tượng. Tính tạo hình của hình tượng đã khiến cho người thưởng thức nó luôn luôn có cảm giác là đấy không phải là tư tưởng mà là cuộc sống thực. Tính tạo hình của hình tượng không chỉ bao hàm việc tái tạo không gian hay ngoại hình của đối tượng mà điều quan trọng là tạo dựng cả thời gian, cả một mối quan hệ, cả nội tâm- những cái không thể sờ thấy, nhìn thấy. Nguyễn Du viết:

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

Ở đây ta không chỉ nhìn thấy hoa lựu đỏ như lửa ở đầu tường (màu sắc, không gian) mà ta còn thấy được cả sự vận động của nó trong thời gian: đang nở- lập lòe đâm bông. Ta biết hoa lựu nở qua động từ đâm nhưng ta thấy hoa lựu nở qua từ lập lòe.

Tính tạo hình làm cho hình tượng tương đồng với đối tượng nhưng hình tượng không phải là sự lặp lại, bắt chước đơn giản hay sự thống kê, liệt kê. Nghệ sĩ chọn lọc những chi tiết có ý nghĩa nhất, tiêu biểu nhất để tạo hình tượng. Cho nên, hình tượng nghệ thuật nhiều khi là những nét chấm phá nhưng từ một giọt nước mà thấy biển cả, từ một cây mà thấy cả rừng.

Như vậy, tạo hình là một đòi hỏi tất yếu nhưng lại không phải là mục đích cuối cùng. Qua tạo hình mà biểu hiện. Thông qua tạo hình mà hình tượng bộc lộ cái bên trong, cái bản chất, cái vô hình. Mọi chi tiết tạo hình chỉ có ý nghĩa khi nó là sự nén chặt năng lượng. Biểu hiện là phẩm chất tất yếu của tạo hình. Biểu hiện làm cho hình tượng mang tính đa nghĩa, vừa gợi không gian, vừa gợi thời gian, vừa gợi tình huống, tính cách và thái độ của tác giả, và vì vậy, trong hình tượng nghệ thuật mọi chi tiết có ý nghĩa và chức năng của chúng. Không có chi tiết thừa.

e. Hư cấu và tưởng tượng: Sự thống nhất giữa tính cá biệt, cảm tính cụ thể với tính khái quát là một đặc điểm hết sức quan trọng của nghệ thuật nghệ thuật. Vì nghệ thuật yêu cầu nhận thức quy luật của đời sống bằng hình tượng. Bản chất của cuộc sống trong nghệ thuật được thể hiện dưới dạng thức của chính đời sống. Tuy nói hiện tượng phong phú hơn quy luật song không phải ở đâu và bao giờ mọi hình tượng của đời sống đều mang trong mình nó tính quy luật cả. Hơn nữa, không phải bản thân những hình tượng mang trong mình nó tính quy luật đều trôi hơn, đều dễ thấy và đều thường xảy ra. Mặt khác, nghệ sĩ là người đón đầu thời đại, tác phẩm nghệ thuật không chỉ đơn thuần phản ánh cuộc sống một cách thụ động mà còn hướng đạo cuộc sống. Cuộc sống trong tác phẩm vừa là cuộc sống diễn ra ngoài đời, đồng thời phải là cuộc sống tất phải diễn ra và cần thiết phải diễn ra nhưng chưa diễn ra. Tình hình mâu thuẫn này đặt ra cho nghệ sĩ một nhiệm vụ vinh quang là hợp lý hóa mâu thuẫn đó. Nghệ sĩ bằng vào kinh nghiệm cuộc sống, bằng vào tài năng và trí tuệ của mình tiến hành công việc: so sánh đối chiếu, khám phá, phát hiện để tìm thấy các hiện tượng chứa nhiều yếu tố quy luật, vứt bỏ, gạt ra ngoài những yếu tố ngẫu nhiên; chọn lấy yếu tố bản chất, quan trọng nhất, trên cơ sở đó bằng vào trí tưởng tượng nghệ sĩ tạo nên những sự kiện, những hiện tượng, những con người thật sinh động, cụ thể như mang trong mình nó đầy đủ tính quy luật. Công việc này trong nghệ thuật gọi là hư cấu. Hư cấu nghệ thuật chính là quá trình tập hợp, lựa chọn, sắp xếp tài liệu từ nhiều hiện tượng khác nhau, trên cơ sở đó thông qua trí tưởng tượng nghệ sĩ sáng tạo ra một hình tượng cá biệt mới, hình tượng này thể hiện được bản chất đời sống một cách sinh động, trong sáng và tập

