Câu trần thuật (câu kể, câu tường thuật)
Câu trần thuật là câu dùng để miêu tả về sự tình hoặc để nêu nhận định, phán đoán,… nhằm thông báo về những sự vật hiện tượng, hoạt động, trạng thái, đặc trưng, tính chất trong hiện thực khách quan, hoặc để thể hiện những nhận định, đánh giá của người nói về một sự vật, hiện tượng nào đó. Do đó, câu tường thuật không chứa đựng điều người nói muốn hỏi, hay muốn người nghe hành động và không yêu cầu người nghe phải trả lời hay hành động theo ý muốn của người nói. Ví dụ:
- Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em. (Hồ Chí Minh)
- Những thân cây trám vỏ trắng vươn lên trời, chẳng khác gì những cây nến khổng lồ, đầu lá rủ phất phơ. (Đoàn Giỏi)
- Một trăm người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ sau này trở thành tổ tiên của người Việt Nam ta. (Nguyễn Đổng Chi)
Về mặt hình thức cấu tạo, câu trần thuật không chứa các yếu tố nghi vấn (đại từ nghi vấn, ngữ điệu nghi vấn), các yếu tố cảm thán (phụ từ cầu khiến, ngữ điệu cầu khiến) và các yếu tố cảm thán (thán từ, ngữ điệu cảm thán). Câu trần thuật không chứa đựng dấu hiệu hình thức riêng trong cấu tạo (như câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán). Khi viết, cuối câu trần thuật thường dùng dấu chấm (có những trường hợp do mục đích tu từ, tác giả có thể dùng dấu chấm cảm thay cho dấu chấm). Ví dụ:
- Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên phải đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. (Đoàn Minh Tuấn)
- Tôi thường đọc Vị Tế bằng nỗi xúc động thật sự như đọc một bài thơ cuộc đời; bởi nó phát đi một dự báo đầy lo âu về cuộc hành trình mà con người phải vượt qua suốt cõi nhân sinh: rằng, có một dòng sông đang ở phía trước, và đừng quên rằng anh là một người chưa qua sông. (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
- Cái ví bật khoá! […] Tôi ở dưới vực sâu kêu lên Chúa tôi! […]. Bỏ bảy hào vào túi, Dâng cứ ríu cả tay! Một trinh tiền cắc với hai cái kẹo bột cho thằng cu thế là vì sự vụng tính và không cả quyết của Dâng mà bị mất! […]. Mẹ đã đội hết cả mấy quả núi than Hòn Gan, Đông Triều! […]. Thoạt kì thủy chỉ có mấy gian nhà lợp gỗ lá làm như kiểu nhà sàn trên Thổ, trên Mán! (Nguyên Hồng)
(Ở (c), cả sáu câu được trích dẫn từ tác phẩn Sóng gầm đều là câu trần thuật, nhưng Nguyên Hồng không dùng dấu chấm để kết thúc câu mà đã dùng dấu chấm cảm – một cách dùng “chệch chuẩn” với dụng ý tu từ rõ rệt: nhấn mạnh sự khẳng định đối với sự kiện được miêu tả).
