Các cơ chế tâm lý xã hội
1. Cơ chế lây lan
Trong đời sống xã hội, không ít khi chúng ta gặp các hiện tượng tâm lý xã hội như tâm trạng căng thẳng lo âu, thậm chí hoảng loạn hay ngược lại, sự hưng phấn, quá khích của các nhóm người. Sở dĩ ở nhóm người cùng xuất hiện một dạng xúc cảm nhất định là do sự lây lan của các cảm xúc từ một số cá nhân này sang những cá nhân khác. Cơ chế hình thành các hiện tượng xúc cảm chung đó gọi là cơ chế lây lan.
Lây lan được hiểu là sự lan truyền xúc cảm từ cá nhân này sang cá nhân khác trong nhóm xã hội một cách mạnh mẽ ở cấp độ tâm sinh lý ngoài những tác động ở cấp độ ý thức nhóm.
Sự lây lan đã từ lâu được nghiên cứu như là một phương thức đặc biệt của sự tác động, bằng một cách nào đó tạo ra sự hòa nhập đông đảo của đám đông, đặc biệt trong mối liên hệ với sự xuất hiện các hiện tượng như xuất thần tôn giáo, loạn thần đại chúng và… Hiện tượng lây lan đã được biết ngay trong những giai đoạn sơ khai của lịch sử loài người và có nhiều kiểu biểu hiện như các trạng thái bột phát xúc cảm mang tính đại chúng xuất hiện trong khi nhảy các điệu nhảy nghi lễ, sự hăng say thể thao, các tình huống hoảng loạn. Trong hình thức chung nhất, sự lây lan có thể xác định như là tính dễ bị nhiễm một cách vô thức trạng thái tâm lý nào đó. Nó được bộc lộ không phải qua sự thừa nhận có ý thức một thông tin nào đó hay hình mẫu hành vi mà qua việc lan truyền trạng thái xúc cảm hay trạng thái tâm lý. Khi trạng thái xúc cảm đó xuất hiện trong đám đông cơ chế tăng cường nhiều lần sự tác động xúc cảm lẫn nhau của những người giao tiếp bắt đầu hoạt động. Cá nhân ở đây không chịu áp lực trước tổ chức mang tính chủ định mà đơn giản lĩnh hội một cách vô thức hình mẫu của cách ứng xử nào đó bằng cách tuân phục nó. Nhiều nhà nghiên cứu phân tích sự có mặt của một phản ứng lây lan đặc biệt xuất hiện trong các nhóm khán giả mở và có số lượng lớn, khi mà trạng thái xúc cảm được tăng cường bằng con đường phản ánh lặp lại nhiều lần theo mô hình của phản ứng chuỗi thông thường. Hiệu ứng có thể xảy ra trước hết trong tập hợp không được tổ chức, thường xuyên hơn cả là trong đám đông, thể hiện như một dạng củng cố nhằm xua đuổi một trạng thái xúc cảm khác nào đó.
Tình huống hoảng loạn là một tình huống đặc biệt trong quá trình tác động qua lại, sự lây lan được tăng cường. Hoảng loạn xuất hiện trong đám đông như một trạng thái xúc cảm xác định, là hậu quả của sự thiếu hụt thông tin về điều gì đó đang đe doạ hoặc điều gì đó khó hiểu hay là ngược lại sự thừa thãi của thông tin về sự đe doạ này. Bản thân thuật ngữ có nguồn gốc từ tên của một vị thần Hi Lạp Pana – người che chở cho những người chăn súc vật tránh được sự nổi giận phi lý của của bầy đàn. Nguyên cớ trực tiếp của sự hoảng loạn là sự xuất hiện của tin tức nào đó có khả năng tạo ra một dạng sốc nhất định. Sau đó sự hoảng loạn tăng thêm sức sức mạnh khi tham gia vào hành động, do cơ chế phản ánh lặp lại. Sự lây lan xuất hiện khi có hoảng loạn khó có thể đánh giá đúng ngay trong cả xã hội hiện đại. Ví dụ rất nổi tiếng về sự xuất hiện sự hoảng loạn quần chúng ở
Mỹ ngày 30/10/1938 sau chương trình phát thanh của đài phát thanh ABC về quyển sách của H.Yell Chiến tranh của các thế giới. Dân chúng – thính giả thuộc các lứa tuổi hoàn toàn khác nhau và các tầng lớp học vấn khác nhau (theo số liệu chính thức gần 1.000.000 người) đã trải qua trạng thái giống như loạn thần đại chúng, tin vào sự tấn công của người sao Hỏa vào Trái Đất. Mặc dù nhiều người trong số họ biết chính xác rằng đang truyền thanh một kịch bản của một tác phẩm văn học (người phát thanh đã nhắc lại 3 lần) gần 400.000 người nói rằng đã “tận mắt” chứng kiến sự xuất hiện của người sao hoả. Hiện tượng này đã được các nhà tâm lý học Mỹ phân tích một cách chuyên biệt.
