1. Triều Tiên trước sự xâm nhập của tư bản phương Tây
Vương triều Choson (Triều Tiên) được thiết lập trên bán đảo Cao Ly từ cuối thế kỷ XIV và tồn tại đến khi bị Nhật thôn tính (1392-1910). Vào thời kỳ cận đại, Triều Tiên là một quốc gia phong kiến lạc hậu, dựa trên cơ sở kinh tế nông nghiệp. Quan hệ ruộng đất phong kiến chi phối, vua là người sở hữu ruộng đất cao nhất. Nhà vua cấp ruộng đất cho các quan văn võ. Pháp luật Triều Tiên không thừa nhận quyền mua bán ruộng đất.
Nông dân dần dần thành kẻ lĩnh canh phải đóng góp tô thuế nặng nề. Ngoài ra nông dân còn có nghĩa vụ lao dịch, binh dịch và bị khống chế không khác gì nông nô. Đời sống nông dân rất khổ cực, sản xuất trì trệ.
Ruộng đất Triều Tiên chia ra làm 4 loại sở hữu khác nhau.
a) Ruộng thuộc Nhà vua và hoàng tộc. Đất đai này do Nội phủ quy hoạch điều hành sản xuất.
b) Ruộng đất để nuôi bộ máy chính quyền gồm mấy loại :
- Công giải điền dùng chi phí cho công sở, phủ đường.
- Ruộng bổng lộc của các quan gọi là nha lộc điền.
- Ruộng dùng cho quân sự gọi là quân tứ điền.
- Ruộng sản xuất dùng chi tiêu cho đất nước là công tứ điền
- Đất ruộng cho chùa và thiền viện
- Đất phong tặng cho công thần
c) Đất tư nhân
d) Đất công điền.
Bộ Đại điển thông biện công bố năm 1785 là bộ sử liệu quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử kinh tế Triều Tiên.
Trước thế kỷ XIX, Nhà nước quản lý thủ công nghiệp ở kinh thành và thủ công nghiệp ở các đạo, các khu vực. Sự quản lý hàng hóa rất khắt khe từ khâu nguyên liệu đến loại hình và giá cả sản phẩm.
Đến thế kỷ XIX do ảnh hưởng của kinh tế hàng hóa, sản phẩm thủ công nghiệp đã bắt đầu chịu sự chi phối nhất định của nhu cầu xã hội. Kỹ thuật dệt tơ lụa, làm giấy, gốm sứ đều tiến bộ hơn, sản phẩm đa dạng và trình độ kỹ thuật cao hơn. Nhưng công trường thủ công chưa xuất hiện nhiều.
Ngành thương nghiệp không phát triển, cũng giống như các quốc gia ở châu Á phong kiến lạc hậu khác. Hàng hóa trao đổi trong nước chủ yếu là để thỏa mãn nhu cầu tối thiểu. Mặt hàng chính là vải vóc, thuốc men, đồ sứ và dao, cày bừa.
Về chính trị, hệ thống chính quyền phong kiến đầu thời Lý hầu như không có gì biến đổi. Vua là người thống trị tối cao. Cả nước chia làm 8 khu vực gọi là đạo (tỉnh), dưới đạo là châu và quận.
Dân cư trong xã hội chia làm 4 đẳng cấp.
- Quý tộc, gọi là Lưỡng Ban, là trụ cột của nền thống trị phong kiến.
- Trung nhân gồm nhà buôn, thầy thuốc.
- Thường nhân là nông dân, thợ thủ công.
- Tiện dân gồm kỹ nữ, nô lệ, nghệ nhân. Đây là đẳng cấp thấp nhất trong xã hội.
Cuộc đấu tranh giành quyền lực đã xảy ra khá mạnh mẽ giữa các phe phái trong cung đình. Họ thường dựa vào thế lực Mãn Thanh để giành ưu thế và củng cố địa vị. Vào năm 1865 Vua Triết Tông chết không có con trai kế vị, cháu của vua lên ngôi lúc 12 tuổi là Cao Tông. Do vậy vua Cao Tông không nắm được thực quyền, mà quyền lực thực tế nằm trong tay Đại viện quân. Sự chấp chính của Đại viện quân kéo dài trong hơn 10 năm (1865-1878). Đại viện quân đã thi hành hàng loạt chính sách đối nội và đối ngoại để củng cố và mở rộng quyền lực.
