Trang chủ Nông nghiệp Nông nghiệp là gì? Đặc điểm & Lịch sử phát triển nông nghiệp

Nông nghiệp là gì? Đặc điểm & Lịch sử phát triển nông nghiệp

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 624 views

Nông nghiệp là gì?

Nông nghiệp là tập hợp các mặt hoạt động của con người trong một môi trường khí hậu đất đai và sinh học cụ thể; trong những điều kiện kinh tế xã hội cụ thể nhằm tạo ra sản phẩm thực vật và động vật cho đời sống, đặc biệt là lương thực thực phẩm.

Ngày nay, theo định nghĩa rộng hơn: “nông nghiệp bao gồm cả nội dung sản xuất, tiếp thị và phân phối các sản phẩm nông nghiệp”.

Nông nghiệp còn được xem là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội sử dụng đất đai với cây trồng làm nguyên liệu chính để sản xuất ra lương thực, một số tư liệu cho công nghiệp (cao su, tơ tằm, thuốc lá thẻ, cà phê, trà, giấy, dược liệu). Ngoài ra, nông nghiệp còn thoả mãn các nhu cầu về vui chơi giải trí, tạo cảnh quan (hoa viên, cây kiểng, sân banh, sân golf).

Nông nghiệp bao gồm nhiều chuyên ngành như trồng trọt chăn nuôi, chế biến nông sản…

Nông nghiệp là gì?

Nông nghiệp là gì?

Đặc điểm cơ bản của sản xuất nông nghiệp

– Quá trình sản xuất kinh tế với quá trình sinh học: có nghĩa là muốn hoàn thành quá trình sản xuất phải tùy thuộc vào chu trình sinh trưởng của sinh vật.

– Ruộng đất là tư liệu sản xuất chủ yếu, môi trường sống có thể tăng hoặc giảm tiềm năng sản xuất tùy theo cách sử dụng tức chế độ canh tác áp dụng trên ruộng đất.

– Nguyên liệu ban đầu là cây trồng, vật nuôi, những sinh vật có chu kỳ sinh trưởng và phát triển phụ thuộc vào đất đai, khí hậu và phương thức trồng trọt chăn nuôi.

– Địa bàn phân bố rải trên ruộng, địa lý, lãnh thổ, quốc gia.

Lịch sử phát triển nông nghiệp

Sự phát triển của nền nông nghiệp thế giới đã gắn liền với sự phát triển của nền văn minh loài người và đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Các nhà khoa học trên thế giới đã đưa ra nhiều lý thuyết giải thích và phân chia sự phát triển nông nghiệp dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau.

Tiến trình này có thể được tóm tắt theo sơ đồ gồm các thời kỳ như sau:

Sơ đồ tiến trình phát triển các nền nông nghiệp thế giới.

Sơ đồ tiến trình phát triển các nền nông nghiệp thế giới.

1. Thời kỳ săn bắt và hái lượm

Chỉ bắt đầu vào thời đại đồ đá giữa, cách nay khoảng 14 -15 nghìn năm, khi con người bắt đầu các hoạt động trồng cây và thuần hóa động vật thành gia súc, hoạt động nông nghiệp và sự chuyển hóa thành đời sống nông nghiệp định canh mới bắt đầu diễn ra. Chủ yếu hái lượm các sản phẩm tự nhiên để sinh tồn. Lịch sử phát triển xã hội loài người đã chứng minh rằng từ kho xuất hiện đến thời đại đồ đá cũ, trong nhiều nghìn năm, con người sống chủ yếu bằng săn bắt động vật hoang dại trong tự nhiên và hái lượm các sản phẩm tự nhiên trong rừng, đồng cỏ, sông ngòi, ao hồ, biển làm thức ăn để tồn tại. Về sau, con người biết sử dụng cung tên để săn thú, bắt và phơi khô cá để tồn trữ. Rồi từ việc tồn trữ hạt, củ, quả để dùng dần dẫn đến nhận thức được mối liên hệ giữa hạt giống và cây.

