Trang chủ Thiền học Cơ chế tâm lý của Thiền

Cơ chế tâm lý của Thiền

by Ngo Thinh
115 views

1.  Hệ thống Tâm thức

Trên thế giới có nhiều trường phái Tâm lý học, và mỗi trường phái có cách nhìn khác nhau về hệ thống Tâm thức. Trong đạo Phật, chúng ta dựa vào cấu trúc Năm Uẩn của Phật dạy để quan sát Tâm thức. Sau này giáo lý Đại thừa có phát minh Duy thức học để nghiên cứu Tâm thức.

Cấu trúc Năm Uẩn được liệt kê như sau:

  • Sắc uẩn: là thân thể với hình tướng rõ rệt. Chúng sinh cõi người thì Sắc uẩn là tấm thân vật chất; chư Thiên thì Sắc uẩn là thân thể rất lớn và bằng chất liệu siêu nhiên.
  • Thọ uẩn: là phần Cảm giác khổ vui, dễ chịu, khó chịu, bực bội, thoải mái. Ngoài ra còn một cảm giác trơ, không khổ không vui. Thọ uẩn liên quan đến toàn bộ hệ thống thần kinh khắp cơ thể.
  • Tưởng uẩn: là phần nổi của tâm, hiện ra những suy nghĩ, tưởng tượng, hồi ức… đã được biến thành ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh… rõ rệt. Tưởng uẩn liên quan đến vùng thần kinh Broca và thùy trán. Ý thức có thể thấy được hoạt động của Tưởng và Thọ uẩn nên Tưởng và Thọ được xếp vào phần Ý thức của Tâm.
  • Hành uẩn: là phần chìm sâu của tâm thức, rất lớn, chịu trách nhiệm gần như toàn bộ hoạt động của Tâm như tìm tòi, sáng tạo, suy luận, hồi tưởng, quyết định, điều khiển cơ thể… Hoạt động của Hành uẩn rất nhanh, Ý thức của chúng ta không thấy kịp, vì vậy Hành uẩn được xếp vào phần Vô thức của Tâm. Hành uẩn cũng chứa đựng các Bản năng tự hiên của con người như Bản năng sinh tồn, bản năng hưởng thụ. Bản ngã cũng tồn tại ở đây. Khi Tâm vào được định thì Hành uẩn lại là nơi khởi phát thần thông.
  • Thức uẩn: là tất cả những cái biết của Tâm. Cái biết là bản chất của Tâm thức. Không có biết thì không phải là Tâm. Có nhiều mức độ biết khác nhau. Cái biết của năm giác quan (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân); cái biết của Ý thức (tự biết nội tâm của mình); cái nhận hiểu được khi học, đọc, nghe, nhìn những vấn đề trừu tượng; cái biết của trực giác thần thông; cái biết của tâm tỉnh giác trong Định… Tốc độ của Thức uẩn rất nhanh, gấp ngàn lần Hành uẩn.

Người thông minh thì Thức uẩn mạnh hơn người khác.

Ngoài ra, kèm theo Năm Uẩn, ta có thêm những thành phần sau:

  • Ký ức: là bộ nhớ ghi lại những dữ liệu đã được đón nhận từ bên ngoài vào hay khởi từ nội tâm ra. Có người có khả năng tìm lại dữ liệu rất mạnh, có người dễ quên. Trong Ký ức, tính tình tốt xấu, sở thích đa dạng cũng được cất giữ và chi phối suy nghĩ hành vi của con người.
  • Tình cảm: là tất cả những thương ghét, giận hờn, ham muốn, khát khao, chán nản, sợ hãi… Tình cảm liên hệ trực tiếp với thần kinh Tim, và là động cơ cho hầu hết mọi hành vi tạo Nghiệp của chúng

