Trang chủ Logic học Logic học biện chứng và logic học hình thức

Logic học biện chứng và logic học hình thức

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 766 views

1. Sự hình thành và phát triển của lôgic học hình thức và lôgic học biện chứng.

Nhân loại bắt đầu suy nghĩ theo những quy luật của lôgic từ rất lâu trước khi những quy luật này được khoa học khám phá ra. Nhưng đó chỉ là cái lôgic tự phát, kinh nghiệm. Nói cách khác, tư duy hay suy nghĩ của con người khi đó chưa trở thành đối tượng của nhận thức khoa học.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, khi mà hoạt động của đời sống xã hội đã được mở rộng, nhận thức khoa học được hình thành, quá trình tranh luận, thảo luận thời kỳ dân chr thành Aten đòi hỏi không thể hạn chế ở kinh nghiệm tự phát, mà nghiên cứu những nguyên lý của tư duy chính xác, của những chứng minh, luận luận với cấu tạo của khái niệm, phán đoán… một cách đúng đắn. Lôgic hình thức ra đời trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử đó.

Những người đầu tiên nghiên cứu những vấn đề của lôgic học là các nhà triết học duy vật như Hêraclít (khoảng 540-480 tr.CN), Đêmôcrit (khoảng 460 – 370 tr.CN). Ngay từ buổi đầu xuất hiện, lôgic học đã được coi là một bộ phận cấu thành tri thức triết học. Thuỷ tổ của khoa học lôgic là nhà tư tưởng Hy lạp cổ đại Arixtốt (384-322 tr.CN).

Trên cơ sở tổng kết những hạt nhân của các trường phái học thuật trước đó, Arixtốt đã xây dựng hệ thống các nguyên lý, quy luật, phương pháp và phát triển tiếp tục cả về mặt lý thuyết lẫn thực hành. Các tác phẩm thuộc phạm vi lôgic học được tập hợp lại thành bộ sách “Organông” (bộ công cụ, phương pháp nghiên cứu), với 6 tác phẩm:

  1. Phạm trù, thực chất là học thuyết về khái niệm, hình thức cơ bản của tư duy.
  2. Lý giải, trình bày học thuyết về phán đoán, hình thức cơ bản của tư duy.
  3. Phân tích (I), học thuyết về tam đoạn luận, hình thức cơ bản của suy luận diễn dịch.
  4. Phân tích (II), học thuyết về chứng minh, hình thức cơ bản của chứng minh.
  5. Thuật tranh biện, học thuyết về phép biện chứng với ý nghĩa là nghệ thuật tranh luận.
  6. Bác bỏ ngụy biện, phê phán những khuynh hướng lạm dụng phép biện chứng.

Theo Arixtốt, cơ sở của tư duy đúng đắn (nghĩa là đạt tới chân lý khách quan) trước hết phải tuân theo các quy luật cơ bản: quy luật đồng nhất, quy luật cấm mâu thuẫn, quy luật loại trừ cái thứ ba. Thành tích suất sắc của Arixtốt là xây dựng học thuyết về tam đoạn luận, hình thức cơ bản nhất của suy lý diễn dịch, với những cầu hình, cách thức và quy tắc của có, mà lôgic học hình thức sau này chỉ còn là sự hoàn thiện để vận dụng. Arixtốt đã bao quát được toàn bộ phạm vi, thực chất là đối tượng của logic học, đặt nền móng cho khoa học logic phát triển trong nhiều thế kỷ sau.

Có thể khẳng định rằng, Arixtốt đã có công đầu trong việc chỉ ra bản chất, kết cấu bên trong của tư duy và đã rút ra từ nội dung hiện thực của suy nghĩ những hình thức lôgic. Theo ông, những quy tắc, quy luật lôgic không phải là cái tuỳ tiện đặt ra mà có nguồn gốc khách quan là xuất phát từ thế giới hiện thực, còn khoa học lôgic là khoa học về sự khẳng định chân lý và bác bỏ những phán đoán sai lầm, xuyên tạc tình hình thực tế của sự vật, hiện tượng.

Tuy nhiên, trong logic học của Arixtốt có nhiều nhân tố biện chứng liên hợp với siêu hình học. Ông đã chống lại học thuyết về tính mâu thuẫn của sự vật do Hêraclít nêu ra, do đó, lôgic học của Arixtốt đã bị các nhà triết học kinh viện thời kỳ trung cổ lợi dụng như một công cụ chững minh cho quan điểm của thần học, Organon đã biến thành Canon (luật lệ).

Từ thế kỷ XVII về sau, do sự phát triển của công nghiệp, của hàng hải và thương mại đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển khá mạnh của lôgic học quy nạp mà người sáng lập là F.Bêcơn (1561-1626). Với tư cách là một phương pháp mới, lôgic học quy nạp đã rút ra những nguyên lý chung, quy luật phổ quát từ những tri thức kinh nghiệm.

