Trang chủ Phát triển bản thân Chiến lược lựa chọn nghề nghiệp tương lai

Chiến lược lựa chọn nghề nghiệp tương lai

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 364 views

Chiến lược lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với SWOT bản thân.

1. Tìm hiểu về nghề và các lựa chọn nghề nghiệp

Lựa chọn ngành nghề của mỗi người là việc rất quan trọng. Tuy nhiên, làm thế nào để chọn được cho mình một ngành nghề phù hợp với bản thân lại càng quan trọng hơn, vì đó là yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công của bạn trong tương lai. Đó cũng chính là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm của cả học sinh và lẫn các bậc phụ huynh mỗi mùa thi đến. Hãy cùng trải nghiệm “khám phá bản thân” xem mình phù hợp với ngành nghề nào các bạn nhé:

a. Dựa vào sở thích

Ngành nghề xã hội rất phong phú, đa dạng, khi bạn yêu thích, say mê một nghề nào đó thì sẽ có động lực để làm việc, tìm tòi, sáng tạo, phát triển và thành công. Vì vậy, chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích là một yếu tố rất quan trọng và hiểu được sở thích nghề nghiệp sẽ giúp các bạn chọn được ngành học phù hợp để phát triển nghề nghiệp trong tương lai.

Bạn không nên chọn ngành theo bạn bè, vì nếu không thực sự yêu thích bạn sẽ mất thời gian thi lại, học lại do không phù hợp với bản thân.

b. Dựa vào năng lực

Năng lực là khả năng bạn có thể theo học và làm được nghề. Học sinh có thể đánh giá năng lực của bản thân qua kết quả học tập trong 3 năm THPT. Ngoài ra, cần phải lưu ý về ngành học cần kỹ năng gì và mình có đáp ứng được hay không.

Nếu khả năng, năng lực bản thân không đủ đáp ứng nhu cầu công việc, chắc chắn bạn không thể sống được bằng ngành nghề bạn đã học.

c. Dựa vào hoàn cảnh gia đình

Ngày nay, chi phí cho việc học đại học không hề nhỏ. Vì thế, việc chọn ngành, chọn trường sao cho phù hợp với khả năng tài chính là tiêu chí phải lưu ý trước tiên. Tự nhận biết khả năng và cân nhắc kỹ lưỡng để có sự đầu tư hiệu quả giúp các bạn thêm tự tin và kiên trì theo đuổi nghề nghiệp, biết lượng sức mình và quyết tâm thì cơ hội thành công cao nhất sẽ đến với các bạn.

d. Dựa vào nhu cầu xã hội

Sau khi ra trường có thể dễ dàng tìm được một công việc phù hợp, cơ hội thăng tiến cao là mơ ước của rất nhiều người. Do đó, việc tìm hiểu nhu cầu của xã hội trước khi bắt tay vào học một ngành nào đó là việc cực kỳ quan trọng, điều đó quyết định tương lai của bạn về sau. Một công việc được cho là dễ xin chỉ khi xã hội đang cần, nhu cầu tuyển dụng cao hơn nguồn lao động hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, điều đó cũng sẽ sớm bão hòa sau một thời gian không xa, vì có cầu ắt có cung, vì vậy một ngành được cho là “hot” hiện nay cũng không có gì đảm bảo là sẽ ổn định lâu dài.

Chiến lược lựa chọn nghề nghiệp tương lai

Các bước để chọn ngành nghề phù hợp với bản thân

Bước 1: 11 nhóm công việc giúp bạn xác định nghề nghiệp

Các nghề liên quan đến nghệ thuật: Đây là những nghề cần sự đam mê và sự khéo léo. Có thể là những nghề liên quan đến việc vẽ, chạm trổ, thủ công hoặc trong các lĩnh vực âm nhạc, kịch,…

Các nghề liên quan đến công việc văn phòng và hành chính quản trị: Bạn có thể quan tâm tới công việc viết lách, thư từ, việc tổ chức, kiểm tra và ghi chép chính xác các thông tin. Cao hơn, bạn có thể thiết lập, tổ chức và kiểm tra các hoạt động của một cơ quan, một chương trình nào đó của công ty. Công việc văn phòng không nhất thiết phải ngồi một chỗ cả ngày. Lúc này hay lúc khác bạn có thể rời khỏi văn phòng ra ngoài để giải quyết công việc. Có thể là các công việc thường xuyên tiếp xúc với khách hàng hay với các nhân viên khác.

