Trang chủ Bảo hiểm Sản phẩm bảo hiểm là gì? Đặc điểm và Phân loại

Sản phẩm bảo hiểm là gì? Đặc điểm và Phân loại

by Ngo Thinh
560 views

1. Khái niệm sản phẩm bảo hiểm thương mại

Có nhiều khái niệm khác nhau về sản phẩm bảo hiểm

– Sản phẩm bảo hiểm (SPBH) là sự cam kết của (Doanh nghiệp bảo hiểm) DNBH đối với bên mua bảo hiểm về việc bồi thường hay trả tiền bảo hiểm khi có các sự kiện bảo hiểm xảy ra.

– Hay có khái niệm khác đơn giản hơn: SPBH là sản phẩm mà DNBH bán.

Khái niệm SPBH bao gồm 3 cấp độ:

  • Cấp độ thứ nhất – Thành phần cốt lõi: Đây là các bảo đảm bảo hiểm, những lợi ích cơ bản mà khách hàng nhận được khi mua bảo hiểm.
  • Cấp độ thứ hai – Thành phần hiện hữu: đó là những yếu tố như tên gọi, vỏ bọc bề ngoài…
  • Cấp độ thứ ba – Thành phần gia tăng: các yếu tố phụ thuộc về dịch vụ trong và sau khi bán như thái độ phục vụ, phương thức thanh toán…

Do đó, khi đề cập đến một sản phẩm bảo hiểm phải đề cập đầy đủ đến cả 3 cấp độ đó.

sản phẩm bảo hiểm

2. Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm

Ngành bảo hiểm là một ngành dịch vụ, do đó SPBH cũng có các đặc điểm chung của các sản phẩm dịch vụ, tuy nhiên, SPBH còn có các đặc điểm riêng. Chính vì thế, SPBH được xếp vào loại sản phẩm dịch vụ “đặc biệt”.

* Đặc điểm chung của sản phẩm dịch vụ

– Tính vô hình

Khi mua bảo hiểm, mặc dù khách hàng nhận được các yếu tố hữu hình đó là những tờ giấy trên đó có in biểu tượng của doanh nghiệp, in tên gọi của sản phẩm, in những nội dung thoả thuận… Nhưng khách hàng không thể chỉ ra được màu sắc, kích thước, hình dáng hay mùi vị của sản phẩm. Nói cách khác, SPBH là sản phẩm “vô hình”, người mua không thể cảm nhận được SPBH thông qua các giác quan của mình.

Tính vô hình của SPBH làm cho việc giới thiệu, chào bán sản phẩm trở nên khó khăn hơn. Khi mua sản phẩm bảo hiểm, người mua chỉ nhận được những lời hứa, lời cam kết về những đảm bảo vật chất trước các rủi ro.

– Tính không thể tách rời và không thể cất trữ

SPBH không thể tách rời, tức là việc tạo ra sản phẩm dịch vụ bảo hiểm trùng với việc tiêu dùng sản phẩm đó (quá trình cung ứng và quá trình tiêu thụ là một thể thống nhất). Thêm vào đó, SPBH cũng không thể cất trữ được, có nghĩa là khả năng thực hiện dịch vụ bảo hiểm vào một thời điểm nào đó sẽ không thể cất vào kho dự trữ để sử dụng vào một thời điểm khác trong tương lai. Điều này hoàn toàn khác biệt với sản phẩm hữu hình.

– Tính không đồng nhất

Dịch vụ bảo hiểm, cũng như các dịch vụ khác, chủ yếu được thực hiện bởi con người. Nhưng cho dù là người có kỹ năng đến đâu đi chăng nữa thì dịch vụ họ thực hiện không phải lúc nào cũng nhất quán. Ví dụ, các đại lý khi bán sản phẩm có thể quên các chi tiết, có thể chậm trễ hoặc mất kiên nhẫn… Nhìn chung chất lượng phục vụ của một cá nhân nào đó tại các thời điểm khác nhau, với các khách hàng khác nhau là khác nhau. Chất lượng phục vụ này phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, các yếu tố xung quanh. Ngoài ra, giữa các cá nhân khác nhau, chất lượng phục vụ cũng khác nhau.

– Tính không được bảo hộ bản quyền

Mặc dù trước khi đưa một sản phẩm nào đó ra thị trường, các DNBH thường phải đăng ký sản phẩm để nhận được sự phê chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm. Tuy nhiên việc phê chuẩn này chỉ mang tính nghiệp vụ kỹ thuật chứ không mang tính bảo hộ bản quyền. Do đó, các DNBH cạnh tranh có thể bán một cách hợp pháp các SPBH là bản sao của các hợp đồng bảo hiểm của các doanh nghiệp khác.