2. Thời kỳ nông nghiệp sơ khai (từ khoảng 8.000 năm TCN đến 4.000 năm TCN)

Việc chuyển từ hái lượm, săn bắt sang trồng trọt và chăn nuôi là một quá trình lâu dài, nhưng được thực hiện lần đầu tiên ở đâu thì vẫn còn là vấn đề tranh luận. Những chứng tích khảo cổ học cho thấy khoảng thiên niên kỷ thứ 6 TCN hoặc sớm hơn nữa đã xuất hiện bốn trung tâm hoạt động nông nghiệp lớn đó là:

  • Vùng Đông Nam Á cách đây 000 – 16.000 năm với việc cây họ ráy và cây lúa nước được thuần hóa và nuôi lợn và gà.
  • Tây Á và Trung cận Đông cách đây từ 000 – 11.000 năm, cây lúa mì được thuần hóa đồng thời thuần hóa được cừu và dê.
  • Trung Mỹ cách đây 000 – 8.000 năm, cây bắp được thuần hóa đầu tiên cùng với bí đỏ, đậu, khoai mì, đậu phộng, khoai tây
  • Bắc Trung Quốc cách đây 000 năm, cây kê và cây cao lương được thuần hóa.

Con người với việc thuần hóa cây trồng và vật nuôi, bắt đầu tập trung thành làng mạc và bắt đầu canh tác nông nghiệp và chăn nuôi gia súc được thuần hóa, một số vẫn tiếp tục áp dụng hình thức chăn nuôi du mục.

Trong giai đoạn này, phương thức trồng trọt chủ yếu là chọc lỗ bỏ hạt. Con người dùng một thanh cây vạt nhọn một đầu để chọc đất chỗ gieo hạt (rễ cỏ còn nguyên). Cây trồng ở giai đoạn này còn mang tính hoang dại quan hệ giữa cây trồng giống như ở đồng cỏ tự nhiên. Hình thức canh tác này vẫn tồn tại đến ngày nay qua hình thức phát ruộng làm rẫy của một số người dân tộc miền núi.

3. Thời kỳ nông nghiệp cổ đại (…)

Dần dần với sự cải tiến công cụ, con người phát minh cuốc bằng đá, đồng rồi bằng sắt đất gieo trồng được chọn lọc kỹ lưỡng hơn, được cuốc xới tốt hơn, chuẩn bị tốt hơn. Các cây trồng bắt đầu xuất hiện với việc tuyển chọn giống thô sơ.

Sự ra đời của cây cày gỗ, rồi cày sắt cùng với việc sử dụng gia súc kéo (ngựa, trâu, bò …), cũng như sự phát triển các loại công cụ lao động khác (như liềm cắt lúa, gàu tát nước…) đã giúp giải phóng sức lao động con người đồng thời giúp tăng năng suất lao động, giúp đất được chuẩn bị tốt hơn.

Các kinh nghiệm sản xuất được tích lũy đời này qua đời khác trong quá trình lao động và qua trao đổi, học tập lẫn nhau (như về cách xem thời tiết, thuỷ triều, cách chọn giống, chọn đất, cách bảo vệ chăm sóc cây trồng, vật nuôi, cách dẫn thuỷ nhập điền một cách chủ động, trao đổi các giống động thực vật…) góp phần làm tăng năng suất, sản lượng nông nghiệp.

Thời kỳ này dần dần hình thành các trung tâm nông nghiệp lớn trên thế giới là nơi phát xuất các giống cây trồng vật nuôi sau này như: vùng Tây Á, Đông Nam Á, Châu Đại Dương, vùng Bắc và Nam Mỹ; nhưng nói chung, sản xuất tự cung tự cấp vẫn là chủ yếu.

Thời kỳ này con người tác động vào thiên nhiên chủ yếu và phổ biến qua lao động sống, lao động cơ bắp giản đơn và sử dụng kinh nghiệm là chủ yếu. Vật tư kỹ thuật và công cụ lao động rất giản đơn, do vậy sản phẩm làm ra còn ít, chủ yếu là tự cung tự cấp. Cho nên con người phải sản xuất theo kiểu canh tác cộng đồng, sở hữu tư liệu sản xuất là công hữu .