Các nghề liên quan đến việc phân tích số liệu: Bạn có thể ưa thích làm việc với những con số, công thức hay số liệu thống kê hay thực hiện các công việc tính toán, ước tính và định giá. Bạn cũng có thể sử dụng các dữ liệu, kết quả điều tra, máy vi tính để thu thập, đánh giá và tổng hợp thông tin. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực này có đầu óc phân tích, có khả năng sử dụng số liệu để dự báo và dự đoán các xu hướng phát triển kinh tế, xã hội, dân số cũng như các xu hướng phát triển khác.

Các nghề liên quan đến dịch vụ cộng đồng và trợ giúp: Bạn cũng có thể là một kiểu người ưa thích các công việc giúp đỡ, hướng dẫn người khác. Công việc bạn làm cũng có thể liên quan tới lợi ích cộng đồng, giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, các dịch vụ bảo vệ hay thông tin.

Các nghề liên quan đến tiếp xúc cá nhân: Bạn có khả năng dễ dàng giao tiếp với người khác. Công việc của bạn là thảo luận, tiếp xúc với các ý kiến và hành vi của người khác. Bạn cần có những lập luận và kỹ năng nghe tốt, tạo ấn tượng tốt.

Các nghề liên quan đến nghiên cứu: Bạn thích làm việc với những ngôn từ và ý tưởng. Bạn thích diễn đạt ý kiến và ý tưởng của mình trong công việc viết lách và thảo luận. Bạn hay đưa ra các lập luận, các cách giải quyết vấn đề khác nhau… Những lĩnh vực này liên quan nhiều đến công việc nghiên cứu.

Các nghề liên quan đến y tế: Bạn thích làm những công việc chữa trị, cứu trợ, vật lý trị liệu và các hoạt động y học khác. Bạn có thể phải làm việc trực tiếp với các bệnh nhân. Một vài người cảm thấy không thích thú lắm với việc này do họ sợ máu hay phẫu thuật.

Các nghề liên quan đến công việc ngoài trời: Bạn thích làm việc ở bên ngoài trong một môi trường mở và vận động, thường xuyên như là: kho hàng, nhà ga, ngành xây dựng, nông nghiệp, hầm mỏ và vận tải. Nhiều trường hợp tuy gọi là: “Công việc văn phòng” nhưng vẫn liên quan đến công việc ngoài trời, ví dụ: nhân viên y tế cộng đồng, họa sỹ, kế toán nông nghiệp, các nhà sinh vật học…

Các nghề liên quan đến kỹ thuật và cơ khí: Bạn thích làm việc với các công cụ, thiết bị, máy móc và cả trong việc thiết kế, xây dựng, bảo dưỡng và sử dụng chúng. Bạn cũng có thể làm việc thường xuyên với dụng cụ kỹ thuật, thiết kế hay lập kế hoạch và sử dụng máy tính nhằm hỗ trợ cho việc thiết kế, sản xuất hay quản lý. Bạn có tính tỉ mỉ, thích biết bản chất sự việc như thế nào và tại sao những thứ đó lại diễn ra như vậy.

Các nghề liên quan đến công việc thủ công: Bạn là người thích kiểu công việc cần phải sử dụng tay và sử dụng các công cụ, dụng cụ để làm việc. Bạn có thể là người ưa thích nhiệm vụ thực hành mà cần có độ chính xác cao.

Các nghề liên quan đến khoa học: Bạn ưa thích việc quan sát và đánh giá. Điều này thường liên quan đến công việc nghiên cứu khoa học và thí nghiệm. Bạn cần phải có tính kiên nhẫn, tỉ mỉ trong những thí nghiệm phức tạp và các quan sát đánh giá khác nhau.

Bước 2: Trả lời các câu hỏi: Bạn có thích hay không thích loại công việc này? Bạn thích loại công việc này ở mức độ nào?

Hãy trả lời các câu hỏi đó vào bảng dưới đây bằng cách đánh dấu (X) vào ô phù hợp:

Bước 3: Hãy xem phần các hình thức việc làm tương ứng với các nhóm sở thích, bạn hãy đọc tất cả các nghề được giới thiệu trong nhóm nghề mà bạn đã chọn “Thích” và “Rất thích”.

