Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Các nguyên tắc điều chỉnh buôn bán quốc tế

Các nguyên tắc điều chỉnh buôn bán quốc tế

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 511 views

Có 3 nguyên tắc thường được sử dụng để điều chỉnh buôn bán quốc tế:

1-  Nguyên tắc tương hỗ

Trên nguyên tắc này các bên dành cho nhau những ưu đãi và nhân nhượng tương xứng nhau trong quan hệ mua bán.

Mức độ ưu đãi và điều kiện nhân nhượng phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của các bên tham gia. Bên yếu hơn sẽ bị lép vế và thường bị buộc phải chấp nhận những điều kiện do bên có thực lực kinh tế mạnh hơn đưa ra.

Ngày nay, các nước ít áp dụng nguyên tắc này hơn trong quan hệ buôn bán giữa các nước.

2-  Nguyên tắc “Tối huệ quốc” (Most Favoured Nation): Nước được ưu đãi nhất

2.1- Khái niệm:

Nguyên tắc “ Tối huệ quốc “ (MFN) là biểu hiện của việc “ không phân biệt đối xử “ trong quan hệ mậu dịch giữa các nước. Nó có nghĩa là các bên tham gia trong quan hệ kinh tế buôn bán sẽ dành cho nhau những điều kiện ưu đãi không kém hơn những ưu đãi mà mình đã hoặc sẽ dành cho các nước khác.

Nguyên tắc này được hiểu theo hai cách:

Cách thứ nhất: Tất cả những ưu đãi và miễn giảm mà một bên tham gia trong các quan hệ kinh tế – thương mại quốc tế đã hoặc sẽ dành cho bất kỳ một nước thứ ba nào, thì cũng được dành cho bên tham gia kia được hưởng một cách không điều kiện.

Cách thứ hai: Hàng hóa di chuyển từ một bên tham gia trong quan hệ kinh tế thương mại này đưa vào lãnh thổ của bên tham gia kia sẽ không phải chịu mức thuế và các phí tổn cao hơn, không bị chịu những thủ tục phiền hà hơn so với hàng hóa nhập  khẩu từ nước thứ ba khác.

Theo luật pháp quốc tế thì điều chủ yếu của quy chế tối huệ quốc là không phải cho nhau hưởng các đặc quyền, mà là đảm bảo sự bình đẳng giữa các quốc gia có chủ quyền về các cơ hội giao dịch thương mại và kinh tế.

Mục đích của việc sử dụng nguyên tắc MFN trong buôn bán quốc tế là nhằm chống phân biệt đối xử, làm cho điều kiện cạnh tranh giữa các bạn hàng ngang bằng nhau, nhằm thúc đẩy quan hệ buôn bán giữa các nước phát triển. Mức độ và phạm vi áp dụng nguyên tắc MFN còn phụ thuộc vào mức độ quan hệ thân thiện giữa các nước với nhau

2.2- Cách thức áp dụng nguyên tắc MFN:

Nguyên tắc MFN được các nước tùy vào lợi ích kinh tế của mình mà áp dụng rất khác nhau, nhìn chung có hai cách áp dụng:

Cách thứ nhất: Áp dụng chế độ tối huệ quốc có điều kiện: Quốc gia được hưởng tối huệ quốc phải chấp nhận thực hiện những điều kiện kinh tế và chính trị do Chính phủ của quốc gia cho hưởng đòi hỏi.

Cách thứ hai: Áp dụng chế độ tối huệ quốc không điều kiện: là nguyên tắc quốc gia này cho quốc gia khác hưởng chế độ MFN mà không kèm theo điều kiện ràng buộc nào cả.

Để đạt được chế độ MFN của một quốc gia khác, có hai phương pháp thực hiện:

+ Thông qua đàm phán song phương để ký kết các hiệp định thương mại

+ Gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO

2.3- Chế độ tối huệ quốc dành cho các nước đang phát triển:

Nghiên cứu chế độ tối huệ quốc cần phải nghiên cứu chế độ MFN đặc biệt dành cho các nước chậm tiến và đang phát triển thông qua chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập GSP (Generalized System of Preference).

