Trang chủ Lịch sử Trịnh Hoài Đức – Sáng cùng nhật nguyệt rạng trời Nam

Trịnh Hoài Đức – Sáng cùng nhật nguyệt rạng trời Nam

by Ngo Thinh
228 views

Tương truyền, từ triều vua Minh Mạng (1820-1841) trở về sau này, những quan được bổ nhiệm chức vụ trọng yếu tại Nam kỳ trước lúc lên đường đều tìm đọc tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức. Bởi lẽ, đây là cuốn địa chí ghi chép chu đáo, đầy đủ nhiều mặt về núi sông, cương giới, tài nguyên, phong tục thành trì, con người ở Gia Định. Không những thế, khi triều đình nhà Nguyễn biên soạn các bộ sách như Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Đại Nam nhất thống chí cũng đều có tham khảo bộ sách của Trịnh Hoài Đức. Ông sinh năm 1765, còn có tên là An, tên tự là Chỉ Sơn, tên hiệu là Cấn Trai. Tổ tiên vốn gốc người Trường Lạc, huyện Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc). Đầu đời nhà Thanh, ông nội là Trịnh Hội thuộc nhóm “bài Mãn Thanh phục Minh” di cư qua Việt Nam – cư ngụ tại Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay). Lúc Trịnh Hoài Đức mới lên mười thì cha là Trịnh Khánh qua đời. Gặp thời buổi loạn lạc, ông theo mẹ – người phụ nữ Việt – dời vào ở Phiên Trấn (tức Gia Định, phía Bắc Sài Gòn). Tại đây, ông được thụ giáo với bậc thầy xử sĩ Gia Định là Võ Trường Toản tiên sinh. Suốt thời gian đi học, ông tỏ ra có chí và thông minh hơn người, chơi thân và kết bạn với Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh – mà người đời thường gọi là “Gia Định tam gia”.

Tượng Trịnh Hoài Đức (1765-1825) tại thành phố Hồ Chí Minh

Năm 1788, Trịnh Hoài Đức thi đậu rồi ra làm quan với triều đại Nguyễn Ánh. Dù trải qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng lúc nào ông cũng tỏ ra là người thanh liêm, chính trực. Sau khi lên ngôi, tháng 5/1802, Nguyễn Ánh thăng cho ông chức Thượng thư bộ Hộ và giao làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Như vậy sứ bộ này gồm có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Hoàng Ngọc Uẩn – là sứ bộ đầu tiên của triều Nguyễn đi sứ nhà Thanh. Trong chuyến đi này, họ có nhiệm vụ dâng Quốc thư, cống vật lẫn cả sách ấn của Tây Sơn và đóng gông áp tải bọn hải tặc từng quấy rối vùng biển nước ta. Trong chuyến đi này, Trịnh Hoài Đức đã hoàn thành tập thơ Bắc sứ thi tập, trong đó có 18 bài thơ Nôm liên hoàn – với hơi thơ khỏe khoắn, đằm thắm tình yêu đối với quê hương đất nước. Qua bài XI dưới đây có thể thấy tình cảm của ông đối với đất Việt đã từng cưu mang ông – một người có hai dòng máu Hoa – Việt:

Nước nhà xưa có phụ chi ai?
Nhắn với bao nhiêu kẻ cõi ngoài.
Gắng sức dời non khoan nói tướng,
Trải lòng nâng vạc mới rằng trai.
Nắng sương chưa đội trời chung một,
Sông núi đừng cho đất rẽ hai.
Giúp cuộc Võ Thang ra sức đánh,
Người coi để tiếng nhắc lâu dài.

Làm quan dưới thời Gia Long, Trịnh Hoài Đức có hai lần làm Hiệp tổng trấn Gia Định vào năm 1808 và 1816, vì nhà vua cho rằng “Gia Định là một thành lớn phương Nam lại có việc giao thiệp với lân bang rất hệ trọng, cần phải có người giỏi trấn nhiệm mới được”. Năm 1819, Gia Long mất, Minh Mạng nối ngôi. Bấy giờ, có người khuyên nhà vua nên giao việc cho hạ thần, ngồi khoanh tay, không cần làm việc gì, để bắt chước phép trị nước đời xưa. Minh Mạng đem ý kiến này hỏi các quần thần, Trịnh Hoài Đức mạnh dạn tâu rằng:

– Đời xưa bảo không làm là không thấy vết tích việc làm mà thôi. Cái lẽ ở đời, không khó nhọc sao được an nhàn, cho nên muốn không làm, thì trước hết phải làm.

