Trang chủ Tâm lý học Niềm tin là gì? Giáo dục và hình thành niềm tin

Niềm tin là gì? Giáo dục và hình thành niềm tin

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 625 views

Niềm tin là gì? Giáo dục và hình thành niềm tin từ hướng tiếp cận tâm lý học.

I. Về khái niệm niềm tin

Niềm tin và giáo dục niềm tin đang và luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trên các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt trong xu thế hợp tác, hội nhập, và tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá từ nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Với ý nghĩa đó, từ những hướng nghiên cứu khác nhau đã có những quan niệm khác nhau về khái niệm, quá trình hình thành và giáo dục niềm tin.

Có quan niệm cho rằng, niềm tin là một hệ thống nhu cầu mà con người nhận thức được qua hiện thực, biến thành nhân sinh quan, thế giới quan để xem xét cuộc đời, qua đó đi đến định hướng hành vi, cử chỉ cho con người. Một quan niệm khác: Niềm tin là sự tín nhiệm, sự khâm phục của chủ thể về một con người, một sự việc hay một học thuyết nào đó được thể hiện ra bằng hành động theo một lẽ sống nhất định.

Những quan niệm trên tuy đã phản ánh được những đặc tính cơ bản của niềm tin, song chưa phản ánh rõ cơ chế tác động của niềm tin đến thực tiễn xây dựng và phát triển xã hội hiện thực của con người. Từ hướng tiếp cận tâm lý học, khái niệm niềm tin được hiểu như sau. Đó là sự hoà quyện giữa nhận thức, tình cảm, ý chí của con người trong quá trình hướng tới một đối tượng, một quá trình hay một vấn đề nào đó. Niềm tin còn là sự biểu lộ khuynh hướng thúc đẩy chủ thể hành động phù hợp với những định hướng, những giá trị đã được xác định.

Với khái niệm này, niềm tin được biểu đạt qua hai nội dung cơ bản:

1. Là một hiện tượng tinh thần, niềm tin được hình thành và là biểu hiện của sự thống nhất giữa 3 yếu tố nhận thức, tình cảm, ý chí. Trong đó, mỗi yếu tổ có những vai trò nhất định:

– Vai trò của nhận thức là thừa nhận đối tượng niềm tin bằng trí tuệ được biểu đạt qua các bước: Tiếp nhận thông tin, tập hợp thành dữ liệu xây dựng tri thức niềm tin; Lựa chọn, phân tích, xử lý thông tin và hình thành phương pháp phân tích, đánh giá, xác định bản chất của tri thức niềm tin; Dự báo khuynh hướng phát triển và quá trình hiện thực hoá niềm tin.

– Vai trò của tình cảm là thừa nhận đối tượng niềm tin bằng cảm xúc và “tấm lòng”, nhờ đó, làm tăng thêm sức mạnh tinh thần cho con người trong quá trình hình thành và củng cố niềm tin.

– Vai trò của ý chí là thừa nhận niềm tin bằng nghị lực và chí hướng, phản ánh ở sự kiên trì, bền bỉ, quyết tâm chuẩn bị hành động. Chí hướng là sự vươn tới và khát khao hành động để biến niềm tin thành hiện thực.

2. Khi niềm tin được hình thành sẽ bộc lộ khuynh hướng thúc đẩy chủ thể hành động theo những giá trị được xác định trong niềm tin. Đó là vấn đề có tính quy luật trong cấu trúc sinh học và xã hội của cơ chế hình thành niềm tin ở con người.

II. Phân loại niềm tin

– Cách phân loại thứ nhất: Căn cứ vào quá trình hình thành niềm tin trong đời sống tâm lý của con người, có quan mềm cho rằng, niềm tin có 3 cấp độ:

Thứ nhất: Niềm tin trao đổi – niềm tin hình thành trên cơ sở “ngang bằng” về trao đổi thông tin giữa hai đối tượng. Mỗi bên tìm thấy ở nhau sự đóng cảm, tin cậy về nhu cầu, lợi ích, kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm.

Thứ hai. Niềm tin lý tưởng – không có sự trao đổi ngang bằng. Chủ yếu niềm tin tìm thấy ở đối tượng những gương mẫu về đạo đức, tài năng, những thuyết phục của một học thuyết, những hấp dẫn ở một thành quả tốt đẹp.. Tất cả đưa đến gây cho người tin hứng thú hoạt động cho lý tưởng ấy. Niềm tin này cũng đã có thể dẫn đến sự hy sinh cao cả.

Thứ ba: Niềm tin tâm thức – Niềm tin thiêng liêng, hòa quyện cả tình cảm, lý trí, dẫn đến sự say đắm, say sưa tự nguyện hành động theo niềm tin ấy.

