Trang chủ Tư tưởng Hồ Chí Minh Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 858 views

Nguồn gốc tư tưởng Hồ Chí Minh, Vai trò của tư tưởng, văn hóa dân tộc; tư tưởng, văn hóa nhân loại; chủ nghĩa Mác – Lênin; các phẩm chất cá nhân của Hồ Chí Minh đối với sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Cơ sở thực tiễn

Bối cảnh lịch sử xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Thực dân Pháp xâm lược nước ta, triều đình phong kiến đầu hàng. Việt Nam từ một nước phong kiến độc lập trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến, trong xã hội Việt Nam xuất hiện nhiều mâu thuẫn, đặc biệt mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa giai cấp nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến cam tâm làm tay sai cho Pháp.

Các phong trào đấu tranh chống thực dân pháp theo hệ tư tưởng phong kiến và tư sản đã liên tục nổ ra trong cả nước nhưng tất cả đều thất bại. Ý thức hệ tư tưởng phong kiến và tư sản thể hiện rõ sự lỗi thời, bất lực trước nhiệm vụ lịch sử.

Yêu cầu lịch sử cần phải có tư tưởng chỉ đạo đúng đắn, phải có một con đường mới cho phong trào cứu nước giải phóng dân tộc đã trở thành vấn đề cấp thiết.

Nguyễn Tất Thành sinh ra lớn lên trong hoàn cảnh lịch sử dân tộc khó khăn, bế tắc nhất, điều đó đã thôi thúc Người ra đi tìm con đường mới cứu nước, cứu dân.

Bối cảnh thế giới cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản trên thế giới đã phát triển từ giai đoạn tự do cạnh tranh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa. Các nước dế quốc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược thuộc địa, biến các nước châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latinh đã trở thành thuộc địa và phụ thuộc của các nước đế quốc.

Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc ngày càng phát triển gay gắt đã thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới phát triển.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người – thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Năm 1919, Quốc tế Cộng sản ra đời trở thành Bộ tham mưu, lãnh đạo phong trào cách mạng thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Lênin, Quốc tế Cộng sản đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười Nga ra khắp thế giới, thúc đẩy sự ra đời và hoạt động ngày càng mạnh mẽ của các đảng cộng sản ở nhiều nước.

Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, sự ra đời của nhà nước Xôviết, Quốc tế Cộng sản và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô cùng với sự phát triển mạnh mẽ phong trào cộng sản, công nhân và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới ảnh hưởng sâu sắc tới Hồ Chí Minh trên hành trình đi ra thế giới tìm mục tiêu và con đường cứu nước.

2. Cơ sở lý luận

a. Giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam

Dân tộc Việt Nam có lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã hình thành những truyền thống tốt đẹp: đó trước hết là tinh thần yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết, nhân ái, khoan dung trong cộng đồng và hòa hiếu với các dân tộc lân bang; tinh thần cần cù, dũng cảm, sáng tạo, lạc quan, vì nghĩa, thương người của dân tộc Việt Nam. Đó chính là cơ sở đầu tiên, nguồn gốc sâu sa hình thành nên tư tưởng, phẩm chất của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam lên tần cao mới. Tư tưởng của người là sự kết tinh, hội tụ và tỏa sáng tinh hoa văn hóa Việt Nam. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng dân tộc vĩ đại và cũng chính người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta.

b. Tinh hoa văn hóa nhân loại

– Văn hóa phương Đông

Tinh hoa văn hóa, tư tưởng phương Đông kết tinh trong ba học thuyết lớn Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Đó là những học thuyết có ảnh hưởng sâu rộng ở phương Đông, và ở Việt Nam trước đây.

Về Nho giáo, Hồ Chí Minh chú ý kế thừa và đổi mới tư tưởng dùng nhân trị, đức trị để quản lý xã hội. Kế thừa và phát triển quan niệm của Nho giáo về việc xây dựng một xã hội lý tưởng trong đó công bằng, bác ái, nhân, nghĩa, trí, dũng, tín, liêm được coi trọng để có thể đi đến một thế giới đại đồng với hòa bình, không có chiến tranh, các dân tộc có quan hệ hữu nghị và hợp tác. Đặc biệt, Hồ Chí Minh chú ý kế thừa, đổi mới, phát triển tinh thần trọng đạo đức của Nho giáo trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của con người; trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức.