Ý kiến của ông được Minh Mạng cho là đúng. Lòng yêu quý và tin dùng của Minh Mạng đối với Trịnh Hoài Đức, còn hơn cả thời Gia Long. Trước đây, quan văn chưa có một ai được trao nhất phẩm, nay Minh Mạng trao cho ông với lời dụ:

– Hiện nay, ban văn không có ai hơn ngươi, nên cố gắng làm hết chức vụ, để giúp trẫm những điều chưa biết tới, ngươi chớ nên từ chối.

Tháng 9 năm 1821 ông được thăng hàm Hiệp biện đại học sĩ, nhận chức Thượng thư bộ Lại kiêm Thượng thư bộ Binh. Cũng trong năm này, ông hộ giá vua Minh Mạng đi Bắc tuần các tỉnh Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Dù nhận nhiều nhiệm vụ, nhưng ông vẫn không ngừng để tâm nghiên cứu học thuật. Tháng 3/1822, ông giữ chức Chánh chủ khảo trường thi Hội, đến tháng 9 cùng năm thì ông đã dâng lên vua hai bộ sách là Lịch triều kỷ nguyênKhang tế lục. Không những giỏi về văn mà Trịnh Hoài Đức còn nhiều ý kiến xác đáng về việc võ. Ông từng khuyên nhà vua: “Nhà nước tuy yên nhưng không nên quên việc chinh chiến”. Và những kế hoạch của ông về tổ chức nhân sự trong quân ngũ đã được Minh Mạng phê đáp: “Sự lý ngươi dâng nói, nay và xưa tuy khác, nhưng việc hay thì cũng nên chọn mà thi hành”. Thật lạ, với cương vị như vậy, nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn không có… nhà riêng! Biết được chuyện này, nhà vua đã cấp cho ông 3000 quan tiền và gỗ, gạch ngói để làm nhà! Lúc này ông được kiêm thêm chức Thượng thư bộ Lễ.

Tháng 7/1823, cảm thấy đã sắp hết lứa tuổi 50 “ngũ thập tri thiên mệnh” nên ông dâng biểu xin nghỉ việc, với lý do trong người đang bị chứng bệnh hàn thấp. Còn ở Gia Định, vợ chết chưa chôn, con đang chịu tang và xin về bằng đường biển để thỏa nguyền “cáo chết quay đầu về núi”. Đọc tờ biểu, vua Minh Mạng đầm đìa nước mắt, cấp cho sâm quế để điều trị bệnh, nhưng vẫn không cho về. Sau khi lành bệnh, ông lại dâng biểu xin nghỉ ba tháng để về thăm nhà, vua Minh Mạng đành chấp thuận. Có thể nói, Gia Định là nơi mà Trịnh Hoài Đức dành nhiều tình cảm nhất. Khi quân Tây Sơn đánh vào Gia Định năm 1783, phải chạy qua Cao Miên, ông từng thao thức “Gia Định hương quan nhập mộng hồn” (Quê hương Gia Định nhập vào trong mộng). Và cũng chính trên mảnh đất này, ông là một trong những người sáng lập ra Bình Dương thi xã và nhóm Sơn Hội. Đây là hai trong những thi xã nổi tiếng ở đất Nam Kỳ lục tỉnh. Đặc biệt những thành viên sáng lập đều có chữ Sơn như Chỉ Sơn Trịnh Hoài Đức, Nhữ Sơn Ngô Nhơn Tịnh, Hối Sơn Hoàng Ngọc Uẩn… Những bài thơ của Trịnh Hoài Đức được tập hợp trong tập Cấn Trai thi tậpBắc sứ thi tập, trong đó ông miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên, con người cần cù lao động với cảm xúc nồng nàn, đằm thắm và “Có lẽ lần đầu tiên trong thơ ca Việt Nam xuất hiện hình ảnh, sinh hoạt của đất nước Chân Lạp với vẻ đẹp của Biển Hồ, Đế Thiên, Đế Thích, với cảnh người dân Khơme đánh trống đua thuyền rước nước. Tác giả còn nói đến tình thân như một nhà của hai dân tộc Việt – Miên. Tình cảm gia đình của ông cũng rất sâu nặng, nhưng chưa bao giờ vì những tình cảm ấy mà ông quên nhiệm vụ” (Từ điển văn học, tập II, trang 444). Nhưng đóng góp lớn nhất của Trịnh Hoài Đức là bộ Gia Định thành thông chí – tác phẩm biên khảo này đã nâng ông lên tầm vóc của một nhà văn hóa Việt Nam, một nhà địa phương chí có tầm cỡ trong văn hóa Việt Nam. Trịnh Hoài Đức đã viết tác phẩm này vào thời điểm nào?