Nhu cầu nhận thức khoa học không dừng lại ở phương pháp quy nạp mà còn thúc đẩy phương pháp diễn dịch ra đời và phát triển. Với phương pháp này, nhà triết học Pháp R. Đềcáctơ (1596-1650) đã đưa lôgic học phát triển thêm một bước, đạt được những thành tựu mới. Từ đó, lôgic học được coi là vũ khí nhận thức “sắc bén” của mọi khoa học. Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XVIII, phép siêu hình đã xuyên tạc đối tượng và tính chất của các quy luật lôgic học hình thức.

Lôgic diễn dịch nói riêng và lôgic hình thức nói chung có một bước phát triển mới từ sau công trình của G. Labnít (1646-1716). Ông đã hoàn thiện hệ thống quy luật cơ bản của logic hình thức với sự bổ sung quy luật tứ tư – lý do đầy đủ. Đặc biệt là ông chủ trương xây dựng ngôn ngữ hình thức hóa để chính xác hóa các phát biểu và quá trình lập luận, thực chất là muốn ký hiệu hóa và toán học hóa các mô hình lập luận lôgic. Lôgic toán là một thành tựu to lớn trong sự phát triển của khoa học lôgic. Nó khắc phục tính không chính xác, không rõ ràng trong ngôn ngữ, đặc biệt là nó không thỏa mãn với hệ logic lưỡng trị (đúng – sai), mà vươn lên hệ đa trị “hơn hay kém”, “gần đúng hay gần sai”.. nhờ đó mà những suy lý lôgic được mở rộng hơn và đầy đủ hơn về những kết luận logic. Cũng chính nhờ quá quá trình hình thức toán hóa lôgic mà logic hình thức phát triển ngày một xích lại gần logic biện chứng.

Sự ra đời và phát triển của lôgic biện chứng.

Không hài lòng với lôgic học truyền thống, nhà triết học người Đức Cantơ đã sáng lập lên một kiểu lôgic học mới: lôgic học tiên nghiệm. Theo lôgic học này thì mọi hình thức của lôgic được coi là những thuộc tính tiên nghiệm (có trước kinh nghiệm) của lý trí. Những thuộc tính này quyết định khả năng hiểu biết chung nhất về hiện tượng của kinh nghiệm.

Hêghen (1770-1831) – nhà triết học vĩ đại người Đức đã có công xây dựng phép biện chứng duy tâm khách quan như là phương pháp cơ bản của tư duy, của nhận thức. Để làm được việc đó, ông đã phê phán tỉ mỉ lôgic học tiên nghiệm và thuyết bất khả tri của Cantơ, đồng thời chỉ ra hạn chế của lôgic học hình thức nói chung. Song, Hêghen đã đứng trên lập trường duy tâm để phê phán lôgic hình thức và đã quy nó về lôgic học siêu hình. Vì thế, ông cho rằng, lôgic hình thức không thể trở thành thứ lôgic học phổ biến, không thể áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực của hiện thực. Trong tác phẩm “khoa học lôgic” của mình, ông đã khám phá ra mâu thuẫn – nền tảng giữa lý thuyết lôgic hiện có với thực tiễn hiện thực của tư duy và tìm ra phương thức giải quyết các mâu thuẫn ấy. Với sự khám phá này, ông đã góp phần thúc đẩy lôgic học tiến lên. Tuy nhiên, việc phủ nhận lôgic học truyền thống, Hêghen đã giáng một đòn rất mạnh vào lôgic học hình thức, kìm hãm căn bản sự phát triển tiếp theo của nó.

Những vấn đề của lôgic biện chứng, mối quan hệ giữa nó với lôgic hình thức đã được C.Mác và Ph.Ăngghen giải quyết một cách khoa học trong các tác phẩm của mình. Hai ông không phủ nhận ý nghĩa của lôgic học hình thức, không coi nó là vô nghĩa, nhưng nhấn mạnh vai trò và ý nghĩa lịch sử của nó. Đồng thời, C.Mác và Ph.Ăngghen cũng chỉ ra sự khác biệt về chất giữa học thuyết biện chứng của mình với học thuyết biện chứng Hêghen. Ph.Ăngghen chỉ ra rằng, mối quan hệ giữa lôgic hình thức và lôgic biện chứng như là mối quan hệ giữa toán học sơ cấp và toán học cao cấp. Tuy nhiên, những công trình chuyên về lôgic biện chứng vẫn chưa được C.Mác, Ph.Ăngghen viết ra.