GSP là hệ thống ưu đãi về thuế quan do các nước công nghiệp phát triển dành cho một số sản phẩm nhất định mà họ nhập khẩu từ các nước đang phát triển (gọi là các nước nhận ưu đãi).

Lần đầu tiên Hội nghị của Liên Hiệp quốc về Thương Mại và phát triển (UNCTAD) năm 1968 thông qua việc áp dụng hệ thống thuế quan ưu đãi chung (GSP) dành cho các nước đang phát triển tăng khả năng xuất khẩu, mở rộng thị trường, khuyến khích phát triển công nghiệp đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế của các nước này.

Nội dung chính của chế độ GSP là:

  • Giảm thuế hoặc miễn thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ các nước đang hoặc kém phát triển.
  • GSP áp dụng cho các loại hàng công nghiệp thành phẩm hoặc bán thành phẩm và hàng loạt các mặt hàng công nghiệp chế biến

Đặc điểm của việc áp dụng GSP:

  • Không mang tính chất cam kết: Chính sách GSP thay đổi từng thời kỳ; số nước cho ưu đãi và nhận ưu đãi không cố định. Hiện nay có đến 16 chế độ GSP bao gồm 27 nước cho ưu đãi và 128 nước, vùng lãnh thổ được nhận ưu đãi.
  • GSP chỉ dành cho các nước đang phát triển: Trong quá trình thực hiện GSP, các nước công nghiệp phát triển kiểm soát và khống chế các nước nhận ưu đãi rất chặt, biểu hiện ở cách quy định về nước được hưởng GSP. Ví dụ như EU quy định nước đang phát triển nào có thu nhập GDP tính trên đầu người cao hơn 6000USD/năm thì không còn được hưởng GSP nữa.

Quy định đối với hàng hóa được hưởng chế độ GSP:

Không phải bất kỳ sản phẩm nào nhập khẩu vào các nước cho hưởng từ những nước được hưởng đều được miễn hay giảm thuế theo GSP. Để được hưởng chế độ thuế quan ưu đãi GSP, hàng nhập khẩu vào thị trường những nước cho hưởng phải thỏa mãn 3 điều kiện cơ bản sau:

  • Điều kiện xuất xứ từ nước được hưởng
  • Điều kiện về vận tải (ví dụ như hàng vận chuyển không qua lãnh thổ của nước thứ ba hoặc không bị mua bán, tái chế…tại nước thứ ba)
  • Điều kiện về giấy chứng nhận xuất xứ ( chứng từ xác nhận xuất xứ From A)

2.4- Chế độ tối huệ quốc của một số nước trên thế giới:

2.4.1- Quy chế GSP của EU:

Quy chế 980/2005 của EU về GSP được áp dụng từ ngày 01/01/2006 đến 31/12/2008 cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. So với qui chế áp dụng trong thời gian từ 2002 đến 2005, qui chế này cũng thực hiện tương tự. Hàng hoá áp dụng trong danh sách được chia hàng hóa làm hai loại, nhạy cảm và không nhạy cảm. Các nước khác nhau sẽ được hưởng những mức thuế GSP khác nhau tuỳ theo mức độ phát triển và theo cách sắp xếp nhằm khuyến khích bảo vệ quyền lợi người lao động và môi trường … được định ra trong phụ lục I của qui chế. Cách sắp xếp các nước theo dạng khuyến khích được chia ra như sau:

Danh mục chung

Danh mục đặc biệt gồm có 15 nước được hưởng theo các tính chất đặc biệt như khuyến khích bảo hộ quyền lợi người lao động; khuyến khích bảo vệ môi trường;   khuyến khích đấu tranh chống sản xuất và vận chuyển ma túy…

Danh mục cho các nước chậm phát triển nhất.

Các nước được hưởng GSP của EU chủ yếu là các nước G77 và các nước chậm phát triển nhất LDC. Các LDC được hưởng những ưu đãi đặc biệt hơn, tương thích với chương trình EBA (Everything But Arms) của EU dành ưu tiên thuế quan và không áp đặt hạn ngạch mọi mặt hàng trừ vũ khí và đạn dược; riêng chuối tươi, gạo và đường áp dụng hạn ngạch với số lượng tăng dần và bỏ hẳn vào các năm 2006 và 2009 cho 49 nước chậm phát triển nhất.

