Giáo dục là một hoạt động có mục đích, có nội dung, phương pháp, phương tiện nhằm tác động phù hợp vào từng nhóm người, vào từng cá nhân được phân chia theo các giai đoạn lứa tuổi. Do đó, tác động của giáo dục luôn đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách.
Các giai đoạn lứa tuổi là những chặng đường tất yếu trong sự phát triển của mỗi trẻ em bình thường, có liên quan chặt chẽ đến số năm đã sống, đến sự trưởng thành của các cơ quan sinh học và chức năng của chúng, đến sự tích luỹ kinh nghiệm sống v.v. Tất nhiên sự phân chia ra các giai đoạn lứa tuổi chỉ có tính chất tương đối, bởi vì mỗi giai đoạn phát triển đều có sự chuẩn bị tiền để về thể lực, tâm sinh lí cho giai đoạn tiếp theo. Song mức độ phát triển các yếu tố nhân cách trong mỗi giai đoạn lứa tuổi còn chịu sự chi phối của các điều kiện lịch sử trong từng thời kì xã hội khác nhau. Trong thời kì khoa học công nghệ hiện nay, trẻ em sớm tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin và các phương tiện khoa học kĩ thuật tiên tiến nên có hiện tượng phát triển nhanh hơn, sớm hơn (gia tốc phát triển) về các mặt thể chất, sinh lí, tâm lí. Vấn đề phân chia lứa tuổi đã được các nhà sư phạm quan tâm từ lâu, J. A. Cômenxki (1592 – 1670) – ông tổ của nền sư phạm cận đại đã có những kiến giải phù hợp với lí luận và thực tiễn giáo dục. Ngày nay có thể phân chia các giai đoạn phát triển của học sinh như sau:
1. Trẻ Trước tuổi học
Đây là bậc Giáo dục mầm non (từ sơ sinh cho đến 6 tuổi). Trong những ngày tháng đầu tiên khi mới sinh ra, sự giao tiếp của trẻ với người lớn, với đồ vật xung quanh có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Chính nhờ sự giao tiếp này, người lớn đã dắt dẫn trẻ hình thành tình cảm, thái độ, nhận thức về con người, đồ vật gần gũi xung quanh. Tất nhiên hoạt động phản ánh và vận động của trẻ từ đơn giản, tự phát chuyển dần sang phức tạp hơn và có phần tự giác khi trẻ ở tuổi biết nói. Nhờ sự biết đi, biết nói mà trẻ ngày càng mở rộng phạm vi tiếp xúc, phát triển nhận thức đối với thế giới xung quanh và hình thành “ý thức bản ngã”. Trẻ muốn tự lập hơn, thể hiện các động tác và hành vi theo ý nghĩ riêng của mình trong các trò chơi học tập, trò chơi vận động v.v.
Giáo dục mầm non đòi hỏi phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ phải linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi đảm bảo cân đối giữa chăm sóc và giáo dục. Nghĩa là một mặt phải chú ý đến chăm sóc sức khoẻ của trẻ như chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hàng ngày (ăn, ngủ, vệ sinh), tạo môi trường an toàn, ngăn nắp, bảo vệ, phòng chống bệnh tật. Mặt khác phải chú ý dạy dỗ, giáo dục trẻ như tổ chức các hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với lứa tuổi. Hoạt động chủ đạo của trẻ trong năm đầu là giao lưu cảm xúc, năm thứ 2, thứ 3 là hoạt động với đồ vật. Tuổi mẫu giáo hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo có ảnh hưởng quyết định đến những đặc điểm tâm lí chủ yếu của trẻ. Do vậy giáo dục cần coi trọng tổ chức các hoạt động này cho trẻ mầm non. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên của trẻ, cần phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để thống nhất cách chăm sóc và giáo dục trẻ theo khoa học.