4. Thời kỳ nông nghiệp cổ truyền

Cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất (thông qua cải tiến công cụ lao động, tích lũy và phát triển kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm sản xuất…). Chế độ tư hữu tư liệu sản xuất đã phát triển cùng với sự phát triển nông nghiệp. Sản phẩm nông nghiệp không những đủ cung cấp cho người sản xuất mà còn có dư thừa để có thể trở thành hàng hóa trao đổi (do người chủ nô lệ và địa chủ tiến hành trong thời kỳ của họ).

Việc chọn giống động và thực vật cũng như thử nghiệm các biện pháp, kỹ thuật của họ được tiến hành theo nguyên tắc thử và sửa sai (trial and error). Tiếp sau đó có sự giao lưu trao đổi các giống cây con và kỹ thuật. Từ đó bắt đầu phát triển mạnh việc sản xuất hàng hóa. Từ thế kỷ XVII các phát minh, kiến thức về di truyền, giải phẫu học, lai tạo giống… làm cho sản xuất nông nghiệp mang tính khoa học hơn.

Ở thế kỷ XVIII, con người đã phát minh ra máy hơi nước và tập trung vào cải tiến công cụ lao động, vật tư kỹ thuật nhờ vào công nghiệp cơ khí phát triển, sử dụng hóa chất và đầu tư năng lượng cao. Việc đổi mới công cụ lao động và tăng cường đầu tư vào nông nghiệp đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp và như thế nông nghiệp chuyển sang giai đoạn mới. Vào thời gian này áp lực dân số tăng nhanh chóng ở Châu Âu từ thế kỷ XVI I-XVIII dẫn đến sự di cư đến các vùng đất ” mới” và tốc độ tăng nhanh dân số ở các vùng Bắc và Nam Mỹ, Châu Úc, …

Từ giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cùng với nhu cầu đáp ứng nguyên liệu cho các ngành công nghiệp cũng thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh ở các khu vực này.

Giai đoạn này, đồng thời cũng là giai đoạn bắt đầu phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản. Việc khai phá các vùng đất mới, mà đi kèm với nó là chế độ thuộc địa đã làm cho bộ mặt nông nghiệp thế giới thay đổi nhanh chóng.

Các nước tư bản ra sức xây dựng, phát triển các nước thuộc địa như là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm và nguyên liệu thô cho “mẫu quốc” qua việc xây dựng các đồn điền lớn, bóc lột nhân công bản xứ cho việc tập trung sản xuất các mặt hàng mà “mẫu quốc “ có yêu cầu (như trà đối với Ấn Độ và Sri Lanca; cao su đối với Mã Lai, Việt Nam; cà phê đối với Braxin, Columbia, Châu Phi; chuối dứa đối với các nước Trung Mỹ; mía đối với Cuba, Philippines.

Điều này dẫn đến việc biến nền nông nghiệp trên thế giới thành dạng sản xuất hàng hóa thương mại. Trong đó mỗi vùng mỗi nước có thể tập trung sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp nào đó và bị kiểm soát bởi các tập đoàn đa quốc gia. Từ khi phát triển các thuộc địa, việc phân công sản xuất các sản phẩm nông nghiệp dần mang tính quốc tế.

5. Thời kỳ nông nghiệp hiện đại

(Còn gọi là thời kỳ nông nghiệp cơ giới hóa, hóa học hóa).

Bắt đầu từ đầu thế kỷ XX, các tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp đã mang lại các giống cây trồng mới, kỹ thuật tăng cường dinh dưỡng và tưới nước cho cây trồng, cơ giới hóa …

Cày máy ra đời, giúp việc tăng năng suất làm đất và cũng từ đây bắt đầu xuất hiện các tiền đề cho cuộc cách mạng nông nghiệp. Cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu ở Anh và ở các nước ở châu Âu đã dần sớm công nghiệp hóa nền nông nghiệp ở các nước Âu, Mỹ. Cơ giới hóa, thuỷ lợi hóa, hóa học hóa điển hình là việc sử dụng phân hóa học (nhất là phân đạm) và các hóa chất bảo vệ thực vật từ đầu thế kỷ XX (bắt đầu việc sử dụng DDT trong nông nghiệp).

