Trang chủ Văn học - Nghệ thuật Chủ nghĩa cổ điển

Chủ nghĩa cổ điển

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,4K views

Phục hưng có nghĩa là khôi phục cổ đại, coi cổ đại là hình mẫu quá khứ cần phải noi theo. Nhưng khi phục hưng đã tỏ ra lỗi thời, không tưởng, kìm hãm sức sản xuất của quan hệ sản xuất tư bản, thì cổ điển ra đời để nhằm thay thế cho phục hưng, xóa bỏ phục hưng, nhưng cổ điển cũng lấy cổ đại là mẫu mực. Ngay từ thời cổ đại, Aristote đã xếp loại tác phẩm, từ đó hình thành quan niệm rằng tác phẩm nào được ông xếp loại, được đưa vào dạy trong nhà trường là tác phẩm cổ điển, nghĩa là mẫu mực, “đạt chuẩn”. Quan niệm này được tiếp tục bởi các nhà cổ điển Pháp như Boileau, Racine, đến thời ánh sáng với Voltaire và cho đến ngày nay. Bên cạnh đó, cổ điển còn có nghĩa là cái cũ, cái xưa cũ, rồi chuyển dần theo nghĩa tiêu cực cái gì lỗi thời cái đó là cổ điển. Cổ điển được coi là một trào lưu, một giai đoạn trong tiến trình văn học, lấy chủ nghĩa cổ điển làm phương pháp sáng tác. Vì vậy chủ nghĩa cổ điển là một hiện tượng văn học lịch sử – cụ thể, hình thành trên một cơ sở xã hội và ý thực hệ nhất định, tiêu biểu của thế kỷ XVII ở Pháp. Vì vậy, chủ nghĩa cổ điển vừa là một khuynh hướng trong nghệ thuật được phát triển đến đỉnh cao ở châu Âu vào thế kỷ XVII, một phong cách nghệ thuật và một lý thuyết mỹ học. Nhưng ở đây, với tư cách là khoa học lý thuyết về văn chương, chúng ta không nhận thức nó dưới góc độ một trào lưu văn học, mà theo nghĩa là một phương pháp sáng tác, đặt vào dòng chảy của một tiến trình văn học nhân loại, mà chủ yếu là văn học châu Âu.

Cơ sở xã hội – ý thức và sự ra đời của chủ nghĩa cổ điển

Chủ nghĩa cổ điển hình thành trong hoạt động nghệ thuật và hoạt động lý luận của một số nhà nhân văn chủ nghĩa Italia thế kỷ XVI, muốn nêu lên và biện giải các quy luật cơ bản và các nhiệm vụ nghệ thuật của nghệ thuật hai giai đoạn trước là cổ đại Hy Lạp – La Mã và phục hưng, xây dựng lý luận nghệ thuật, ngôn ngữ dân tộc và một nền sân khấu mới, trên cơ sở phân tích và lý giải thi pháp học cổ đại. Nhưng phải đến thế kỷ XVII ở Pháp, thời kỳ củng cố chế độ quân chủ chuyên chế, khi giai cấp tư sản liên kết với nhà nước phong kiến xây dựng một nhà nước tập quyền, chủ nghĩa cổ điển mới phát triển đạt đến mức toàn thịnh. Trong lời Tựa cho tác phẩm Ngày 18 tháng Sương mù của Luy Bonapac, Engels đã chỉ ra những đặc điểm và vai trò trung tâm châu Âu trong các cuộc cách mạng xã hội của nước Pháp: “Nước Pháp là nước mà cuộc đấu tranh giai cấp mới lần đầu được tiến hành trên sự quyết định hoàn toàn hơn ở đâu hết và do đó là nước mà các hình thức chính trị thay đổi, trong đó cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra và thu được kết quả có những nét rõ rệt nhất. Là trung tâm của chế độ phong kiến trung cổ, từ thời kỳ phục hưng, là nước cổ điển của chế độ quân chủ tập quyền, nước Pháp trong đại cách mạng đã tập trung đánh tan chế độ phong kiến và đã đem lại cho nền thống trị của giai cấp tư sản một tính chất thuần túy cổ điển mà không nước châu Âu nào đạt tới được.” (K. Marx – F. Engels Toàn tập, tập 5, Nxb Sự thật, H. 1962, tr.181).

