Trang chủ Tiếng Việt Thực hành phân tích đoạn văn

Thực hành phân tích đoạn văn

by Ngo Thinh
897 views

1.  Lưu ý khi thực hành phân tích đoạn văn

a. Nhận diện đoạn văn

Đoạn văn trong văn bản có thể nhận diện về cấu tạo và chức năng. Xét về mặt cấu tạo gồm có các đoạn văn: đoạn văn diễn dịch, đoạn văn quy nạp, đoạn văn kết hợp diễn dịch với quy nạp, đoạn văn song hành và đoạn văn móc xích. Về chức năng, đoạn văn trong văn bản gồm các loại: đoạn văn mở đầu, đoạn văn kết thúc, đoạn văn triển khai và đoạn văn chuyển tiếp.

b. Các hướng thực hành phân tích đoạn văn

Thực hành phân tích đoạn văn có thể triển khai theo hai hướng: 1/ Phân tích cấu trúc của đoạn văn, bao gồm cấu trúc nội dung và cấu trúc hình thức; 2/ Phân tích bằng cách tóm tắt (rút gọn) đoạn văn.

2.  Thực hành phân tích đoạn văn

2.1. Phân tích cấu tạo và chức năng đoạn văn

a. Phân tích cấu tạo đoạn văn

a1. Các bước thực hiện:

  • Đánh số các câu trong đoạn văn để tiện nhắc lại khi phân tích.
  • Xác định loại đoạn văn
  • Chỉ ra cách tổ chức nội dung của đoạn văn, gồm ý khái quát (chủ đề) và các thành tố nội dung chi tiết.
  • Chỉ ra cách tổ chức hình thức của đoạn văn, gồm bố cục (các phần M, a, K) và phương tiện liên kết được sử dụng trong đoạn văn.
  • Tiến hành phân tích đoạn văn.

a2. Ví dụ phân tích:

Muốn nghiên cứu phong cách Nguyễn Du phải làm nhiều việc (1). Thứ nhất phải xây dựng lại các khái niệm của môn phong cách học (2). Thứ hai phải tìm ra những đặc điểm tiêu biểu của thiên tài Nguyễn Du về mặt nội dung không lặp lại ở người khác (3). Thứ ba tiếp cận tác phẩm một cách hình thức và chứng minh chính hình thức tác giả lựa chọn là thích hợp nhất để diễn đạt nội dung này (4).    (Phan Ngọc)

Đoạn văn trên là đoạn diễn dịch, mô hình cấu trúc: M – a, trong đó:

– Các thành tố nội dung:

+ Phải làm nhiều việc khi nghiên cứu phong cách Nguyễn Du (câu 1).

+ Xây dựng lại các khái niệm phong cách học (câu 2).

+ Chỉ ra những đặc điểm tiêu biểu về nội dung không lặp lại (câu 3).

+ Tiếp cận hình thức có tính nội dung (câu 4)

Ý câu 1 (khái quát) chi phối ý các câu 2, 3, 4 (chi tiết).

– Về hình thức: đoạn văn có 2 phần: mở đoạn (câu 1) và triển khai đoạn (các câu 2, 3, 4). Các phép liên kết gồm: phép tuyến tính, phép lặp và phép thế.

b. Phân tích chức năng đoạn văn

Xét về mặt chức năng, đoạn văn trong văn bản có nhiều loại nhưng hai đoạn cần phải thực hành phân tích là đoạn mở đầu và đoạn kết thúc.

b1. Các bước thực hiện

  • Đánh số các câu trong đoạn văn để tiện nhắc lại khi phân tích.
  • Xác định đoạn văn về mặt chức năng (đoạn mở đầu hay kết thúc; đoạn mở thì trực tiếp hay gián tiếp, đoạn kết thì kết đóng hay kết mở).
  • Tiến hành phân tích đoạn văn.

b2. Ví dụ phân tích

Môi sinh đang ở trong tình trạng báo động, nói một cách khẩn thiết: thiên nhiên đang kêu cứu (1). Thảm họa hủy diệt đang đe dọa loài người (2). Nếu lương tri loài người đã thức tỉnh thì quả là đúng lúc (3).

Đoạn văn trên là đoạn mở đầu văn bản, mở trực tiếp. Nội dung trong ba câu (1), (2), (3) tập trung nêu rõ chủ đề văn bản: sự khẩn thiết phải bảo vệ môi sinh.

