I. Nguyên nhân tan rã của thuyết hành vi.
Thứ nhất, tâm lý học hành vi đã đồng hóa hành vi người và hành vi động vật. Phương pháp tiếp cận chỉ là quan sát được từ bên ngoài làm dữ liệu duy nhất. Bên cạnh đó lại vứt bỏ ý thức ra ngoài phạm vi tâm lý và tác biệt một cách máy móc ý thức ra khỏi hành vi.
Thứ hai, thuyết hành vi đã coi con người như một cơ thể phản ứng, “một cái máy liên hợp vật lý”, họ xóa mọi ranh giới có tính nguyên tắc giữa hành vi con vật và con người. Đây là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tan rã của thuyết hành vi.
Với ý đồ phát triển khoa học hành vi trên nền tảng khách quan và tiến bộ đã sụp đổ với việc quan niệm con người chỉ có phản ứng thụ động, và vì vậy phụ thuộc vào các kích thích tác động.
Phương pháp luận của thuyết hành vi không lưu ý nhà nghiên cứu tới mặt đạo đức, luân lý của con người mà chỉ xem xét con người có thích hợp với việc này việc kia hay không, biến con người không còn là người chủ nữa mà thành người thực hiện.
Chủ nghĩa hành vi chỉ để ý đến hành vi chứ không để ý tìm hiểu nguyên nhân, nguồn gốc của các hình thái hành vi ấy. Thuyết này loại trừ hoàn toàn hành vi cấp cao như ý thức, và sự phát triển ý thức.
Trong quá trình xây dựng tâm lý học hành vi, hầu hết các nhà hành vi đều đánh mất phạm trù hành vi, mà chuyển nó thành phạm trù phản ứng. Trong thuyết hành vi không có phạm trù hoạt động mà chỉ có phạm trù phản ứng mà thôi.
Tâm lý học hành vi vẫn không giải quyết được hai vấn đề cơ bản mà trong suốt giai đoạn đó tâm lý học bế tắc:
– Không tìm ra những khác biệt chất lượng giữa động vật và con người.
– Và chính vì thế mà không có cách nghiên cứu ý thức.
Nói chung, tâm lý học hành vi đã không khắc phục được chủ nghĩa nhị nguyên, chủ nghĩa duy linh, chủ nghĩa cơ giới và chủ nghĩa siêu hình đặc trưng trong tâm lý học nội quan như Watson đã từng mong muốn.
II. Những đóng góp của tâm lý học hành vi.
Trong giai đoạn đầu hình thành, tâm lý học hành vi đã mở ra một thời kỳ mới, cứu thoát tâm lý học những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX ra khỏi khủng hoảng.
Đưa ra cho tâm lý học đương đại một con đường mới để nghiên cứu tâm lý học như một khoa học về tâm lý. Và đưa tâm lý học đi theo con đường duy vật biện chứng, góp phần rất lớn trong việc xây dựng tâm lý học khách quan.
Lần đầu tiên trong lịch sử tâm lý, tâm lý học hành vi đưa hành vi con người, đời sống xã hội của con người trở thành đối tượng của tâm lý học. Kiên quyết chông lại những trường phái tâm lý học duy tâm trước đó. Xây dựng một lý thuyết tâm lý học khách quan hoàn toàn mới.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa hành vi đã đưa ra nhiều lập luận có giá trị cho việc giáo dục, đào tạo con người. Đưa ra những luận điểm có ý nghĩa trong việc xây dựng tâm lý học xã hội, nghiên cứu hành vi của con người.
Đặc biệt, học thuyết hành vi đã được nghiên cứu và áp dụng rất thành công trong tâm lý học hiện đại khi được chỉnh sửa và kết hợp với những trường phái khác. Đóng góp rất lớn trong tư vấn tâm lý: tiếp cận thân chủ, trị liệu hành vi, trị liệu tâm lý, quản lý nhân sự, điều hành con người, phương pháp giáo dục…Trị liệu hành vi được ứng dụng khá rộng rãi trong trị liệu, tham vấn, đặc biệt với với những người mong muốn thay đổi hành vi không phù hợp. Những trường hợp thường được sử dụng trị liệu hành vi có hiệu quả cao như: rối loạn ám sợ; stress, trẻ em với những rối nhiễu tâm lý, cảm giác tuyệt vọng; rối nhiễu tình dục… Người ta hay sử dụng nó trong những vấn đề liên quan đến lão khoa, nhi khoa, hoá giải stress, điều chỉnh hành vi. Trong một số lĩnh vực khác như kinh doanh quản lý hay giáo dục cũng có thể sử dụng liệu pháp này. Thời gian can thiệp bằng liệu pháp này không dài nhưng có thể đem lại những kết quả mong muốn do vậy nó được ứng dụng rộng rãi.
Nguồn: Sưu tầm