Sự hoảng loạn là hiện tượng vô cùng khó nghiên cứu. Không thể quan sát được chúng một cách trực tiếp. Bởi vì: thứ nhất, không bao giờ biết được thời điểm xuất hiện của nó; thứ hai, trong tình huống hoảng loạn khó có thể vững vàng để trở thành người quan sát. Chính ở đó sự hoảng loạn thể hiện sức mạnh của nó. Một người bất kì khi nằm trong trạng thái hoảng loạn dù ở mức độ này hay mức độ khác đều bị nó khuất phục. Do vậy, các nghiên cứu hoảng loạn vẫn chỉ ở trình độ mô tả sau khi hoảng loạn đã qua đỉnh điểm. Các mô tả này cho phép chia ra các chu kì cơ bản đặc trưng cho toàn bộ quá trình tổng thể. Hiểu các chu kì này rất quan trọng cho việc chấm dứt hoảng loạn. Điều đó là có thể thực hiện với điều kiện có thể có các sức mạnh có khả năng đưa đến các yếu tố của sự sáng suốt vào tình huống hoảng loạn, bằng cách nhất định chiếm lĩnh được tình huống này. Ngoài việc hiểu biết về chu kì, cần phải hiểu cả cơ chế tâm lý học của hoảng loạn.
Các đặc điểm của sự lây lan như là sự chấp nhận một cách vô thức những hình mẫu nhất định của hành vi. Nếu con người trong tình huống hoảng loạn này có thể đưa ra hình mẫu nhất định của hành vi, có khả năng khôi phục lại trạng thái xúc cần bình thường của đám đông, sẽ có khả năng chấm dứt hoảng loạn.
Vấn đề quan trọng trong nghiên cứu sự lây lan là vấn đề vai trò của mức độ thống nhất trong đánh giá và tâm thế mà quần chúng (những người bị lây lan tâm lý) có được. Mặc dù vấn đề này vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ trong khoa học, nhưng trong thực tiễn người ta đã tìm ra các hình thức sử dụng các đặc trưng này trong tình huống lây lan. Như trong các điều kiện lây lan đại chúng bởi kích thích, bao gồm cả sự lây lan trước đó sự đồng nhất các đánh giá ví như đối với một nghệ sĩ nổi tiếng là sự cổ vũ, chúng có thể đóng vai các xung lực, tiếp sau đó tình huống sẽ phát triển theo các quy luật của sự lây lan. Sự hiểu biết về cơ chế này được sử dụng trong việc tuyên truyền, trong đó đã đưa ra một lý thuyết đặc biệt nâng cao tính hiệu quả của tác động đến thính giả mở bằng con đường mang họ tới trạng thái hưng phấn mở tới trạng thái xuất thần, không hiếm khi cả các thủ lĩnh chính trị khác cũng dùng tới thủ thuật này.
Mức độ lây lan mà các thính giả khác nhau có thể bị rơi vào phụ thuộc vào mức độ phát triển chung của các nhân cách tạo ra nhóm thính giả và cụ thể hơn – vào mức độ phát triển tự ý thức của họ. Trong ý nghĩa này có thể khẳng định xác đáng rằng: trong xã hội hiện đại, sự lây lan có vai trò ít hơn so với những giai đoạn đầu trong lịch sử loài người. Có thể nhận thấy rằng trình độ phát triển xã hội càng cao thì các thái độ phê phán của con người càng cao hơn đối với các sức mạnh có tác động lôi kéo họ tới việc thực hiện hành động hay trải nghiệm này khác, dẫn tới kết quả là hiệu quả của cơ chế lây lan càng yếu hơn. (Porsnhiev, 1968).
