Trang chủ Tâm lý học Lý thuyết kiến tạo nhận thức của J.Piaget

Lý thuyết kiến tạo nhận thức của J.Piaget

by Ngo Thinh
738 views

Lý thuyết kiến tạo nhận thức của J.Piaget (1896-1980) là cơ sở tâm lý học của nhiều hệ thống dạy học, đặc biệt là dạy học phổ thông.

Có thể nêu vắn tắt các luận điểm chính của Thuyết kiến tạo nhận thức như sau:

Thứ nhất: Học tập là quá trình cá nhân hình thành các tri thức cho mình. Có hai loại tri thức: tri thức về thuộc tính vật lý, thu được bằng cách hành động trực tiếp với các sự vật; tri thức về tư duy, quan hệ toán, logic thu được qua sự tương tác với người khác trong các quan hệ xã hội. Học tập là quá trình cá nhân tổ chức các hành động tìm tòi, khám phá thế giới bên ngoài và cấu tạo lại chúng dưới dạng các sơ đồ (cấu trúc) nhận thức. Sơ đồ là một cấu trúc nhận thức bao gồm một lớp các thao tác giống nhau theo một trật tự nhất định. Sơ đồ nhận thức được hình thành từ các hành động bên ngoài và được nhập tâm. Vì vậy, sơ đồ có bản chất thao tác và được người học xây dựng lên bằng chính hành động của mình. Sự phát triển nhận thức là sự phát triển hệ thống các sơ đồ, bắt đầu từ các giản đồ cảm giác và vận động (cấu trúc giác – động, tương ứng với trẻ em từ 0-2 tuổi) → Cấu trúc tiền thao tác (các hình ảnh tinh thần, hình ảnh biểu trưng, kí hiệu và biểu tượng, ứng với thời kỳ từ 2-7 tuổi) → Cấu trúc thao tác cụ thể (ứng với thời kỳ 7- 11,12 tuổi) → Cấu trúc thao tác hình thức (ứng với thời kỳ 12 tuổi trở lên). Thao tác – hành động bên trong, được nảy sinh từ hành động có đối tượng bên ngoài. Tuy nhiên khác với hành động, thao tác là hành động có tính rút gọn và đối tượng của nó không phải là những sự vật có thực mà là những hình ảnh, biểu tượng, ký hiệu. Thao tác cụ thể là các thao tác nhận thức với vật liệu là các dạng vật chất cụ thể, các hành động thực tiễn. Thao tác hình thức là thao tác trên các vật liệu là các ký hiệu, khái niệm, mệnh đề… Các thao tác được cấu trúc thành hệ thống nhất định. Cấu trúc thao tác nhận thức không có sẵn trong đầu đứa trẻ, cũng không nằm trong đối tượng khách quan, mà nằm ngay trong mối tác động qua lại giữa chủ thể với đối tượng, thông qua hành động.

Thứ hai: Dưới dạng chung nhất, cấu trúc nhận thức có chức năng tạo ra sự thích ứng của cá thể với các kích thích của môi trường. Các cấu trúc nhận thức được hình thành theo cơ chế đồng hoá điều ứng. Đồng hoá là chủ thể tái lập lại một số đặc điểm của khách thể được nhận thức, đưa chúng vào trong các sơ đồ đã có. Ví dụ: Một đứa trẻ đã thấy con chó, có sơ đồ về con chó, nếu gặp con chó thực khác, nó sẽ đưa hình ảnh con chó đó vào trong sơ đồ đã có. Điều ứng là quá trình tái lập lại những đặc điểm của khách thể vào cái đã có, qua đó biến đổi cấu trúc đã có, tạo ra cấu trúc mới. Ví dụ: Khi lần đầu nhìn thấy con bò (chưa có sơ đồ về con bò), nó đưa hình ảnh con bò vào sơ đồ con chó và nói ngay đó là con chó, dẫn đến không thích ứng (sai), nó phải cải tổ lại sơ đồ con chó (nhờ sự tham gia của hình ảnh con bò) để tạo ra sơ đồ mới – sơ đồ con bò.

Trong đồng hoá, các kích thích được chế biến cho phù hợp với sự áp đặt của cấu trúc đã có, còn trong điều ứng, chủ thể buộc phải thay đổi cấu trúc cho phù hợp với kích thích mới. Đồng hoá dẫn đến tăng trưởng các cấu trúc đã có, còn điều ứng tạo ra cấu trúc mới. Đồng hoá làm tăng trưởng, điều ứng làm phát triển.

Thứ ba: Quá trình phát triển nhận thức phụ thuộc trước hết vào sự trưởng thành và chín muồi các chức năng sinh lý thần kinh của trẻ em; vào sự luyện tập và kinh nghiệm thu được thông qua hành động với đối tượng; vào tương tác của các yếu tố xã hội và vào tính chủ thể và sự phối hợp chung của hành động. Chính yếu tố chủ thể làm cho các yếu tố trên không tác động riêng rẽ, rời rạc, mà chúng được kết hợp với nhau trong một thể thống nhất trong quá trình phát triển của trẻ.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net