Trang chủ Tâm lý học Suy thoái nhân cách là gì? Các nguyên nhân suy thoái nhân cách

Suy thoái nhân cách là gì? Các nguyên nhân suy thoái nhân cách

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 471 views

1. Khái niệm suy thoái nhân cách

Nhân cách được hiểu là giá trị xã hội của cá nhân do cá nhân lĩnh hội các giá trị xã hội tạo nên. Tuy nhiên không phải mọi nhân cách đều là những nhân cách phù hợp hoàn toàn với hình mẫu nhân cách mà xã hội mong muốn.

Hiện tượng nhân cách có hành vi phi xã hội không phù hợp với các chuẩn mực xã hội trong mối quan hệ với người khác hoặc với xã hội được gọi là sự suy thoái nhân cách.

Sự biến thái nhân cách và phá vỡ cấu trúc tâm lý của nhân cách thường có lịch sử lâu dài bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Có quan điểm cho rằng sự biến thái nhân cách có nguồn gốc từ thời kì thơ ấu. Ngay trong những thời kì đầu của sự hình thành nhân cách, cá nhân đã chịu ảnh hưởng của những nhân tố không thuận lợi cho sự phát triển nhân cách sau này. Đặc biệt trong một số thời kì nhạy cảm trong quá trình phát triển nhân cách.

Trong sự hình thành nhân cách một cách thuận lợi, môi trường xã hội xung quanh được tiếp nhận một cách phù hợp. Cá nhân có thể lĩnh hội các chuẩn mực xã hội và tuân thủ chúng với tư cách là một chủ thể tích cực trong các quan hệ xã hội.

Ngược lại, với những nhân cách mà các cấu tạo tâm lý mới mang tính tiêu cực dần được hình thành và được củng cố ngày một vững chắc hơn. Chúng dần làm suy thoái nhân cách, cản trở sự điều chỉnh hành vi của cá nhân một cách lành mạnh. Các cấu tạo tâm lý này ngày một phát triển một cách độc lập, hình thành xu hướng vận động riêng của chúng. Hình thành các cấu trúc nhân cách bất bình thường và những hình thức sai lệch của các mặt khác của nhân cách. Càng ngày, sự sai lệch càng rõ rệt. Các thuộc tính bất bình thường ngày càng bắt rễ vào hệ thống nhân cách và tiếp tục phát triển ngay cả khi các điều kiện tạo ra chúng không còn tiếp tục tác động nữa.

2. Các mức độ suy thoái nhân cách

Có nhiều mức độ suy thoái nhân cách khác nhau với các biểu hiện ở các thuộc tính của nhân cách như xu hướng nhân cách, tính cách. Căn cứ vào tính chất không phù hợp với các chuẩn mực xã hội có thể có một số mức độ như sau:

– Mức độ thấp nhất là ở nhân cách hình thành một số các nét tính cách không phù hợp với các chuẩn mực đạo đức, các giá trị xã hội như: tính tham lam, tính lừa dối, tính độc ác. Các loại tính cách đó đi ngược lại mong muốn của xã hội làm giảm giá trị của nhân cách. Tuy vậy, mức độ này thường không được nhắc đến như là sự suy thoái nhân cách mà chỉ được hiểu đơn giản là các nét tính cách tiêu cực. Cũng chính vì lẽ đó, dạng suy thoái nhân cách này không được chú ý nhiều trong đời sống, thậm chí có những quan niệm cho rằng những nét tính cách như vậy là những điều vốn có ở cá nhân và có thể chấp nhận ở một mức độ nhất định. Sự hình thành và bộc lộ những nét tính cách đó không chỉ đơn giản có từ thơ ấu mà nó còn có thể xuất hiện trong quá trình sống, khi một nhân cách đã tương đối ổn định. Trong sự thay đổi có tính bước ngoặt của điều kiện sống, hoàn cảnh sống các nét tính cách này có thể xuất hiện và bộc lộ rõ ràng.

– Mức độ thứ hai của sự suy thoái nhân cách là các nhân cách có các hành vi lệch chuẩn mang tính hệ thống và thường xuyên: lừa đảo, hành vi tội phạm, tệ nạn xã hội… Các nhân cách này có các hành vi đi ngược lại các chuẩn mực xã hội. Mặc dù cá nhân vẫn nhận thức được tính phi đạo đức của các hành vi của bản thân nhưng lại coi các hành vi đó là hợp lý.

– Mức độ thứ ba: rối nhiễu nhân cách. Đây là hiện tượng kết hợp một số nét nhân cách lệch lạc rõ rệt với chuẩn mực văn hóa ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống và hoạt động của nhân cách. Có thể đề cập đến nhiều loại rối nhiễu nhân cách như rối nhiễu chống đối xã hội – Cá nhân đặt bản thân trong sự đối lập với xã hội và có các hành vi chống đối xã hội một cách có ý thức. Mức độ suy thoái này thực chất đã làm mất nhân cách, các giá trị xã hội được nhập tâm hóa chuyển thành các phản giá trị. Sự tồn tại của cá nhân được khẳng định bằng cách đi ngược lại các yêu cầu của xã hội, rối nhiễu dạng hoang tưởng, rối nhiễu ái kỷ, rối nhiễu xa lánh xã hội, rối nhiễu đóng kịch… Các rối nhiễu này có thể được xác định dựa trên các tiêu chí đánh giá của bộ tiêu chí ICD của Tổ chức Y tế Thế giới hoặc bộ tiêu chí DSM của Hiệp hội Tâm thần Mỹ.

3. Các nguyên nhân suy thoái nhân cách

Có nhiều nguyên nhân làm nhân cách suy thoái. Song chủ yếu là các nguyên nhân về mặt xã hội. Trong đó có 3 nguyên nhân chủ yếu sau:

– Đó là khi cá nhân tham gia vào một nhóm xã hội, trong đó các giá trị mà cá nhân đã chấp nhận và tuân thủ trở nên ít có giá trị. Hệ thống các giá trị, các chuẩn mực không được tôn trọng. Thậm chí các giá trị được thừa nhận chung trong xã hội không còn ý nghĩa. Môi trường sống trực tiếp tạo điều kiện cho các nét tính cách tiêu cực hình thành hoặc bộc lộ rõ hơn. Đặc biệt, khi có điều kiện để củng cố, nó ngày càng trở nên chi phối hành động của cá nhân.

– Cá nhân có thể rơi vào mâu thuẫn giữa những nhu cầu, mong muốn cá nhân với các vai trò của xã hội mà cá nhân phải đảm nhiệm hay với sự hạn chế của các điều kiện có thể giúp cá nhân thỏa mãn các nhu cầu đó. Do không thực hiện được các vai trò của mình, hoặc không thỏa mãn được nhu cầu, cá nhân có thái độ chống đối và có các hành vi lệch chuẩn. Đối với các cá nhân này, các giá trị đã lĩnh hội chưa đủ mạnh để ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn. Bên cạnh đó các tác động từ bên ngoài có các tác động theo xu hướng xô đẩy cá nhân thực hiện các hành vi lệch lạc.

– Nguyên nhân thứ ba của sự suy thoái nhân cách là do cá nhân bị hủy hoại các chức năng tâm lý. Nhân cách bị suy thoái do nguyên nhân bệnh lý. Cá nhân bị bệnh tâm thần và không còn ý thức nên cũng không còn nhân cách. Trường hợp này phải có sự can thiệp của các chuyên gia y tế

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net