Theo truyền thống đã hình thành trong Tâm lý học xã hội thường xem xét hiện tượng lây lan trong các điều kiện của các hành vi chống đối xã hội và không có tổ chức (các thảm hoạ thiên nhiên khác nhau). Tuy nhiên kiểu hành vi này có thể thể hiện trong các hành động xã hội có ý thức đại chúng, ví dụ trong tiến trình của các cuộc mít tinh khác nhau hay các cuộc biểu tình hoặc trong các tình huống thảm hoạ khác nhau…
Như vậy không thể nói rằng trong các điều kiện hiện đại, vấn đề lây lan đã tuyệt đối cũ kĩ. Không có sự trưởng thành nào của tự ý thức gỡ bỏ những hình thức này của sự lây lan tâm lý xuất hiện trong các phong trào xã hội quần chúng đặc biệt trong những thời gian không ổn định của xã hội ví như trong điều kiện tái cơ cấu xã hội mạnh mẽ. Tâm lý học xã hội có trách nhiệm to lớn trước xã hội khi nghiên cứu vấn đề này. Ở đây hiện tại chỉ tồn tại những mô tả và quan sát rời rạc về bản chất, chưa có các nghiên cứu nghiêm túc.
Cơ chế lây lan được coi là có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự liên kết số đông cá nhân ở phương diện xúc cảm. Nhờ có chế này, trong đời sống xã hội có hiện tượng “cộng cảm”, là điều kiện thuận lợi cho sự gắn bó giữa các cá nhân trong nhóm và cộng đồng.
Cơ chế này được các nhà nghiên cứu giải thích theo các cách khác nhau. Mikhailôvxki cho rằng lây lan được truyền theo nguyên tắc cộng hưởng, tỉ lệ thuận với đám đông và cường độ xúc cảm được truyền đi. G.Allport lại cho rằng lây lan diễn ra theo “phản ứng vòng tròn”. Cá nhân này kích thích cá nhân khác bằng các biểu hiện xúc cảm của mình, đến lượt họ khi thấy biểu hiện của người khác sẽ tăng thêm phần hứng khởi.
Các xúc cảm tiêu cực và tích cực đều có thể được lây lan. Do vậy, có thể chủ động tạo ra sự lây lan các xúc cảm tích cực và ngăn chặn sự lây lan các xúc cảm tiêu cực trong nhóm, cộng đồng.
2. Cơ chế đồng nhất hóa
– Có nhiều cách quan niệm khác nhau về sự đồng nhất hóa. Có quan điểm coi đồng nhất hóa như một quá trình so sánh, đối chiếu một đối tượng này với đối tượng khác theo một điểm hay tiêu chí nhất định, từ đó khái quát, xác lập sự tương đồng giữa chúng. Ví dụ, khi cá nhân nhận biết các phẩm chất của một số cá nhân khác sẽ tiến hành việc xếp các cá nhân đó theo các kiểu loại khác nhau và sau đó có thể bắt chước, phỏng theo một kiểu nào đó. Như vậy theo cách hiểu này, đồng hóa chính là việc cá nhân lựa chọn và đồng nhất bản thân với các chủ thể khác hay với nhóm nào đó.
Cách hiểu chung trong tâm lý học hiện đại cho rằng: đồng nhất hóa là quá trình chủ thể thống nhất bản thân với các cá nhân khác dựa trên các liên hệ cảm xúc, đồng thời nội tâm hóa các chuẩn mực các giá trị của họ. Trong khi đồng nhất hóa, chủ thể nhìn nhận người khác như là sự kéo dài của bản thân, gán cho người khác những đặc điểm, tình cảm, mong muốn của bản thân. Đồng thời cá nhân đặt mình vào vị trí của người khác, dịch chuyển bản thân vào vị trí không gian, phạm vi của người khác và thậm chí đồng nhất hóa ý nghĩ với người khác.
Trong Tâm lý học xã hội, đồng nhất hóa được coi là quá trình cá nhân tiếp nhận vai trò xã hội khi gia nhập nhóm. Cá nhân ý thức được vai trò, vị trí của mình trong nhóm và thực hiện tốt vai trò xã hội của mình. Nói cách khác, đồng nhất hóa chính là quá trình cá nhân đồng nhất bản thân với một vai trò xã hội nhất định.
