Sắc thuế là một hình thức thuế cụ thể được quy định bằng một văn bản pháp luật, dưới hình thức luật, pháp lệnh hoặc các chế độ thuế. Trong một văn bản pháp luật về thuế thông thường chứa đựng các yếu tố cơ bản sau đây:
1. Tên gọi của sắc thuế
Mỗi sắc thuế đều có một tên gọi nhằm phân biệt giữa các hình thức thuế khác nhau, đồng thời phản ánh những tính chất chung nhất của hình thức thuế đó. Trong nhiều trường hợp, tên gọi của sắc thuế đã hàm chứa nội dung, mục đích và phạm vi điều chỉnh của sắc thuế đó. Chẳng hạn, “thuế thu nhập cá nhân” là thuế đánh vào thu nhập của cá nhân; “thuế thu nhập công ty” đánh vào thu nhập của pháp nhân là các công ty; “thuế giá trị gia tăng” đánh vào phần giá trị tăng thêm của hàng hóa và dịch vụ sau mỗi chu kỳ luân chuyển hàng hóa và dịch vụ qua từng giai đoạn.
2. Đối tượng nộp thuế
Trong một luật thuế thường quy định rõ ai phải nộp thuế và người đó được gọi là đối tượng nộp thuế.
Đối tượng nộp thuế có thể là thể nhân hoặc pháp nhân mà được luật pháp xác định có trách nhiệm phải nộp thuế cho Nhà nước và gọi là người nộp thuế. Do tồn tại cơ chế chuyển dịch gánh nặng của thuế nên người nộp thuế có thể không đồng nhất với người chịu thuế.
3. Đối tượng chịu thuế
Đối tượng chịu thuế chỉ rõ thuế đánh vào cái gì (hàng hóa, thu nhập hay tài sản…). Mỗi một luật thuế có một đối tượng chịu thuế riêng, chẳng hạn đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa và dịch vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, còn đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tính chất đặc biệt; đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là thu nhập từ hoạt động kinh doanh, còn đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân là thu nhập của các cá nhân.
4. Cơ sở tính thuế
Cơ sở tính thuế là đại lượng được xác định làm căn cứ tính thuế. Cơ sở tính thuế có thể đồng thời là đối tượng chịu thuế song cũng có thể khác đối tượng chịu thuế về hình thái biểu hiện. Chẳng hạn, đối tượng chịu thuế nhập khẩu là hàng hóa nhập khẩu chịu thuế (đơn vị định tính) nhưng cơ sở tính thuế là giá trị hải quan của hàng hóa nhập khẩu (đơn vị định lượng). Tuy nhiên, đối tượng chịu thuế thường rộng hơn cơ sở tính thuế, bởi vẫn có thể tồn tại mức tối thiểu không phải nộp thuế, miễn giảm thuế…. Một cơ sở tính thuế, sau khi tính và nộp một loại thuế tương ứng có thể trở thành cơ sở của một loại thuế khác.
5. Mức thuế
Mức thuế là đại lượng xác định số thu (nhiều ít) so với cơ sở tính thuế và được biểu hiện dưới hình thức thuế suất hay định suất thuế.
Mức thuế có thể được thể hiện dưới 2 hình thức: mức tuyệt đối và mức tương đối.
- Mức thuế tuyệt đối (hay còn gọi là định suất thuế) là mức thuế được tính bằng số tuyệt đối theo 1 đơn vị vật lý của đối tượng chịu thuế. Ví dụ: 1 lít xăng phải chịu thuế 1.000 đồng; 1 ha đất nông nghiệp hạng 1 vùng đồng bằng phải chịu thuế sử dụng đất nông nghiệp là 550 kg thóc.
- Mức tương đối (hay còn gọi là thuế suất) là mức thuế được tính bằng một tỷ lệ phần trăm trên một đơn vị giá trị đối tượng chịu thuế. Ví dụ, thuế tiêu thụ đặc biệt của rượu mạnh được tính bằng tỷ lệ 75% trên giá tính thuế.
6. Miễn thuế, giảm thuế
Miễn giảm thuế là yếu tố ngoại lệ được quy định trong một số sắc thuế. Thực chất đó là số tiền thuế mà người nộp thuế phải nộp cho Nhà nước, song vì những lý do kinh tế – xã hội mà Nhà nước quy định cho phép không phải nộp toàn bộ (miễn thuế) hoặc chỉ nộp một phần (giảm thuế) số tiền thuế đó.
Việc quy định miễn, giảm thuế là nhằm mục đích:
- Tạo điều kiện giúp đỡ người nộp thuế khắc phục hoàn cảnh khó khăn do nguyên nhân khách quan làm giảm thu nhập hoặc ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế của mình.
- Thực hiện một số chủ trương chính sách kinh tế – xã hội nhằm khuyến khích hoạt động của người nộp thuế.