Theo Đại Nam thực lục chánh biên, đệ nhị kỷ, quyển III có chép vào tháng 5/1820 dưới đời vua Minh Mạng: “Trẫm nghĩ, đời trước các đấng đế vương trị vì, đều có sử sách ghi chép việc hành chánh để lưu truyền đời sau… Trẫm thích xem cổ điển, noi chí tiền nhơn, muốn rộng việc tìm cũ tích xưa, để giao phó cho sử quan biên chép. Nhưng vì sau cơn binh cách, sách vở vương phủ không còn bao nhiêu; nay chỉ trông cậy vào các tư gia uẩn súc văn chương, hoặc giả còn có biên chép lại. Vậy truyền rao quan dân trong kinh ngoài quân, nhà nào có ghi chép Tiên triều cổ điển, bất câu tường lược, hoặc đưa vào nguyên bản dâng lên, hoặc cho quan mượn chép lại đều có khen thưởng”. Vâng theo chiếu chỉ này, Trịnh Hoài Đức đã dâng bộ Gia Định thành thông chí (3 quyển) và Minh bột di ngự văn thảo thư, được nhà vua khen ngợi và ban thưởng vàng bạc. Như vậy, căn cứ vào văn bản với những câu như “Thần v.v…” thì biết ông vâng lệnh triều đình mà biên soạn, hoặc cách xưng vua Gia Long là Thế tổ Cao hoàng đế – theo tập quán viết sử của Trung Quốc và Việt Nam thì tuyệt nhiên không có lệ lấy “tôn hiệu” xưng các đế vương đương triều – do đó, ta tạm kết luận biết sách được biên soạn vào năm đầu triều Minh Mạng. Sách này chia thành 6 phần: Tinh dạ chí, Sơn xuyên chí, Phong tục chí, Cương vực chí, Sản vật chí và Thành trì chí. Từ năm 1863, học giả G. Aubaret đã đem tác phẩm này dịch ra tiếng Pháp và cho xuất bản tại Paris. Đây là tài liệu quý báu cho bất cứ ai muốn nghiên cứu lịch sử, địa lý đất Nam kỳ thuở xưa. Chẳng hạn, trong Gia Định thành thông chí có một đoạn Trịnh Hoài Đức viết về chợ Tân Cảnh (tục danh Chợ Quán): “Cách phía nam Trấn hơn 6 dặm rưỡi, phố chợ đông đúc, thường năm đến ngày Tết người ta thường bày các trò chơi vân xa, đu tiên, thực là một chợ rất lớn. Ngày trước, cứ đến cuối năm, giết tù tử tội ở đây. Năm 1770, mùa xuân tháng giêng, ngày 25, lúc đêm khuya vắng người, có một con cọp lớn vào nhà dân ở phía nam chợ, gầm hét vang dậy, mọi người đều kinh hoàng, chạy báo đồn dinh, phái binh đến vây bắt. Người ta triệt hạ nóc nhà, làm hàng rào vây quanh mấy lớp. Nhưng con cọp rất dữ ác, không ai dám gần. Vây được có ba ngày, có thầy sãi viễn phương hiệu Hồng Ân cùng đồ đệ Trí Năng tình nguyện vào bắt cọp. Hồng Ân đấu với cọp hồi lâu, cọp bị côn đánh đau, nhảy núp vào bụi tre. Hồng Ân đuổi tiếp, cọp quay đầu đấu nữa. Hồng Ân thối lui, vấp chân ngã vào mương nước, bị cọp vồ trọng thương. Đồ đệ Trí Năng tiếp viện, dùng côn đánh cọp trúng đầu, cọp chết tốt. Thương tích Hồng Ân quá nặng, nên ông cũng chết liền lúc ấy. Người chợ cảm nghĩa nhà sư, chôn cất và dựng tháp ngay tại chỗ, hiện nay đương còn”. Ông viết biên khảo mà nay đọc lại, chúng ta lý thú như đọc truyện cổ tích vậy. Không những thế, tác phẩm của Trịnh Hoài Đức giúp cho người đọc hiện nay hiểu được nhiều điều thú vị về đất Sài Gòn – TP. Hồ Chí Minh thuở trước. Thì ra, vào thế kỷ XVIII, vùng đất này vẫn còn có bóng dáng… ông cọp! Hoặc về địa danh Sài Gòn, ông ghi: “Sài Gòn là danh từ để gọi thành phố của người Trung Quốc ăn ở, phát âm giọng Tàu là “Tai-ngôn” hoặc “Tin-gan” v.v… Trong toàn bộ tác phẩm của ông đều là những chi tiết có giá trị lâu bền về mặt nghệ thuật cũng như khảo cứu như thế.