Soi lại tiến trình văn học, điều này giúp ta lý giải vì sao những phương pháp nghệ thuật từ sau chủ nghĩa cổ điển trở đi, đều hình thành từ Pháp. Thời kỳ hình thành chủ nghĩa cổ điển ở Pháp là thời chế độ phong kiến tập quyền trên thế quân bình giữa hai giai cấp quý tộc và tư sản đối lập nhau về quyền lợi, nhưng lại hợp tác, hòa hoãn, nhượng bộ lẫn nhau để cùng tồn tại. Đó là thời kỳ ý thức hệ giai cấp tư sản tồn tại trong quyền lực của quý tộc phong kiến. Tình hình đó làm nảy sinh một nền triết học có tính chất chiết trung, một dạng thức của “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”, với mục tiêu  làm vừa lòng cả hai giai cấp. Đó là cơ sở ý thức triết học chủ nghĩa duy lý của Descartes. Triết học Descartes là thứ triết học có tính chất nhị nguyên, thừa nhận sự tồn tại song song cả thế giới vật chất và thế giới tinh thần, nhưng không xác định bộ phận nào có ý nghĩa quyết định. Vì vậy từ Luận về phương pháp đến Suy ngẫm siêu hình của ông đều ưu tiên  cho lý trí, xác định được “Tôi nghi ngờ tức là tôi tư duy. Tôi tư duy tức là tôi tồn tại” nhưng cuối cùng phải thừa nhận nguyên tắc đạo đức của mình là “phục tùng pháp luật và tập tục nhà nước ta, kiên quyết tuân thủ cái tôn giáo mà do lòng nhân từ của thượng đế đã làm cho tôi được giáo dục từ thuở bé”. Nghĩa là, cuối cùng triết học nhị nguyên của ông cũng rơi vào chủ nghĩa duy tâm, khi ông khẳng định”: “Tôi tồn tại tức là Chúa tồn tại.”

Hơn thế nữa, Descartes còn xem nhẹ vai trò của tình cảm, cảm xúc và tưởng tượng trong sáng tạo nghệ thuật, cho rằng những gì do con người sáng tạo ra chỉ là sản phẩm của lý trí. Điều đó ảnh hưởng không ít đến việc lý giải bản chất của nghệ thuật, bản chất của quá trình sáng tạo.

Ở phương Đông, khuynh hướng “cổ điển” xuất hiện dưới chế độ phong kiến nhằm biểu hiện ý thức hệ Nho giáo. Nhà nước phong kiến phương Đông, từng giai đoạn, có sự hợp nguyên “tam giáo đồng nguyên” Nho, Phật, Lão, nhưng Nho giáo vẫn giữ vai trò độc tôn, nó chi phối phương pháp sáng tác nghệ thuật nhằm tuyên truyền bảo vệ đạo đức, lễ giáo phong kiến. Khổng Tử, cha đẻ của Nho giáo cho rằng: “Thơ có thể làm phấn khởi ý chí, có thể giúp quan sát phong tục, hòa hợp với mọi người, bày tỏ nỗi sầu oán, gần thì thờ cha, xa thì thờ vua” (Luận ngữ, Dương hóa). Ở nước ta, Lê Thánh Tông trong lời Tựa cho tác phẩm Quỳnh uyển cửu ca cũng vạch rõ công việc của người sáng tạo: “Ta nhân lúc muôn việc được rỗi, nửa ngày được nhàn, thường xem các sách, vui thích học nghệ, mọi sự huyên náo lắng xuống, một ngọn đèn sáng thơm tho, thị dục ít, tinh thần trong sáng, ở yên, hứng cao, mới phấn khởi nghĩ đến khuôn phép lớn của thánh đế minh vương, lòng cẩn thận của trung thần lương bật. Gọi chàng giấy, họ bút, thượng khách mực, trọng thần nghiên đá, bảo đi bảo lại rằng: chân tình ta phát ra, có anh khí dào dạt, thành cách ngôn hay. Các người có thể ghi chép giúp ta được không?” (Dẫn theo Phương Lựu, Lý luận văn học tập 3, Sđd tr. 201)