Có thể gọi quá trình xây dựng một tác phẩm nghệ thuật là quá trình hư cấu nghệ thuật. Điều này càng khẳng định thêm rằng tác phẩm nghệ thuật không phải là sự đơn thuần chụp ảnh máy móc cuộc sống hay kiểu nhớ gì ghi nấy tùy tiện được. Tình hình này đặt ra một vấn đề, một yêu cầu quan trọng không thể thiếu được, đồng thời là một yêu cầu thể hiện tài năng nghệ sĩ đó là trí tưởng tượng- sáng tạo, nghệ sĩ xây dựng nên những sự kiện nghệ thuật mà đặc điểm của sự kiện nghệ thuật đó có sự dung hòa, xuyên thấm giữa cái các biệt và cái khái quát, giữa cái hìện tượng và bản chất, giữa yếu tố và hệ thống, giữa chung và riêng…

Cho nên, sự kiện nghệ thuật là sự kiện cuộc sống được chỉnh lý lại, nó cô đọng hơn, điển hình hơn trong cuộc sống, bằng vào nó mà người đọc nhận thức cuộc sống nhanh hơn, nhạy hơn, đầy đủ hơn và sâu sắc hơn. Gorki đã định nghĩa quá trình hư cấu như sau: Hư cấu là kết thúc quá trình nghiên cứu, lựa chọn tài liệu, làm cho tài liệu ấy thành một điển hình xã hội sinh động, có ý nghĩa tích cực hay tiêu cực.

L. Tôlstôi kể lại việc sáng tác của mình- một công việc khó khăn phức tạp, đầy suy ngẫm trong quá trình hư cấu: Tôi chán và chẳng viết gì cả, tôi làm việc rất khổ não. Anh không thể hình dung được là tôi đã gian nan như thế nào trong bước đầu cày sâu trên cánh đồng mà trên đó tôi buộc lòng phải gieo. Cân nhắc rồi suy đi nghĩ lại mãi tất cả những điều có thể xảy ra đối với nhân vật trong tác phẩm tương lai. Tác phẩm lớn lắm, suy nghĩ, cân nhắc có đến hàng triệu điều có thể kết hợp được, để chọn lấy trong số đó một phần triệu thôi, – thật là khó khăn vất vả một cách kinh khủng.

Tưởng tượng trong quá trình hư cấu phải đến mức dường như chính mình là nhân vật vậy. Balzac tưởng tượng đến mức: Cảm thấy trên lưng mình có những quần áo rách nát, còn dưới chân thì có những giày dép há mõm, thủng lỗ của những con người nghèo đói mà tác giả đang viết về họ.