2.  Các loại tư tưởng

  • Tư tưởng cố ý: là những tư tưởng có chủ đích, vì công việc bắt buộc phải suy nghĩ. Nếu đó là những công việc chính đáng, có lợi cho chúng sinh, thuộc về Thiện pháp thì tư tưởng cố ý tạo nên phước, không có lỗi, giúp việc nhiếp tâm trong thiền được dễ dàng. Tuy nhiên ta cũng không được lạm dụng để suy nghĩ nhiều.
  • Tư tưởng vẩn vơ: là những tư tưởng tự dưng khởi lên trong tâm mà ta không muốn, nên còn gọi là vọng tưởng. Tư tưởng vẩn vơ xuất hiện do thói quen của não muốn duy trì hoạt động để tồn tại. Có khi tư tưởng vẩn vơ khởi lên từ Ký ức; có khi khởi lên từ chế tác của Hành uẩn. Đây là cửa ải đầu tiên và cũng vất vả nhất cho người tu thiền.
  • Tư tưởng thiện: là những tư tưởng tốt lành, phù hợp với Đạo lý, có tính chất vị tha, đối với bản thân thì khiêm hạ. Những tư tưởng này là những viên gạch xây nền cho Chánh niệm, Chánh định về sau. Tư tưởng thiện cũng thuộc về Chánh tư duy trong Bát Chánh đạo. Khi tư tưởng thiện làm chủ tâm hồn thì tâm tự nhiên yên lắng và tỉnh giác. Có thể nói tâm thiện và tâm định nằm chung một phía.
  • Tư tưởng bất thiện: là những tư tưởng ích kỷ, ác độc, tham lam, ganh ghét, tự cao… Tư tưởng này làm tâm bất an dần dần, có thể đưa tới điên loạn về sau. Có thể nói tâm bất thiện và tâm định nằm về hai phía trái ngược nhau. Tuy nhiên, Tư tưởng thiện hay bất thiện đều phải được khẳng định bởi hành vi. Nếu chưa tạo thành hành vi thì tư tưởng đó chưa mạnh. Tâm an định là bước đi về Vô ngã, mà Vô ngã là điều thiện lớn nhất, cho nên, ngoài những lúc phải bận tâm lo công việc chính đáng, còn lại ta phải gắng giữ tâm thanh tịnh. Không nên cho rằng đó là tư tưởng thiện rồi cứ suy nghĩ hoài làm không nhiếp tâm được để đi đến Vô ngã. Ngược lại, nếu cho rằng tâm thanh tịnh là quý nhất nên ta tìm cách tránh né công việc bổn phận để lo giữ tâm thanh tịnh thì đó lại là Ác, vì bắt người khác phải làm thay mình. Điều ác này chất chứa lâu ngày cũng tạo ra quả báo xấu và bất an.
  • Tư tưởng thô: là tư tưởng có ngôn ngữ, được diễn tả bằng ngôn ngữ. Thường là tư tưởng này hay có hình ảnh đi kèm. Tư tưởng này xuất hiện ở vùng Broca gần thùy trán. Chính những hình ảnh khởi lên tại đây tác động trực tiếp vào thùy trán, làm thùy trán bị mờ, mất tỉnh giác
  • Tư tưởng tế: là tư tưởng chưa biểu hiện thành ngôn ngữ, chỉ là ý niệm đơn thuần, xuất hiện ở vùng Wermicke gần phía sau não. Từ vùng wermicke này, tư tưởng được trang bị thêm ngôn ngữ để chuyển đến vùng Broca gần thùy trán.

Với quyết tâm và phương pháp đúng đắn, hành giả sẽ dần dần dừng được tư tưởng thô. Sau đó, hành giả phải tiếp tục cảnh giác với tư tưởng tế vốn rất khó thấy vì không có ngôn ngữ rõ rệt. Có nhiều khi thấy tâm mình trống không, hành giả tưởng mình được thanh tịnh, không ngờ vẫn đang còn rất nhiều tư tưởng tế với vô số ý niệm vô hình đang tuôn trào. Nguy hiểm nhất là những tư tưởng có tính tự khen ngợi mình, có tính kiêu mạn. Những tư tưởng đó sẽ phá hoại hết mọi công đức và phá vỡ công phu tu hành.

3.  Vai trò của Ý thức

Ý thức là cái biết chính nội tâm của mình. Khi ta suy nghĩ điều gì, ta vẫn biết ta đang suy nghĩ điều đó. Khi ta thương hay ghét ai, ta vẫn viết mình đang thương ghét như thế. Bên cạnh các hoạt động nhộn nhịp của Tâm thức, vẫn có một cái biết âm thầm biết (theo dõi) các hoạt động đó. Chính nhờ Ý thức độc lập khỏi tư tưởng tình cảm mà ta mới có thể dần dần tu tập để dừng được vọng tưởng.

Hãy cho một ví dụ để so sánh như sau: Ví dụ ta đang ngồi xem nhiều người đùa giỡn trước mặt. Rồi có khi ta bị lôi kéo để nhào theo vui đùa, hoặc có khi ta chỉ ngồi yên theo dõi.

Cũng vậy, Ý thức giống như người theo dõi những kẻ trước mặt vui đùa. Có khi Ý thức chìm theo tư tưởng để suy luận, sáng tạo, gia tăng sức mạnh cho tư tưởng… Nhưng cũng có khi Ý thức lặng lẽ biết mà thôi, độc lập tách khỏi tư tưởng, khiến cho tư tưởng yếu đi và tắt.

Yếu chỉ của việc tu thiền chính là cố gắng giữ cho Ý thức luôn luôn độc lập với vọng tưởng, biết rõ tưởng nhưng độc lập với vọng tưởng, và tiến tới chấm dứt vọng tưởng. Nói thì dễ, nhưng hành giả phải có nhiều công đức và quyết tâm mới có thể tách ra được như vậy.

Câu hỏi: Bạn thấy gì khi quan sát nội tâm của mình? Bạn có tách ra khỏi vọng tưởng được chưa?

Nguồn tham khảo: Thích Chân Quang, Giáo trình Thiền học

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]