Kế tục sự nghiệp của C.Mác, Ph.Ăngghen về lĩnh vực này, V.I.Lênin đã đưa lôgic học biện chứng phát triển lên tầm cao mới. Trong tác phẩm “Lại bàn về công đoàn…”, V.I.Lênin đã chỉ ra sự khác nhau có tính nguyên tắc giữa lôgic hình thức và lôgic biện chứng. Đồng thời, lần đầu tiên V.I.Lênin đưa ra các nguyên tắc cơ bản – mang ý nghĩa phương pháp luận để định hướng cho chủ thể trong nhận thức và hành động, đó là các nguyên tắc: xem xét sự vật, hiện tượng một cách khách quan, toàn diện, lịch sử cụ thể, phát triển và thực tiễn.

Đương nhiên các nguyên tắc trên đây chưa phải là toàn bộ nội dung của lôgic biện chứng. Song, đây là những nguyên tắc cơ bản, trong bất luận trường hợp nào, nếu vi phạm những nguyên tắc này, tất yếu nhận thức sẽ rơi vào sai lầm. Giai đoạn sau Lênin đến nay, lôgic học đã có những bước tiến dài, đã xuất hiện lôgic toán… và việc ứng dụng nó rất rộng rãi vào tin học, vào khoa học, công nghệ và đã thu được những thành quả nhất định. ở Liên Xô (cũ) đã xuất hiện hàng loạt các công trình nghiên cứu về lôgic học, nhất là lôgic học biện chứng. Ngày nay, đang có những nhân tố mới kích thích lôgic học biện chứng phát triển.

2. Mối quan hệ giữa logic học hình thức và logic học biện chứng

Ta thấy rằng, để rút ra được mối quan hệ giữa logic học hình thức và logic học biện chứng, trước hết ta cần phải xem xét sự giống và khác nhau giữa hai hình thức này.

Sự giống nhau:

Thứ nhất, cả logic học hình thức và logic học biện chứng đều là sự phản ánh hiện thực khách quan ở những cấp độ khác nhau bằng những hình thức và quy luật.

Thứ hai, đều sử dụng những hình thức của tư duy là khái niệm, phán đoán, suy luận… để phản ánh sự vật.

Sự khác nhau:

Khoa học logic hình thức:

Đối tượng của lôgic hình thức là nghiên cứu hình thức và quy luật, quy tắc đảm bảo cho tư duy chính xác. Đó là những mối liên hệ vững bền giữa các yếu tố của sự suy nghĩ chính xác mang tính quy luật, cùng với việc mô tả hình thức kết cấu của tư duy. Để vạch ra những mối liên hệ vững chắc, có tính quy luật giữa những hình thức, kết cấu của tư duy khoa học, logic hình thức phải trừu tượng hóa nội dung suy nghĩ, tách hình thức ra khỏi nội dung cụ thể của suy nghĩ.

Các quy luật cơ bản của tư duy logic hình thức là quy luật đồng nhất, quy luật cấm mâu thuẫn, quy luật bài chung và quy luật lý do đầy đủ. Bốn quy luật phản ánh những mối liên hệ xác định của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan, có ý nghĩa phổ biến đối với mọi suy nghĩ của con người, thể hiện rõ nhưng yêu cầu về tính chính xác của hình thức tư duy. Nếu không tuân theo những yêu cầu, những quy tắc, những quy luật đó, tư duy sẽ phạm lỗi logic và không thể đạt tới tri thức chân thực. Đồng thời, giúp con người nâng cao trình độ tư duy, rèn luyện khả năng tư duy logic, bảo đảm cho tư duy đạt độ chính xác, chặt chẽ, nhất quán, có căn cứ và không mâu thuẫn.

Phương pháp cơ bản sử dụng trong nghiên cứu lôgic hình thức là phương pháp hình thức hoá. Hình thức hoá là phương pháp để vạch ra những mối liên hệ vững chắc, có tính quy luật giữa các yếu tố cấu thành tư tưởng và cụ thể hoá nó thành những quy tắc, công thức, những sơ đồ lôgic nhằm bảo đảm tính cân đối, liên tục, chính xác của tư duy. Phương pháp hình thức hoá dựa trên cơ sở trừu tượng hoá nội dung tư tưởng, tách hình thức ra khỏi nội dung để nghiên cứu, để tìm ra, ghi lại cơ cấu lôgic, hình thức lôgic của tư tưởng. Tuy nhiên, phương pháp hình thức hoá không chỉ có khoa học lôgic hình thức sử dụng mà còn được sử dụng rộng rãi ở một số khoa học khác theo yêu cầu riêng của nó. Ngoài phương pháp hình thức hoá nêu trên, khoa học lôgic hình thức còn sử dụng một số phương pháp khác như phân tích, trừu tượng hoá, khái quát hoá…

Còn đối với logic học biện chứng:

Đối tượng của lôgic học biện chứng nghiên cứu những quy luật và các hình thức của tư duy (khái niệm, phán đoán, suy luận…) và những quy luật nhận thức chân lý trên quan điểm biện chứng, tức là xem xét chúng trong mối liên hệ, chuyển hóa, trong sự vận động và phát triển. Bởi vì, thế giới vật chất luôn ở trong quá trình vận động, biến đổi và phát triển, cho nên những hình thức của tư duy đều phải dựa trên cơ sở đó, nghĩa là phải lấy nguyên lý phát triển làm cơ sở.

