Các hiện tượng tâm lý xã hội là gì?
Khi nói tới đời sống tâm lý của con người, người ta thường đề cập đến các hiện tượng xúc cảm, tình cảm, đến các quá trình nhận thức như tư duy, tưởng tượng đến ý chí, nhu cầu, động cơ thúc đẩy con người thực hiện các hoạt động này hay hoạt động khác. Các hiện tượng tâm lý đó gọi là tâm lý cá nhân, tức là các hiện tượng tâm lý thuộc về từng cá nhân, mang sắc thái riêng của mỗi cá nhân. Các hiện tượng tâm lý đó là sự phản ánh nội dung đời sống xã hội, là sự phản ánh mang tính chất cá nhân riêng lẻ. Các hiện tượng tâm lý cá nhân đó được nghiên cứu một cách tương đối độc lập với nhóm xã hội có cá nhân đó. Tuy vậy, trong đời sống, con người liên tục tham gia vào các nhóm xã hội: gia đình, trường học, bạn bè, đồng nghiệp… Trong quá trình đó, cá nhân tác động qua lại với những cá nhân khác, biểu lộ thái độ đánh giá, mong muốn của bản thân và của người khác, nhận biết người khác, ảnh hưởng và bị ảnh hưởng của người khác. Tâm lý của cá nhân khi đó một mặt chịu sự quy định của nhóm xã hội và sự tương tác xã hội, mặt khác điều chỉnh hành vi của bản thân cho phù hợp với yêu cầu và tình huống tương tác. Hệ quả tất yếu là làm nảy sinh các hiện tượng tâm lý chung ở nhiều cá nhân trong một nhóm trong một cộng đồng, trong cả một dân tộc, thậm chí trong nhiều dân tộc. Đó là các hiện tượng tâm lý xã hội.
Như vậy, tâm lý xã hội không phải là tổng đơn giản, cơ học của các hiện tượng tâm lý cá nhân. Nó là các hiện tượng tâm lý chung của nhiều người diễn ra trong các nhóm xã hội, khi con người hoạt động, giao tiếp, tác động qua lại với nhau, được quy định bởi sự tác động qua lại và nhóm xã hội. Tâm lý học xã hội là khoa học nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội đó.
Một cách đơn giản, có thể hình dung các hiện tượng tâm lý xã hội là các hiện tượng tâm lý nảy sinh khi cá nhân tác động qua lại với các đối tượng xã hội khác:
Cá nhân <-> Nhóm xã hội.
Cá nhân <-> Cá nhân (trong nhóm xã hội).
Nhóm <-> Nhóm.
Trong các quá trình tương tác đó, cá nhân nhận biết, đánh giá hành vi của mình và người khác như thế nào, cá nhân chịu sự chi phối và chi phối các cá nhân khác ra sao, các mối quan hệ như quan hệ liên nhân cách, sự hấp dẫn lẫn nhau và sự xung đột diễn ra như thế nào trong các nhóm… Các hiện tượng tâm lý xã hội đó diễn ra không phải một cách ngẫu nhiên mà theo các quy luật nhất định. Tâm lý học xã hội chịu trách nhiệm phát hiện các quy luật chi phối hành vi và hoạt động của con người khi con người tham gia vào nhóm xã hội cũng như các đặc trưng tâm lý của chính các nhóm xã hội đó.
Như vậy, Tâm lý học xã hội nghiên cứu các quy luật và cơ chế của các hiện tượng tâm lý xã hội nảy sinh trong các tương tác xã hội.