Mỗi danh mục GSP khác nhau bao gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau, các nước nằm trong danh mục khác nhau sẽ nhận ưu đãi thuế quan khác nhau cho cùng một mặt hàng.

Các nước nằm trong danh mục chung sẽ được hưởng GSP 7000 mặt hàng (trong 10.300 dòng hàng của biểu thuế quan, trong đó có 2.100 mặt hàng thuế suất MFN đã là 0%), trong đó có khoảng 3.300 mặt hàng không nhạy cảm và 3.700 mặt hàng nhạy cảm, dĩ nhiên GSP cũng loại trừ hàng hóa chương 93 trong biểu thuế, vũ khí và đạn dược. Riêng các LDC được khoảng 8.200 mặt hàng. Các nước trong danh mục đặc biệt sẽ được hưởng ưu đãi nhiều hơn so với trong danh mục chung, ví dụ như các nước thuộc diện khuyến khích không sản xuất và vận chuyển ma túy, được miễn thuế hoàn toàn đối với sản phẩm nông nghiệp (chương 1 đến chương 24) là những mặt hàng trong danh mục chung được phân là “nhạy cảm”

Ưu đãi thuế quan GSP dựa vào mức thuế MFN và giảm tỷ lệ thuế xuống, tuy nhiên có những trường hợp giảm hẳn bằng cách trừ đi một tỷ lệ thuế nhất định. Ví dụ, trong danh mục chung, hàng hóa thuộc chương 50 đến 63 sẽ được giảm 20% thuế MFN, còn hàng hóa nhạy cảm trong phụ lục II sẽ được giảm đi (trừ đi) 3,5%.

Tất cả các loại hàng hóa này nếu muốn được hưởng ưu đãi thuế quan đều phải tuân thủ quy định về xuất xứ hàng hóa của EU.

Thông tin chi tiết về qui chế GSP của EU có thể tìm trên trang web.

2.4.2- Chế độ MFN và GSP của Mỹ:

– Chế độ MFN: Tính đến nay, Mỹ đã cho hơn 168 nước hưởng quy chế MFN trong buôn bán với Mỹ. Các nước Đông Âu và Châu Á đã giành được MFN của Mỹ khá sớm như Rumani (1975), Hungary (1990), Tiệp khắc (1990), Đông Đức (1990), Bungary (1991), Trung Quốc (1980), Mông Cổ (1991) và Campuchia (1996).

Những nước được hưởng chế độ MFN bình quân thuế nhập khẩu đánh vào hàng hóa là 9%, trong khi đó thuế nhập khẩu bình thường không được hưởng chế độ MFN  thuế bị đánh cao gấp 7 lần. Chẳng hạn năm 1990, trị giá hàng nhập khẩu vào Mỹ từ Trung quốc là 19 tỷ USD, nếu không được hưởng quy chế MFN thuế nhập khẩu sẽ trên 2 tỷ USD, tuy nhiên, do được hưởng quy chế MFN thuế nhập khẩu chỉ là 354 triệu USD.

– Chế độ GSP của Mỹ mang tính đơn phương, không ràng buộc điều kiện có đi có lại, mức thuế nhập khẩu hàng từ các nước nhận ưu đãi vào Mỹ bằng Mỹ thường áp dụng chế độ MFN và GSP có điều kiện để gây sức ép về chính trị và kinh tế với các bạn hàng. Ví dụ, đối với Trung Quốc, từ tháng 2/1980 Mỹ cho hưởng chế độ MFN để kềm chế Trung Quốc phải nhượng bộ trong các vấn đề nhân quyền ở Tây Tạng, vấn đề Đài Loan… Hoặc trong Luật Thương Mại năm 1974, có quy định cấm  Tổng Thống không cho các nước hưởng chế độ GSP như các nước Cộng Sản (trừ trường hợp sản phẩm của nước đó là thành viên của GATT/WTO và IMF, hoặc nước đó không bị Chủ nghĩa Cộng sản quốc tế khống chế)