Những quy luật lôgic học biện chứng đó là quy luật những sự thay đổi về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất và ngược lại, quy luật thống nhất và đấu tranh các mặt đối lập, quy luật phủ định của phủ định. Đây là những quy luật phát triển của tư duy từ cái bên ngoài đi vào cái bên trong, từ hiện tượng đi tới cái bản chất, từ bản chất ít sâu sắc đến bản chất sâu sắc hơn, từ trực tiếp đến gián tiếp, từ trừu tượng đến cụ thể, từ chân lý tương đối đến chân lý tuyệt đối.

Từ đối tượng cơ bản như vậy, nhiệm vụ của lôgic học biện chứng cơ bản, trung tâm của khoa học logic biện chứng đó là:

Thứ nhất, logic biện chứng nghiên cứu sự cần thiết, cách thức thể hiện như thế nào trong khái niệm, trong phán đoán… về sự vận động, phát triển hay những mâu thuẫn bên trong của sự vật hiện tượng, những biến đổi về chất hay sự chuyển hóa cái này thành cái khác của chúng. Đây chính là nhiệm vụ trung tâm của logic biện chứng. Trong sự biểu đạt khoa học của mình, lôgic biện chứng xuất hiện như là một bộ phận của triết học mácxít.

Thứ hai, logic biện chứng nghiên cứu bản chất biện chứng của các phạm trù logic, tính linh hoạt, tính mềm dẻo của chúng đi đến tính đồng nhất của các mặt đối lập. Phép biện chứng chính là một học thuyết lôgic, vì chúng nghiên cứu chức năng nhận thức, là lôgic của những quy luật phổ biến và những phạm trù của sự phát triển.

Ba là, lôgic biện chứng nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của bản thân nhận thức. Lôgic biện chứng dựa trên lịch sử của nhận thức, đó là sự phát triển khái quát của tư duy, của lịch sử thực tiễn xã hội loài người.

Có thể nói, lôgic học biện chứng là cơ sở lôgic chung của nhận thức con người, là lý luận lôgic chung mà dựa vào đó con người ta có thể và cn phải có giải thích tất cả những lý luận lôgic riêng biệt và cụ thể, giải thích ý nghĩa và vai trò của những lý luận ấy.

Lôgic học hình thức và lôgic học biện chứng là hai ngành khoa học đều nghiên cứu tư duy, đều phản ánh hiện thực khách quan. Song có sự khác nhau căn bản về đối tượng, nhiệm vụ và nội dung nghiên cứu.

Lôgic hình thức nghiên cứu các quy luật và hình thức của tư duy nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chặt chẽ và nhất quán trong suốt quá trình tư duy, trừu tượng hóa nội dung, thì lôgic biện chứng nghiên cứu các hình thức và quy luật của tư duy biện chứng, nó chủ yếu quan tâm đến tính biện chứng về nội dung của tư duy.

Ví dụ: Trong phân tích về khái niệm:

Đối với Lôgíc học hình thức, khái niệm là sự thống nhất giữa nội hàm và ngoại diên, nó không chứa đựng mâu thuẫn. Còn đối với lôgíc học biện chứng, khái niệm bao hàm mâu thuẫn. Đây chính là tiền đề, là cơ sở của hình thức và phương pháp tư duy. Trong Lôgíc học hình thức, “nội hàm khái niệm là tập hợp tất cả những dấu hiệu chung của lớp đối tượng được phản ánh trong khái niệm. Trong khi đó Lôgíc học biện chứng quan niệm rằng: “ nội hàm của khái niệm phản ánh bản chất, mối quan hệ, liên hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng mà khái niệm đó phản ánh và bao quát”. Như vậy, theo cách hiểu này, nội hàm khái niệm không phụ thuộc số lượng dấu hiệu, đặc điểm mà phụ thuộc trình độ thâm nhập vào bản chất, quy luật của hiện thực khách quan, khi nhận thức càng phát triển, mức độ khái quát càng cao thì nội hàm phong phú hơn.