* Đặc điểm riêng của sản phẩm bảo hiểm

– Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm “không mong đợi”

Một trong những đặc điểm riêng của SPBH là sản phẩm không mong đợi. Điều này thể hiện ở chỗ, đối với các sản phẩm mang tính bảo hiểm thuần tuý, mặc dù đã mua sản phẩm nhưng khách hàng đều không mong muốn rủi ro xảy ra để được DNBH bồi thường hay trả tiền bảo hiểm. Đặc tính này cũng làm cho việc giới thiệu, chào bán sản phẩm trở nên vô cùng khó khăn.

– Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm của “chu trình hạch toán đảo ngược”

Nếu như trong các lĩnh vực kinh doanh khác, giá cả sản phẩm được xác định trên cơ sở chi phí thực tế phát sinh thì trong lĩnh vực bảo hiểm, phí bảo hiểm (giá cả của SPBH) được xác định dựa trên những số liệu ước tính về các chi phí có thể phát sinh trong tương lai như chi bồi thường (trả tiền bảo hiểm), chi hoa hồng, chi tái bảo hiểm…

– Sản phẩm bảo hiểm là sản phẩm có “hiệu quả xê dịch”

Trong hoạt động kinh doanh, các DNBH có quyền thu phí của người tham gia bảo hiểm hình thành nên quỹ bảo hiểm; sau đó nếu có các sự kiện bảo hiểm xảy ra, DNBH mới phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường hay chi trả. Do vậy, với việc thu phí trước, nếu không có hoặc có ít rủi ro xảy ra, doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn dự kiến. Ngược lại, nếu rủi ro xảy ra với tần suất hoặc với qui mô lớn hơn dự kiến, DNBH có thể thua lỗ. Điều này có nghĩa là nếu như trong các lĩnh vực kinh doanh khác, hiệu quả kinh doanh có thể xác định được khá chính xác ngay tại thời điểm sản phẩm được tiêu thụ, thì trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, hiệu quả kinh doanh khó có thể xác định được ngay tại thời điểm sản phẩm được bán.

3. Phân loại sản phẩm bảo hiểm

Để thuận lợi cho công tác quản lý sản phẩm, tuỳ theo lĩnh vực kinh doanh là BHNT hay bảo hiểm phi nhân thọ, DNBH tiến hành phân loại các SPBH theo các tiêu thức phù hợp.

3.1. Đối với các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ

Các DNBH nhân thọ có thể phân loại các SPBH theo các tiêu thức:

Theo thời hạn bảo hiểm và sự kiện được bảo hiểm: Sản phẩm BHNT được chia thành:

  • Nhóm SPBH tử kỳ: Đây là các sản phẩm mà thời hạn bảo hiểm là xác định trước và số tiền bảo hiểm chỉ được chi trả khi người được bảo hiểm tử vong trong thời hạn hợp đồng.
  • Nhóm SPBH nhân thọ trọn đời: Nhóm sản phẩm này có thời hạn bảo hiểm không xác định trước và số tiền bảo hiểm được chi trả bất cứ khi nào người được bảo hiểm tử vong.
  • Nhóm SPBH sinh kỳ thuần tuý: Các sản phẩm này cũng có thời hạn bảo hiểm xác định, số tiền bảo hiểm chỉ được chi trả khi người được bảo hiểm còn sống tại thời điểm kết thúc thời hạn hợp đồng.
  • Nhóm sản phẩm trả tiền định kỳ: Đây là các SPBH nhân thọ, trong đó nếu người được bảo hiểm còn sống đến một độ tuổi xác định, định kỳ (hàng năm, hàng tháng…) họ sẽ được nhận số tiền bảo hiểm. Thời hạn chi trả số tiền bảo hiểm này có thể xác định trước hoặc không xác định.
  • Nhóm SPBH nhân thọ hỗn hợp: Đây là nhóm các sản phẩm mà thời hạn bảo hiểm xác định trước và số tiền bảo hiểm được chi trả khi người được bảo hiểm tử vong trong thời hạn hợp đồng hoặc tại thời điểm kết thúc thời hạn hợp đồng người được bảo hiểm còn sống.

Phân loại theo thời hạn bảo hiểm và sự kiện được bảo hiểm sẽ giúp DNBH quản lý được kết quả triển khai các sản phẩm theo từng nhóm. Ngoài ra nó còn giúp doanh nghiệp xác định được quỹ tiền mặt cần có để thực hiện việc chi trả kịp thời.

Theo đặc tính tham gia chia lãi: Các SPBH nhân thọ được chia thành hai nhóm lớn:

  • Nhóm các sản phẩm tham gia chia lãi: Đây là các sản phẩm có cam kết chia lãi, tức là ngoài quyền lợi cơ bản là nhận số tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, người tham gia còn được nhận lãi từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.
  • Nhóm các sản phẩm không tham gia chia lãi: Đây là các sản phẩm, trong đó người tham gia không được nhận lãi từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ được nhận số tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy

Theo loại hình sản phẩm (kết cấu sản phẩm): SPBH nhân thọ được chia thành nhóm các sản phẩm chính, các sản phẩm phụ (còn gọi là sản phẩm bổ trợ hay sản phẩm bổ sung), sản phẩm riêng lẻ và sản phẩm trọn gói.