Bản chất và chức năng của các hiện tượng Tâm lý xã hội
Trước khi đề cập đến bản chất của hiện tượng tâm lý xã hội, điều đầu tiên chúng ta phải khẳng định rằng: cá nhân không tồn tại tự nó, tách rời với những cá nhân khác. Cá nhân tồn tại phát triển trong các mối quan hệ xã hội và chính vì thế mỗi cá nhân là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” (C. Mác). Tham gia vào hệ thống các mối quan hệ xã hội khác nhau tức là cá nhân tham gia vào các nhóm xã hội. Các nhóm đó hiện diện mọi nơi và chính là môi trường xã hội của cá nhân. Đó có thể là gia đình – một dạng nhóm đặc biệt, lớp học, cơ quan, bạn bè… Tâm lý học xã hội gọi chung đó là các nhóm xã hội. Hoạt động trong các nhóm xã hội đó cá nhân tác động đến các cá nhân khác đồng thời chịu sự tác động của các cá nhân khác. Sự tác động qua lại đó ảnh hưởng đến hành vi cá nhân và làm nảy sinh những hiện tượng tâm lý chung. Đó là các hiện tượng tâm lý nhóm, rộng hơn gọi là các hiện tượng tâm lý xã hội. Nói như vậy để thấy rằng các hiện tượng tâm lý xã hội nảy sinh trong môi trường xã hội, trong sự tác động qua lại giữa các thành viên. Do vậy bản chất của các hiện tượng tâm lý xã hội phải gắn liền với sự tác động qua lại này.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng tâm lý xã hội là những hiện tượng tâm lý chung của một nhóm xã hội cụ thể nảy sinh trong quá trình tác động qua lại, giao tiếp và hoạt động cùng nhau của các cá nhân trong nhóm. Các hiện tượng tâm lý xã hội đó điều chỉnh, điều khiển hoạt động cùng nhau của các thành viên và của nhóm xã hội. Mặt khác cũng phải thấy rằng các hiện tượng tâm lý xã hội có quan hệ đặc biệt và khó có thể tách rời với các hiện tượng tâm lý cá nhân. Các hiện tượng tâm lý xã hội không tồn tại lơ lửng đâu đó ngoài cá nhân mà chúng hiện diện ở cá nhân, thúc đẩy cá nhân hành động, ví dụ sự a dua, sự hoảng loạn, các trào lưu, thị hiếu… Việc nhận biết các hiện tượng tâm lý xã hội cũng chỉ có thể diễn ra trên cơ sở của nhiều cá nhân. Tuy vậy các hiện tượng tâm lý đó không hoàn toàn là các hiện tượng tâm lý cá nhân có thể kiểm soát mà nó từ “bên ngoài” thâm nhập vào cá nhân, vừa được biểu hiện với sắc thái của cá nhân vừa có tính tương đồng với các cá nhân khác trong cùng mối quan hệ tương tác. Có thể coi mối quan hệ giữa các hiện tượng tâm lý cá nhân và tâm lý xã hội là mối quan hệ giữa cái chung và riêng.
Các hiện tượng tâm lý xã hội hiện diện trong đời sống hàng ngày của chúng ta nhưng không phải lúc nào chúng cũng được nhận biết. Cá nhân có thể bị chi phối bởi các hiện tượng tâm lý xã hội một cách vô thức hay có ý thức. Học tập, rèn luyện để phát huy truyền thống đó là hành động có ý thức, nhưng bắt chước hành vi của người khác, theo trào lưu nhiều khi lại là vô thức. Bị ảnh hưởng của định kiến xã hội trong khi nhìn nhận đánh giá người khác, dân tộc khác mà nhiều khi cá nhân không nhận biết, trong khi hoàn toàn có ý thức thuyết phục người khác làm theo điều mình mong muốn. Nói cách khác, các hiện tượng tâm lý xã hội chi phối tâm lý của cá nhân và qua đó chi phối hoạt động sống của cá nhân.