Lôgic học hình thức xem xét các hình thức của tư duy qua việc phản ánh sự vật, hiện tượng trong trạng thái tách rời, đứng im tương đối, ổn định tạm thời, do vậy nó dựa trên cơ sở tính đồng nhất, trừu tượng của các khái niệm, phạm trù cố định. Trong khi đó, logic học biện chứng xem xét các hình thức của tư duy qua sự phản ánh các sự vật, hiện tượng trong mối liên hệ, trong trạng thái mâu thuẫn, vận động, chuyển hóa và phát triển. Cho nên, nó dựa trên cơ sở tính đồng nhất, cụ thể là các phạm trù biến đổi. Do vậy, nó phản ánh sinh động hiện thực khách quan. V.I.Lênin nhận xét: Những quan hệ (=chuyển hóa = mâu thuẫn) của những khái niệm = nội dụng chủ yếu của lôgic, hơn nữa những khái niệm ấy (và những quan hệ, chuyển hóa và mâu thuẫn của chúng) đều được trình bày như là những phản ánh của thế giới khách quan.

Ta thấy rằng, logic hình thức xem xét hình thức và quy luật của tư duy không tính đến điều kiện lịch sử xã hội, văn hóa,… còn logic học biện chứng xem xét hình thức và quy luật của tư duy trên quan điểm thực tiễn, toàn diện, lịch sử, cụ thể, biến đổi và phát triển… logic học biện chứng xem thực tiễn là tiêu chuẩn của nhận thức chân lý.

Ví dụ: Trong phân tích về suy luận

Lôgic hình thức nghiên cứu kết luận chủ yếu về mặt kết cấu, hình thức nối tiếp nhau của những luận đề này từ những luận đề khác, trong khi đó nhiệm vụ chủ yếu của lôgic biện chứng là nghiên cứu vấn đề theo quan điểm xây dựng kết luận như thế nào từ nội dung phong phú, phức tạp của hiện thực.

A.G. Nôvicốp cho rằng, logic học biện chứng khác về căn bản với lôgic học hình thức và lôgic toán. Nó sử dụng phương pháp chính thức nghiên cứu các hình thức tư tưởng trong sự trừu tượng nội dung và lịch sử phát triển của nhận thức trong tất cả các mâu thuẫn của nó. Lôgic học biện chứng phân tích những mâu thuẫn biện chứng của sự vật, ý tưởng và sự phát triển của nhận thức. Nó là một phương pháp khoa học của nghiên cứu thực tế và chính sự suy nghĩ.

Như vậy, lôgic hình thức và lôgic biện chứng thống nhất trong sự khác biệt, có mối quan hệ chặc chẽ với nhau. Mối quan hệ đó được thể hiện:

Như Ph.Ăng ghen đã so sánh quan hệ giữa lôgic hình thức với lôgic biện chứng giống như quan hệ giữa “một thứ toán học cao cấp” của tư duy so với “một thứ toán học sơ cấp của tư duy”: “Phép biện chứng, phá vỡ chân trời nhỏ hẹp của lôgíc hình thức, đồng thời lại chứa đựng mầm mống của một thế giới quan rộng lớn hơn. Trong toán học cũng có mối quan hệ như vậy. Toán sơ cấp, tức là toán học về những số không đổi, tự vận động, ít ra là về toàn bộ, trong những giới hạn của lôgíc hình thức; còn toán học về các số biến mà phần quan trọng nhất là tính những đại lượng vô cùng bé, thì căn bản chỉ là áp dụng phép biện chứng vào các quan hệ toán học mà thôi”.

Lôgic hình thức là khoa học tư duy xây dựng trên cơ sở của tính đồng nhất trừu tượng của những phạm trù cố định, còn lôgic biện chứng là khoa học tư duy xây dựng trên cơ sở tính đồng nhất cụ thể của các phạm trù biến đổi, cơ sở khách quan của mối quan hệ biện chứng giữa lôgíc biện chứng và lôgíc hình thức chính là mối quan hệ biện chứng giữa sự vận động là tuyệt đối, vĩnh cừu và sự đứng im là tạm thời tương đối của mọi sự vật hiện tượng của thế giới vật chất”.

Mối quan hệ biện chứng giữa lôgíc hình thức và lôgíc biện chứng được thể hiện rõ rệt nhất là ở chỗ: Chúng bổ sung cho nhau. Những quy tắc, quy luật của lôgíc hình thức là những quy tắc cơ bản mà mọi tư duy đúng đắn kể cả tư duy biện chứng phải tuân theo, chúng là điều kiện cần để phản ánh đúng đắn, chân thực hiện thực khách quan. Nếu vi phạm các quy tắc, quy luật của lôgíc hình thức, thì trong quá trình nhận thức sẽ dẫn đến mâu thuẫn lôgíc tức là mâu thuẫn do sai lầm chủ quan của con người trong quá trình nhận thức làm cho tư duy rối loạn, phá hoại tính chính xác của tư tưởng. Để phản ánh đúng đắn, chân thực hiện thực khách quan, phát hiện tri thức mới, tìm ra chân lý, thì quá trình nhận thức trước hết phải tuân theo những quy tắc và quy luật của lôgíc hình thức, loại trừ mâu thuẫn lôgíc, trên cơ sở đó vận dụng phương pháp tư duy biện chứng các hình thức và quy luật của lôgíc biện chứng mới có thể đạt tới chân lý khách quan.

