Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Học thuyết kinh tế của Sismondi

Học thuyết kinh tế của Sismondi

by Ngo Thinh
445 views

Jean Charles Léonard Simonde Sismondi (1773-1842) là một trong những đại biểu xuất sắc của kinh tế chính trị tiểu tư sản. Ông là nhà sử học và là nhà kinh tế học của Thụy Sĩ, xuất thân trong một gia đình quý tộc, con trai mục sư Calvin, từng theo học ở trường dòng, sau học đại học tổng hợp và làm việc cho một ngân hàng ở Lyon (Pháp), rồi thư ký cho một hãng buôn ở Giơ-neo-vơ (Thụy Sĩ). Ngoài Pháp và Thụy Sĩ ông đi nhiều nơi, nhiều nước như: Anh, Ý, Đức …tìm hiểu những mặt khác nhau của đời sống dân chúng, những mâu thuẫn và những quan hệ xã hội.

Ông bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm 1800. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là: “Những nguyên lý mới của kinh tế chính trị” (1819), “Lịch sử nước Pháp”, “Lịch sử nước cộng hòa Ý”, “Nghiên cứu về Khoa kinh tế chính trị”.v.v…

Sismondi (1773-1842)

Sismondi (1773-1842)

Những quan điểm kinh tế chủ yếu của Sismondi:

Phê phán CNTB trên lập trường tiểu tư sản: theo Sismondi không thể định nghĩa Kinh tế chính trị là khoa học về tài sản. Ông cho rằng các tác giả cổ điển đã ngộ nhận về bản chất của Khoa Kinh tế chính trị và đã sai lầm khi xem kinh tế chính trị là khoa học để làm giàu. Theo Sismondi, đối tượng của kinh tế chính trị phải là phúc lợi vật chất của con người và mục đích của việc nghiên cứu kinh tế chính trị không là làm giàu mà là làm thế nào để con người sống dễ chịu hơn. Ông nói: “Kinh tế chính trị trước hết là khoa học về đạo đức, chỉ khi nào nó có chú ý đến tình cảm, nhu cầu và ý muốn của mọi người thì nó mới đạt được mục đích của nó”. Ở đây ông thấy được mối liên hệ giữa kinh tế học và chính sách kinh tế của nhà nước.

Từ đó, ông phê phán các tác giả cổ điển xem thường lợi ích của quần chúng là người sản xuất trực tiếp. Ông chứng minh rằng, với đường lối của các tác giả cổ điển như: tự do cạnh tranh, tự do làm giàu…tuy có gia tăng của cải, nhưng đời sống của người lao động ngày càng giảm sút. Sismondi chống lại lý luận bồi thường của J. B. Say. Ông đã sớm nhìn thấy việc sử dụng máy móc, đại công nghiệp đã tăng cường bóc lột giai cấp công nhân và làm cho tình cảnh giai cấp công nhân ngày càng tồi tệ. Các nhà công nghiệp nhỏ, công nhân và thương nhân nhỏ, dần dần bị phá sản và tiêu vong. Nước Anh đã đem mục đích hy sinh cho phương tiện, “vì vật mà quên người”. Ông phê phán nền sản xuất lớn TBCN dẫn đến lý tưởng hóa nền sản xuất nhỏ, lý tưởng hóa chế độ gia trưởng, kêu gọi quay về nền sản xuất nhỏ bằng sự can thiệp của chính phủ.

Ông phản đối tính ưu việt của tự do cạnh tranh. Ông cho rằng cạnh tranh có thể làm cho giá cả hàng hóa giảm thấp thật, nhưng nhiều nhà kinh doanh, nhất là những người sản xuất nhỏ bị phá sản. Vì vậy ông kêu gọi nhà nước phải ban hành những quy chế bảo vệ lợi ích của giới lao động.