Về Phật giáo, Hồ Chí Minh chú ý kế thừa, phát triển tư tưởng từ bi, vị tha, yêu thương con người, khuyến khích làm việc thiện, chống lại điều ác; đề cao quyền bình đẳng của con người và chân lý; khuyên con người sống hòa đồng, gắn bó với đất nước của Đạo Phật.

Về Lão giáo, Hồ Chí Minh chú ý kế thừa, phát triển tư tưởng của Lão Tử, khuyên con người nên sống gắn bó với thiên nhiên, hòa đồng với thiên nhiên, hơn nữa phải biết bảo vệ môi trường sống; tư tưởng thoát mọi ràng buộc của vòng danh lợi trong Lão giáo.

Các học thuyết phương Đông khác, Hồ Chí Minh còn chú ý kế thừa, phát triển nhiều ý tưởng của các trường phái khác nhau trong các nhà tư tưởng phương Đông cổ đại khác như Mặc Tử, Hàn Phi Tử, Quản Tử, v,v… Người cũng chú ý tìm hiểu những trào lưu tư tưởng tiến bộ thời cận hiện đại ở Ấn Độ, Trung Quốc như chủ nghĩa Găngđi, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Người đã phát triển sáng tạo các quan điểm về dân tộc, dân quyền, dân sinh của Tôn Trung Sơn trong cách mạng dân chủ tư sản thành tư tưởng đấu tranh cho Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của con người và dân tộc Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản.

Như vậy, là nhà mácxít sáng tạo, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những tinh hoa trong tư tưởng, văn hóa phương Đông để giải quyết những vấn đề thực tiễn của cách mạng Việt Nam thời hiện đại.

– Văn hóa phương Tây

Ngay từ khi còn học ở Trường tiểu học Pháp-bản xứ ở thành phố Vinh (1905), Hồ Chí Minh đã quan tâm tới khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp năm 1789: Tự do – Bình đẳng – Bác ái.

Đi sang phương Tây, Người tiếp cận những tác phẩm của các nhà tư tưởng thế kỷ ánh sáng; quan tâm tìm hiểu những khẩu hiệu nổi tiếng đó trong các cuộc cách mạng tư sản ở Anh, Pháp, Mỹ. Người đã kế thừa, phát triển những quan điểm nhân quyền, dân quyền trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp và đề xuất quan điểm về quyền mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc của các dân tộc trong thời đại ngày nay.

Như vậy, Hồ Chí Minh đã tiếp thu chọn lọc các tư tưởng, văn hóa tiến bộ của phương Đông và phương Tây, dân tộc và thời đại; truyền thống và hiện đại, không ngừng làm giàu trí tuệ của mình bằng tri thức, văn hóa phong phú của nhân loại.

c. Chủ nghĩa Mác-Lênin

Chủ nghĩa Mác – Lênin là cơ sở thế giới quan, phương pháp luận, là nguồn gốc lý luận quyết định bước phát triển mới về chất trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Người khẳng định rằng: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Lênin”Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, đã giải quyết yêu cầu về đường lối cứu nước

Trên cơ sở lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh đã triệt để kế thừa, đổi mới, phát triển những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hóa nhân loại kết hợp với thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới hình thành lên một hệ thống các quan điểm cơ bản, toàn diện về cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lênin tiền đề lý luận quan trọng nhất, có vai trò quyết định trong việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Nhân tố chủ quan Hồ Chí Minh

– Về năng lực, trí tuệ, tư duy, Người có năng lực đặc biệt là tư chất thông minh hơn người khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo với óc phê phán tinh tường sáng suốt.

Về phẩm chất đạo đức, ý chí, nghị lực, Người có tâm hồn của một nhà yêu nước lớn, một chiến sỹ cộng sản nhiệt thành cách mạng, sẵn sàng chịu đựng hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, tự do cho đồng bào; có tác phong bình dị, chân thành, khiêm tốn, hoà mình với quần chúng và có sức cảm hóa lớn đối với mọi người.

– Hoạt động tổng kết thực tiễn phát triển lý luận

Hồ Chí Minh là người có vốn sống và thực tiễn cách mạng phong phú, phi thường. Những phẩm chất và năng lực đó được rèn luyện và phát huy trong suốt cuộc đời cách mạng của Người. Nhờ đó, giữa bao thực tiễn sinh động, Người có thể phân tích một cách đúng đắn, xử lý và chuyển hóa thành tư tưởng của mình, giải đáp yêu cầu thực tiễn của dân tộc và thời đại.

Xem thêm: Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net