Ở phạm vi lớn hơn, các hiện tượng tâm lý xã hội chi phối các mối quan hệ xã hội trong các nhóm, các cộng đồng hay các dân tộc và cả xã hội loài người. Từ sự thân thiện hay xung đột giữa các cá nhân trong một nhóm xã hội, từ sự định kiến hay đồng nhất hóa với một dân tộc hay một cộng đồng, cá nhân thiết lập quan hệ với các cá nhân khác, nhóm thiết lập quan hệ với nhóm khác. Chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu tập trung nghiên cứu khía cạnh tâm lý xã hội của các tầng lớp, các dân tộc nhằm tạo ra các cơ sở cho việc thiết lập và vận hành các mối quan hệ giữa các nhóm đó một cách hiệu quả. Rõ ràng, các hiện tượng tâm lý xã hội đóng vai trò chi phối, ảnh hưởng đến các mối quan hệ đó.
Như vậy, có thể thấy các hiện tượng tâm lý xã hội có chức năng định hướng, thúc đẩy và điều khiển, điều chỉnh hoạt động của cá nhân. Hoạt động của các nhóm xã hội, thông qua đó tác động đến các quá trình xã hội.
Phân biệt các hiện tượng tâm lý xã hội với các hiện tượng xã hội
Các hiện tượng xã hội và các hiện tượng tâm lý xã hội không đồng nhất, nhưng cũng không tồn tại độc lập, tách rời.
Hiện tượng xã hội: bất kì hiện tượng nào nảy sinh trong đời sống xã hội của con người, liên quan đến đời sống xã hội của con người đều được gọi là các hiện tượng xã hội. Đó có thể là các hiện tượng tôn giáo, giáo dục, văn hóa, khoa học, đạo đức, chính trị, giai cấp, giới tính… Có những hiện tượng xã hội có ở mọi thời kì trong lịch sử của loài người, cũng có những hiện tượng xã hội chỉ có ở một giai đoạn xã hội nhất định. Các hiện tượng xã hội nảy sinh, biến đổi và chuyển hóa theo những quy luật nhất định. Có những quy luật phổ quát cho nhiều hiện tượng xã hội, nhưng cũng có những quy luật mang tính đặc thù cho một lĩnh vực xã hội nào đó. Do vậy nghiên cứu các hiện tượng xã hội đòi hỏi sự tham gia của nhiều khoa học khác nhau. Mỗi khoa học tập trung nghiên cứu một lĩnh vực cụ thể nhưng sự giao thoa là điều tất yếu Tâm lý xã hội chính là minh chứng cho sự giao thoa của các hiện tượng xã hội và tâm lý xã hội.
Các hiện tượng xã hội chính là nguồn gốc của các hiện tượng tâm lý xã hội, ví dụ chiến tranh, khủng hoảng, khủng bố… sẽ tạo ra các hiện tượng tâm lý xã hội nhất định như tâm trạng lo lắng của xã hội, tâm trạng phản đối chiến tranh. Như vậy, các hiện tượng tâm lý xã hội là sự phản ánh các hiện tượng xã hội. Các hiện tượng xã hội diễn ra theo các quy luật xã hội, nhưng bất kì một hiện tượng xã hội nào cũng có mặt tâm lý xã hội của nó, bởi lẽ chủ thể của các hiện tượng xã hội chính là con người với ý thức, tinh thần của mình. Đó cũng là điều mà V.Wundt trong tác phẩm Tâm lý học dân tộc – một tác phẩm sớm trong lịch sử của Tâm lý học xã hội đã khẳng định: Một góc nhìn quan trọng mà nhờ đó có thể xem xét tất cả các hiện tượng liên quan đến đời sống cùng nhau của con người đó là góc nhìn Tâm lý học.
Cũng cần thấy rằng các hiện tượng tâm lý xã hội có tính độc lập tương đối với các hiện tượng xã hội. Với tư cách là các hiện tượng thứ phát, các hiện tượng tâm lý xã hội có thể tồn tại lâu hơn và tương đối bền vững, trong khi các hiện tượng xã hội lại dễ thay đổi. Các hiện tượng tâm lý xã hội diễn ra trong cộng đồng lại có tác động điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong cộng đồng đó và thông qua đó tác động ngược trở lại đến các hiện tượng xã hội.
Nguồn tham khảo: Trần Quốc Thành, Tâm lý học Xã hội