 – Cách phân loại thứ hai: Căn cứ vào sự biểu hiện của niềm tin trong đời sống xã hội thông qua thực hiện các mối quan hệ giữa con người với nhau, niềm tin được phân thành 3 loại:

Thứ nhất: Niềm tin thông thường – niềm tin diễn ra trong đời sống thường nhật, phản ánh những vấn đề thông thường, “giản đơn”, có tính chất hiển nhiên. Ở đó, chủ thể niềm tin tìm thấy ở nhau sự tin cậy thông qua những tương hợp về nhận thức, tình cảm, ý chí, nhu cầu và các hiện tượng tâm lý khác.

Thứ hai: Niềm tin khoa học – là những tri thức khoa học phản ánh các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục… của đời sống xã hội được hình thành trên những cơ sở, những căn cứ và các luận chứng khoa học.

Thứ ba: Niềm tin tôn giáo – là niềm tin của một bộ phận quần chúng tin vào thần thánh, ma quỷ và vào các phép màu, tin vào sự may rủi của số phận vào cuộc sống hạnh phúc “hư ảo” trên thiên đường sau khi chết… Niềm tin vào các thế lực siêu nhiên, vô hình mang tính chất thiêng liêng có nguồn gốc từ sự bất lực của nhận thức trong quá trình giải thích các hiện tượng trong đời sống tự nhiên, xã hội của con người.

Nếu theo cách phân loại trên thì niềm tin cần hình thành ở cán bộ, đảng viên là niềm tin khoa học, niềm tin lý tưởng.

III. Những đặc trưng cơ bản của giáo dục và hình thành niềm tin

1. Hình thành niềm tin là một quá trình, phản ánh theo các giai đoạn và theo các trình từ nhất định. Đó là biểu hiện tính quy luật của sự phát triển dần dần từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện trong quá trình hình thành niềm tin. Đó còn là quá trình tạo sự thống nhất biện chứng giữa nhận thức, tình cảm và ý chí của con người trong tiếp nhận, củng cố và biến tri thức niềm tin thành hiện thực. Qua đó, cần quán triệt tính kiên nhẫn, khắc phục những biểu hiện nôn nóng, đốt cháy giai đoạn trong quá trình hình thành niềm tin…

2. Hình thành niềm tin là quá trình thể hiện các quan điểm khác nhau, luôn đấu tranh với nhau. Đây là vấn đề có tính quy luật, phản ánh đặc trưng cơ bản của niềm tin. Đấu tranh về quan điểm là vấn đề quan trọng, tác động đến sự lựa chọn và giá trị hiện thực của niềm tin. Giá trị của niềm tin chịu sự ảnh hưởng của việc niềm tin đó được xây dựng từ những quan điểm nào (duy vật hay duy tâm, siêu hình hay biện chứng…). Đấu tranh giữa các quan điểm trong quá trình lựa chọn, tiếp nhận và hình thành niềm tin là tất yếu, đồng thời là phương thức để niềm tin bộc lộ bản chất một cách khách quan nhất.

3. Hình thành và giáo dục niềm tin là quá trình vận động không ít trở ngại, gian truân, thậm chí còn biểu hiện hoài nghi, dao động – phản ánh tính quy luật không đồng đều của niềm tin. Con đường đi đến chân lý không phải lúc nào cũng bằng phẳng, mà thường diễn ra quanh co, phức tạp. Đó là biện chứng của sự vận động, phát triển. Qua đó, cẩn vững tin hơn để khắc phục sự dao động, chán nản, thiếu nghị lực và kiên trì trong hình thành, củng cố và hiện thực hoá niềm tin.

IV. Cơ chế tâm lý của quá trình giáo dục và hình thành niềm tin

Cơ chế tác động đến tâm lý đối tượng trong quá trình giáo dục và hình thành niềm tin được biểu hiện qua những bước sau:

1. Xác lập quan điểm, hình thành xu hướng trong hoạt động nhận thức

Thực chất là sự kết hợp giữa xác định lập trường, quan điểm với hình thành tri thức để đối tượng lựa chọn, tiếp nhận và hướng tới với tính cách là cơ sở cho quá trình hình thành niềm tin. Xác lập quan điểm thực chất là sự khẳng định “chỗ đứng”, lập trường cho quá trình hình thành và giáo dục niềm tin.

Niềm tin có giá trị cao là niềm tin được xây dựng trên quan điểm đúng đắn, có luận cứ khoa học. Do đó, để niềm tin có giá trị, quan điểm cần được xác lập trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc cơ bản: Khách quan, toàn diện, phát triển và lịch sử, cụ thể.