Flôbe lại hóa thân vào nhân vật để sáng tạo: Thật là một điều kỳ diệu, viết không phải là sống thu hẹp lại trong bản thân mình mà phải quay về với toàn bộ cuộc sống mà mình nói đến. Chẳng hạn như năm nay tôi là đàn  ông lại vừa là đàn bà, kiêm cả đôi trai gái yêu nhau cưỡi ngựa dạo chơi trong rừng, giữa một buổi trưa mùa thu dưới lá vàng, gió heo may, vang rộn tiếng cười và ánh mặt trời đỏ tía, làm những đôi mắt say sưa vì yêu đương phải nhắm lại và cứ từng phút, từng giây tôi phải đặt mình vào địa viï của những người mà tôi ác cảm, tôi phải hết sức cố gắng lắm mới hình dung được nổi các nhân vật của mình và nói thay cho họ, khốn nỗi họ lại làm cho tôi ghê tởm một cách sâu sắc. Nhờ vào tài năng hư cấu nghệ thuật mà người nghệ sĩ tạo ra được những hình tượng rõ ràng, xác thực, đầy sức hấp dẫn và thuyết phục.

Phạm Văn Đồng nói: Văn học, nghệ thuật là công cụ để hiểu biết, để khám phá, để sáng tạo lại thực tế xã hội.

Sóng Hồng viết:

Tôi tán thành phải sáng tạo trong thơ.

Đừng nhai lại như voi ăn bả mía

Tố Hữu viết: Cuộc sống muôn hình muôn vẻ, nghệ thuật không thể lặp lại, nghệ thuật bao giờ cũng sáng tạo. Ông đặc biệt nhấn mạnh yếu tố tưởng tượng trong nghệ thuật đặc biệt là trong thơ: Thơ là nghệ thuật kỳ diệu nhất của trí tưởng tượng. Tưởng tượng và sáng tạo là vô cùng quan trọng trong sáng tác nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng. Bởi vì, nghệ thuật không chụp ảnh lại thực tại xã hội mà là sáng tạo lại thực tại xã hội. Nhưng cần lưu ý rằng tưởng tượng sáng tạo không phải bịa đặt hoặc là vũ đoán hay ảo tưởng. Mà, những điều tưởng tượng là hợp lý, hợp lôgic của đời sống, có gốc rễ trong đời sống. Muốn có điều này nghệ sĩ phải hiểu nhiều biết rộng và bám sát lấy mảnh đất thực tế. Thoát ly thực tế mà tưởng tượng thì không thể tránh khỏi bịa đặt giả dối. Phản ánh luận Lênin cho thấy: Ý thức phản ánh tồn tại. Vật chất quyết định ý thức. Cho nên sẽ không thể sáng tác được, không thể tưởng tượng ra điều gì hợp lý nếu không có thực tế, không bám vào thực tế. Những yêu cầu đi sâu, bám sát thực tế đối với nghệ sĩ của Đảng ta có một ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đi vào thực tế, cắm rễ sâu vào các cơ sở sản xuất, công tác, lao động, chiến đấu, tham gia tích cực vào hoạt động xã hội, chẳng những nghệ sĩ trưởng thành về tư tưởng mà còn là nguyên nhân sâu xa: giúp nghệ sĩ nâng cao tay nghề, tài năng và sáng tạo. Cái thực tế vĩ đại-hoạt động thực tiễn sản xuất và chiến đấu của nhân dân sẽ là bệ phóng cho trí tưởng tượng. Tưởng tượng chắp cánh cho công việc hư cấu nghệ thuật và từ đó làm cho hình tượng nghệ thuật xác thực hơn và gần cuộc sống hơn. Nghệ sĩ có vốn hiểu nhiều biết rộng, vũ trang cho mình thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng là cơ sở chắc chắn cho trí tưởng tượng mình bay bổng nhưng lại không vượt ra ngoài quỹ đạo của cuộc sống cũng như quy luật và quy tắc phản ánh của nghệ thuật.

