Trang chủ Thuế Chế định thuế trong lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam

Chế định thuế trong lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam

by Ngo Thinh
403 views

Lịch sử nước ta mặc dù đã hình thành từ rất lâu nhưng cho đến tận thể kỷ XI, đời vua Trần Thái Tông (1225 – 1237) thì việc đánh thuế mới được hình thành một cách có tổ chức và có hệ thống. Ngược dòng lịch sử, chúng ta tìm hiểu khái quát về chế định thuế hình thành và phát triển trong lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam.

Chế định thuế dưới thời phong kiến.

Ngay từ thời phong kiến, các cấp lãnh đạo dưới chế độ quân chủ đã biết tổ chức hệ thống thu thuế để làm nguồn thu cho công quỹ của nhà Vua. Tuy vậy từ các triều đại nhà Trần trở về sau này, sự tổ chức, cách đánh thuế và thu thuế mới được ghi chép và có hệ thống.

Chế định thuế dưới triều đại nhà Trần:

Thuế ở nước ta được hình thành từ đời nhà Trần, rõ rệt nhất là vào thời vua Trần Thái Tông.

Theo sử sách ghi nhận vào thời nhà Trần có 2 loại thuế chính được áp dụng đó là thuế thân và thuế điền:

  • Thuế thân: căn cứ vào diện tích ruộng mà đánh thuế. Ai có một, hai mẫu ruộng thì phải đóng 1 quan tiền/ 1 năm; ai có 4 mẫu thì đóng 2 quan; ai có 5 mẫu trở lên thì đóng 3 quan; ai không có mẫu nào thì không phải đóng thuế.
  • Thuế điền (thuế ruộng): đóng bằng thóc. Một mẫu ruộng tư thì chủ điền phải đóng 100 thăng thóc. Còn ruộng công thì: đối với ruộng quốc khố thì hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế 6 thạch, hạng nhì mỗi mẫu 4 thạch, hạng ba mỗi mẫu 3 thạch; đối với thác điền ( ruộng thưởng cho quan lại có công): hạng nhất mỗi mẫu đánh thuế 1 thạch thóc; hạng nhì 3 mẫu lấy 1 thạch; hạng ba 4 mẫu lấy 1 thạch. Với ruộng ao thì mỗi mẫu lấy 3 thăng thóc thuế. Ruộng muối thì phải đóng bằng tiền.

Chế định thuế dưới triều đại nhà Hồ.

Từ thời nhà Trần việc đóng thuế đã trở thành lệ và hầu như không thay đổi đáng kể vào thời nhà Hồ. Chỉ có quy định tăng hạn ngạch thuế thân: cứ 2 mẫu 6 sào trở lên thì đóng 3 quan tài tiền mặt một năm.

Chế định thuế dưới triều đại nhà Lê.

Ngoài thuế ruộng (thuế điền), còn đặt thêm thuế đất (thổ), thuế đất bãi trồng dâu nuôi tằm.

Chế định thuế dưới thời chúa Trịnh.

Ngoài việc duy trì các loại thuế như trước, Chúa Trịnh ở miền bắc còn đặt ra thêm các loại thuế khác như:

  • Thuế Mỏ (khai thác hầm mỏ), thuế đò (lệ phí giao thông), thuế chợ, thuế thổ sản có thể xem như thuế tài nguyên bây giờ.
  • Thuế tuần tuy: đánh vào các thuyền buôn.
  • Thuế muối: tăng thuế muối cao hơn thời nhà Trần.
  • Thuế thổ sản: như vàng, bạc, đồng, kẽm, tre, gỗ, tơ, lụa…

Chế định thuế dưới thời Chúa Nguyễn.

Ở miền nam, ngoài thuế điền, thuế mỏ, chúa Nguyễn đặt ra thêm thuế xuất cảng, nhập cảng đánh vào các tàu buôn ngoại quốc cập bến và dời bến.

Chế định thuế dưới thời nhà Nguyễn.

– Thời Vua gia Long: Bên cạnh việc quy định lại các loại thuế như thuế thân, thuế điền, vua Gia Long còn đặt ra các loại thuế mới như:

  • Thuế sản vật: đánh vào cây quế (đánh vào việc khai thác cây quế ở rừng), ai đóng thuế sản vật cây quế thì được miễn trừ thuế thân.
  • Thuế Yến: đánh vào khai thác yến sào, ai nộp thuế yến thì được tha việc binh lính.
  • Thuế hương liệu, thuế sâm, thuế gỗ…tất cả nộp bằng tiền hoặc sản vật.
  • Định lại thuế đánh vào các tàu bè ngoại quốc ra vào buôn bán.
  • Thuế mỏ.

– Thời Vua Minh Mạng: Chế độ thuế vẫn duy trì như thời Vua Gia

– Thời Vua Thiệu Trị: chính sách thuế vẫn như thời vua Minh Mạng.

– Thời Vua Tự Đức: Có thêm thuế nha phiến đánh vào việc bán thuốc phiện.