Câu trần thuật được xem là kiểu câu cơ bản. Vì nhìn chung, từ đó, nếu thêm các yếu tố nghi vấn, ta có thể chuyển đổi thành câu nghi vấn; nếu thêm các yếu tố cảm thán, ta có thể chuyển đổi thành câu cảm thán; nếu thêm các yếu tố cầu khiến, ta sẽ có thể chuyển đổi thành câu cầu khiến và ngược lại. Ví dụ:
a. Nam đọc sách. (câu trần thuật)
→ Nam đọc sách ư? (câu nghi vấn)
→ Nam đọc sách đi! (câu cầu khiến)
→ Trời, Nam đọc sách kìa! (câu cảm thán)
b. Thứ ớt này cay lắm phải không? (câu nghi vấn)
→ Thứ ớt này cay lắm / không cay lắm. (câu trần thuật)
c. Nam, hãy đóng cửa sổ lại cho đỡ lạnh! (câu cầu khiến)
→ Nam đóng cửa sổ lại cho đỡ lạnh. (câu trần thuật)
d. Trời đất ơi, mẹ đã dặn rồi mà con không chịu nghe! (câu cảm thán)
→ Mẹ đã dặn rồi mà con không chịu nghe. (câu trần thuật)
Phân loại
1. Câu khẳng định
Câu khẳng định là câu xác nhận hoạt động, trạng thái, tính chất, quan hệ,… của một đối tượng. Về hình thức, phần nhiều câu khẳng định không chứa đựng các từ phủ định (không, chưa, chẳng). Ví dụ:
Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. (Tô Hoài)
Huế thức dậy trong một nhịp chuyển mới, đi vào cuộc sống ban đầu của nó. (Hoàng Phủ Ngọc Tường)
Tôi cố căng mắt nhìn xuyên qua màn đêm thăm thẳm với hi vọng tìm thấy một đốm lửa báo hiệu có một bản làng bình yên phía xa đang chờ đón. (Tiếng Việt 5, tập một)
Ông hi sinh, nhưng tấm lòng trung với nước của ông còn sáng mãi. (Sách)
Tuy nhiên, những câu có nội dung khẳng định nhưng có chứa yếu tố phủ định cũng không hiếm. Có thể kể các dạng chủ yếu như sau:
– Câu khẳng định có thể chứa từ phủ định nhưng dưới hình thức “phủ định của phủ định”, trong dạng thức này yếu tố phủ định đi thành cặp (sóng đôi); và mục đích của câu vẫn để khẳng định nhưng ở mức độ cao hơn. Ví dụ:
a. Ớt nào là ớt chẳng cay. (Ca dao)
→ Mọi thứ ớt đều cay.
b. Không ai không tin điều nó nói.
→ Mọi người đều tin điều nó nói.
c. Bài này ai mà chẳng làm được.
→ Bài nay, mọi người đều làm được.
– Có những câu khẳng định có dạng “không / chẳng – vị ngữ – là gì” hoặc “không / chẳng (phải) – vị ngữ – sao / ư”. Ví dụ:
a. Dấu vết chẳng rành rành ra đó là gì?
→ Dấu vết còn rành rành ra đó.
b. Được ông ấy chiếu cố chẳng phải là vinh dự lắm sao?
→ Được ông ấy chiếu cố là vinh dự lắm đó.
c. Viết như vậy chẳng phải là hay hơn nhiều ư?
→ Viết như vậy rõ ràng là hay hơn nhiều.
– Một biểu hiện khác về hình thức của câu khẳng định là dùng chứ là kết nối liền vế câu trần thuật có tình thái hiện thực và vế câu phủ định cái sự tình ngược lại mà người ta nói muốn bác bỏ. Ví dụ:
a. Đây là sử chứ không phải văn.
b. Anh thương em chứ không hề ghét bỏ
c. Tôi hoàn toàn bênh vực anh chứ không mảy may hại
– Câu khẳng định còn có hình thức là câu kết thúc bằng chứ ai, chứ còn gì nữa (đâu), chứ gì, chứ không à, chứ sao. Chẳng hạn:
a. Chính bà định đánh nó chứ ai.
b. Hết cả rồi chứ còn gì nữa (đâu).
c. Bà định lấy mảnh đất này chứ gì.
d. Nó phải cứu bồ nó chứ sao.
2. Câu phủ định
Câu phủ định là câu có chức năng xác nhận sự vắng mặt (không có) của sự vật, hiện tượng, hoạt động, trạng thái, tính chất, quan hệ,… nêu trong câu; nói cách khác, nó nhằm phủ nhận những nội dung đó. Về hình thức, câu phủ định chứa từ ngữ, kết cấu phủ định, như không, chưa, chẳng, không phải (là), chưa phải (là), chẳng phải (là), đâu phải, đâu có phải, có phải đâu, có phải X đâu,… Từ ngữ phủ định thường được đặt trước thành phần chứa nội dung bị phủ định. Chẳng hạn:
a. Không bao giờ tôi quên dòng màu chảy trong cánh tay này là của họ Lê. (Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng)
b. Dạ, cháu… kêu bằng ba, chứ hổng phải tía. (Nguyễn Văn Xe)
c. Có điều Thu chưa vui: cái Hằng ở nhà dưới cứ bảo ban công nhà Thu không phải là vườn. (Vân Long)
d. Có phải nó làm đâu (mà anh cứ mắng nó như thế).