Đối với Việt Nam, dù đàm phán song phương hay đa phương, Mỹ cũng đòi hỏi Việt Nam áp dụng quy chế của GATT/WTO với các nguyên tắc cơ bản là:

  • Không phân biệt đối xử giữa các nước bạn hàng, thể hiện trong điều khoản về tối huệ quốc.
  • Đối xử như nhau giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước (quy chế đối xử trong nước NT – National Treatment).
  • Thực hiện các chính sách cởi mở và tự do. Bảo hộ bằng thuế quan ở mức thấp và chỉ áp dụng hạn chế số lượng trong một số trường hợp đặc biệt.
  • Cam kết thực hiện lịch trình cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế
  • Chính sách và luật pháp phải rõ ràng, công khai.

Khi chưa là thành viên WTO, với những yêu cầu này của phía Hoa Kỳ, bên cạnh những mặt lợi thế có thể mang lại, việc chấp nhận các nguyên tắc trên là thách thức lớn đối với Việt Nam. Bởi vì, nếu thực hiện, chúng ta phải điều chỉnh luật pháp của mình cho phù hợp với WTO và phải điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc đó. Vấn đề này hết sức phức tạp và đòi hỏi phải có thời gian để điều chỉnh, thực hiện. Tuy nhiên, từ tháng 12/2001, khi hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có hiệu lực, Mỹ đã trao cho việt nam qui chế MFN (hay còn gọi là qui chế đối xử thương mại bình thường, Normal Trade Relation, NTR). Hơn thế nữa, khi nước ta kết thúc đàm phán gia nhập WTO vào ngày 7/11/2006 đã tạo điều kiện cho Quốc hội Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ thông qua quy chế đối xử thương mại bình thường vĩnh viễn, PNTR vào ngày 21/12/2006.

2.4.3- Vài nét về chế độ ưu đãi về thuế quan của Nhật:

Chế độ GSP của Nhật áp dụng từ ngày 01/8/1971 dựa trên hiệp ước của Hội nghị Thương mại và phát triển của Liên hiệp quốc (UNCTAD) năm 1970, được gia hạn hiệu lực đến ngày 31/3/2011. Chế độ GSP của nhật áp dụng chủ yếu ở ba mặt hàng nông sản chế biến, công nghiệp và hàng dệt nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Hàng hóa nhập khẩu được hưởng GSP phải theo tiêu chuẩn xuất xứ GSP của Nhật và được vận chuyển đến theo tiêu chuẩn về vận tải.Các nước Châu Á đang sử dụng nhiều nhất chế độ GSP của Nhật.

Trong những năm bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận của Mỹ, tỷ lệ hàng hóa xuất sang Nhật của Việt Nam được hưởng chế độ GSP rất thấp, khoảng 8% tổng trị giá hàng công nghiệp nhập khẩu vào Nhật Bản (mức trung bình của các nước là 39,8%). Từ năm 1994 trở đi, khi lệnh cấm vận được xóa bỏ, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật có dễ dàng hơn.

3-  Nguyên tắc đối xử trong nước (National Treatment _ NT)

Nguyên tắc đối xử trong nước NT được áp dụng trên nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ…với ý nghĩa là đối xử như “trong nước” đối với phía đối tác trong các lĩnh vực được ghi trong thỏa ước. Qui mô của nghĩa vụ này có thể thay đổi tùy thỏa ước, đối với hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT, NT được qui định chủ yếu trong điều III “Đãi ngộ quốc gia về thuế và nguyên tắc đối xử trong nước”. Trong thương mại hàng hóa, nếu như nguyên tắc MFN đòi hỏi đãi ngộ công bằng giữa các quốc gia, thì nghĩa vụ NT đòi hỏi sự đãi ngộ với hàng nhập khẩu, sau khi hoàn tất các thủ tục hải quan và biên giới, không được tệ hơn cách đãi ngộ dành cho hàng sản xuất trong nước.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]