Về vấn đề khủng hoảng kinh tế, ông cho rằng sản xuất không thích ứng với nhu cầu, vì sản xuất vượt quá mức thu nhập nên dẫn đến sản xuất thừa. Người sản xuất nhỏ thì bị phá sản, công nhân thì không có tiền mua, rồi khuynh hướng tích lũy trong giai cấp thống trị cũng hạn chế tiêu dùng v.v…Từ đó Sismondi kết luận: nhà tư bản muốn thực hiện được giá trị thặng dư thì phải có thị trường nước ngoài vì giá trị thặng dư trong nước không thực hiện được.

Tóm lại, nếu như các nhà kinh tế cổ điển chỉ quan tâm phân tích hiện thực và coi tiêu chuẩn cao nhất của tiến bộ xã hội là sản xuất phát triển, của cải gia tăng thì Sismondi lại quan tâm đến xã hội công bằng và sự phát triển sản xuất một cách nhịp nhàng, từ tốn. Với ý tưởng đó, ông lý tưởng nền sản xuất nhỏ và trong chừng mực nhất định muốn quay CNTB về trong quá khứ. Ông mơ ước khung cửi thay cho máy dệt, ruộng đất chia nhỏ cho nông dân v.v…

– Lý luận về giá trị: Sismondi đã đứng trên lập trường học thuyệt giá trị lao động, ông lấy lao động để quy định giá trị hàng hóa. Ở đây ông nhìn thấy tính chất đặc thù của lao động và nêu lên khái niệm thời gian lao động xã hội cần thiết, trong đó quy định giá trị hàng hóa thành mối liên hệ giữa nhu cầu xã hội và lượng lao động xã hội cần thiết để thỏa mãn nhu cầu đó. Tuy nhiên, ông không đi xa hơn quan điểm của D. Ricardo, thậm chí còn có chỗ thụt lùi so với quan điểm này xét trên quan điểm lập trường của học thuyết giá trị lao động. Chẳng hạn D. Ricardo coi giá trị tương đối của hàng hóa là phụ thuộc vào cạnh tranh, vào lượng cầu, vào mối tương quan giữa thu nhập và lượng cung hàng hóa trên thị trường. Sismondi còn nêu lên khái niệm “giá trị tương đối” (hay giá trị chân chính) và giải thích nó theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa khi gắn nó với mô hình kinh tế biệt lập, cổ truyền kiểu Robinson.

– Lý luận về tiền tệ: Kế tục tư tưởng của Adam Smith, Sismondi cho rằng tiền chỉ là sản phẩm của lao động giống như các hàng hóa khác, tiền là thước đo chung của giá trị và đóng vai trò trung gian của việc trao đổi được dễ dàng hơn. Sismondi chưa phân biệt được bản chất của tiền một cách sâu sắc.

– Lý luận về lợi nhuận, tiền lương và địa tô:

+ Về lợi nhuận, Sismondi đã phát triển tư tưởng của Adam Smith coi lợi nhuận là một bộ phận sản phẩm của lao động, rằng lợi nhuận là kết quả sự cướp bóc của công nhân, là một khoản thu nhập không lao động, là tai họa kinh tế của giai cấp vô sản.

+ Về địa tô, Sismondi cũng coi đó là sự cướp bóc. Ông cho rằng ruộng đất xấu không đưa lại địa tô và nêu lên những tư tưởng ban đầu về địa tô tuyệt đối gắn liền với độc quyền sở hữu ruộng đất.

+ Về tiền công, Sismondi cũng theo quan điểm của A Smith coi tiền công phụ thuộc vào tích lũy tư bản, vào số lượng công nhân và quan hệ cung-cầu về lao động.

Tóm lại, về cơ bản những quan điểm kinh tế của Sismondi còn đứng trên lập trường của những nhà tư sản cổ điển Anh (Adam Smith và D. Ricardo) để giải thích các phạm trù về nền sản xuất TBCN, do đó còn chứa đựng nhiều hạt nhân khoa học.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net