Bước 4: Hãy viết ra những nghề mà bạn thích và bản thân bạn mong muốn được làm việc bằng những nghề đó. Nếu như có nghề nào mà bạn chưa chắc chắn thì hãy xem phần giới thiệu một số nghề ở phần tham khảo, nếu như nghề mà bạn chọn không có trong phần này, bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về nghề đó trước khi quyết định đưa vào danh sách những nghề ưa thích của bạn.

Bước 5: Hãy quyết định nghề nào mà bạn mong muốn từ danh sách những nghề mà bạn đã liệt kê trong bước 4. Bạn hãy tìm hiểu sâu về nghề đó bằng cách xem phần Giới thiệu một số nghề trong phần tham khảo của cuốn sách này. Nếu như nghề đó không có trong phần tham khảo thì bạn có thể đến các trung tâm giới thiệu việc làm gần nơi bạn sống để tìm hiểu, bạn cũng có thể tìm hiểu thông qua người thân, thầy cô, bạn bè hoặc những người đang làm việc mà bạn biết,…

Bước 6: Nếu như bạn không tìm thấy nghề nào mà bạn yêu thích sau bước 4 và 5 thì có thể có những nguyên nhân sau:

Bạn có một số khó khăn trong việc quyết định. Bạn cần phải hiểu rằng những ý tưởng về nghề nghiệp chỉ là tạm thời và đôi khi bạn sẽ thay đổi nghề nghiệp trong tương lai. Có khi bạn chưa chọn đúng nhóm nghề mà bạn thực sự ưa thích. Bạn hãy bắt đầu lại từ bước 1 và cần phải thận trọng hơn trong việc quyết định.

Chúc các bạn chọn được ngành nghề phù hợp với bản thân và thành công.

2. Xác lập Mục tiêu và Hoạch định con đường đến Mục tiêu

Xác lập mục tiêu cá nhân là quá trình cân nhắc về tương lai lý tưởng của bạn. Rất nhiều người trong chúng ta luôn cảm thấy như thể mình bị bỏ mặc và không được trân trọng công lao, chúng ta làm việc chăm chỉ nhưng lại không đạt được kết quả gì. Nhưng bạn có biết vì sao lại như vậy không? Đó là vì bạn chưa dành thời gian suy nghĩ về những gì bạn thực sự muốn trong cuộc sống cũng như chưa xác định được những mục tiêu mong muốn. Xác định chính xác điều bạn mong muốn sẽ giúp bạn biết nên phải tập trung nỗ lực vào đâu.

a. Tại sao phải xác lập mục tiêu?

Cho dù là những doanh nhân thành đạt, nghệ sĩ nổi tiếng, hay chỉ là nhân viên bình thương… ai cũng đều phải xác lập mục tiêu. Điều đó giúp bạn có được tầm nhìn dài hạn và động lực ngắn hạn. Từ đó giúp bạn tập trung kiến thức, nỗ lực; sắp xếp thời gian và nguồn lực của bạn – khai thác tối đa năng lực của bản thân nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.

b. Lợi ích

Khi đã xác định được những mục tiêu rõ ràng, bạn có thể tìm những phương pháp để đạt được những mục tiêu đó. Bạn cũng sẽ nâng cao sự tự tin của bạn khi đã biết rõ khả năng đạt được mục tiêu khi đã thiết lập.

c. Các bước xác lập mục tiêu

Bước 1: Lập mục tiêu suốt đời

Trước tiên, bạn phải vẽ nên một “bức tranh lớn” về những gì bạn muốn làm trong cuộc sống hoặc trong một khoảng thời gian xác định như 5-10 năm. Hãy xác định các mục tiêu lớn mà bạn muốn đạt được.