Sử sách đã ghi nhận một số triều đại được coi là tiến bộ ( Lý, Trần, Lê Sơ): ngoài việc giữ nước, mở mang kinh tế, phát triển dân trí và xây dựng một nền văn hóa có bản sắc dân tộc còn theo đuổi một số chính sách thuế hợp lòng dân, nêu được các mẫu mực về việc sử dụng chi tiêu công theo quan điểm phục vụ quốc kế dân sinh, lợi ích nước nhà.

Có thể nhận xét rằng, hệ thống thuế trong các triều đại phong kiến ở nước ta có đặc điểm chung là thiếu những chuẩn mực về đạo lý và pháp lý cần thiết, đáp ứng về cơ bản và lâu dài ý chí và lợi ích của nhân dân. Việc thu thuế và sử dụng công quỹ trong rất nhiều trường hợp lại do các bậc Vua chúa toàn quyền quyết định, không phải dựa trên các các suy nghĩ chín chắn mà xuất phát từ ý thích hoặc tính khí thay đổi rất thất thường của mình. Bên cạnh chế độ trung ương tập quyền rất gò bó, lịch sử còn ghi nhận tình trạng ” phép Vua thua lệ làng” đã hình thành từ rất lâu ở các địa phương mà hậu qủa tất yếu là đẻ ra một chế độ thuế hà khắc, một tầng lớp quan lại nhũng nhiểu với nhân dân trong hàng ngàn năm qua. Kết cục bi thảm nhưng đầy lôgic đã xảy ra như là một tất yếu lịch sử không thể đảo ngược: chế độ phong kiến suy tàn vào cuối thế kỷ XIX, để lại một đất nước kém mở mang rơi vào sự thống trị của chủ nghĩa thực dân Pháp.

Chế định thuế dưới thời Pháp thuộc.

Cơ chế tài chính do Pháp thiết lập ở Đông Dương đầu thế kỷ XX không nằm ngoài mục đích bao trùm là vơ vét của cải của thuộc địa. Dưới thời Pháp thuộc, thuế được huy động vào hệ thống ngân sách thuộc địa gồm nhiều tầng nấc, nhưng chúng lại không được chuyển thành nguồn tài trợ cho sự phát triển của xã hội mà lại được chuyển về chính quốc, theo đúng mục tiêu của chủ nghĩa thực dân. Chính phủ thuộc địa Pháp đặt ra các thuế ngoại ngạch tức là loại thuế gián thu như thuế tiêu thụ thuốc lá, thuế rượu, thuế muối, thuế đoan (thuế quan); thuế trực thu thì có thuế môn bài, thuế thổ trạch. Hệ thống ngân sách của nhà nước thuộc địa bao gồm:

  • Ngân sách Đông Dương và các ngân sách phụ thuộc của nó là: ngân sách đặc biệt về tiền vay nợ và ngân sách riêng của sở hỏa xa.
  • Ngân sách các xứ bên trong liên bang: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Cao miên, Ai lao và Quảng Châu văn.
  • Ngân sách các tỉnh và thành phố.
  • Ngân sách xã ở các làng.

Trên thực tế, một hệ thống ngân sách như vậy đã thể hiện như một hệ thống cực kỳ phản động, mang tính chất bóc lột và vơ vét. Nhưng chính nó đã tạo tiền đề quan trọng dẫn đến cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8/ 1945, chấm dứt ách đô hộ của chế độ thực dân Pháp tồn tại gần 100 năm.

Chế định thuế thời kỳ sau Cách mạng tháng tám năm 1945 đến năm 1975

Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng 8 đến năm 1954.

Sau khi cách mạng tháng 8 thành công, Chính phủ ta chủ trương bãi bỏ hẳn sắc thuế mang tính chất phi nhân đạo như: thuế thân, thuế thổ trạch ở thôn quê và một số tạp thuế vô lý; miễn thuế điền thổ cho vùng bị lụt và giảm thuế điền 20% trong toàn quốc; đình chỉ thu thuế ở miền Nam.

Sau năm 1946, Nhà nước một mặt bắt đầu cải tiến chế độ thuế, tăng thuế suất nhiều loại thuế; mặc khác, vẫn tiếp tục dựa vào những đóng góp mới như: Quỹ “tham gia kháng chiến” năm 1949, Quỹ  “Công lương” và thuế điền thổ. Mặc khác, Chính phủ cũng vận động nhân dân vay dưới hình thức công trái, đồng thời còn dựa vào nguồn phát hành tiền tệ.

Đến năm 1951, bên cạnh việc thống nhất quản lý tài chính Nhà nước, Chính phủ còn ban hành chính sách pháp luật thuế mới được xây dựng trên nguyên tắc: công bằng, thích hợp với hoàn cảnh kinh tế – xã hội và điều kiện chiến tranh. Chính sách pháp luật thuế thống nhất bao gồm 7 loại thuế là:

  • Thuế nông nghiệp.
  • Thuế công thương nghiệp.
  • Thuế hàng hóa.
  • Thuế xuất nhập khẩu.
  • Thuế sát
  • Thuế trước bạ.
  • Thuế

Trong số các loại thuế này thì thuế nông nghiệp giữ vai trò quan trọng. Tuy nhiên các loại thuế này vẫn chưa được cấu trúc thành một hệ thống pháp luật thuế hoàn chỉnh và cũng chưa có tác dụng đáng kể.

Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975.

Đây là giai đoạn mà nền tài chính đứng trước nhiều thuận lợi và thử thách mới. Một mặt, Việt Nam đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi một cách vĩnh viễn, nhưng mặc khác, đất nước lại bị chia cắt. Sau hiệp định Geneve, Chính phủ chỉ lần lượt ban hành các loại Luật thuế mới trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các chế độ thuế đã ban hành từ năm 1951 ở vùng tự do cũ để áp dụng thống nhất, bao gồm 12 loại thuế sau:

  • Thuế doanh nghiệp.
  • Thuế hàng hóa.
  • Thuế sát
  • Thuế buôn chuyến.
  • Thuế thổ trạch.
  • Thuế kinh doanh nghệ thuật.
  • Thuế môn bài.
  • Thuế trước bạ.
  • Thuế muối.
  • Thuế rượu.
  • Thuế xuất nhập khẩu và chế độ thu quốc

Trong thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, thuế công thương nghiệp được sửa đổi đáng kể: từ một hệ thống thuế tương đối ít chuyển sang một hệ thống với nhiều hình thức thuế khác nhau, áp dụng trên nhiều khâu của quá trình sản xuất , lưu thông hàng hóa, sử dụng nhiều loại thuế suất khác nhau có sự phân biệt giữa các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, phân biệt kinh tế tập thể và tư nhân và nhiều biện pháp ưu đãi khác nhau.

Trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Nhà nước đã áp dụng thí điểm chế độ thu mới gọi là thu quốc doanh. Mức thu quốc doanh được xác định riêng cho từng mặt hàng tùy theo giá cả Nhà nước quy định và chỉ thu ở khâu sản xuất. Năm 1962, Nhà nước còn ban hành chế độ trích nộp và sử dụng lợi nhuận của các xí nghiệp. Theo chế độ này, lợi nhuận của các doanh nghiệp quốc doanh phải trích nộp một phần vào ngân sách Nhà nước; phần lợi nhuận còn lại, doanh nghiệp được dùng để lập quỹ doanh nghiệp, bổ sung kinh phí chuyên dùng, đầu tư một phần vào việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và bổ sung vốn lư động.

Các doanh nghiệp công tư hợp doanh trong thời kỳ này được chuyển sang làm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như các doanh nghiệp quốc doanh, có nghĩa là phải nộp thu quốc doanh và lợi nhuận chứ không phải nộp thuế như trước. Chế độ thuế này được duy trì ở miền Bắc cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1990.

  • Thời kỳ 1975 – 1980:

Trong thời kỳ này, miền bắc vẫn tiếp tục thực hiện hệ thống pháp luật thuế đã ban hành từ trước, có sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Còn miền Nam thì có áp dụng một số loại thuế cũ của chính quyền Sài Gòn trên cơ sở xóa bỏ một số loại thuế phản tiến bộ và sửa đổi bổ sung để thích ứng với điều kiện đất nước thống nhất.

  • Thời kỳ 1980 -1990:

Trong thời kỳ này, cả nước áp dụng hệ thống pháp luật thuế thống nhất, nhưng hệ thống pháp luật thuế hiện hành này ngày càng tỏ ra có nhiều nhược điểm, cản trở sự phát triển các yếu tố của nền kinh tế thị trường đang nảy sinh với các đặc điểm:

  • Sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Doanh nghiệp quốc doanh thì thực hiện chế độ thu quốc doanh, thu trích nộp lợi nhuận cùng với các hình thức thu khác, trong khi các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác lại chịu sự tác động của thuế.
  • Thu quốc doanh đã bộc lộ nhiều nhược điểm căn bản. Về thực chất, đây là một loại thuế đa thuế suất với hàng trăm thuế suất; điều này đặc biệt gây khó khăn cho việc quản lý và hành thu.
  • Giai đoạn từ 1990 đến nay:

Từ giữa những năm 1980, cùng với công cuộc đổi mới và mở cửa nền kinh tế, hệ thống pháp luật thuế Việt Nam đã được nghiên cứu và đến năm 1990 một hệ thống pháp luật thuế mới được hình thành, bao gồm hệ thống chính sách pháp luật thuế và hệ thống quản lý Nhà nước về thuế. Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự hình thành một hệ thống pháp luật thuế hoàn chỉnh nhất từ trước đến nay, bao gồm 9 loại thuế:

  • Thuế nông nghiệp.
  • Thuế doanh
  • Thuế tiêu thụ đặc biệt.
  • Thuế lợi tức.
  • Thuế xuất nhập khẩu (mậu dịch và phi mậu dịch).
  • Thuế tài nguyên.
  • Thuế thu nhập.
  • Thuế nhà đất.
  • Thuế vốn (khoản thu về sử dụng vốn ngân sách Nhà nước).

Ngoài ra còn có một số phí và lệ phí có tính chất như thuế như: lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ, lệ phí giao thông, thuế sát sinh.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]