Căn cứ vào phạm vi phủ định, có thể phân biệt câu phủ định toàn bộ và câu phủ định bộ phận.
– Câu phủ định toàn bộ là câu có lượng nghĩa phủ định bao trùm lên toàn bộ nội dung của câu. Trong kiểu câu này, từ ngữ phủ định thường đứng trước nòng cốt câu hoặc đứng trước vế câu chính. Ví dụ:
- Không có ai ở đây cả.
- Không có chuyện chó sói chung sống với cừu non. (Ngạn ngữ)
- Chưa bao giờ chúng tôi đặt chân lên vùng đất ấy.
- Bài khó thế này ai mà làm được.
- Thứ thiết bị này ai mà kiếm ra cho được.
– Câu phủ định bộ phận có lượng nghĩa phủ định chỉ liên quan đến một bộ phận trong nội dung của câu mà thôi. Trong kiểu câu này, từ ngữ phủ định đứng trước bộ phận mà nó phủ định (trước vị ngữ hoặc trạng ngữ, hoặc bổ ngữ,…). Ví dụ:
- Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời. (Nguyễn Quang Thiều)
- Chị dỗ dành mãi nhưng nó vẫn chẳng chịu ăn.
- Ông là con người không bao giờ chịu đựng dược sự chung chung, đại khái, từ nội dung đến hình thức. (Đỗ Ngọc Thống)
3. Câu ngôn hành
Câu ngôn hành là loại câu trần thuật tự biểu thị hành động nói năng (khi nói ra, người nói đồng thời thực hiện chính cái hành động do cụm động từ được dùng trong câu biểu thị). Loại câu này có đặc điểm:
(1) Nội dung sự tình biểu thị hành động nói năng (phải có động từ có khả năng biểu thị hành động ngôn hành, như cám ơn, xin lỗi, cấm, chúc mừng, khuyên, tố cáo, chào, hứa, v.); (2) chủ thể của hành động nói năng là ngôi thứ nhất; (3) đối thể mà hành động nói năng hướng tới là ngôi thứ hai; (4) thì biểu thị hành động nói năng là thì hiện tại, Ví dụ:
- Cám ơn anh. (Bao giờ phải trình diện?) (Hà Văn Cầu – Vũ Đình Phòng)
- Cháu chào bác. (Cháu là Hoa, bạn thân của Oanh.) (Tiếng Việt 2, tập một)
- (Thưa cô, không ạ). Chúng em xin lỗi cô. (Tiếng Việt 2, tập một)
Bốn đặc điểm trên là bốn yêu cầu cần và đủ đối với câu ngôn hành. Thiếu đi một trong bốn yêu cầu trên thì câu đó không còn là câu ngôn hành. Chẳng hạn, so sánh:
- Cháu chào bác ạ. (Câu ngôn hành)
- Chào bác đi con! (Câu cầu khiến)
- Cháu chào bác rồi mà. (Câu trần thuật)
- Cháu đang chào bác ấy thì bác ấy bảo […] (Câu trần thuật)
Ta thấy: ở (a), cháu chủ thể hành động chào là ngôi thứ nhất, bác đối thể của hành động chào là ngôi thứ hai, chào là động từ biểu thị hành động nói năng thì hiện tại; như vậy, câu nói này chứa đủ 4 yêu cầu đã nêu nên nó là câu ngôn hành. ở (b), chủ thể của hành động chào là ngôi thứ hai: con, đối thể mà hành động chào hướng tới là ngôi thứ ba: bác, hành động chào ấy chưa diễn ra nên câu Chào bác đi con không phải là câu ngôn hành. ở (c), tuy chủ thể và đối thể của hành động chào là ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai nhưng nó không thoả mãn điều kiện về thì (hành động chào ở đây đã được thực hiện). Còn ở (d), đối tượng của hành động chào không phải là ngôi thứ hai và thì của động từ cũng không phải là thì hiện tại nên nó cũng không thể là câu ngôn hành.