Để có thể chống lại các thế lực bên ngoài, Đại viện quân tổ chức lại quốc phòng, xây dựng củng cố quân đội, quản lý quân số chặt chẽ, đặt các đồn lũy ở phía bắc, xây dựng pháo đài ở phía bắc và Hán Thành cùng một số nơi trọng yếu. Đế tăng cường sức mạnh của chính quyền trung ương, Đại viện quân chống lại các thế lực cát cứ địa phương. Đồng thời Đại viện quân chống lại thế lực họ Kim là dòng dõi phong kiến đã nắm quyền ở Triều Tiên suốt ba đời vua trước. Đại viện quân đưa những người thân mình vào nắm giữ các cơ quan trung ương và tu sửa cung điện để tăng thêm uy thế.
Đại viện quân ra lệnh đúc tiền mới vào năm 1866 có giá trị gấp 100 đồng tiền cũ. Tuy mong muốn dùng chính sách tiền tệ mới để ổn định kinh tế, nhưng điều này không thực hiện nổi vì sự khủng hoảng kinh tế. Năm 1874 đồng tiền mới cũng mất giá phải dùng tiền Trung Quốc thay thế. Mất mùa, thiên tai, nhân dân nghèo đói mà những công trình xây dựng thì đòi hỏi tiền tài và sức lực, Đại viện quân tăng cường thu thuế và bắt nông dân đi lao dịch. Nông dân vô cùng khổ cực nổi lên chống lại chính quyền, phong trào nông dân bùng nổ.
Về chính sách đối ngoại, lúc đầu Đại viện quân cho phép Thiên chúa giáo truyền đạo tự do. Vào thời Thuần Tổ (1801-1834), thế lực Thiên chúa giáo ở Triều Tiên khá mạnh, trở thành lực lượng hỗ trợ cho các nước tư bản xâm nhập vào bán đảo.
2. Đế quốc Âu Mỹ xâm lược Triều Tiên và sự thất bại của chúng
Năm 1832, đế quốc Anh phái tầu đến thăm dò việc buôn bán ở Triều Tiên nhưng bị cự tuyệt. Giáo sĩ Pháp đã thành công trong việc lôi cuốn nhân dân vào niềm tin tôn giáo mới. Năm 1837 đã có chừng 9000 người Triều Tiên thành tín đồ. Tình hình này làm cho chính quyền không an tâm liền tiến hành trấn áp, 150 tín đồ Triều Tiên và 3 người Pháp bị tử hình. Pháp định dùng vũ lực can thiệp đòi quyền thông thương buôn bán, nhưng Chính phủ Triều Tiên cương quyết cự tuyệt.
Từ năm 1845, quốc hội Mỹ đã có ý định thiết lập quan hệ với Nhật và Triều Tiên. Đây cũng là những năm tháng các nước tư bản Tây Âu đang tìm cách xâu xé, nô dịch Trung Quốc mà hiệp ước Nam Kinh là tiêu biểu. Sự đầu hàng của phong kiến Trung Quốc như nhắc nhở Triều Tiên về số phận của mình. Để bảo đảm an toàn, chính quyền phong kiến Triều Tiên đã lựa chọn con đường đóng cửa như các quốc gia lạc hậu khác ở châu Á.
Mỹ đã phái chiến hạm với 1230 lính đến Triều Tiên. Ngày 16-5-1845 chiến thuyền Mỹ vào Triều Tiên, ngày 23-5 đòi khảo sát cửa sông Hàn (Hàn Giang) và công khai chuẩn bị đánh Triều Tiên. Khi chiến hạm Mỹ đến gần đảo Giang Hoa, những pháo đài bảo vệ nổ súng, chống lại một cách kiên cường, buộc các chiến hạm Mỹ phải rút lui. Tuy vậy, phía Triều Tiên vẫn giữ thái độ nhân nhượng, hy vọng không xảy ra các cuộc xung đột. Nhưng phía Mỹ những tưởng có khả năng dùng vũ lực giành thắng lợi nên cuộc chiến tranh càng mở rộng. Ngày 10-6 Mỹ dùng nhiều tầu nhỏ tấn công đảo Giang Hoa, sau đó đổ bộ lên đất liền và chiếm được pháo đài ở Trấn Thảo Dư. Nhưng vào lúc nửa đêm, một tốp lính xung kích do chỉ huy đảo Giang Hoa là Lý Chương Khiêm đã đẩy lùi quân lính Mỹ.