Chọn giống hiện đại xuất phát từ việc tìm ra định luật di truyền của Mendel, điện khí hóa và sinh hóa học nông nghiệp. Nhờ các tiến bộ này mà sức mạnh của con người được nhân lên nhiều lần; năng suất lao động tăng lên rất nhanh. Vào cuối thập niên 40, các nghiên cứu đã dẫn tới sự phát triển rộng rãi các hóa chất nông nghiệp như thuốc diệt cỏ, thuốc diệt nấm và diệt côn trùng.

Vào giữa thập niên 60 đến giữa thập niên 70, cuộc cách mạng xanh (Green revolution) được khởi xướng với mục tiêu là giải quyết vấn đề lương thực, đặc biệt là các nước đang phát triển, vì lý do dân số tăng nhanh sau thế chiến thứ II. Nó đã khởi đầu với việc phổ biến rộng rãi các giống năng suất cao (High yield varieties – HYV’S) thường là các giống mới hạt cốc, như lúa (IR8), bắp lai đơn, kép… các giống mới phát triển có xu hướng ngắn ngày (thí dụ như: lúa 100 – 110 ngày thay vì 150 – 160 ngày như các giống lúa mùa địa phương) thấp cây, lá thẳng đứng, hẹp, dày, có tỉ lệ bộ phận kinh tế thu hoạch cao. Do đó, cho phép tăng vụ, tăng mật độ cây (trồng dày) mà cây ít bị đổ ngã, đi kèm các yêu cầu tăng cường lượng phân bón hóa học tưới nước đầy đủ, đầu tư thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh để có năng suất cao.

Sau đó là thời kỳ nghiên cứu và triển khai rộng rãi việc sử dụng các giống mới năng suất cao cả động vật và thực vật (bắp lai, lúa IR, gà công nghiệp, bò lai) cùng với đầu tư các biện pháp thuỷ lợi, tăng cường sử dụng phân bón hóa học, hóa chất trong nông nghiệp, thuốc kích thích thích sinh trưởng và tăng trọng.

Các biện pháp kỹ thuật trọn gói (package technology) này đã cho phép tạo ra một bước nhảy vọt về năng suất cây trồng. Năng suất, sản lượng lương thực thực phẩm và diện tích canh tác đều không ngừng tăng lên, thoả mãn nhu cầu không ngừng tăng của dân số thế giới. Tuy nhiên, càng ngày con người cũng nhận thức được một số nguy cơ mang lại do các biện pháp kỹ thuật mới này.

6. Thời kỳ nông nghiệp sinh thái bền vững (từ cuối thế kỷ XX)

Từ thập niên 1980, các vấn đề mới trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp bắt đầu xuất hiện ở các nước công nghiệp và đang phát triển

Do con người đã lạm dụng quá mức các nguồn năng lượng tự nhiên để làm vật tư sản xuất, mà chủ yếu là các nguồn năng lượng hóa thạch (dầu mỏ, khí đốt, than đá …) nên đã tác động vào tự nhiên một cách dữ dội và làm cho tự nhiên chịu nhiều tổn thất như gây ra hiệu ứng nhà kính, phá huỷ tầng ozone. Mặt khác, con người trong quá trình phát triển thiếu ý thức đã làm tổn hại và ô nhiễm môi trường sinh sống (tồn lưu độc phát phân bón, thuốc trừ sâu hóa chất trong đất và nguồn nước …) gây mất cân bằng sinh thái, phá vỡ sự đa dạng sinh học của tự nhiên, gây bộc phát các dịch hại trên cây trồng và vật nuôi.

Độc canh một loại cây trồng nào đó cũng dẫn đến hậu quả tất yếu là năng suất cây trồng giậm chân tại chỗ nhưng yêu cầu đầu tư các mặt tăng lên dẫn đến năng suất thực tế giảm sút. Con người nhiều nơi không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà còn thiếu cả môi trường trong lành. Những phản ảnh của tự nhiên buộc con người phải cân nhắc, thận trọng hơn trong các hoạt động cho sự ”phát triển” của mình đối với thiên nhiên.