Câu ngôn hành có động từ xin, ngoài giá trị ngôn hành còn có giá trị dụng pháp đáng lưu ý: nó làm cho câu nói trở nên nhã nhặn, lịch sự, khiêm tốn hơn. Ví dụ so sánh:
a. Em cảm ơn
a’. Em xin cảm ơn anh.
b. Tôi đề nghị bạn nên nghỉ vài hôm.
b’. Tôi xin đề nghị bạn nên nghỉ vài hôm.
c. Tôi thông báo với các bạn chiều nay chúng ta nghỉ học.
c’. Tôi xin thông báo với các bạn chiều nay chúng ta nghỉ học.
Ta thấy, (a’) lịch sự hơn (a); (b’) nhẹ nhàng hơn (b); (c’) nhã nhặn hơn (c). Chính động từ ngôn hành xin đã biến tất cả nội dung tiếp theo của câu thành một lời đề nghị khiêm tốn, lịch sự.
Về hình thức, câu ngôn hành có cấu trúc của kiểu câu trần thuật. Nhưng đặc trưng của ngôn hành khác với những câu trần thuật khác ở chỗ nó vừa thuật lại sự việc vừa thực hiện ngay cái việc được thuật ấy, và do đó không bao giờ sai sự thật (tuy cái việc được thực hiện ấy có thể không “thành thực”; chẳng hạn sau khi phạm lỗi người phạm lỗi có thể không ân hận về hình vi của mình, nhưng sau khi người ấy nói Tôi xin lỗi anh, thì người bị xúc phạm không thể nói người kia không thèm xin lỗi mình).
(Trong nội dung dạy học tiếng Việt cho học sinh Tiểu học theo chương trình và sách giáo khoa mới, nội dung luyện nói, viết câu ngôn hành theo yêu cầu lịch sự, khiêm tốn trong giao tiếp được quan tâm chú ý trong suốt bậc học (từ lớp 1 đến lớp 5), và được trình bày dưới dạng bài tập thực hành. Lên bậc Trung học cơ sở, học sinh được tiếp tục học về nội dung này dưới dạng lí thuyết và thực hành).
4. Câu hô đáp
Câu hô đáp là loại câu khá đặc biệt. Chẳng hạn, xét các ví dụ:
a. – Hằng ơi!
– Dạ.
b. (- Nhớ lời mẹ dặn con nhé!)
– Vâng ạ.
Ta thấy:
+ Về hình thức, câu hô đáp (hô gọi và đáp lời hô gọi) có khá nhiều điểm giống với câu trần thật: không chứa các yếu tố cảm thán, nghi vấn, cầu khiến. Ngoài ra, câu hô đáp cũng có cấu tạo đặc biệt, giống câu cảm thán (dạng điển hình): câu để hô gọi, gồm “danh từ/cụm danh từ + ơi / hỡi“ (ơi / hỡi) cũng có thể đứng trước danh từ/cụm danh từ; câu để đáp, thường có cấu tạo là từ/tổ hợp tiểu từ tình thái.
+ Về chức năng, có thể nói câu để hô gọi có điểm giống với câu hỏi. Chẳng hạn, khi nói “Hằng ơi”, về mục đích, người nói muốn hỏi “Hằng có đây/đấy không?”.
+ Còn câu để đáp lời lại có điểm giống về chức năng với câu trần thuật. Khi đáp “Dạ”, “Vâng ạ.”, thì người nói thực hiện hành động xác nhận “Tôi có ở đây”., “Tôi sẽ thực hiện theo đề nghị vừa nêu”,…
Loại câu này chỉ xuất hiện trong đối thoại.
(Nguồn: TS. Nguyễn Thị Ly Kha, Giáo trình tiếng Việt II)