Trang chủ Tâm lý học Xâm kích là gì? Yếu tố ảnh hưởng đến hành vi xâm kích

Xâm kích là gì? Yếu tố ảnh hưởng đến hành vi xâm kích

by Ngo Thinh
501 views

Sự xâm kích là gì? Những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến hành vi xâm kích

Khái niệm xâm kích

Khái niệm xâm kích được đưa ra gắn liền với giả thuyết ban đầu: sự có mặt của hành vi xâm kích luôn đi kèm với sự hụt hẫng và ngược lại sự tồn tại của sự hụt hẫng luôn dẫn đến một hình thức xâm kích nào đó. Giả thuyết này được triển khai với bốn khái niệm cơ bản:

  • Sự hụt hẫng: đó là các điều kiện bất kì ngăn cản việc cá nhân đạt đến mục đích mong muốn.
  • Sự xâm kích: hành vi có mục đích là xóa bỏ hay làm giảm đi những cản trở hụt hẫng.
  • Sự kiềm chế: xu hướng hạn chế hành động để giảm bớt những hậu quả có thể có trong chính bản thân hành động. Đồng thời nó lại có thể trở thành một sự hụt hẫng mới.
  • Sự xâm kích pha trộn: sự xâm kích không hướng tới nguồn gốc trực tiếp của sự hụt hẫng mà hướng tới một đối tượng khác. Đặc trưng này được phân tích trong mô hình xung đột của Miller. Sự pha trộn hay “dịch chuyển” theo thuật ngữ của Phân tâm học được Miller hiểu như một trường hợp khái quát hóa các kích thích. Nhiều hành vi xã hội khác như các hành vi đạo đức cũng được giải thích theo cách này.

Sau này, cùng với các kết quả nghiên cứu mới, các tác giả chỉnh sửa lý thuyết này và cho rằng xâm kích là một hiện tượng tự nhiên không nhất thiết là hệ quả của sự hụt hẫng. Nhờ kết quả của sự học có thể có được các đáp ứng phi xâm kích với các hụt hẫng. (Ví dụ: trẻ được dạy cách kiềm chế bản thân). Tuy nhiên, sự xâm kích vẫn được coi như là một phản ứng nổi trội đối với hụt hẫng và hụt hẫng vẫn được xem xét như là nhân tố diễn ra trước sự xâm kích.

Lý thuyết về xâm kích và hụt hẫng bị phê phán từ nhiều hướng: với các thực nghiệm động thái nhóm, K.Lewin, Zimbardo cho thấy có thể có các phản ứng khác đối với hụt hẫng chứ không chỉ sự xâm kích. A.Maslow, Rozenweig thì cho rằng sự hụt hẫng không phải là nhân tố duy nhất dân tới sự xâm kích. Có nhiều nhân tố dẫn tới sự xâm kích, ví như sự nhục mạ hay đe dọa có thể gây ra sự xâm kích chứ không chỉ sự hụt hẫng. Các nghiên cứu cũng chỉ ra tính chất phức tạp trong mối quan hệ giữa sự trừng phạt và sự xâm kích. “Phụ thuộc vào tính chất và sự tác động qua lại với các yếu tố khác, sự trừng phạt có thể làm tăng cường hoặc làm giảm thiểu, thậm chí không tạo ra tác động nào đến hành vi của cá nhân”. (Bandura, 1973, p34).

Từ những góc độ xem xét khác, các nhà tâm lý học đưa ra những quan niệm khác nữa về xâm kích. Có thể dẫn ra một số quan niệm:

J.P.Chaplin cho rằng: xâm kích là sự tấn công (attack); là hành động không thân thiện chống lại một cách trực tiếp con người hoặc một đối tượng nào đó.

S.Freud cho rằng xâm kích là sự biểu hiện hoặc phóng chiếu một cách có ý thức của bản năng về cái chết. Còn theo A.Adler, xâm kích là sự biểu hiện của ý chí về quyền lực đối với người khác. Nhà tâm lý học Mỹ A.H.Murray cho rằng xâm kích là nhu cầu tấn công hoặc xúc phạm đến người khác để hạ thấp, làm tổn thương, nhạo báng hoặc buộc tội người đó.

Albert Bandura đưa ra quan niệm về xâm kích rất ngắn gọn. Theo tác giả xâm kích là hành vi mang lại hậu quả tiêu cực. Vì thế, những hành vi tiêu cực được xem là sự xâm kích. Hai nhà Tâm lý học xã hội Berkowitz (1965) và Fesbach (1971), đã phân chia hai hình thức của xâm kích: Xâm kích phương tiện và xâm kích thù địch. Xâm kích phương tiện có mục đích là tìm cách thu lấy lợi ích ở người khác hơn là gây tổn thương cho họ. Xâm kích thù địch có mục đích là gây ra sự tổn thương hoặc sự đau khổ một cách có chủ tâm đối với người khác. Như vậy xâm kích là một hành vi có tính chất làm hại con người hoặc phá hủy một đối tượng nào đó thuộc quyền người khác.

Từ các quan niệm trên, chúng ta có thể hiểu xâm kích là hành vi tấn công người khác hoặc những tài sản thuộc quyền người khác với mục đích làm hại họ.