  • Làm mất sự đa dạng sinh học của giới tự nhiên do việc xây dựng các vùng chuyên canh, độc canh lớn nhằm sản xuất hàng hóa hoặc do việc tập trung chọn lọc vào các giống có năng suất cao – HYV, mà bỏ rơi làm mất đi nguồn gen qúy từ các giống có đặc tính quý như: chịu phèn, mặn, nước nổi… nhưng năng suất của những giống này chỉ ở mức trung bình thấp.
  • Việc đốt phá rừng ồ ạt để canh tác cây lương thực và cây công nghiệp, dẫn đến xói mòn đất, thóai hóa và bạc màu đất, hậu quả là sự suy giảm tài nguyên đất, nước và sự sa mạc hóa.
  • Gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước do sử dụng quá mức và không kiểm soát các loại hóa chất trong nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu, dịch hại…)

– Sự ô nhiễm nông sản ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và gây ra chết người do ngộ độc thực phẩm, rau, quả, thịt có các chất kích thích, kháng sinh quá liều, tồn dư kim loại nặng trong sản phẩm. Lạm dụng nông dược trong việc bảo vệ mùa màng, dẫn đến tiêu diệt các thiên địch (chim, côn trùng có ích, động vật hoang dã …) làm cho dịch hại bộc phát (chuột, rầy nâu …).

Một số tác hại nổi bật của nền nông nghiệp hiện đại

Một số rủi ro của các biện pháp kỹ thuật trọn gói sử dụng trong canh tác cây trồng và các thách thức

Một số rủi ro của các biện pháp kỹ thuật trọn gói sử dụng trong canh tác cây trồng và các thách thức

Do những tác hại nghiêm trọng của nền nông nghiệp hiện đại. Cho nên từ những năm cuối thế kỷ XX người ta đã bắt đầu đề ra và xây dựng những cơ sở cho việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững phù hợp với các qui luật khách quan của tự nhiên. Làm nông nghiệp chủ yếu và phổ biến dựa vào trí tuệ để điều khiển sự hoạt động hài hoà của các hệ thống sản xuất nông nghiệp nhằm xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, khoa học kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Việc sử dụng các nguồn nguyên liệu tự nhiên (đất, nước,không khí, ánh sáng, sinh vật) con người phải thực hiện một cách khôn khéo có tính toán, để không (hoặc rất ít) gây ra tàn phá ô nhiễm môi trường sống.

Việc phát triển nền nông nghiệp phải trên cơ sở đảm bảo nhu cầu hiện tại và cả cho các thế hệ tương lai. Các nguồn tài nguyên phải được sử dụng một cách tối ưu đồng thời đem lại hiệu quả cao nhất cả về mặt sức sản xuất, hiệu quả kinh tế, sự quản lý phân chia lợi nhuận cũng như bảo tồn tài nguyên lâu dài.

Xu hướng giải quyết:

Có hai quan điểm của các nhà khoa học gần như trái ngược nhau:

Một là, theo hướng hiện đại hoá ứng dụng triệt để công nghệ sinh học bằng các thành tựu đã đạt được trong thời gian qua như siêu lúa (super rice), lúa lai, đậu nành mang gen kháng thuốc diệt cỏ Glyphosate, bông vải mang gen sản xuất BT (Bacillus Thirugensis), sinh sản vô tính động vật (Cừu Dolly), bò.

Hai là, theo hướng ứng dụng nền nông nghiệp sinh thái, triệt để bảo vệ môi trường tự nhiên như các trường phái; Canh tác tự nhiên (Natural farming) của Fukuoka -Nhật, Nông nghiệp hữu cơ (Organic Farming) của Mỹ – Đức, Canh tác thường xuyên (Permaculture) của Úc. Nông nghiệp ít nhập lượng bên ngoài (low External Input) của Hà Lan, Philippines…

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình trồng trọt đại cương)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net