Trang chủ Nông nghiệp Bón phân hợp lý cho cây lúa

Bón phân hợp lý cho cây lúa

by Ngo Thinh
221 views

Bài hướng dẫn – Bón phân hợp lý cho cây lúa.

1. Vai trò của các loại phân bón

1.1. Phương pháp sử dụng một số loại phân

Căn cứ vai trò, đặc điểm của từng loại phân bón cũng như sinh lý cây lúa ở từng giai đoạn mà có biện pháp bón phân phù hợp.

a/ Bón lót: là sử dụng các loại phân có độ phân giải chậm để bón vùi sâu trong tầng canh tác ruộng lúa, nhằm cung cấp một lượng dinh dưỡng ngay từ đầu vụ và trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển cây trồng. Ngoài ra nếu thực hiện việc bón lót đầy đủ sẽ giúp cho cây trồng có một nền tảng vững chắc để phát triển tốt và hạn chế các đối tượng gây hại.

Các loại phân sử dụng bón lót gồm:

  • Phân hữu cơ hoai mục( phân chuồng, phân rác, phân xanh)
  • Phân lân nung chảy.
  • Vôi.

b/ Bón thúc: là sử dụng các loại phân có độ phân giải nhanh (dễ tiêu)để cung cấp kịp thời cho cây trồng theo nhu cầu dinh dưỡng ở từng giai đoạn. Lượng bón tùy thuộc vào chân đất, giống,…

Các loại phân sử dụng bón thúc: Phân đạm (Ure, Sunphat), Kali, DAP,NPK, phân bón lá.

1.2. Vai trò, tác dụng một số loại phân

Đặc điểm, vai trò và cách bón của các loại phân:

a/ Phân hữu cơ (Phân chuồng, phân rác, phân xanh…)

Đặc điểm:

– Khó tiêu, phân hủy chậm

– Hàm lượng các khoáng đa lượng (N, P, K) thấp.

– Giá thành thấp, dễ làm

Vai trò (tác dụng):

– Cải tạo đất, tăng độ mùn làm cho đất tơi xốp, thông thoáng

– Cung cấp vi sinh vật có ích trong đất.

– Tăng độ ẩm, điều hoà nhiệt độ trong đất.

– Cung cấp chất dinh dưỡng, đặc biệt là các khoáng vi lượng cần thiết, giúp cây lúa tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Cách bón:

– Ủ hoai mục, bón trước khi gieo sạ.

– Liều lượng: 300-500 kg/sào

b/ Vôi (Ca)

Đặc điểm: Khó tiêu, phân hủy chậm.

Vai trò (Tác dụng)

– Vôi làm trung hòa axit hữu cơ, giảm độc cho cây.(cải tạo chua phèn)

-Tạo môi trường thuận lợi cho các vi sinh vật có ích phát triển, tăng khả năng phân giải chất hữu cơ trong đất.

Cách bón

– Bón kết hợp với phân hữu cơ, tốt nhất nên ủ với phân chuồng để bón

– Liều lượng: 20-25 kg/sào.

c/ Phân Lân (P)

Đặc điểm: Khó tiêu, phân hủy chậm

Vai trò (Tác dụng)

– Cùng với đạm, lân tham gia vào cấu tạo nên nhân tế bào nên rất cần thiết cho sự phát triển bộ phận mới của rễ.

– Lân kích thích sự phát triển của rễ, làm rễ ăn sâu, hút được nhiều chất dinh dưỡng, chống chịu hạn tốt.

– Tăng phẩm chất hạt, độ chắc của hạt, chất lượng hạt.

Cách bón:

– Bón lót: bón khi gieo sạ hoặc trong vòng 10 ngày đầu sau sạ.

– Liều lượng: 15-20 kg/sào.

d/ Phân Đạm ( N)

Đặc điểm: Phân dễ tiêu Dễ bay hơi, rửa trôi

Vai trò (Tác dụng)

– Đạm là thành phần quan trọng để cấu tạo nên tế báo, hình thành chất diệp lục, làm tăng khả năng quang hợp cho cây trồng.

– Giúp thân, rễ, lá,… phát triển mạnh (hình thành bộ khung), tăng khả năng cho năng suất của cây trồng

– Giúp quá trình thụ phấn, thụ tinh thuận lợi, làm tăng khả năng đậu hạt. Tăng khả năng đền bù cho cây.