Từ tháng 10/1823 sau khi về Gia Định thăm nhà và dưỡng bệnh, qua tháng 3/1824 ông lại trở ra Kinh để nhận nhiệm vụ ở bộ Lại, bộ Lễ như trước. Năm đó, ông được giao chức Tổng tài để biên soạn ngọc phả rồi lãnh thêm công việc ở ty Thương bạc. Nhưng chẳng bao lâu, bệnh cũ tái phát, mùa xuân năm 1825 ông qua đời, thọ 61 xuân. Vua Minh Mạng nghe tin rất lấy làm thương tiếc, bảo các thị thần:

– Trịnh Hoài Đức giữ tính thuần thục, có công từ lâu. Buổi đầu trung hưng rất được Tiên đế đặc chỉ bổ dụng, khi đi sứ nhà Thanh, lúc vào Hiệp trấn Gia Định đều làm nên công trạng, nổi tiếng thuần lương. Từ ngày trẫm lên nối ngôi đến nay, vốn biết Đức là người trung hiền, cất lên làm chức lớn, thường bàn chính sự, Đức có nhiều ý kiến rất hay. Vẫn tưởng đãi ngộ dài lâu, gìn giữ mãi ngôi cao lộc cả, chẳng ngờ năm ngoái Đức mắc bệnh nặng, ta tức khắc sai Ngự y điều trị. Gần đây, bệnh lại nặng hơn, ta khiến thị vệ đem nhung quế thuốc y dụng ban cho, nhưng thuốc thang không cứu kịp. Nay Đức chết đi, ta nghe tin mà không ngờ nước mắt rỏ xuống…

Đình Minh Hương (TP. Hồ Chí Minh) nơi có tượng thờ Trịnh Hoài Đức

Bản đồ Gia Định và vùng phụ cận (vẽ ngày 14 tháng Chạp năm Gia Long thứ 14 (1815)

Sau đó, nhà vua cho nghỉ triều ba ngày, phong tặng Trịnh Hoài Đức hàm Thái bảo, thiếu phó Cần chánh điện đại học sĩ, đặt tên thụy là Văn Khác và cho gấm đỏ, gấm Tống mỗi thứ 4 cây, sa sô nhiễu đoạn mỗi thứ 4 cây, nhiễu lụa 11 cây, tiền 2.500 quan, gạo 500 vuông, dầu 3.000 cân. Ngày đem chôn, vua sai hoàng tử Miên Hoành thay mặt vua ban ngự tửu. Đám tang đến đất Gia Định, tổng trấn Lê Văn Duyệt thân hành đi viếng. Hiện nay, lăng mộ của ông nằm ở vị trí từ Biên Hòa đi theo Quốc lộ I khoảng 100 mét, rẽ trái vào con hẻm lớn của phường Trung Dũng. Ngôi mộ được xây dựng toàn bộ bằng hợp chất với trình độ kỹ thuật cao, theo lối kiến trúc cổ. Trước đây, ngày 24/8/1938 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 1889 cho phép trường Viễn Đông Bác cổ liệt hạng lăng mộ là cổ tích xứ Nam Kỳ. Ngày 27/2/1990, Nhà nước ta đã ra quyết định xếp hạng di tích và đầu xuân 1999 các nhà khảo cổ Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa Thông tin Đồng Nai khảo sát, khôi phục lại Lăng mộ Trịnh Hoài Đức. Được biết, trước khi khôi phục các nhà khảo cổ đã tiến hành 20 lần thí nghiệm để tìm mã số cũ của hợp chất cách đây gần 2 thế kỷ. Sau đó, họ dùng mã số ấy đưa hợp chất mới vào chế tạo và kéo dài thời gian của nó lên gần 100 lần tuổi để bắt kịp với hợp chất cổ, tạo nên sự bền vững mới và lâu dài. Ghi nhận về công đức của nhà văn hóa lớn Trịnh Hoài Đức, có thể dùng những nhận xét trong Đại Nam liệt truyện của Quốc sử quán triều Nguyễn cũng đủ ý: “Đức là người cẩn thận, phong độ, trầm tĩnh, nghiêm chỉnh, học vấn rộng rãi, nghị luận văn chương thường giữ đại thể”. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, Trịnh Hoài Đức còn được thờ tại đình Minh Hương (380 Trần Hưng Đạo B, phường 11, Q.5) – là một trong những ngôi đình xưa được xây dựng từ năm 1797. Đặc biệt trong đình có câu đối do Trịnh Hoài Đức làm từ năm 1821 (bản dịch của Bảo tàng cách mạng TP. Hồ Chí Minh):

Sáng cùng nhật nguyệt rạng trời Nam, lân múa, phượng bay thêm gấm vóc;
Hương khắp đất trời thơm cõi Việt, rồng chầu hổ phục thịnh văn chương.

(Nguồn: Lê Minh Quốc, Kể chuyện danh nhân Việt Nam, Tập 10, Các nhà chính trị, NXB Trẻ)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net