  • Nhóm các sản phẩm chính: Đây là các sản phẩm nhân thọ thuần tuý. Các sản phẩm này thuộc một trong các nhóm sản phẩm đã đề cập ở trên (bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ, BHNT trọn đời…).
  • Nhóm các sản phẩm bổ trợ: Đây là các sản phẩm về bản chất không phải là SPBH nhân thọ mà là các SPBH con người phi nhân thọ. Các sản phẩm này được kết hợp với sản phẩm chính nhằm tăng tính hấp dẫn của các sản phẩm chính.
  • Nhóm các sản phẩm riêng lẻ: Đây là các sản phẩm được tạo nên chỉ từ sản phẩm chính, không có sự kết hợp sẵn với sản phẩm bổ trợ. Nếu có nhu cầu mua sản phẩm bổ trợ, người tham gia sẽ lựa chọn mua thêm.
  • Nhóm các sản phẩm trọn gói: Các sản phẩm này có sự kết hợp sẵn giữa một sản phẩm chính với một hoặc nhiều sản phẩm bổ trợ nhằm giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn.

Phân loại theo tiêu thức này giúp DNBH dễ dàng quản lý các sản phẩm chính, sản phẩm bổ trợ, sản phẩm riêng lẻ và sản phẩm trọn gói; Thêm vào đó, còn giúp doanh nghiệp có kế hoạch phát triển thêm các sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Theo nhóm khách hàng: SPBH nhân thọ được chia thành

  • SPBH nhân thọ cá nhân: Đây là các sản phẩm được thiết kế nhằm bảo hiểm cho một cá nhân trên một hợp đồng bảo hiểm. Nói cách khác, số lượng người được bảo hiểm trên hợp đồng bảo hiểm cá nhân chỉ là một người.
  • SPBH nhân thọ nhóm: Đây là các SPBH cho nhiều người trên một hợp đồng. Nói cách khác, thay vì cấp hợp đồng cho từng cá nhân trong nhóm, DNBH sẽ cấp một hợp đồng chung cho cả nhóm – hợp đồng này được gọi là hợp đồng bảo hiểm chủ.

3.2. Đối với các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ

Tương tự như các DNBH nhân thọ, các DNBH phi nhân thọ có thể phân loại các SPBH theo các tiêu thức:

Theo đối tượng bảo hiểm. Theo tiêu thức này, sản phẩm các DNBH phi nhân thọ triển khai được chia thành:

  • Nhóm SPBH con người phi nhân thọ: Đây là các SPBH cho các rủi ro liên quan đến sức khỏe của con người như ốm đau, bệnh tật, tai nạn.
  • Nhóm SPBH tài sản: Các sản phẩm này có đối tượng bảo hiểm là các loại tài sản.
  • Nhóm SPBH trách nhiệm dân sự: Nhóm sản phẩm này có đối tượng bảo hiểm là trách nhiệm dân sự – trách nhiệm hay nghĩa vụ bồi thường các thiệt hại gây ra cho người khác.

Theo nhóm khách hàng. Theo tiêu thức này, các SPBH phi nhân thọ được chia thành hai nhóm lớn:

  • Nhóm các sản phẩm dành cho các cá nhân: Đây là các SPBH đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của các cá nhân.
  • Nhóm các sản phẩm dành cho các tổ chức (cho nhu cầu công việc): Đây là các sản phẩm cung cấp cho các cơ quan, doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu được bảo đảm an toàn cho tài sản, trách nhiệm dân sự và con người làm việc trong các tổ chức này.

Theo hình thức triển khai sản phẩm. SPBH phi nhân thọ được chia thành hai nhóm:

  • Nhóm các sản phẩm bắt buộc: Đây là những sản phẩm mà pháp luật qui định một số đối tượng buộc phải tham gia, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của họ.
  • Nhóm sản phẩm không bắt buộc (sản phẩm tự nguyện): Đây là những SPBH phi nhân thọ mà việc tham gia là không bắt buộc, hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn chủ quan của khách hàng.

Tóm lược:

Ngoài những đặc điểm chung của một sản phẩm dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm có những đặc điểm riêng: Sản phẩm không mong đợi, sản phẩm có chu trình kinh doanh đảo ngược, sản phẩm có hiệu quả xê dịch.

Do các doanh nghiệp bảo hiểm được phân chia thành các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, do đó các sản phẩm bảo hiểm thương mại trên thị trường cũng được phân chia thành các nhóm sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và các nhóm sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ.

(Nguồn: neu.topica.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]