Hình thành xu hướng chính là sự lựa chọn tri thức với tính cách là các giá trị cho đối tượng hướng tới, lấy đó làm lẽ sống và được thể hiện qua hệ thống động lực: nhu cầu, hứng thú, thế giới quan và hình thành các chuẩn mực. Giáo dục và hình thành niềm tin trong hoạt động nhận thức là sự lựa chọn xu hướng thông qua xác lập giá trị chuẩn trên cơ sở các thước đo (các thang) trong hệ giá trị, nhờ đó mà phân biệt được giá trị thực với giá trị thừa nhận và giá trị hư ảo trong đời sống xã hội.

2. Phát triển tri thức niềm tin thành tình cảm

Trong giáo dục và hình thành niềm tin, hình thành tinh cảm là quá trình tạo bước chuyển từ nhận thức bằng tư duy, trí óc đến trái tim, “tấm lòng” biểu đạt ở sự khơi dậy cảm xúc, bảy tỏ thái độ về quá trình lựa chọn và hình thành niềm tin trong đời sống tâm hồn. Quá trình hình thành niềm tin trong đời sống tình cảm cần gợi mở “tính hướng thiện” nhằm khích lệ và tạo sự phấn chấn trước những niềm tin đã được xác định. Nhờ đó mà sức mạnh tinh thần của niềm tin càng được củng cố bền vững hơn.

3. Nâng cao ý chí, nghị lực, biến niềm tin thành sức mạnh hiện thực

Phát triển từ nhận thức, tình cảm đến ý chí, nghị lực, niềm tin sẽ được khẳng định bằng sức mạnh tinh thần thông qua chí khí quyết tâm và lòng bên bỉ, hãng hải, sẵn sàng vượt qua mọi trở ngại để biến niềm tin thành sức mạnh hiện thực. Nâng cao ý chí, nghị lực là quá trình hình thành tâm thế trong việc hiện thực hoá niềm tin – cơ sở tâm lý quan trọng, đảm bảo cho niềm tin thực sự có ý nghĩa trong đời sống hiện thực của con người.

V. Một số điều kiện cơ bản trong giáo dục và hình thành niềm tin

1. Hình thành thế giới quan khoa học, nhân sinh quan cách mạng là điều kiện tiên quyết, chủ quan cho quá trình giáo dục và hình thành niềm tin. Sự hình thành và phát triển niềm tin vốn tuân theo những quy luật nhất định. Song, để nhận thức được quy luật và vận dụng nó trong quá trình giáo dục và hình thành niềm tin, cần phải có một thế giới quan, nhân sinh quan nhất định.

2. Thống nhất lý luận với thực tiễn vừa là nguyên tắc, vừa là phương châm cho quá trình giáo dục và hình thành niềm tin. Việc hình thành thế giới quan nói chung, hình thành niềm tin vững chắc cho con người nói riêng trong giai đoạn hiện nay không đơn thuần là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề tổ chức thực tiễn của toàn bộ xã hội. Do vậy, cần phải bảo đảm sự nhất quán giữa các đòi hỏi của chuẩn mực niềm tin với sự thống nhất về lý luận và thực tiễn. Trong tính thống nhất ấy, thực tiễn cần được quan niệm là nguồn gốc, động lực, đồng thời là môi trường cho tổng kết kinh nghiệm, hình thành lý luận và để lý luận tự khẳng định bản chất của mình trên các hoạt động thực tiễn.

3. Thống nhất tính khoa học, tính Đảng và tính cách mạng trong giáo dục và hình thành niềm tin. Đảm bảo tính nhất quán, logíc chặt chẽ, nội dung chính xác về mặt khoa học trên cơ sở thể chế chính trị, phản ánh tính Đảng và lập trường giai cấp rõ ràng, đồng thời tạo được sự chuyển biến từ quá trình hiện thực hoá niềm tin trong đời sống xã hội. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trong trong giáo dục và hình thành niềm tin.

4. Nắm bắt các quy luật tâm lý xã hội tác động đến quá trình giáo dục và hình thành niềm tin. Vận dụng có phương pháp các hiện tượng tâm lý trong quá trình giáo dục và hình thành niềm tin: Khơi dậy nhu cầu nhận thức, tiếp nhận, phân tích và tạo dư luận xã hội, xây dựng bầu không khí tâm lý đồng thuận, khơi dậy truyền thống, tích cực giải quyết các xung đột tâm lý, tạo được khả năng gây ấn tượng, thuyết phục của chủ thể đến đối tượng…

(Lytuong.net – Nguồn tài liệu: Vũ Anh Tuấn, Giáo dục và hình thành niềm tin từ hướng tiếp cận tâm lý học)

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net