Cách bón

– Bón thúc: chia làm nhiều lần, tùy thuộc vào nhu cầu của cây qua từng thời kỳ

– Liều lượng: 8- 12kg/sào

e/ Phân Kali (K)

Đặc điểm: Phân dễ tiêu

Vai trò (Tác dụng)

– Kali làm tăng khả năng vận chuyển các chất dinh dưỡng để nuôi cây, giúp cho cây trồng tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngoại cảnh (rét, hạn hán, sâu bệnh…)

– Làm tăng khẳnng đẻ nhánh, hình thành bông và chất lượng hạt

Cách bón: Bón thúc: bón thời kỳ bắt đầu đẻ nhánh và phân hóa đòng.

f/ Phân vi lượng (Magie,kẽm, đồng, Mangan)

Vai trò (Tác dụng)

– Là chất xúc tác, hoặc chất kích thích làm cho cây phát triển tốt.

– Cây sử dụng 1 lượng rất ít nhưng không thể thiếu, nếu thiếu phân vi lượng sẽ cản trở quá trình sinh trưởng của cây hoặc gây rối loạn sinh lý cây làm giảm năng suất.

Cách bón: Bổ sung bằng cách phun qua lá.

***

Phân vi lượng: Được coi như là chất xúc tác hoặc chất kích thích làm cho cây phát triển tốt. Cây sử dụng với 1 lượng rất ít nhưng không thể thiếu được vì nếu thiếu phân vi lượng sẽ làm cản trở quá trình sinh trưởng của cây hoặc làm rối loạn sinh lý cây làm giảm năng suất.

Trong quá trình canh tác lâu năm, cây trồng lấy đi các nguyên tố vi lượng rất nhiều mà không có nguồn bù đắp trở lại. Do đó đất dễ bị thiếu một số chất vi lượng. Tùy theo chân đất và giai đoạn sinh trưởng của cây mà phân vi lượng cần phải bổ sung như sau:

  • Đất trũng, đất nà, đất không thoát nước được, thiếu Đồng.
  • Đất phèn thiếu Đồng, Kẽm, Molipden.
  • Đất kiềm hay đất nhẹ thiếu Kẽm, Bo, Mangan, Ma-giê.
  • Đất bón nhiều Lân thiếu Kẽm.
  • Đất bón nhiều Kali thiếu Magie, Natri.
  • Giai đoạn đầu cây lúa cần Kẽm, Mangan, Ma-giê.
  • Giai đoạn ra hoa cần Bo, Molipden.

1.3. Yêu cầu bón phân cân đối và hợp lý.

a. Bón đúng chủng loại phân

Cây trồng yêu cầu phân gì bón phân đó. Phân bón có nhiều loại, nhưng có 4 loại chính là N, P, K, S; mỗi loại có chức năng riêng. Bón phân không đúng yêu cầu, không phát huy được hiệu quả còn có hại cho cây.

Bón đúng phân không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ được ổn định môi trường của đất. ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axit cao quá ngưỡng và trên nền đất kiềm không bón các loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng.

b. Bón đúng thời điểm yêu cầu của cây

Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng khác nhau tuỳ theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Có loại cây ở giai đoạn sinh trưởng cần kali hơn đạm; cũng có loại cây ở thời kỳ phát triển lại cần đạm hơn kali. Bón đúng loại phân mà cây cần mới phát huy hiệu quả.

Trong suốt thời kỳ sống, cây trồng luôn luôn có nhu cầu các chất dinh dưỡng cho sinh trưởng và phát triển, vì vậy khi bón nên chia phân bón nhiều lần theo quy trình và bón vào lúc cây phát triển mạnh. Không bón một lúc quá nhiều, sai nguyên tắc. Việc bón quá nhiều một lúc sẽ gây ra thừa phân lãng phí, ô nhiễm môi trường, cây sử dụng không hết sẽ làm cho cây biến dạng dễ nhiễm bệnh, năng suất chất lượng nông sản thấp.

c. Bón đúng thời cơ

Bón phân là hình thức bổ sung vào đất chất dinh dưỡng cho cây trồng. Ngoài ra, các vi sinh vật đất phân huỷ các chất hữu cơ sẵn có hoặc cố định N từ không khí vào đất. Nhiều nhà khoa học Nga, Trung Quốc, Đức, Nauy… cho thấy bón phân còn có tác dụng kích thích hoạt động của tập đoàn vi sinh vật đất. Nhờ đó cây được tăng cường cung cấp lượng các chất dinh dưỡng cân đối hơn. Bón phân không những cho cây trồng mà còn giúp cho vi sinh vật đất phát triển hữu hiệu hơn.