Từ các cách hiểu rất rộng và nhiều khía cạnh như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất về cơ chế đồng nhất hóa như sau: Đồng nhất hóa là quá trình cá nhân điều chỉnh bản thân nhằm thích ứng với các vai xã hội hay với các cá nhân khác trong nhóm xã hội trên những phương diện nhất định của đời sống tâm lý.
– Vai trò của cơ chế đồng nhất hóa như sau:
Cá nhân có thể thực hiện tốt vai trò xã hội của bản thân, từ đó các quan hệ xã hội được vận hành một cách có hiệu quả.
Các cá nhân trong nhóm có được những điểm chung: sự đồng nhất về cảm xúc, sự đồng nhất về cách giải quyết nhìn nhận vấn đề. Trong các nhóm lớn xã hội, cơ chế đồng nhất hóa có thể diễn ra một cách ẩn tàng để tạo ra những hiện tượng tâm lý xã hội của nhóm dân tộc, giai cấp như ý thức tự hào dân tộc, nếp suy nghĩ dân tộc, tình cảm dân tộc…
Tuy nhiên, mặt tiêu cực của cơ chế đồng nhất hóa sẽ xuất hiện khi các cá nhân trong nhóm xã hội bị đồng nhất hóa quá mức. Các cá nhân sẽ trở nên bị động, đánh mất cái riêng và bản sắc riêng.
3. Cơ chế ám thị
Trong quá trình giao tiếp, tương tác giữa các cá nhân, có trường hợp cá nhân chịu sự tác động của cá nhân khác và có hành vi phục tùng yêu cầu của cá nhân khác một cách không ý thức được gọi là hiện tượng ám thị.
Để hiểu hơn về ám thị, có thể đặt nó trong mối quan hệ với một hiện tượng khác gọi là thôi miên. Trạng thái bị thôi miên là trạng thái “mất tỉnh táo”, “mất khả năng ý thức” của chủ thể. Một người bị thôi miên sẽ không ý thức được các hành vi của bản thân và rơi vào trạng thái bị người khác điều khiển. Ám thị là mức độ nhẹ hơn so với thôi miên, người bị ám thị không mất ý thức nhưng mất khả năng suy xét, phê phán do vậy dễ bị thuyết phục và dễ bị điều khiển.
Ám thị là tác động tâm lý có mục tiêu nhưng vô căn cứ từ một người đến người khác hoặc nhóm, dẫn tới sự thay đổi hành vi ứng xử của cá nhân do phục tùng mệnh lệnh đến từ một uy quyền hợp pháp.
Quá trình diễn ra ám thị có một số đặc điểm: Sự chuyển giao thông tin dựa vào việc tiếp nhận thông tin một cách không phê phán. Trong quá trình đó, não chỉ giữ liên hệ với một nguồn kích thích, các nguồn kích thích khác bị ngắt.
Ám thị là một kiểu tác động đặc biệt có mục đích, sự tác động phi luận cứ của một người lên người khác hay lên một nhóm. Trong ám thị quá trình truyền thông tin được thực hiện trên cơ sở tri giác chúng một cách không có phê phán. Thông thường toàn bộ thông tin được truyền từ người này sang người khác được phân loại căn cứ vào mức độ tính tích cực trong lập trường của người truyền thông tin, phân biệt trong đó các thông báo, thuyết phục và ám thị. Chính hình thức thông tin thứ ba này liên quan đến sự tri giác không phê phán, cho rằng người tiếp nhận thông tin trong trường hợp ám thị không có khả năng đánh giá chúng một cách phê phán. Một cách tự nhiên, trong các tình huống khác nhau và đối với các nhóm người khác nhau mức độ phi luận cứ, cho phép tiếp nhận không phê phán thông tin trở nên rất khác nhau.
Hiện tượng ám thị được nghiên cứu trong Tâm lý học từ trước đây rất lâu trên thực tế: trong thực tiễn y học hay với một số các hình thức dạy học cụ thể. Ám thị như một hiện tượng tâm lý học xã hội có đặc trưng rõ rệt: do vậy có quyền nói về hiện tượng đặc biệt “ám thị xã hội”. Trong các nghiên cứu của Tâm lý học xã hội vẫn duy trì hệ thống thuật ngữ, được sử dụng trong các phần khác nhau của khoa học tâm lý nghiên cứu hiện tượng này: người thực hiện việc ám thị gọi là nhà ám thị, đối tượng của ám thị gọi là “người bị ám thị”. Hiện tượng chống đối lại ám thị gọi là “phản ám thị”. Trong tài liệu ở Nga, lần đầu tiên vấn đề ý nghĩa của ám thị được đặt ra trong tác phẩm của V.M.Becheriev Ám thị và vai trò của nó trong đời sống xã hội (1903).