Tuy nhiên, không nên quan niệm rằng, lôgic hình thức là trình độ thấp của sự nhận thức thế giới, chỉ nên áp dụng đối với những hiện tượng sơ đẳng, hoặc đồng nhất lôgic hình thức với phép siêu hình và chỉ dùng trong “sinh hoạt thông thường”; cũng không nên quan niệm có lôgic biện chứng rồi thì không cần đến lôgic hình thức. Ngược lại, lôgic biện chứng đòi hỏi sự tư duy lôgic cân đối và tuân thủ nghiêm ngặt quy luật, quy tắc của khoa học lôgic hình thức. Có như vậy, chúng ta mới tìm ra được kết luận mới. Khẳng đinh vai trò to lớn của khoa học lôgic hình thức. V.I.Lênin cho rằng, phương pháp lôgic là một khâu cần thiết của nhận thức; không một khoa học nào có thể bỏ qua. Không có khoa học lôgic hình thức không thể phát hiện ra quy luật, không thể xây dựng lý luận, học thuyết.

Đã có quan niệm rằng, khoa học lôgic hình thức là lôgic học sơ cấp. Tên gọi này biểu hiện đúng đắn bản chất và vai trò nhận thức của lôgic hình thức. Song, không nên cho rằng, sơ cấp là thấp, là không quan trọng, mà đây là sự khởi đầu, là cơ sở, là yếu tố bắt buộc, một mắt khâu không thể thiếu của quá trình nhận thức.

Với vai trò tích cực của nó, lôgic hình thức đã có lý do để tồn tại và phát triển với tư cách là một khoa học độc lập xuyên suốt lịch sử khoa học từ xưa đến nay. Song, lôgic hình thức cũng có những hạn chế của nó. Ngoài hạn chế lịch sử, chúng ta cần lưu ý những hạn chế về nguyên tắc của lôgic hình thức. Điều dễ thấy là các quy luật của lôgic hình thức không bao quát hết toàn bộ các quy luật lôgic của tư duy đang nhận thức và không phải là loại hình quy luật lôgic của sự hình thành và phát triển của tư duy. Phản ánh tư duy đang nhận thức và các quy luật vận động, phát triển của thế giới hiện thực khách quan là nhiệm vụ của lôgic biện chứng.

Lôgic biện chứng là khoa học nghiên cứu những quy luật biện chứng của tư duy nhằm phản ánh đúng đắn sự vận động, phát triển của thế giới khách quan. Nhờ đó, nó khắc phục “tầm chật hẹp” của lôgic hình thức, qua đó vạch ra hình thức lôgic trong sự thống nhất với nội dung cụ thể của suy nghĩ, của tư tưởng.

Lôgic biện chứng không thủ tiêu lôgic hình thức mà chỉ tước bỏ ý nghĩa tuyệt đối của những quy luật của lôgic hình thức mà thôi, đồng thời nâng tư duy lên tầm cao hơn. Rõ ràng, lôgic biện chứng không những chỉ “sống chung” với lôgic hình thức mà còn nhấn mạnh sự cần thiết của lôgic hình thức và khẳng định dứt khoát rằng, nếu không nghiên cứu lôgic hình thức thì không thể nào lĩnh hội được phương pháp tư duy biện chứng duy vật. Do vậy, việc học tập, rèn luyện tư duy biện chứng, trước hết phải học suy nghĩ chính xác ở mức độ sơ cấp, không được vi phạm những quy luật, quy tắc của lôgic hình thức.

Lôgic học biện chứng ra đời là một bước phát triển về mặt tư duy. Song, nó không phải là sự thủ tiêu lôgic học hình thức. Trái lại, lôgic học biện chứng cho phép xác nhận vị tri quan trọng của lôgic học hình thức và sự cần thiết của nó trong nghiên cứu khoa học cũng như trong cuộc sống. Ph.Ăngghen cho rằng, khoa học về tư duy cũng như bất kỳ khoa học nào khác, là khoa học lịch sử, khoa học về sự phát triển lịch sử của tư duy con người.

Cần lưu ý, lôgic học biện chứng và lôgic học hình thức là hai ngành khoa học không mâu thuẫn, không loại trừ nhau. Trong sự phát triển của mỗi ngành khoa học, chúng bổ sung cho nhau và đều rất cần thiết cho nhận thức và nghiên cứu khoa học. Mỗi ngành khoa học có ưu điểm và hạn chế nhất định và có phạm vi ứng dụng riêng. Vì vậy, không nên phủ nhận hoặc cem nhẹ một ngành khoa học nào. Việc nắm vững hai ngành khoa học này, từ đó vận dụng vào quá trình nhận thức sẽ cho phép phản ánh chính xác, đầy đủ, khách quan và toàn diện hiện thực khách quan.