Sáng hôm sau, quân Mỹ đánh vào Quảng Thành, cuộc chiến đã diễn ra ác liệt. Phụ nữ và quân lính Triều Tiên chống giữ quyết liệt, quân Mỹ bị thương vong khá nhiều, 3 trong 5 tàu chiến bị thương. Chính phủ Triều Tiên đã huy động lực lượng quân đội cùng nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh chống xâm lược nhằm bảo vệ đất đai thiêng liêng của Tổ quốc. Quân Mỹ vấp phải sự kháng chiến kiên cường của quân dân Triều Tiên. Biết không thể chiến thắng, ngày 12-6 Bộ chỉ huy quân viễn chinh đã ra lệnh rút quân. Cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Triều Tiên tháng 6 năm 1871 đã đánh tan ý đồ xâm lược của đế quốc Mỹ.
Năm 1866, Pháp lấy cớ Triều Tiên đã giết chết 9 cố đạo người Pháp nên tiến hành tấn công nhưng bị Triều Tiên đánh bại, tàu Pháp phải rút chạy khỏi đảo Giang Hoa.
Cuộc chiến đấu kiên cường và thắng lợi của nhân dân Triều Tiên đã để lại những trang sử sáng chói.
“Quân giặc đến, hoặc đánh hoặc hòa, hòa là bán nước. Con cháu ngàn đời đừng quên !”. Đó là lời trên tấm bia kỷ niệm chiến thắng đế quốc xâm lược Âu Mỹ còn lưu lại đến nay.
3. Những hiệp ước không bình đẳng
Nhật Bản cuối thế kỷ XIX đã dần dần trở thành một đế quốc. Trong cuộc cạnh tranh thuộc địa, Nhật Bản đầu tiên chú ý đến Triều Tiên và Trung Quốc. Sau cuộc Duy Tân Minh Trị (1868), Nhật Bản đòi các nước phương Tây xóa bỏ các hiệp ước bất bình đẳng và đòi có quyền tham gia phân chia quyền lực và thị trường bên ngoài. Các phần tử quân phiệt Nhật đã tuyên truyền thuyết “Chinh phục Hàn Quốc” nhằm hòa hoãn mối mâu thuẫn giữa quý tộc võ sĩ với chính quyền, và mở rộng nguồn tích lũy vốn một cách nhanh chóng.
Tháng 9 năm 1875, Nhật cho tàu chiến vào cửa sông Hàn đòi buôn bán. Chúng đã gây ra cuộc chiến đổ máu chống nhân dân Triều Tiên. Tháng 2 năm 1876, Nhật lấy cớ phải giải quyết vụ xung đột, cử Bộ trưởng ngoại giao đến buộc Triều Tiên ký Hiệp ước Giang Hoa. Hiệp ước gồm 13 khoản, có nhiều điều khoản xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Triều Tiên.
Nhật buộc Triều Tiên mở cửa Nhân Xuyên và Nguyên Sơn để buôn bán. Nhật có quyền đặt sứ quán ở Triều Tiên và giành được quyền lãnh sự tài phán. Vì Triều Tiên là thần thuộc của Trung Quốc nên đối với Nhật, việc đầu tiên là tách Triều Tiên ra khỏi Trung Quốc để dễ bề hành động. Nhật ghi trong điều ước thừa nhận Triều Tiền là “một quốc gia bình đẳng” với Nhật.
Đế quốc Mỹ thấy Nhật mở cửa được Triều Tiên, tháng 5-1882 đã buộc Triều Tiên ký Hiệp ước Triều Mỹ. Mỹ giành quyền tối huệ quốc. Tháng 6 năm đó, Anh ký hiệp ước tương tự. Nhưng Anh không vừa lòng với những điều trong hiệp ước đã cùng Đức buộc Triều Tiên ký hiệp ước với điều khoản nặng nề hơn. Điều quan trọng là cùng với quyền lãnh sự tài phán, tàu thuyền của Anh và Đức có thể vào nhiều cảng khẩu của Triều Tiên. Sau Mỹ, Anh, Đức là các đế quốc Nga, Pháp, Áo lần lượt ký hiệp ước với Triều Tiên… vào năm 1884, 1886, 1892.
Những hiệp ước bất bình đẳng thực chất đã làm cho Triều Tiên phụ thuộc nước ngoài ngày càng nhiều, làm bùng nổ phong trào đấu tranh của nhân dân.
Nguồn: Lịch sử thế giới cận đại, Vũ Dương Ninh – Nguyễn Văn Hồng, Nhà xuất bản Giáo dục