Khi phân tích ám thị như là phương tiện tác động đặc biệt, vấn đề về tương quan giữa ám thị và lây lan được đặt ra và vẫn chưa có câu trả lời thống nhất. Đối với một số tác giả ám thị là một trong các loại lây lan bên cạnh bắt chước, những người khác lại nhấn mạnh sự khác biệt của ám thị với lây lan, có thể khái quát như sau: Trong lây lan diễn ra sự đồng cảm của trạng thái tâm lý đám quần chúng lớn. Ám thị không có “sự bình đẳng” – ngược lại, trong đó không có sự đồng cảm, và đồng nhất xúc cảm. Nhà ám thị không rơi vào trạng thái của người bị ám thị. Quá trình ám thị có tính một chiều mà không phải là sự tăng lên bột phát của trạng thái nhóm ám thị. Nó là sự tác động tích cực của một người đến một người khác hoặc nhóm. Ám thị, thông thường, mang tính ngôn ngữ, trong khi đó, trong lây lan ngoài tác động ngôn ngữ còn sử dụng cả các phương tiện khác (nhịp điệu, cảm thán…).
Mặt khác ám thị khác với thuyết phục ở chỗ nó trực tiếp gây ra những trạng thái tâm lý nhất định không cần có lôgic và chứng cứ. Thuyết phục, ngược lại, được xây dựng trên cơ sở sự trợ giúp của các cấu tạo lôgic để đạt tới sự đồng ý của người khác của người tiếp nhận thông tin. Trong ám thị không đạt tới sự đồng ý mà còn phải là tiếp nhận thông tin dưới dạng kết luận có sẵn. Trong khi đó, trường hợp thuyết phục, kết luận cần phải được đưa ra một cách độc lập bởi người tiếp nhận. Do vậy thuyết phục là tác động chủ yếu mang tính trí tuệ còn ám thị tác động chủ yếu mang tính xúc cảm ý chí.
Chính vì vậy khi nghiên cứu ám thị đã xác nhận một số quy luật liên quan đến vấn đề: trong những tình huống nào và trong những tình trạng nào hiệu quả ám thị được nâng cao. Những trường hợp ám thị xã hội đã chứng minh sự phụ thuộc của hiệu ứng ám thị vào lứa tuổi: trẻ em nhìn chung dễ bị ám thị hơn người lớn. Cũng đúng như vậy, trong đa số các thường hợp, những người bị ám thị là những người mệt mỏi, yếu về mặt thể chất hơn là những người khỏe mạnh. Nhưng điều quan trọng nhất là ở chỗ ám thị có các nhân tố tâm lý xã hội đặc biệt tác động. Nhiều nghiên cứu cho thấy: điều kiện quyết định tính hiệu quả của ám thị là uy tín của người ám thị, uy tín sẽ tạo ra nhân tố bổ sung đặc biệt của tác động – sự tin tưởng vào nguồn thông tin. “Hiệu ứng niềm tin” này được thể hiện trong quan hệ với nhân cách của người ám thị cũng như trong thái độ đối với nhóm xã hội mà anh ta đại diện. Uy tín của nhà ám thị cả trong trường hợp này và trong trường hợp khác thực hiện chức năng được gọi là “luận cứ gián tiếp” một dạng bù trừ sự thiếu hụt các chứng cứ trực tiếp – là nét đặc trưng của ám thị.