Bón đúng loại phân, bón đúng thời cơ, bón đúng đối tượng tăng khả năng chống chịu của cây đối với hạn, rét, thời tiết bất thường của môi trường và với sâu bệnh gây hại (ví dụ phân kali). Bón phân không phải lúc nào cũng để cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy cây trồng phát triển mà còn có trường hợp phải dùng phân để tác động hãm bớt tốc độ sinh trưởng nhằm tăng tính chịu đựng của cây trước các yếu tố xấu phát sinh.

d. Bón đúng vụ và thời tiết

Thời tiết rất ảnh hưởng đến hiệu quả của phân bón (mưa làm rửa trôi phân bón, nắng khô làm phân bón không tạo được môi trường dinh dưỡng dễ tiêu, cây không phát triển, hỏng hoa, quả…).

e. Bón đúng phương pháp qui định

Có 2 cách bón phổ thông: phun phân bón lá trên lá, phân khác thì bón vào gốc cây, vào hố, vào rãnh hoặc bón rải đều trên mặt đất…

Bón phân có 3 thời kỳ: bón lót, bón thúc, bón đòng, có nơi còn bón bổ sung khi tạo hạt.

g. Bón phân cân đối

Nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng rất khác nhau. Bón phân cân đối hợp lý là bón đúng lượng, đúng loại và tỷ lệ giữa các loại phân bón thích hợp cho nhu cầu của cây trồng. Thiếu một thành phần dinh dưỡng nào, cây trồng sinh trưởng kém, không đồng đều mà còn gây hại.

Nguyên tố dinh dưỡng ngoài việc mỗi loại có một chức năng trực tiếp cây trồng, còn ảnh hưởng dung hoà qua lại trong việc phát huy tính năng hoặc hạn chế tác dụng lẫn nhau.

Mỗi loại cây trồng (như nói trên) có những tỷ lệ không giống nhau trong cân đối các nguyên tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối đều phải luôn luôn có sự biến hoá thay đổi tuỳ theo vụ mùa, năm tháng, rét lạnh, nóng hanh, mưa dầm… và các loại đất khác nhau.

Bón phân không cân đối không phát huy được tính năng tác dụng của mỗi loại phân, còn gây thoái hoá đất, kìm hãm năng suất cây trồng và ô nhiễm môi trường.

2. Liệu lượng và cách bón phân

2.1. Lượng bón

Tính cho 1 sào 500m2 . (ĐVT: kg)

TTLoại phânLúa laiLúa thuần (trung, ngắn ngày)
1Phân chuồng400-500350-400
2Vôi20-3020-30
3Lân nung chảy20-2515-20
4Urê10-118-9
5Kali (KCl)6-75-6
6NPK (16:16:8)7-86-7

 2.2. Cách bón

– Vôi bón khi cày lật đất, lân bón lót trước khi san phẳng mặt ruộng để sạ.

– Bón thúc sớm quyết định đến năng suất các giống lúa trung, ngắn ngày; phải bón lần 1 kịp thời lúc 10-12 ngày sau sạ, kết hợp tỉa dặm sớm.

– Bón phân lúc sáng sớm hay chiều mát, khi ruộng có nước, kết hợp làm cỏ ục bùn để vùi phân, hạn chế mất đạm và phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

– Đối với đất xám, cát pha thì tổng số lượng bón ure và kali cao hơn đất phù sa bồi 01kg/sào.

– Có thể qui đổi phân đơn bằng phân NPK chuyên dùng. Tăng cường sử dụng phân chuồng, phân hữu cơ vi sinh, đạm xanh (Ure trộn 7% NEB 26), để giảm bớt lượng phân khoáng hóa học.

Cách bónThời điểm bónLúa thuần (trung và ngắn ngày)Lúa lai
Bón lótTrước khi làm đất lần cuối(Vôi bón khi cày ải).

Toàn bộ phân chuồng + Lân + 3-4 kg NPK

Bón thúcLần 1: (Sau sạ 10-12 ngày)3-4 kg Ure + 2kg Kali3-4 kg Ure + 2kg Kali
Lần 2: (Sau sạ 20-25 ngày)3 kg Ure + 3kg NPK3 kg Ure + 4kg NPK
Bón đòngSau sạ 55-60 ngày (với giống trung ngày)

Sau sạ 45-50 (Với giống ngắn ngày)

2 kg Ure + 3-4 kg Kali2 kg Ure + 2-3 kg Kali

Lưu ý: Giống dài ngày và lúa lai bón lần 3 lúc 35-40 ngày 2kg Ure và 2kg Kali

(Nguồn tài liệu: Kỹ thuật thâm canh lúa tiên tiến, Sở nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam, 2016)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net