Có sự hiểu biết rộng, có nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn thì cuộc sống nên có mà tác phẩm đặt ra theo giả định của nghệ sĩ là có cơ sở thực tế và cơ sở khoa học, từ đó hình tượng có sức thuyết phục hơn. Cũng nhờ hiểu sâu biết rộng, có nhân sinh quan và thế giới quan đúng đắn mà trí tưởng tượng của nghệ sĩ không thể bay bổng đến mức hư ảo, thoát ly hiện thực. Điều này ta thấy rất rõ hình tượng một số nhân vật của tác giả đã tỏ bất kham với dự định ban đầu của nghệ sĩ trong quá trình sáng tác. Có những nhân vật theo dự tính chủ quan ban đầu là phải thế này nhưng trong quá trình sáng tác vì tuân theo lôgic cuộc sống nhân vật đó trở thành thế khác. Có những nhân vật tuân theo ý muốn của nghệ sĩ là phải sống, nhưng thể hiện nó vào trong tác phẩm thì nó phải chết. Nếu tác phẩm nghệ thuật là nhận thức thì cuộc sống là thước đo của sự nhận thức đó. Lênin chỉ rõ: thực tiễn là tiêu chuẩn, là thước đo  của nhận thức. Bám sát thực tiễn, tuân thủ những nguyên tắc của cuộc sống, nghệ sĩ chân chính không bao giờ uốn cong ngòi bút theo ý muốn chủ quan, dự kiến tương lai một cách có căn cứ.

Trường hợp L. Tôlstôi viết Sống lại là một ví dụ. Ông ta phải thay đổi kết cấu câu chuyện sau rất nhiều lần tìm tòi, suy nghĩ. Câu chuyện tình yêu giữa Nhêkhơliuđôv và Maxlôva được viết lần đầu theo một chiều hướng tốt đẹp; Nhêkhơliuđôv lấy Maxlôva làm vợ, sống với nhau ở Xibêri, biên soạn trước tác về vấn đề chiếm hữu ruộng đất và dạy học ở trong vùng… Nhưng vừa qua bản thảo đầu tiên đó, tác giả thấy cần phải thay đổi bố cục: trọng tâm câu chuyện trước kia là ở Nhêkhơliuđov nay phải chuyển sang Maxlôva. Ông thấy cái kết thúc tốt đẹp trước đây là không thực tế, trái với sự thật cuộc sống, làm mờ mất những mâu thuẫn xã hội đang tồn tại hiển nhiên trước mắt ông. L. Tôlstôi đã tự nhận thấytại sao Sống lại bị bế tắc mặc dù nó đã được viết ra. Bởi vì, ông nói: tôi đã xuất phát sai. Tôi nhận thấy rằng tôi cần phải xuất phát từ đời sống nông dân. Nông dân mới là mục tiêu, mới là cái chính diện, còn cái kia (đời sống của giai cấp thống trị) chỉ là cái bóng tối, chỉ là cái phản diện, cần phải xuất phát từ cái chính diện.

Vì ông cảm thấy rằng việc Nekholiudov, một gã quý tộc giàu có vì cắn xé lương tâm đã nhường lại điền trang để theo đuổi và quyết tâm lấy Maxlova, cô gái ở đã bị anh quyến rũ rồi bỏ rới trước đây làm vợ, L. Tolstoi không hoàn toàn thỏa mãn. Ông tự phê phán: tất cả đều là bịa đặt, kém cỏi… Vì vậy, cho nên đến cuối năm 1888, L. Tolstoi đã viết lại tác phẩm lần cuối, chiều hướng câu chuyện lần này thay đổi hoàn toàn. Cái kết thúc tốt đẹp cũ bị bỏ đi và thay vào đấy là một kết thúc thực tế hơn: Maxlova từ chối đề nghị của Nekholiudov, tiếp xúc với anh em tù chính trị, nàng đã được sống lại và lớn lên.

Ta cũng có thể thế thấy một trường hợp viết lại cho hợp lý hơn ở Tô Hoài về truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và bộ phim Vợ chồng A Phủ. Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Mỵ sau khi cởi trói cho A Phủ thì cùng A Phủ chạy thoát khỏi nhà thống lý Pá-Tra đến khu du kích; nhưng trong chuyện phim Vợ chồng A Phủ thì Mỵ không chạy thoát được, cứu được A Phủ nhưng Mỵ không thể cứu nổi mình trong vòng vây và đêm đen dày đặc của bọn chúa đất dưới tầm tay thực dân Pháp. Mỵ chỉ thực sự được giải thoát khi A Phủ và bộ đội về giải phóng. Sửa đổi chi tiết này, câu chuyện thực hơn, giá trị tố cáo sâu sắc hơn.