Bước đầu tiên là xem xét điều bạn muốn đạt được trong đời (hoặc ít nhất là trong một khoảng thời gian xác định trong tương lai). Điều này mang đến cho bạn cái nhìn tổng thể định hình tất cả các khía cạnh khác trong việc ra quyết định của bạn. Thử thiết lập một số mục tiêu theo những nhóm dưới đây (hoặc theo những chủ đề quan trọng đối với riêng bạn):

  • Sự nghiệp: Bạn muốn ở vị trí nào trong sự nghiệp của mình? Bạn muốn đạt được những gì?
  • Tài chính: Bạn muốn thu nhập bao nhiêu? Ở giai đoạn nào? Tình hình tài chính của bạn sẽ liên quan đến mục tiêu nghề nghiệp của bạn như thế nào?
  • Trình độ học vấn: Bạn cần có những thông tin gì và phải có những kỹ năng gì để đạt được những mục tiêu khác?
  • Gia đình: Bạn có muốn trở thành một bậc phụ huynh tốt không? Bạn muốn người khác hoặc thành viên trong gia đình nhìn nhận bạn là người như thế nào?
  • Thái độ: Có suy nghĩ tiêu cực nào níu giữ bạn không? Cách bạn cư xử có vấn đề gì không? (Nếu có, bạn cần thiết lập mục tiêu để cải thiện hành vi của mình hoặc tìm ra giải pháp cho vấn đề đó)
  • Thể chất: Bạn cần làm gì để có được sức khỏe tốt ngay cả khi bước sang tuổi già?
  • Niềm vui: Bạn muốn hưởng thụ niềm vui như thế nào?
  • Cộng đồng: Bạn có mong muốn thế giới trở nên tốt đẹp hơn không? Bằng cách nào?

Bỏ thời gian động não những điều này và chọn ra một mục tiêu hoặc nhiều hơn trong mỗi nhóm chủ đề phản ánh điều bạn muốn làm. Sau đó lọc lại một lần nữa để có mục tiêu bạn cần tập trung vào.

Khi thực hiện điều này, hãy chắc chắn những mục tiêu bạn thiết lập chính là những gì bạn muốn, không phải là những gì cha mẹ, gia đình, bạn bè bạn muốn.

Bước 2: Thiết lập mục tiêu cá nhân nhỏ hơn

Khi đã thiết lập mục tiêu cho cuộc đời bạn, hãy chia nhỏ mục tiêu lớn đó thành những mục tiêu nhỏ hơn và thiết lập một kế hoạch ngắn hạn cho những mục tiêu nhỏ hơn mà bạn cần hoàn thành.

Cuối cùng, một khi đã có kế hoạch của mình, hãy bắt đầu tiến hành từng bước trong kế hoạch để đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

Hãy bắt đầu quá trình thiết lập mục tiêu bằng cách nhìn vào mục tiêu lớn của cuộc đời bạn. Sau đó thiết lập những điều bạn có thể làm trong vòng 1 năm tới, 6 tháng tới, 1 tháng tới, tuần tới và ngày hôm nay để bắt đầu hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Mỗi kế hoạch nên dựa trên kế hoạch trước đó.

Sau đó tạo ra những điều cần làm hằng ngày của bạn (To-do-lists) để hướng đến mục tiêu cuộc đời bạn.

Ở giai đoạn đầu, những mục tiêu nhỏ của bạn có thể là đọc sách và thu thập thông tin cần làm để đạt được những mục tiêu ở cấp độ cao hơn. Điều này sẽ giúp bạn nâng cao chất lượng và tính thực tế của việc thiết lập mục tiêu của bạn.

Cuối cùng xem xét lại kế hoạch của bạn và chắc chắn rằng nó phù hợp với cách bạn muốn sống cuộc đời của bạn.

d. Không bỏ cuộc

Một khi bạn đã quyết định xác định thiết lập mục tiêu đầu tiên của bạn, hãy giữ cho quá trình diễn ra bằng cách xem xét và cập nhật danh sách việc cần làm của bạn hàng ngày.

Xem xét định kỳ các kế hoạch dài hạn và chỉnh sửa để phản ánh những thay đổi trong thứ tự ưu tiên và kinh nghiệm của bạn. Tốt nhất là nên làm thường xuyên, lặp đi lặp lại, xem xét liên tục dựa trên nhật ký máy tính.

e. Xử lý phù hợp khi đã đạt mục tiêu

Nếu mục tiêu đã đạt được là mục tiêu quan trọng, hãy tự tưởng thưởng cho bản thân một cách thích hợp. Nó sẽ giúp bạn gây dựng sự tự tin bạn đáng có.

Nếu bạn đạt được mục tiêu quá dễ dàng, hãy xác lập lại mục tiêu tiếp theo khó hơn.

Nếu mất quá nhiều thời gian để đạt được một mục tiêu, hãy xác lập các mục tiêu tiếp theo dễ hơn một chút.