Người có hành vi xâm kích có thể tấn công trực tiếp hoặc có thể gián tiếp người khác có thể dùng lời lẽ hoặc hành động để làm hại người khác. Hành vi xâm kích có thể mang lại lợi ích cho chủ thể hành vi, hoặc có thể để thỏa mãn một nhu cầu, động cơ nào đó. Dù xem xét dưới góc độ nào thì xâm kích cũng được xem là hành vi gây hại cho người khác. Đôi khi người ta có thể ngụy biện cho hành vi xâm kích của mình nhưng về cơ bản, so với các chuẩn mực xã hội nói chung, hành vi xâm kích bị lên án và phê phán.

Những yếu tố xã hội ảnh hưởng đến hành vi xâm kích

Từ những năm 40 của thế kỉ XX, các nhà nghiên cứu đã xem xét xâm kích với tư cách là một vấn đề rất đơn giản. Họ coi xâm kích là sản phẩm của sự chán nản, thất vọng. Song, thực tế không hề đơn giản như vậy. Nếu coi xâm kích là một hiện tượng tâm lý xã hội thì việc nghiên cứu xâm kích đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận ở góc độ rộng hơn. Những phản ứng xâm kích của con người hiện nay được xem xét là một vấn đề phức tạp có nhiều yếu tố ảnh hưởng mà yếu tố xã hội phải được tính đến đầu tiên.

Những yếu tố xã hội trước tiên là những cảm xúc khác nhau của con người. Theo Leonard Berkowitz và các cộng sự: phim ảnh bạo lực có ảnh hưởng lớn đến hành động xâm kích của con người. Ông cho rằng đối với những cá nhân có tính tình nóng nảy thì dễ bị kích thích bởi các phim bạo lực hơn những người khác. Một yếu tố khác làm cho cá nhân dễ có hành động xâm kích bằng hành vi bạo lực đó là những người không muốn bộc lộ bản thân, họ thường giấu tên, mạo danh hoặc nặc danh.

Nghiên cứu của Epstein, Taylor (1967); Shortell, Epstein và Taylor (1970), cho thấy những cá nhân trong trạng thái tinh thần mệt mỏi, tinh thần không sáng suốt thì hành động xâm kích mạnh mẽ hơn những cá nhân có tinh thần ở trạng thái tích cực, hoặc khi hành vi của cá nhân có chủ ý thì tính xâm kích thể hiện rõ hơn là khi hành động của chủ thể mang tính ngẫu nhiên.

Xâm kích có tổ chức

Một điều kiện tốt của xâm kích là nó được thực hiện trong bối cảnh có tổ chức. Những con người bình thường phạm phải sự xâm kích và thậm chí cả hành vi bạo lực cho rằng đó là sự thực hiện các hành động cũng giống như một phần của “công việc của họ” (Vander Zanden, James Wilfrid, 1977). Đó chính là sự xâm kích có tổ chức. Stanley Milgram đã tiến hành một số thí nghiệm và đã phát hiện ra rằng, nhiều người có hành động xâm kích và bạo lực lại là những người ngoan ngoãn vâng theo quyền lực. Khi hành động trong một tổ chức, con người dám làm những việc mà một mình họ không dám làm. Họ cảm thấy mình được quyền tha thứ cho hành động của mình. Họ cảm thấy mình như là một “con tốt” nhiều hơn là “người sáng tạo ra hành vi”. Họ nghĩ “Nếu tôi không làm việc đó (hành động xâm kích) thì ai đó sẽ thực hiện” (De Charms, 1968, Kipnis, 1974).

Bạo lực là dẫn chứng điển hình của hành động xâm kích. Hai nhà tâm lý học Mỹ Vander Zanden và James Wilfnd đã thống kê một số liệu về hành vi bạo lực ở Mỹ trên cơ sở phỏng vấn 1.176 người dân Mỹ đã trưởng thành cho thấy:

  • Có 13% những người Mỹ trưởng thành đã chống lại hoặc dùng tay đánh những người khác. 18% người Mỹ đã bị nhắc nhở về hành vi chống lại hoặc dùng tay đánh người nào đó.
  • Có 1/5 người Mỹ tán thành việc tát vợ (hoặc chồng) trong trường hợp được phép: 16% trẻ em Mỹ ở tuổi dưới 16, đang học trong trường phổ thông và 25% sinh viên đại học đồng ý việc này.
  • Có 41% người Mỹ trưởng thành nói rằng họ có một khẩu súng của mình (một số có vài khẩu).
  • 43% người da trắng và 27% người da đen có súng ngắn.
  • 50% người dân Mỹ ủng hộ việc giáo viên trong trường phổ thông sử dụng các biện pháp trừng phạt (về thể xác) khi có nguyên nhân chính đáng.
  • Cứ 10 người Mỹ thì có 9 người nói rằng họ đã sử dụng hình thức phát vào đít đứa trẻ.
  • Chỉ có 18% người da trắng quả quyết rằng họ không có hành vi bạo lực, 9% cho rằng mình có thể có những hành vi bạo lực. 43% người da đen cho rằng mình là những viên chức không vâng lời, 25% cố gắng để không có hành vi bạo lực.
  • 28% người dân Mỹ cho rằng cảnh sát thường sử dụng vũ lực nhiều hơn là thuyết phục.
  • 58% đồng ý với quan điểm: Bản chất của con người là thường xuyên tạo nên chiến tranh và xung đột.
  • 62% người dân Mỹ biện minh rằng chiến tranh là sự hợp pháp hóa công cụ của đường lối chính trị. Rõ ràng, khi đứng trong tổ chức và được tổ chức “bảo lãnh” hành vi xâm kích sẽ phát triển và mức độ bạo lực sẽ gia tăng.
5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net