Từ những phân tích trên, ta thấy rõ ràng: hư cấu nghệ thuật không hề mâu thuẫn với hiện thực, trái lại nó làm cho nghệ thuật gần cuộc sống hơn, chân thực hơn, phong phú hơn. Bởi hư cấu không gì khác hơn là sự chắt lọc tính chất cuộc sống, sắp xếp chúng lại trong một cơ cấu nhất định. Hư cấu như là một ống kính kỳ diệu soi cho ta thấy bản chất của đời sống, gạt ra ngoài những gì là ngẫu nhiên, đang che lấp cái bản chất, chỉ ra hướng đi lên của cuộc sống mà chính nó đang manh nha ở ngoài đời.

f. Thẩm mỹ và nghệ thuật: Hình tượng khác một cách căn bản với khái niệm khoa học ở tính thẩm mỹ và nghệ thuật của nó. Tính thẩm mỹ và tính nghệ thuật của hình tượng sản sinh ra một năng lực diệu kỳ: sức lay động tình cảm dữ dội, sự thức tỉnh tư tưởng lớn lao, sức lôi cuốn hành động mạnh mẽ của con người. Đó là sức mạnh không gì cưỡng lại được của nghệ thuật. Diderot đặt ra yêu cầu đối với nghệ sĩ sáng tạo hình tượng: trước hết anh phải làm cho tối cảm động, kinh hoàng, đê mê, anh phải làm cho tôi sợ hãi, run rẩy, rơi lệ, hay căm hờn.

Để đạt được năng lực thẩm mỹ như vậy, bằng trí tưởng tượng, tài năng sáng tạo của mình, nghệ sĩ phải hợp lý hóa nhiều phương diện, thuộc tính khác nhau thậm chí trái ngược nhau vào trong mối chỉnh thể thống nhất để tạo ra hình tượng nghệ thuật: cụ thể và khái quát, hình thức và nội dung, lý trí và tình cảm, chủ quan và khách quan, tạo hình vào biểu hiện, ước lệ và hư cấu.v.v… Quá trình xây dựng hình tượng là một quá trình khắc phục khó khăn của nghệ sĩ. Quá trình đó để lại dấu ấn tài năng trong hình tượng nghệ thuật, tạo ra tính nghệ thuật của hình tượng. Tính nghệ thuật vừa là thuộc tính vừa là giá trị của hình tượng.

Đặc trưng nghệ thuật của hình tượng là ở chỗ tính sinh động của chi tiết của hiện thực được phản ánh, chiều sâu nhận thức và tầm cao ý nghĩa của tư tưởng, tính thống nhất giữa các mối liện hệ và phù hợp giữa các yếu tố, sự hoàn thiện của hệ thống ngôn từ (nếu là văn chương). Hình tượng nghệ thuật là kết quả nhào nặn một chất liệu vật chất nào đó của đời sống của nghệ sĩ, nhưng không phải để tạo ra một một vật phẩm vô tri, vô giác như mọi sản phẩm vật chất của sản xuất, mà là để tao ra một sinh thể mới. Sinh thể này có sức sống dộng kỳ diệu, nó lung linh, xào xạc; nó tươi mát ngọt lành, nó vận động và biến đổi… Khi Nguyễn Du viết:

Cỏ lan mặt đất, rêu phong dấu giày

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

thì những cảnh vật này sống động hơn rất nhiều so với cảnh vật thực ngoài đời. Sự vận động và sinh sôi của chúng khó có thể nhận thấy bằng mắt ở ngoài thực tế thì trong thơ Nguyễn Du chúng ta dường như trực tiếp chứng kiến: Cỏ thì đang lan ra, rêu thì đang phong lại, còn hoa lựu thì đang nở lập lòe. Không chỉ cảnh vật mà con người trong nghệ thuật cũng sống động. Nó không phải là những khái niệm người mà là những con người cụ thể, có cá tính, có tính cách, có số phận riêng, biết suy nghĩ, biết hành động.v.v… Tính sinh động này của hình tượng nghệ thuật đã khiến cho nhiều nhà nghiên cứu đã xem nghệ thuật là một hình thức của đời sống hay xem hình tượng là những bức tranh của cuộc sống, hay xem hình tượng là hiện thực thứ 2, tự nhiên thứ 2.

Nhưng tính sinh động của hình tượng không chỉ ở những cảnh, những người được miêu tả mà còn ở cả những tâm trạng được biểu hiện. Một tác phẩm nghệ thuật có muôn vàn tâm trạng, một tâm trạng có muôn các biểu hiện. Nỗi cô đơn rợn ngợp:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót

Sông dài, trời rộng bến cô liêu (Huy Cận)

Sự tang thương:

*Lởm chởm vài hàng tỏi

Lơ thơ mấy khóm gừng

Vẻ chi là cảnh mọn

Mà cũng đến tang thương (Nguyễn Gia Thiều)

*Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang thương

Tóc buồn buông xuống, lệ ngàn hàng. (Xuân Diệu)

Niềm suy nghĩ:

Mái gianh ơi hỡi mái gianh

Ngấm bao sương nắng mà thành quê hương. (Trần Đăng Khoa)

Sáng tạo hình tượng nghệ thuật là để khám phá ra những vấn đề đời sống. Tác phẩm nghệ thuật là câu hỏi đặt ra hay câu trả lời. Mỗi hình tượng nghệ thuật là một tư tưởng- thẩm mỹ. Tính nghệ thuật của hình tượng bộc lộ quan trọng nhất ở chiều sâu tư tưởng vào tầm cao ý nghĩa. Khi Trần Đăng Khoa viết:

Mái gianh ơi hỡi mái gianh

Ngấm bao sương nắng mà thành quê hương

Thì em đã gợi cho ta biết bao suy nghĩ về tổ quốc quê hương. Có biết bao nhiều nhà thơ định nghĩa về quê hương:

Quê hương là cầu tre nhỏ

Mẹ về nón lá nghiêng che

Quê hương là đường đi học. . .

Đất là nơi anh đến trường Nước là nơi em tắm

Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

Ngàn năm tổ quốc quê hương

Là hòn đất trộn với xương máu mình v. v. . .

Nhưng có lẽ thấm thía nhất vẫn là câu thơ của Trần Đăng Khoa. Quê ta nghèo, đơn sơ nhưng quê hương ta đã trải qua bao buồn vui, chìm nổi, người dân ta trải biết bao khổ nắng mưa để gầy dựng nên quê hương. Quê hương ta bình dị nhưng là tất cả. Chúng ta phải trận trọng, yêu thương, giữ gìn nơi đã sinh ra chúng ta…

Hình tượng nghệ thuật bao giờ cũng chứa đựng nhiệt tình và niềm tin của tác giả trước hiện thực và bộc lộ ra ở những cảm hứng chủ đạo trong sáng tác, do đó bao giờ hình tượng cũng có tính khuynh hướng. Không có nghệ thuật vô can, nghệ thuật nào cũng có tính khuynh hướng. Không có khuynh hướng thì nghệ thuật sẽ không có sức lay động tư tưởng. Khuynh hướng tư tưởng- cảm xúc cũng là một tiêu chuẩn của tính nghệ thuật. Một con người như Chí Phèo nếu ta gặp ở đâu đó nơi đầu đường, xó chợ ngoài cuộc đời thì cảm giác của chúng ta về Chí có lẽ cũng như cảm giác của dân làng Vũ Đại về Chí: kinh sợ con thú dữ của làng. Nhưng với ngòi bút có vẻ khách quan, lạnh lùng đối với Chí của Nam Cao thì chúng ta suy nghĩ về Chí rất khác: thương đau một số phận nhân từ bị đẩy vào con đường cùng, căm ghét những thế lực tàn bạo vô tâm, đã vùi dập Chí, đồng tình với hành động hung bạo của Chí đối với Bá Kiến. Cảm giác chung khi ta gập cuốn truyện Chí Phèo lại là một sự nhức nhối không cùng và một niềm tin tưởng vô cùng ở con người.

