Hồ Chí Minh khẳng định “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”1. Người coi trọng và đánh giá cao vai trò của tuổi trẻ “Tuổi trẻ là mùa xuân của nhân loại”; thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên. Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, các thế hệ đi trước phải hiểu sâu sắc về vai trò quan trọng của giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Trong Di chúc, Người dặn, “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Hồ Chí Minh yêu cầu phải chú trọng giáo dục và học tập đủ các mặt đạo đức cách mạng, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất. Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất là quan trọng. Giáo dục thế hệ trẻ trên tất cả các mặt “đức, trí, thể, mỹ” gồm giáo dục lý tưởng cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, học để làm cho dân giàu, nước mạnh. Giáo dục ý chí, đạo đức cách mạng, trình độ chính trị, học vấn, khoa học, kỹ thuật và quân sự; nếp sống văn hóa, thể chất cho tuổi trẻ.
Theo Hồ Chí Minh, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ phải phù hợp với đối tượng, giáo dục là một khoa học.
Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn, phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu.
Giáo dục nhi đồng là một khoa học, cách dạy trẻ phải giữ toàn vẹn cái tính vui vẻ, hoạt bát, tự nhiên, tự động, trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hóa ra những người già sớm.
Với thanh niên thì phải chuyên tâm học hành và công tác, nhưng cũng cần có vui chơi. Vui chơi lành mạnh là một bộ phận trong sinh hoạt của thanh niên. Trong vui chơi cũng cần có giáo dục.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục phải theo hoàn cảnh, điều kiện; phải ra sức làm việc nhưng không được vội vàng; phải có kế hoạch từng bước. Giáo dục phải gắn liền với xã hội, học đi đôi với hành. Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và Chính phủ, gắn liền với sản xuất và đời sống của nhân dân. Giáo dục phải phối hợp nhà trường – xã hội – gia đình. Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội, trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Trường học, gia đình và đoàn thể thanh niên cần phải phải liên hệ chặt chẽ trong việc giáo dục tư tưởng, thái độ, hoạt động và sinh hoạt hàng ngày của thanh niên.
Theo Hồ Chí Minh, cần thực hiện dân chủ, bình đẳng trong giáo dục. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò. Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, giữa thầy và trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng
Giáo dục phải gắn liền với thi đua. Hồ Chí Minh khuyên các nhà trường cũng nên phát động một phong trào thi đua “Hai tốt”, tức là dạy thật tốt, học thật tốt. Giáo dục thế hệ trẻ phải thực hiện phương pháp nêu gương. Trong nhà trường, thầy nêu gương cho trò. Tri thức dạy phải dễ hiểu, dễ nhớ, học mau. Thầy cô giáo phải làm kiểu mẫu cho các em. Thầy cô giáo phải thật sự yêu nghề; phải có đạo đức cách mạng; có chí khí cao thượng, yên tâm công tác, thật thà đoàn kết; luôn luôn ra sức thi đua công tác và học tập, thật thà phê bình và tự phê bình để cùng nhau tiến bộ.