3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu lôgíc học đối với học viên sau đại học.

Lôgic học là một khoa học có vai trò quan trọng cần thiết cho mọi người. Điều này đã được nhiều nhà triết học khẳng định. Lépnít cho rằng, nếu các nhà khoa học nhiệt tình nghiên cứu lôgic học như những nhạc sỹ nghiên cứu âm nhạc thì họ có thể sáng tạo ra những điều kỳ diệu. Mintô khẳng định: sứ mệnh cao cả của lôgic học là giữ gìn cho trí tuệ tránh khỏi các sai lầm. Đề cao vai trò của lôgic học, Hêghen viết: không nghi ngờ gì nữa nghiên cứu lôgic học mang đến nhiều điều bổ ích, lôgic học làm cho sáng trí tuệ, giúp con người tinh khôn.

Việc nắm chắc đặc điểm của lôgic hình thức, logic biện chứng và mối quan hệ giữa hai hình thức tư duy này có ý nghĩa to lớn đối với học viên nói chung và học viên cao học nói riêng.

Việc nghiên cứu lôgic học giúp tư duy của học viên chủ động, tự giác và thông minh hơn. Việc tuân thủ và rèn luyện các quy luật và hình thức của lôgic giúp cho người học tìm kiếm những con đường ngắn nhất, đúng nhất và hiệu quả nhất để đạt đến chân lý trong quá trình học tập. Giúp chúng ta phát hiện những sai lầm lôgic của chúng ta và người khác, cũng như để tránh khỏi những sai lầm lôgic do vô tình hay hữu ý phạm phải. Tri thức lôgic học có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nắm vững tri thức mới, tìm ra con đường ngắn nhất để nâng cao trình độ tư duy cũng như phát hiện giả dối, sai lầm, cảnh báo trước những điều có thể xảy ra, tìm ra và sửa chữa sai lầm nếu mắc phải.

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động đặc thù của học viên cao học, vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. Bởi nắm chắc kiến thức, vận dụng thành thạo các quy luật lôgic chắc chắn sẽ thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu khoa học. Vì trước tiên hoạt động nghiên cứu khoa học là hoạt động của tư duy. Học tập lôgic là cần thiết, nó giúp cho tư duy con người chủ động, tự giác góp phần thể hiện tính chính xác, tính triệt để, tính có căn cứ, và chứng minh được các lập luận, nâng cao hiệu quả và tính thuyết phục của các tư tưởng. Việc nghiên cứu lôgic giúp cho con người tìm kiếm con đường ngắn nhất, đúng đắn và hiệu quả nhất, tránh được những sai lầm lôgic. Việc nắm chắc các quy luật cùng các hình thức của lôgic có một vị trí quan trọng trong cuộc sống hàng ngày, trọng hoạt động thực tiễn để nhận thức chân lý và cải tạo thế giới

Quá trình học tập, nghiên cứu khoa học, để có thể xây dựng hệ thống khái niệm, phạm trù trong mỗi bài viết, trong luận văn đòi hỏi người học phải nắm chắc các quy luật, các quy tắc và những yêu cầu của lôgic hình thức; để trên cơ sở đó khái quát hoá các thuộc tính, bản chất của đối tượng nghiên cứu. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở lôgic hình thức thì chưa đủ, chưa phản ánh hết tính chân thực và phong phú của đối tượng nghiên cứu. Và để giải quyết được vấn đề đó đòi hỏi người học phải tư duy ở trình độ cao hơn, đó chính là tư duy biện chứng. Nói cách khác, đồng thời với việc bảo đảm tính chính xác và chặt chẽ mà lôgic hình thức đặt ra, chúng ta phải đặt nó trong mối quan hệ với lôgic biện chứng để phân tích, luận giải, làm rõ bản chất vấn đề cần nghiên cứu.

Học viên cao học đang trong quá trình tích luỹ kiến thức và bước đầu nghiên cứu khoa học, nhằm nâng cao khả năng hệ thống hoá, khái quát hoá và trừu tượng hoá; từ đó hình thành tư duy lôgic và khả năng phát hiện, xử lý thông tin. Do vậy, việc nắm vững mối quan hệ giữa lôgíc hình thức và lôgic biện chứng sẽ giúp cho họ tránh được những sai lầm trong định hướng trí tuệ, giúp tư duy phát triển đúng quy luật, luôn chủ động, tự giác; góp phần thể hiện tính chính xác, tính triệt để, tính có căn cứ của các lập luận, nâng cao hiệu qủa và tính thuyết phục của các quan điểm.