Khi nói hình tượng nghệ thuật là một cơ thể sống thì không thể hiểu nó ở góc độ tính sinh động mà quan trọng hơn là khẳng định tính trọn vẹn, tính cơ thể sống, tính hệ thống của nó. Một cơ thể sống là phải có sự tương hợp, hài hòa của tất cả các yếu tố đã cấu tạo nên nó. Hình tượng nghệ thuật là một hệ thống của nhiều yếu tố được bàn tay kỳ diệu của nghệ sĩ tổ chức nên. Hình tượng nghệ thuật không có yếu tố thừa và thiếu, mọi yếu tố đều có chức năng riêng nhưng lại phù hợp với nhau, có mối liên hệ đa dạng mà thống nhất, phức tạp và hoàn chỉnh. Tài năng tổ chức hình tượng, tác phẩm của nghệ sĩ làm cho hình tượng có tính nghệ thuật về kết cấu. Xây  dựng hình tượng, kết cấu tác phẩm là một việc cực kỳ khó khăn, xây lên rồi phá xuống, sửa đi sửa lại.

Để có một hình tượng thơ Tràng giang hoàn chỉnh, Huy Cận đã trải qua 17 bản thảo. Tư tưởng bao quát của bài thơ đã được biểu hiện trong cấu tứ ban đầu, nhưng rồi cảm hứng thi ca vẫn lên xuống, đi về, không ổn định, lặp ý, còn thiếu cụ thể, hình ảnh chọn lọc chưa thật phù hợp, ngôn ngữ chưa sinh động. Nội dung chưa hình thành trọn vẹn vì thiếu hình thức cân  xứng để biệu hiện. Nhưng khi Tràng Giang đã hoàn chỉnh thì mọi yếu tố trong bài thơ thật đích đáng và không thể khác được. Biểu hiện quan trọng nhất của tính nghệ thuật xét về hình thức ở văn chương là sự hoàn thiện của hệ thống ngôn từ của hình tượng. Thật khó có thể nói thế nào là sự hoàn thiện của hệ thống ngôn từ bởi vì không có một chuẩn mực ngôn từ nhất định nào cho hình tượng cả. Cũng không thể quy về sự giản dị hay phức tạp của cú pháp, sự chừng mực hay phong phú của từ loại, việc có hay không có những biện pháp tu từ, phướng thức chuyển nghĩa… Hệ thống ngôn từ đạt được ý nghĩa nghệ thuật chừng nào nó phục vụ đắc lực, tốt đẹp cho nhiệm vụ tư tưởng- thẩm mỹ của tác giả.

Do đó, ngôn từ chỉ có giá trị nghệ thuật khi nó là chất liệu xây dựng hình tượng, phát huy năng lực tối đa khả năng nghệ thuật vốn có của mình trong hình tượng. Người ta vẫn thường nói tới khả năng nghệ thuật của ngôn từ, đến đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật như tính hình tượng, tính biểu cảm, tính hàm xúc… song không phải sử dụng nhiều lớp từ có những đặc trưng trên thì tự nhiên tác phẩm đạt được tính nghệ thuật. Tất cả ở chỗ sử dụng đúng và đắt, khai thác đúng ma lực của nó.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]