Nếu có yếu tố khiến bạn cần thay đổi các mục tiêu khác, hãy làm như vậy.

Nếu bạn nhận thấy thiếu hụt kỹ năng dù đã đạt được mục tiêu, hãy quyết định có nên đưa ra mục tiêu khác để sửa lỗi đó không.

Hãy thường xuyên điều chỉnh những xác lập mục tiêu cá nhân và nếu mục tiêu đó không còn quan trọng với bạn nữa, hãy xem xét thay thế nó bằng mục tiêu khác phù hợp hơn.

3. Lập kế hoạch nghề nghiệp

Bản kế hoạch nghề nghiệp chính là “vũ khí” giúp bạn trở thành chủ nhân của tương lai chính mình. Thông qua việc đánh giá sở thích, sự đam mê, kỹ năng, tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, bản kế hoạch này sẽ chỉ cho bạn thấy con đường tối ưu nhất để đạt được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Sau đây là qui trình 5 bước giúp bạn lập kế hoạch nghề nghiệp cho bản thân mình:

Bước 1: Đánh giá bản thân

Ở bước này, các câu hỏi tự đánh giá (self-assessment) sẽ giúp bạn hiểu rõ mình hơn. Hình thức những câu hỏi này rất đa dạng, nhưng tựu trung chia làm bốn nhóm:

Điểm mạnh

  • Bạn làm tốt việc gì?
  • Bạn có những kỹ năng gì?
  • Tính cách nào của bạn nổi trội nhất?

Điểm yếu

  • Bạn không thích loại công việc nào?
  • Những kỹ năng nào bạn không giỏi?
  • Bạn có những hạn chế gì?

Cần cải thiện:

  • Bạn muốn học thêm những kiến thức gì? (chuyên ngành, xu hướng mới…)
  • Bạn cần rèn luyện thêm những kỹ năng gì? (phân tích, đàm phán, thuyết trình…)

Đam mê:

  • Bạn thích làm công việc gì? (gặp gỡ nhiều người, làm việc với các con số, phân tích tình hình tài chính hay chăm sóc, hỗ trợ khách hàng…)
  • Điều gì làm cho công việc của bạn có ý nghĩa? (Tiền lương, thăng tiến, cơ hội học hỏi…)

Nếu muốn chuyên nghiệp hơn, bạn có thể dùng các bài trắc nghiệm hướng nghiệp như Myers-Briggs Type Indicator (MBTI) để biết dạng công việc phù hợp với mình.

Bước 2: Xác định mục tiêu nghề nghiệp

Bạn cần xác định mục tiêu nghề nghiệp (ngắn hạn và dài hạn) trong công việc bạn mong muốn, nhưng lưu ý là những mục tiêu này cần phù hợp với cả sở thích, niềm đam mê và năng lực của bạn. Đừng quên là bạn chỉ có thể đạt được thành công thật sự trong công việc nếu được làm đúng công việc mình yêu thích và có khả năng làm tốt.

Bước 3: Nghiên cứu công việc

Sau khi đã xác định được mục tiêu, bạn hãy tìm hiểu loại công việc phù hợp với nhu cầu và sở thích cá nhân nhất. Truy cập vào các trang web tuyển dụng có thể giúp bạn tìm hiểu về các công việc đang có trên thị trường cũng như nhu cầu tuyển dụng hiện tại. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tích cực mở rộng quan hệ xã hội (networking) ở các mạng cộng đồng. Hãy hỏi những người trong nghề bạn quen xem công việc mà họ đang làm hằng ngày là gì? Kỹ năng nào cần thiết cho công việc? Triển vọng thăng tiến như thế nào? Muốn việc này tiến hành thuận lợi, bạn đừng quên thường xuyên cập nhật hồ sơ (thông tin giới thiệu về trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn và thành công trong công việc).

Bước 4: Tính toán và ra quyết định

Thời điểm quan trọng đã đến! Đây là lúc bạn lập danh sách hai hay ba công việc ưng ý nhất rồi cho điểm chúng theo những tiêu chí đánh giá mức độ phù hợp như giá trị, sở thích, tính cách, kỹ năng … Công việc nào có số điểm cao nhất sẽ là ưu tiên hàng đầu của bạn. Nếu công việc lý tưởng đó chính là những gì bạn đang làm thì từ nay bạn chỉ cần tập trung mọi nỗ lực của mình vào kế hoạch thăng tiến sự nghiệp! Ngược lại, bạn nên cân nhắc đến khả năng chuyển việc (có thể là chuyển sang một phòng ban khác).