2.2. Tóm tắt đoạn văn

a. Phân biệt tóm tắt đoạn văn và tóm tắt văn bản

Tóm tắt đoạn văn cũng như tóm tắt văn bản đều lược bỏ những ý phụ, những thông tin không cần thiết, chỉ giữ lại những nội dung thông tin cốt lõi làm cho dung lượng đoạn văn (và văn bản) ngắn hơn rất nhiều vì một mục đích nào đó. Tóm tắt đoạn văn (còn gọi là rút gọn đoạn văn) cũng sử dụng một số thao tác của tóm tắt văn bản nhưng khác với tóm tắt văn bản ở hai điểm sau đây: 1/ Tóm tắt đoạn văn đơn giản hơn vì đoạn văn chỉ là một bộ phận của văn bản; 2/ Kĩ thuật tóm tắt đoạn văn có những điểm khác với tóm tắt văn bản (đoạn văn có thể tóm tắt ở những mức độ khác nhau, cách tóm tắt đoạn văn có câu chủ đề khác với đoạn văn không có câu chủ đề).

b. Cách tóm tắt đoạn văn

b1. Cách tóm tắt đoạn văn có câu chủ đề

– Đánh số các câu để tiện nhắc lại khi tóm tắt.

– Xác định vị trí của câu chủ đề trong đoạn văn.

– Xác định mối quan hệ giữa các câu còn lại với câu chủ đề. Dựa vào câu chủ đề để tóm tắt đoạn văn:

+ Theo các mức độ khác nhau: mức bình thường và mức tối giản.

+ Có thể bỏ một số câu nào đó, giữ lại các câu khác, trong đó có câu chủ đề (mức bình thường), hoặc chỉ còn lại câu chủ đề (mức tối giản).

+ Có thể lược ý, tóm tắt bằng ngôn ngữ của người thực hiện. Chẳng hạn, tóm tắt đoạn văn dưới đây:

Tiếng cười trong truyện tiếu lâm Việt Nam mang rất nhiều cung bậc khác nhau (1). Truyện cười ở mảng chuyện người nông dân chủ yếu để giải thoát nỗi buồn phiền, mệt nhọc nên cung bậc cười thật vô tư, thoải mái (2). Cái cười ở đây thật to, thật dữ dội, cười xong, đầu không vương vấn gì cả (3). Ở mảng truyện về tầng lớp tiểu thương, trí thức rởm như thầy đồ, thầy lang, thầy cúng, thầy bói, v.v. lại là nụ cười chế diễu, đả kích (4). Cái cười để mà nghĩ và càng nghĩ càng cười, càng cười, càng thấy chua xót hơn (5). Còn ở mảng chuyện về bọn cường hào, quan lại, tiếng cười trở nên quyết liệt, mạnh mẽ, không khoan nhượng (6). Tiếng cười mang ý nghĩa chống đối, kêu gọi lật đổ, kêu gọi đổi thay (7). Phải nói là các cung bậc cười trong truyện tiếu lâm thật phong phú, đa dạng, tiếng cười vừa để giáo dục con người, vừa để cho sảng khoái, để tồn tại, để phấn đấu vươn tới cuộc đời tốt đẹp hơn (8).

Cách 1, nếu rút gọn ở mức bình thường: bỏ các câu (3), (5), (7) vì câu (3) triển khai ý câu (2), câu (5) triển khai ý câu (4), câu (7) triển khai ý câu (6); giữ lại các câu (1), (2), (4), (6), (8) vì câu (1) và (8) là câu chủ đề, còn các câu (2), (4), (6) triển khai chủ đề. Nếu rút gọn ở mức tối giản, chỉ giữ lại câu (8), bỏ các câu (2), (4), (6) và cả câu (1).

Cách 2, có thể tóm tắt đoạn văn trên như sau:

Tiếng cười trong truyện tiếu lâm đa dạng, nhiều ý nghĩa: cười để giải tỏa phiền muộn đối với mảng truyện về người nông dân; cười để chế diễu, đả kích ở mảng truyện về tầng lớp tiểu thương và thầy đồ rởm; cười để phủ nhận, lật đổ đối với mảng truyện về bọn cường hào, quan lại.

b2. Cách tóm tắt đoạn văn không có câu chủ đề

Đoạn văn không có câu chủ đề, cách tóm tắt có thể theo hai kiểu sau đây: 1/ Lược bỏ những câu phụ, chỉ giữ lại những câu mang thông tin chính; 2/ Tóm tắt thành một câu. Chẳng hạn, tóm tắt đoạn văn dưới đây:

Tản Đà ra đời, thơ Tản Đà ra đời đáp ứng một đòi hỏi, một khát vọng của thế hệ (1). Khát vọng đó, như Hoài Thanh đã viết, khát vọng thoát li ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo (2). Tản Đà mang đến cho thơ văn đương thời một bản lĩnh, một giọng thơ trào phúng độc đáo. (Huy Cận)

Theo cách 1, ta bỏ câu (2), vì đó là câu phụ giải thích nghĩa cho câu (1), đoạn văn chỉ còn hai câu. Theo cách 2, ta tóm tắt thành một câu là:

Thơ Tản Đà vừa đáp ứng khát vọng thế hệ, vừa thể hiện một bản lĩnh, một giọng thơ trào phúng độc đáo.

(Nguồn tham khảo: Nguyễn Hoài Nguyên, Giáo trình thực hành tiếng Việt)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]