Trong cuộc đấu tranh tư tưởng – lý luận hiện nay, đòi hỏi học viên cao học triết học cần nắm vững tư duy lôgic. Bởi lẽ, chính nó là công cụ sắc bén để vạch rõ bản chất, âm mưu thủ đoạn cùng những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của kẻ thù; qua đó góp phần bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng.

Nắm chắc được những nguyên tắc, quy luật của khoa học lôgic, nhất là những nguyên tắc phương pháp luận của lôgic biện chứng có vai trò quan trọng đối với học viên cao học trong nhận thức và cải tạo sự vật hiện tượng, nhất là đánh giá đúng bản chất của các vấn đề trong đời sống xã hội. Hệ thông nguyên tắc phương pháp luận lôgic biện chứng đó là: khách quan, toàn diện, lịch sử – cụ thể và phát triển.

Cần có quan điểm toàn diện trong nhận thức, xem xét các sự vật hiện tượng cũng như trong hoạt động thực tiễn. Yêu cầu, khi nghiên cứu sự vật phải xem xét tất cả các mối liên hệ của bản thân sự vật và với các sự vật khác. Đồng thời, xem xét toàn diện nhưng không dàn đều mà phải có trọng tâm, trọng điểm, xem xét toàn diện mối liên hệ bản thân sự vật, để đảm bảo tính đồng bộ, tính hệ thống trong giải quyết những vấn đề của cuộc sống, tránh sai lầm, phiến diện, tuyệt đối hoá một mặt nào đó. Trong hoạt động thực tiễn, quan điểm toàn diện đòi hỏi, muốn cải tạo sự vật, phải sử dụng đồng bộ nhiều biện pháp, nhiều phương tiện khác nhau để tác động làm thay đổi các mối liên hệ tương ứng.

Trong thực tiễn cần có quán triệt quan điểm lịch sử – cụ thể, vì sự vật tồn tại trong khoảng thời gian giới hạn, không gian giới hạn, với những mối liên hệ nhất định. Nên đánh giá sự vật cần phải xem xét sự vật với khoảng thời gian tồn tại của nó. Cần phê phán chủ nghĩa chiết trung và thuật ngụy biện.

Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn cần quán triệt nguyên tắc phát triển. Nghĩa là khi xem xét các sự vật hiện tượng phải đặt chúng trong sự vận động, sự phát triển, vạch ra xu hướng biến đổi và chuyển hoá của chúng. Quan điểm phát triển đòi hỏi trong xem xét sự vật phải tính đến các giai đoạn, thời kỳ phát triển của nó. Trên cơ sở đó tìm ra phương pháp nhận thức và cách tác động thích hợp nhằm thúc đẩy hay kìm hãm sự phát triển của sự vật, tuỳ theo mục đích, lợi ích của chủ thể. Cần chống tư tưởng bảo thủ, trì trệ, định kiến trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Thấy được sự phát triển là một quá trình khó khăn, phức tạp, mang tính khuynh hướng, nên khi đánh giá sự phát triển phải có quan điểm lịch sử – cụ thể. Nghĩa là, khi nhận thức và tác động vào sự vật phải chú ý đến điều kiện, hoàn cảnh lịch sử – cụ thể, môi trường cụ thể mà sự vật đó sinh ra, tồn tại và phát triển.

Việc nghiên cứu, nắm vững và vận dụng sáng tạo những kiến thức lôgic học nói chung, mối quan hệ giữa lôgic hình thức và lôgic biện chứng nói riêng sẽ có vai trò và ý nghĩa rất lớn đối với quá trình rèn luyện và phát triển tư duy của đối với học viên sau đại học. Sự kết hợp giữa lôgic biện chứng và lôgic hình thức sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tư duy phát triển một cách toàn diện, giúp chúng ta nhận thức được đầy đủ và chính xác sự vận động, biến đổi và sự phát triển liên tục của thực tiễn cuộc sống. Để cho tư duy của người học phát triển một cách liên tục, cân đối về mặt lôgíc thì quá trình tư duy tất yếu phải được điều khiển, định hướng và kiểm tra một cách có ý thức bởi những quy tắc, quy luật và những yêu cầu của cả lôgic hình thức và lôgic biện chứng.

Tóm lại, lôgic học rất cần thiết cho hoạt động sống của con người. Chỉ khi nào nắm vững tri thức lôgic học thì chúng ta mới áp dụng một cách tự giác các tri thức ấy vào quá trình rèn luyện, phát triển tư duy lôgic. Đặc biệt trong lĩnh vực hoạt động quân sự việc rèn luyện, phát triển tư duy lôgic nhằm phản ánh chính xác đối tượng không phạm lỗi lôgic, có sức thuyết phục đối với người chỉ huy có vai trò hết sức quan trọng góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

(Nguồn: Mối quan hệ giữa lôgíc hình thức và lôgíc biện chứng. Ý nghĩa đối với việc phát triển tư duy cho học viên đào tạo sau đại học.)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]