Trong ám thị, kết quả phụ thuộc vào cả tính cách cá nhân của người ám thị. Hiện tượng phản ám thị minh chứng cho mức độ chống lại ám thị mà cá nhân riêng biệt có được. Trong thực tế, ám thị xã hội đã nghiên cứu những phương thức, nhờ đó có thể ở một mức độ nhất định cô lập sự “tự vệ tâm lý” này. Tổ hợp các biện pháp như vậy được gọi là “chống phản ám thị” (Porsnhiev.1968). Hiện tượng phản ám thị có thể được sử dụng không chỉ cho việc bảo vệ cá nhân khỏi sự tác động ám thị mà còn cho việc loại bỏ sự tự vệ này. Ví dụ, nếu với tư cách là một phương tiện phản ám thị – sự không tin tưởng vào nhà ám thị, thì bằng cách đưa thêm các thông tin bổ sung về người ám thị có thể đạt tới việc loại bỏ sự không tin tưởng này và tổ hợp các biện pháp đó sẽ là chống phản ám thị. Một cách lôgic, có đề xuất đáp lại những cố gắng bổ sung đó cá nhân cố gắng tạo ra một loạt những biện pháp tự vệ mới. Nhưng đến nay các nghiên cứu thực tế chưa vượt qua được lớp thứ nhất của chống phản ám thị. Trong phương diện nghiên cứu ứng dụng, ám thị có ý nghĩa lớn đối với các lĩnh vực như tuyên truyền và quảng cáo. Vai trò của ám thị được đưa vào hệ thống các phương tiện tác động tuyên truyền là khác nhau, phụ thuộc vào loại tuyên truyền, mục đích và nội dung của tuyên truyền. Dù nét cơ bản của tuyên truyền là dựa vào lôgic và có ý thức còn phương tiện đang được nói đến chủ yếu là phương tiện thuyết phục. Tất cả những điều đó không loại bỏ sự có mặt của một số nhân tố của ám thị. Phương pháp ám thị thể hiện ở đây như là phương pháp dưới dạng chương trình hóa tâm lý khán giả, tức là liên quan đến các phương pháp tác động điều khiển, điều này đặc biệt rõ ràng trong lĩnh vực quảng cáo.
4. Cơ chế thỏa hiệp
Thỏa hiệp là sự nhân nhượng của cá nhân trước áp lực nhóm thể hiện ở việc cá nhân thay đổi cách ứng xử và thái độ của mình cho phù hợp với đa số.
Thỏa hiệp là một cơ chế tạo ra sự thống nhất giữa các cá nhân trong nhóm mặc dù còn có sự khác biệt nhất định. Nó đảm bảo cho việc xác định mục đích chung hay ra quyết định chung của nhóm, đồng thời tránh tạo ra sự xung đột trong một khoảng thời gian. Như vậy, với tư cách là một cơ chế tâm lý xã hội giúp giảm bớt xung đột trong một số tình huống, thỏa hiệp có vai trò tích cực nhất định khác với hiểu đơn giản thiên về tiêu cực của hiện tượng này. Trong nhóm xã hội, với các vị trí, lợi ích khác nhau khó có thể có sự thống nhất hoàn toàn. Cơ chế này có thể coi như một sự “tạm dừng” để có thể tiến tới sự thống nhất hơn khi được trao đổi, thảo luận.
Có các loại thỏa hiệp như sau: Thỏa hiệp bên ngoài (thỏa hiệp hình thức) là sự tiếp nhận ý kiến nhóm một cách hình thức; Thỏa hiệp bên trong (thỏa hiệp thực tâm) là sự biến đổi thực sự thái độ của cá nhân cho phù hợp với đa số và loại thứ ba là lập trường độc lập, thực chất là dạng phụ thuộc ngược với ý kiến đa số.
Có một loạt các yếu tố ảnh hưởng tới sự thỏa hiệp. Các yếu tố đó thuộc hai nhóm cơ bản: các yếu tố cá nhân và các yếu tố tâm lý xã hội. Các yếu tố cá nhân như đặc trưng tâm lý của cá nhân phải chịu áp lực thỏa hiệp, giới tính, lứa tuổi, trí tuệ, trình độ nhận thức. Các cá nhân có tính độc lập có xu hướng ít thỏa hiệp hơn và ngược lại. Nữ giới có khả năng thỏa hiệp cao hơn nam giới. Các yếu tố tâm lý xã hội như: quy mô nhóm, trình độ phát triển của nhóm, tính chất của các mối quan hệ trong nhóm, vị trí của cá nhân, mức độ phụ thuộc lẫn nhau trong nhóm, hoàn cảnh đặc thù như nội dung cần thỏa hiệp, các nhiệm vụ chung. Thỏa hiệp cũng được coi là một cơ chế mang màu sắc văn hóa, bởi lẽ trong một số nền văn hóa, cơ chế thỏa hiệp chi phối một cách phổ biến các quan hệ xã hội, trong nền văn hóa khác cơ chế này lại ít phát huy tác dụng.
Nguồn: Trần Quốc Thành, Tâm lý học xã hội