2. Học sinh Tiểu học
Ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo trẻ chủ yếu chơi để học, nay trẻ được đến trường chủ yếu là để học tập chứ không phải để chơi, đánh dấu bưốc ngoặt quan trọng trong cuộc đời của mỗi con người. Từ đây trẻ thực sự bắt tay vào việc lĩnh hội những tinh hoa văn hoá của loài người, vượt ra khỏi phạm vi kinh nghiệm cảm tính, trực tiếp của mình. Do đó, ở trường cũng như ở nhà các em phải thực hiện hoạt động học tập một cách nghiêm túc, chẳng hạn phải đi học chuyên cần, đúng giờ, chú ý nghe lời thầy, cô giáo giảng bài, phải học thuộc lòng số liệu, định nghĩa, quy tắc, làm bài tập đầy đủ v.v… những điều rất khó lại không hấp dẫn, hứng thú nhưng vô cùng cần thiết. Chính từ những đòi hỏi của lao động học tập như phải nghiêm túc, nỗ lực đã kích thích mạnh mẽ chức năng nhận thức của các giác quan, đặc biệt là chức năng của não, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ, phát triển các thao tác tư duy trừu tượng, giúp các em hiểu biết sâu sắc hơn bản chất của sự vật, hiện tượng, thể hiện tình cảm, thái độ, hành vi trong giao tiếp đối với những người gần gũi xung quanh như cha mẹ, ông bà, thầy cô giáo, người lớn và bạn bè. Những thay đổi về nhiều mặt này có tác động lớn đến sự hình thành và phát triển nhân cách của các em cả về sau này.
Ở lứa tuổi Tiểu học, do sự phát triển thể chất nên các em rất hăng hái, ham thích vận động. Tính hiếu động đi kèm với hứng thú chưa bền vững, chưa biết điều khiển hoàn toàn hành vi của mình nên các em thường dễ bị kích động, thiếu kiềm chế, dẫn đến vô tổ chức, chóng chán công việc. Do đó trong công tác giáo dục cần rèn luyện cho các em năng lực tập trung chú ý, có hứng thú bền vững vào những hoạt động phù hợp với khả năng để đạt được những kết quả nhất định. Nhà giáo dục cần phải tổ chức các hoạt động tập thể phong phú, đa dạng, giúp cho học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho việc phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mĩ.
3. Học sinh Trung học cơ sở
Đặc trưng nổi bật của lứa tuổi này là sự phát triển “nhảy vọt” về thể trạng sinh lí liên quan đến hiện tượng dậy thì, phát dục: “Nữ tuổi 13, nam tuổi 16” khiến cho đời sống tâm lí chuyển biến từ trẻ nhỏ sang người lốn, từ thơ ấu sang trưởng thành. Từ đó, các em mong muốn khẳng định các giá trị về phẩm chất, năng lực của mình, mong muốn được tham gia những công việc như người lớn, mong muốn được tự lập, mong muốn làm những việc có ý nghĩa. Tất cả những điều đó tạo nên nội lực của tính tích cực hoạt động, đặc biệt là hoạt động tập thể trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đó cũng là cơ sở, điều kiện thuận lợi để hình thành, phát triển xu hướng xã hội trong nhân cách của lứa tuổi này.
Tuy nhiên ở lứa tuổi này, do sự diễn biến nhanh, không đồng đều của thời kì dậy thì, phát dục nên cũng dễ dẫn đến những trạng thái tâm lí thất thường như từ e thẹn, nhút nhát đến hung hăng, khoác lác, từ nhiệt tình, hăng hái đến lạnh nhạt, thờ ơ v.v. do tính dễ bị kích động. Trong xã hội hiện đại, trẻ có khuynh hướng dậy thì, phát dục sớm, phát triển thể lực. Nếu như bị các luồng thông tin có tính chất tiêu cực chưa được kiểm soát tác động sẽ dễ dẫn đến những hiện tượng “khủng hoảng” tâm lí trong quá trình học tập, rèn luyện nhân cách học sinh ở lứa tuổi vị thành niên này. Do đó, nhà trường, gia đình và các đoàn thể xã hội cần tổ chức, lôi cuốn các em vào các hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu, hứng thú nhằm phát huy vai trò chủ động, tính tích cực, độc lập, sáng tạo và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp có uy tín và danh dự từ trong gia đình đến ngoài xã hội.