Bước 5: Lập kế hoạch hành động

Hãy xác định những kiến thức và kỹ năng cần bổ sung để đạt được mục tiêu thăng tiến, trong đó xác định rõ mức độ ưu tiên và thời hạn chót để hoàn thành. Ngoài ra, bạn cũng nên mạnh dạn bày tỏ với sếp rằng mình đã sẵn sàng đón nhận những trách nhiệm mới. Còn nếu bạn vẫn đang tìm kiếm công việc lý tưởng thì việc đầu tiên bạn nên làm là chỉnh sửa hoặc đăng mới hồ sơ trực tuyến. Sau đó, bạn nên theo dõi thường xuyên thông tin việc làm và tham khảo mục tư vấn hướng nghiệp trên báo đài hay trang web tuyển dụng để luôn nắm bắt những cơ hội việc làm mới và tự trang bị cho mình những kỹ năng tìm việc cần thiết.

Bạn đã từng nghe câu: “If You Fail to Plan, You Are Planning to Fail” (Nếu bạn thất bại trong việc lên kế hoạch, tức là bạn đang lên kế hoạch cho sự thất bại của mình) chưa? Rõ ràng, khi có một bản kế hoạch nghề nghiệp trong tay, bạn sẽ nhìn thấy rõ các mục tiêu và hành động cần thực hiện để tự quyết tương lai sự nghiệp của mình. Vì vậy, bạn hãy đầu tư thời gian và công sức tương xứng cho bản kế hoạch này! Đó chắc chắn sẽ là một trong khoản đầu tư khôn ngoan nhất của bạn trong cuộc đời!

4. Tiến trình Quản trị bản thân để hướng đến Mục tiêu

Nếu bạn không biết cách quản trị bản thân, mọi cố gắng làm việc sẽ đổ sông đổ biển. Bởi ngay cả bản thân mình, bạn cũng không điều khiển được thì nói gì đến thăng tiến và thành công.

Biết cách quản trị bản thân sẽ giúp bạn phát triển tối đa sức mạnh và năng lực, đem lại hiệu quả cao nhất trong cuộc sống và công việc. Đồng thời, nó sẽ giúp bạn hạn chế nhược điểm và hoàn thiện bản thân mình hơn nữa. Đây là chương đầu tiên cũng là quan trọng nhất trong quản trị cuộc đời của bạn.

a. Quản lý cảm xúc

Cảm xúc chi phối rất nhiều đến hoạt động của con người. Thông thường, cứ sau một vụ biến cố thì đến 50% nguyên nhân là do cảm xúc gây ra. Chẳng hạn cứ 5 người bị tai nạn ô tô thì có 1 người đã cãi nhau 6 tiếng trước đó….

Chỉ có những người vô cảm mới không bị cảm xúc tác động. Tuy nhiên, nếu bạn biết cách quản lý cảm xúc của mình, bạn sẽ đủ bình tĩnh và sáng suốt để không xảy ra những sai lầm đáng tiếc.

“Những nhà lãnh đạo giỏi biết khi nào nên thể hiện và khi nào nên trì hoãn cảm xúc.” – John C.Maxwell một bậc thầy nghệ thuật lãnh đạo đã nói. Để quản trị bản thân tốt, bạn cần biết cách điều chỉnh cảm xúc của mình theo đúng hướng. Cái gì cần và nên bộc lộ, cái nào không cần thiết thì bỏ qua. Nếu bạn cực kỳ thích bộ phim có thần tượng mình đóng, bạn không xem sẽ bứt rứt không yên. Nhưng đây không phải là việc cần thiết, hãy quên bộ phim đi và tìm đến một việc hữu ích khác làm để xua tan đi cảm xúc lúc đó…

b. Quản lý thời gian

Kỹ năng quản lý thời gian là một yếu tố cực kỳ quan trọng nhưng cũng cực kỳ khó, đặc biệt đối với giới trẻ. Hầu như, mọi người thường hay than phiền rằng, “rảnh quá không biết làm gì” hoặc “làm gì cho hết ngày đây” nhưng lại thường than phiền, “tôi phải làm gì để giàu hơn, kiếm tiền nhiều hơn”…

Đó là biểu hiện của người không biết cách quản lý thời gian của mình.

