Dông là gì?

by Ngo Thinh
143 views

Sự phát triển điển hình của mây vũ tích và sự hình thành giáng thuỷ có liên quan với những biểu hiện mạnh mẽ của điện trường khí quyển, đó là sự phóng điện nhiều lần trong mây hay giữa mây và mặt đất. Sự phóng điện có đặc tính phát lửa này được gọi là chớp, còn âm kèm theo gọi là sấm. Toàn bộ quá trình này thường còn kèm theo cả hiện tượng gió mạnh tức thời – gió giật và được gọi là dông. Theo nguyên nhân phát sinh, dông thường được phân loại như phân loại mây vũ tích. Người ta phân biệt dông trong khối khí và dông kèm theo front.

Hiện tượng mưa dông

Hiện tượng mưa dông

Dông trong khối khí thường có hai loại: trong khối khí lạnh chuyển động trên mặt đất nóng và trên lục địa được đốt nóng vào mùa hè (dông địa phương hay dông nhiệt). Trong cả hai trường hợp, dông có liên quan với sự phát triển của mây đối lưu, như vậy là với tầng kết bất ổn định rất lớn và với sự xáo trộn không khí rất mạnh theo chiều thẳng đứng. Dông kèm theo front chủ yếu có liên quan với front lạnh, nơi không khí nóng bị không khí lạnh đẩy lên cao.

Nhưng vào mùa hè, trên lục địa, nhiều khi chúng còn liên quan với front nóng. Khối khí lục địa nóng bốc lên theo mặt front nóng có thể có tầng kết bất ổn định rất lớn, chính vì vậy mà trên front nóng dông có thể phát triển rất mạnh. Thường dông kéo dài ở từng nơi không lâu: từ vài phút đến một vài giờ. Trong mỗi cơn dông, có khoảng vài chục tia chớp trong một phút. Thông thường, dông kèm theo mưa rào, đôi khi mưa đá. Dông đặc biệt thường thấy trên lục địa miền nhiệt đới. ở đây có khu vực một năm hơn 100 – 150 ngày có dông. Trên đại dương, dông ít thấy hơn, khoảng 10 – 30 ngày trong một năm, xoáy thuận nhiệt đới luôn kèm theo dông mãnh liệt, song những nhiễu động này ít thấy. ở miền cận nhiệt đới nơi dải cao áp chiếm ưu thế, dông ít thấy hơn nhiều: trên lục địa trong một năm, ngày có dông là 10 – 30, trên biển là 5 – 10 ngày. ở miền cực, dông là hiện tượng hiếm có.

Hiện tượng số cơn dông giảm khi lên vĩ độ cao cũng dễ hiểu. Để hình thành dông không những cần phải có tầng kết bất ổn định rất lớn và đối lưu phát triển mạnh, mà mây phải có độ nước lớn, song theo vĩ độ do nhiệt độ giảm, độ nước của mây cũng giảm.

Ở miền nhiệt đới và cận nhiệt đới, dông thường thấy hơn cả vào mùa mưa. Trên lục địa miền ôn đới tần suất dông lớn nhất vào mùa hè khi đối lưu phát triển mạnh trong khối khí địa phương. Mùa đông ở đây rất ít dông. Nhưng trên đại dương trong khối khí lạnh được nước biển đốt nóng từ phía dưới, dông phát triển nhiều nhất vào mùa đông. ở vùng núi, dông thường thấy hơn là ở vùng đồng bằng.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net