4. Học sinh Trung học phổ thông
Đây là giai đoạn đầu của tuổi thanh niên, một số phẩm chất cơ bản của nhân cách đã được định hình. Điều này thể hiện trước hết ở sự phát triển tính độc lập và lòng khao khát tự khẳng định mình, tự chịu trách nhiệm về cái “tôi” của mình bằng khả năng quan sát, phân tích, so sánh, tự đánh giá với hoạt động của bạn bè và người lớn. Khi đến tuổi 18 các em học sinh đã có sự trưởng thành về cả thể chất, tinh thần và ý thức của người công dân, họ được quyền bầu cử, ứng cử, cũng có nghĩa là họ được xã hội công nhận là một người lớn — người công dân thực thụ có quyền lợi và nghĩa vụ đối với đất nước. Mọi hành vi, hoạt động của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Kế thừa và phát triển những yếu tố của nhân cách đã hình thành trong các giai đoạn lứa tuổi trước đó, học sinh Trung học phổ thông còn thể hiện sự tự ý thức về nhu cầu nhận thức, rèn luyện, tự đánh giá các phẩm chất năng lực… trong nhân cách của mình không chỉ theo yêu cầu hiện tại mà cả trong tương lai. Do đó đại bộ phận các em đã thể hiện rõ ý chí, nghị lực, quyết tâm để đạt kết quả cao trong học tập, rèn luyện, thực hiện cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Ở tuổi này các em có nhu cầu mạnh mẽ về tình bạn và nhóm bạn phù hợp hứng thú, sở thích rrong học tập hoặc trong hoạt động, tạo điều kiện cho quan hệ tình yêu nam nữ phát triển. Tình bạn, tình yêu chân thành, trong sáng là động lực thúc đẩy phát triển những phẩm chất, năng lực tốt đẹp của thanh niên, đồng thời mở rộng mối quan hệ ứng xử thấm đượm sâu sắc những chuẩn mực đạo đức, nhân văn, xã hội.
Tuy nhiên, đây là giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành, các yếu tố của nhân cách định hình chưa thật vững bền, chưa được trải nghiệm nhiều. Do đó, ở một số em có hiện tượng manh động, bột phát, hiếu thắng, chủ quan… dễ dẫn đến những sai lầm trong nhận thức và hành vi văn hoá, đạo đức.
Yêu cầu của công tác giáo dục là cần tổ chức cuộc sống học tập, lao động, hoạt động xã hội trong các tập thể đoàn kết, việc phối hợp gia đình nhà trường, xã hội lành mạnh có tác dụng vô cùng lớn lao trong việc ngăn chặn và cải tạo được những sai lầm trong nhận thức và hành vi của học sinh.
Trong điều kiện của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn không ít tác động tự phát tiêu cực ảnh hưởng xấu đến quá trình hình thành, phát triển nhân cách thế hệ trẻ. Lứa tuổi học sinh trung học phổ thông là lứa tuổi rất sôi nổi, ham thích hoạt động, nhiều mơ ước, do đó, nhà trường, các bậc cha mẹ, các đoàn thể cần quan tâm đúng mức, giúp đỡ các em có định hướng đúng đắn, phù hợp trong các lĩnh vực quan trọng như chọn nghề, quan điểm tình yêu, hôn nhân gia đình và nghĩa vụ đối với xã hội của một người công dân chân chính.
Cần có sự hiểu biết sâu sắc vai trò của di truyền bẩm sinh, của môi trường, của giáo dục và hoạt động của cá nhân, cũng như các đặc điểm phát triển tâm – sinh lí học sinh nói chung, đặc điểm phát triển tâm — sinh lí ở từng lứa tuổi học sinh nói riêng để tổ chức đúng đắn các hoạt động giáo dục ở mọi hình thức nhằm nâng cao kết quả hình thành và phát triển nhân cách học sinh theo mục tiêu đã đề ra.
(Nguồn tài liệu: Phạm Khắc Chương, Giáo dục học đại cương)