Bạn phải có mục tiêu rõ ràng của mình, nên phân chia thời gian của mình cho những hoạt động hữu ích và tích lũy lâu dài. Thực tế, mọi người không thanh toán bằng tiền mà là bằng thời gian của họ. Vì thế, bạn nên chắc chắn rằng, thời gian của bạn đều trải qua một cách có ích và được chi trả một cách công bằng.

c. Quản lý ưu tiên

Quản lý ưu tiên cũng là một cách quản lý thời gian mà bạn cần học tập. Bạn phải xác định được, đâu là cái ưu tiên, đâu là cái ít quan trọng hơn. Như thế, cuộc sống và công việc của bạn sẽ không rối tung lên và hiệu quả sẽ tăng cao.

John C.Maxwell đề xuất cách quản lý các ưu tiên như sau:

80% thời gian- làm những việc bạn giỏi nhất

15% thời gian- làm những việc bạn đang học hỏi

5% thời gian-làm những việc cần thiết khác.

Và một lưu ý hết sức quan trọng, bạn phải “nhẫn tâm” gạch bỏ một số việc mà không ưu tiên nhưng lại được bạn yêu thích nhất. Bạn phải học cách quyết định và cứng rắn với quyết định của mình. Trong 24 giờ/ ngày, bạn không thể làm hết tất cả mọi việc được. Vậy nên, hãy đưa những việc ưu tiên lên hàng đầu, và những chuyện không cần thiết sẽ được hoãn lại có thời hạn hoặc vô thời hạn….

d. Quản lý năng lượng

Hao mòn năng lượng sẽ khiến bạn mệt mỏi và không còn đủ sức lực để làm những chuyện khác, thậm chí là chuyện được ưu tiên. Sử dụng năng lượng một cách tùy tiện hoặc vô bổ, sẽ đẩy công việc và chỗ bế tắc và sau đó là đi gỡ rối. Vòng xoay như thế sẽ buộc chân bạn đứng mãi một chỗ và không bao giờ tiến bộ.

Mọi người thường mắc phải 3 nhóm làm hao mòn năng lượng nhanh nhất: Làm những việc không quan trọng, Không có khả năng làm những việc thật sự quan trọng, Không có khả năng ứng phó với vấn đề.

Cách để quản lý năng lượng hiệu quả nhất, chính là biết cách kết hợp giữa quản lý thời gian và quản lý ưu tiên, hãy ghi ra lịch làm việc cụ thể của bạn trong ngày, hoặc trong tuần. Sau đó, tự quyết định, việc nào quan trọng cần làm trước, làm trong bao lâu…. Lâu ngày, bạn sẽ hình thành được thói quen và định hình được cách quản lý bản thân mình thật tốt.

Tất cả những chỉ dẫn trên, chỉ thực hiện được khi bạn hành động, suy nghĩ chỉ đem lại hiệu quả trong trí tưởng tượng mà thôi.

5. Vượt qua những khó khăn trên đường hướng đến Mục tiêu

Trong tác phẩm Đường đến thành công, tác giả Thomas Robarge cho rằng muốn hiện thực hóa những ước mơ của mình, bạn phải có sự trải nghiệm và những phẩm chất cần thiết. Đó là:

Thái độ lạc quan: Thái độ lạc quan giúp bạn dễ dàng ứng phó với khó khăn trắc trở và giúp bạn hành động hiệu quả hơn, sáng suốt hơn trong mọi công việc.

Sự linh động: Phải biết linh động thay đổi trong mọi tình huống, nhất là trong cuộc sống xô bồ và “dễ đổi thay” như ngày nay. Bạn thử tưởng tượng: Hôm nay, bạn đang làm những chuyện mà 5 năm trước, bạn không dám nghĩ đến!

Niềm tin: Không có sức mạnh nào lớn hơn niềm tin vào năng lực của chính mình. Bạn chắc còn nhớ tác phẩm “Tình yêu cuộc sống” nổi tiếng của Jack London? Nếu không có niềm tin tuyệt đối và sự quý yêu cuộc sống vô vàn của nhân vật chính, anh ta hẳn đã chết trong băng tuyết cực lạnh của Bắc Cực rồi. Vì vậy, để thành công, bạn hãy luôn tâm niệm trong lòng mình “Tôi làm được, tôi phải làm được, tôi sẽ thành công, tôi sẽ chiến thắng!”

