Trang chủ Tâm lý học Lý thuyết về các bước hình thành hành động trí óc và khái niệm của P.Ia.Galperin

Lý thuyết về các bước hình thành hành động trí óc và khái niệm của P.Ia.Galperin

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 763 views

Một số điểm trong lý thuyết của Ia.Galperin về các bước hình thành hành động trí óc và khái niệm.

Các mức của hành động.

Theo P.Ia.Galperin, có ba hình thức biểu hiện của đối tượng: Hình thức tồn tại dưới dạng vật thật; hình thức kí hiệu; hình thức trí tuệ bên trong. Tương ứng với các hình thức biểu hiện trên là ba mức của hành động: hành động với các đồ vật vật chất hay các dạng vật chất hoá của chúng; hành động ký hiệu ngôn ngữ; hành động ý nghĩ bên trong. Quá trình chuyển từ hành động bên ngoài vào bên trong trải qua ba mức hành động trên.

Các bước hình thành hành động trí tuệ.

+ Bước 1: Lập cơ sở định hướng của hành động.

Theo Galperin, lĩnh hội được hành động là phải biết làm lại hành động đó với vật liệu mới và từ vật liệu mới đó làm lại được sản phẩm theo dự kiến. Muốn vậy, phải phân tích vật mẫu. Ở đây, chủ thể trước hết phải tính đến các yếu tố khách quan của hành động mẫu, thành phần các thao tác của nó. Phân chia hành động thành các thao tác vừa sức. Sau đó đem sự phân chia này chuyển sang vật liệu mới. Nhờ đó, giúp chủ thể cứ thực hiện hết phần này đến phần khác của hành động trên vật liệu mới phù hợp với các thao tác của mình. Sự phân bố ấy chính là cơ sở định hướng của hành động. Lập cơ sở định hướng là nhiệm vụ chủ yếu và là nội dung chính của cả quá trình hành động, nó là thành phần quan trọng nhất trong cơ chế của hành động

+ Bước 2: Hành động với vật thật hay vật chất hóa.

Lập cơ sở định hướng hành động thực chất mới chỉ là hệ thống các chỉ dẫn cách thức hành động, chưa phải là hành động. Hành động chỉ được thực hiện khi chủ thể tiến hành nó ở dạng nguyên thủy: hành động với vật thật hay vật chất hóa, tức là hành động với các đồ vật hay các biến thể của nó như hình vẽ, sơ đồ, mô hình, hình mẫu của vật thật đó. Hành động với vật thật hay với dạng vật chất hóa là nguồn gốc của mọi hành động trí tuệ trọn vẹn. Mục đích của nó là phân tích, tách nội dung đích thực của hành động tâm lý nằm trong đối tượng vật chất hay vật chất hóa. Nội dung của bước này là chủ thể dùng tay triển khai hành động, luyện tập, khái quát và rút gọn nó.

Triển khai hành động là vạch ra tất cả thao tác của nó trong mối quan hệ qua lại với nhau. Việc triển khai này phải được thực hiện hết cỡ, tới mức không thể phân chia sự vật được nữa mới thôi. Sự triển khai triệt để hành động bằng thao tác vật chất (bằng tay) là điều kiện số một để chỉ ra logic khách quan của hành động, cũng tức là nội dung đích thực của khái niệm cần lĩnh hội.

Khái quát hành động là từ nhiều thuộc tính đa dạng của đối tượng, rút ra những thuộc tính cần cho việc thực hiện hành động. Việc khái quát được thực hiện ngay trong quá trình triển khai hành động sẽ thuận lợi hơn và hiệu quả hơn khi hành động đã ổn định.

Chỉ sau khi hành động đã được triển khai và được khái quát, chủ thể mới hiểu rõ nội dung thực sự của hành động

+ Bước 3: Hành động nói to không dùng đồ vật.

Nội dung cơ bản của hành động với lời nói to là trẻ em nói to toàn bộ hành động vật chất của mình một cách trôi chảy, theo đúng logic của hành động và logic của ngữ pháp, để người khác và bản thân nghe thấy, giám sát và điều chình. Nhờ đó trẻ em có đối tượng phản ánh mới, đó là lời nói to có quy tắc ngữ pháp, chứa đựng nội dung hành động.

Như vậy, chuyển hành động vào dạng ngôn ngữ là cách triển khai hành động với đồ vật bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một dạng (hình thức) của hành động vật chất. Logic của hành động với lời nói to hoàn toàn giống với hành động trên vật thật. Nó chỉ khác về hình thức thể hiện. Ở đây, đối tượng của hành động được tách khỏi điểm tựa vật chất và nhập vào lời nói to có quy tắc ngữ pháp.

+ Bước 4: Hành động với lời nói thầm.

Bước này được xác định từ lúc hành động nói to chuyển vào bên trong đến khi hành động nói thầm thành thạo. Bản chất của bước này là cấu tạo lại ngôn ngữ, biến các “hình ảnh âm thanh” của từ thành biểu tượng. Nó là quá trình tạo ra biểu tượng của các hình ảnh âm thanh.

Đối tượng của hành động lúc này là lời nói thầm. Vì vậy, trọng tâm của hành động nói thầm là sự cấu âm. Tuy nhiên khác với sự cấu âm trong hành động với lời nói to là hướng ra bên ngoài với đầy đủ quy tắc ngữ pháp còn trong hành động với lời nói thầm, việc cấu âm được hướng vào bên trong, không tạo ra âm thanh. Vì vậy nó không nhất thiết phải tuân theo logic ngữ pháp một cách chặt chẽ, nên cơ động hơn, khả năng rút gọn nhanh hơn.

Để thực hiện hành động nói thầm, trước hết phải triển khai hành động xuất phát, tức là hành động nói to. Sau đó, hành động này từng bước được tái diễn ở trong đầu. Về phương diện nghĩa, nó bảo tồn toàn bộ logic của hành động vật chất ban đầu, dưới hình thức âm không thành tiếng. Vì vậy, nó là điểm tựa vật chất cuối cùng của logic hành động ban đầu. Vì lẽ đó, hành động với lời nói thầm vừa có tính vật chất bên ngoài, vừa là hành động tinh thần bên trong, hành động trên biểu tượng tâm lý, được hình thành từ các hình ảnh âm thanh.

+ Bước 5: Hành động rút gọn với lời nói bên trong.

Đặc trưng của bước này là ngôn ngữ không còn hướng ra ngoài. Vì vậy nó không còn giữ nguyên các quy tắc ngữ âm và ngữ pháp, mà hoàn toàn có tính cơ động cao và được rút gọn. Trong hình thái này, nội dung vật chất của hành động được biểu thị trong nghĩa của từ, còn âm thanh được rút gọn tới mức chỉ là những mảnh nhỏ và không ổn định, giống như các ký hiệu điện tín, vừa đủ để chủ thể nhận ra toàn bộ logic của hành động vật chất ban đầu khi cần thiết.

Đến đây hành động bên ngoài đã chuyển thành hành động bên trong, cái vật chất đã chuyển thành cái tinh thần.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]