Tôi có thể là những gì tôi muốn: Vì vậy, bạn luôn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Một đứa trẻ lớn lên có thể trở thành một chính khách vĩ đại, một thương gia giàu có, một nhân vật lỗi lạc trong lịch sử. Cũng như Siemens, người khi còn bé có một gia cảnh cực kỳ khó khăn, nhưng ông đã kiên quyết đeo đuổi việc học và nghiên cứu để trở thành một chuyên gia cơ khí, một thương gia lỗi lạc của thế giới, và ông được vinh danh đặt tên cho hãng điện tử Siemens nổi tiếng ngày nay.

Tự kỷ thành công của mình: Đây là một cách tự kỷ để giúp cho tinh thần của bạn thêm phấn chấn. Bạn hãy hỏi: “Mình sẽ được gì nếu đạt được mục tiêu đề ra?” và hãy liệt kê những “thành quả tương lai” của bạn. Thành công trong tâm tưởng bạn sẽ “quyến rũ” thành công thực sự.

Luôn nuôi dưỡng động lực mọi lúc mọi nơi: Hãy viết ra những mục tiêu của bạn trên giấy và luôn đem theo chúng bên mình để xem đi xem lại khi có thể. Nếu mục tiêu là “vật hữu hình”, hãy vẽ nó ra và đặt ở những nơi quan sát được. Điều này sẽ giúp bạn hâm nóng bầu nhiệt huyết của mình.

Thất bại: Thất bại là mẹ thành công”, và bất cứ ai thành công cũng đều đã từng nếm qua vị đắng của thất bại.

Thế nhưng, thất bại chính là hình bóng đứng sau thành công và bạn phải biết cám ơn nó. Những người thành công là những người có nhiều trải nghiệm, họ đã từng phải ứng phó, đối mặt và học hỏi rất nhiều từ thất bại của mình.

Nếu bạn đã thất bại, không có nghĩa bạn đã thua. Bạn phải tìm ra nguyên nhân và học hỏi từ nó để có thể rút ra bài học cho riêng mình và tiếp tục tiến bước đến thành công.

Lên danh sách những khó khăn gặp phải: Muốn đạt được mục tiêu, bạn phải nắm rõ những khó khăn gặp phải. Chẳng hạn nếu bạn thiếu thời gian hoàn thành công việc nào đó, bạn phải ghi rõ nguyên nhân.

Tiếp đến, để vượt qua khó khăn, hãy liệt kê 5-6 nhiệm vụ cần hoàn thành. Nhiệm vụ quan trọng nhất đặt ở vị trí đầu tiên. Lên kế hoạch hoàn thành từng nhiệm vụ một theo thứ tự ưu tiên. Bạn càng tìm nhanh giải pháp, bạn càng nhanh thoát khỏi những khó khăn gặp phải.

Đi tìm những khoảng lặng: Hãy tập thực hành “thiền định”, suy nghĩ và lên kế hoạch giải quyết vấn đề trong một không gian tĩnh lặng. Nếu khó khăn quá nghiêm trọng, bạn đừng giải quyết ngay. Hãy tìm một không gian yên ắng và dành thời gian để suy nghĩ về nó.

Giúp đỡ mọi người: Một mình bạn có thể làm tốt được mọi việc không. Chắc chắn là không. Vì vậy bí quyết đằng sau thành công của những người thành đạt chính là khả năng họ làm việc “ăn rơ” với tất cả mọi người. Sự làm việc “ăn rơ” ấy xuất phát từ việc họ không nề hà giúp đỡ những người xung quanh trong khả năng của họ. Tinh thần làm việc đồng đội không chỉ giúp cho bạn và mọi người dễ dàng giải quyết các khó khăn mà về sau, bạn sẽ có những đồng sự hỗ trợ đắc lực khi bạn gặp khó khăn.

Bạn thấy đó, thành công không nằm xa tầm tay của bạn. Chúng ta có thể làm bất cứ điều gì mà mình yêu thích. Thành công hay thất bại, tất cả đều do chúng ta quyết định. Vậy thì bạn hãy dành thời gian đi tìm giấc mơ cho mình và HIỆN THỰC HÓA chúng.

(Nguồn: Trường đại học tài chính marketing, Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net