Nhân vật và nguyên tắc xây dựng tính cách nhân vật

Nhân vật lý tưởng của chủ nghĩa cổ điển nhằm phản ánh tính chất và nhu cầu của nhà nước phong kiến tập quyền và của chủ nghĩa duy lý Descartes. Mẫu người đẹp của thời đại là nhằm thỏa mãn thị hiếu của hai giai cấp phong kiến và tư sản, đó là con người xuất thân từ tầng lớp cao quý, có nghĩa vụ công dân, có tình cảm cá nhân, trở thành lý tưởng xã hội – thẩm mỹ và là nhân vật trung tâm của chủ nghĩa cổ điển. Tác phẩm mở đầu là vở kịch Le Cid của Corneille ra đời năm 1637 (cùng năm với tác phẩm kinh điển Luận về phương pháp của Descartes), đã thúc đẩy một trào lưu phát triển mạnh mẽ trong nghệ thuật: bên cạnh Corneille còn có các tác giả bi kịch, hài kịch như Racine, Molière, thơ trào phúng và lý luận thi pháp của Boileau, thơ ngụ ngôn La Fontaine, hội họa của Poussin (1594 – 1665)… Ưu tiên cho lý trí chứ không phải thần quyền, nhưng con người lý tưởng luôn phải đấu tranh giữa đam mê, dục vọng và phục tùng quyền lợi chung, đề cao cá nhân nhưng buộc cá nhân phải phục tùng nghĩa vụ. Qua hành động, ứng xử của hai con người vừa là tình nhân, vừa là cừu địch trong Le Cid thể hiện rõ quan niệm này. Rôđrigiơ không thể vì tình yêu với Simen mà không giết bố nàng để rửa nhục cho cha mình. Ngược lại Simen cũng không thể vì mối tình đằm thắm với Rôđrigơ mà không báo thù cho cha. Sau khi giết Đông Gormat, cha của người yêu, Rôđrigơ trao kiếm cho Simen bảo nàng hãy giết mình để trả thù cha. Còn Simen sau này cũng thổ lộ: “Bằng việc xúc phạm đến thiếp, chàng đã tỏ ra xứng đáng với thiếp. Nhưng thiếp phải giết chàng để được xứng đáng với chàng.” Từ đời sống nội tâm, đến phát ngôn và hành động đều theo những tiêu chuẩn đạo đức – thẩm mỹ của chủ nghĩa duy lý, điều này báo hiệu sự phục tùng tạm thời của cá tính tư sản, tất yếu phải đến lúc phát triển thành chủ nghĩa cá nhân cực đoan.

Nhân vật lý tưởng trong văn học chủ nghĩa cổ điển thường giữ vai trò trung tâm và phát ngôn cho chủ nghĩa duy lý, nó được soi rọi bởi vẻ đẹp lý tưởng của thời đại, trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa dục vọng cá nhân và nghĩa vụ, nhưng cuối cùng nghĩa vụ cũng thắng thế, là sản phẩm của lý trí chứ không phải tình cảm, cảm xúc.

Ở phương Đông, nhân vật trung tâm trong khuynh hướng văn học cổ điển là người thể hiện lý tưởng xã hội – thẩm mỹ, do đó là những người kiểu mẫu về đạo đức phong kiến: trượng phu, quân tử, nhưng có lúc còn có liệt nữ – do quan niệm “trọng nam khinh nữ”. Ngoài ra, còn có quan niệm “trọng văn khinh võ” do nền giáo dục văn chương cử tử, cho nên có chí khí, có năng lực chưa đủ, còn phải là bậc văn tài, biết hưởng thụ những lạc thú thanh tao: cầm, kỳ, thi, tửu mới là mẫu người lý tưởng. Phụ nữ phải tam tòng tứ đức, “tiết hạnh khả phong”…

Việc xây dựng tính cách của chủ nghĩa cổ điển đều xuất phát từ những nguyên tắc quán xuyến toàn bộ tinh thần của tiểu luận bằng thơ Nghệ thuật thi ca (Art poétique, 1674) của Boileau. Người ta tìm thấy ý tưởng cốt lõi của tiểu luận này xuất phát từ Luận về phương pháp của Descartes ở nguyên tắc về tính phi lịch sử – cụ thể, đã chi phối một cách nghiêm ngặt việc xây dựng hình tượng của chủ nghĩa cổ điển. Boileau quan niệm: “Phải yêu lý tính, hãy để hết thảy văn chương của anh mãi mãi có được giá trị và hào quang của lý tính (…) Lý tính trong hành trình của nó chỉ có một con đường.” Từ đó, ông đưa ra nguyên tắc thứ nhất của ông: “Viết về mỗi người phải luôn luôn theo sát không lúc nào được rời bản tính của họ.” Nguyên tắc này tạo cho chủ nghĩa cổ điển tuy có ít nhiều khám phá về đời sống tâm lý, đề cao lý tưởng cao cả, nhưng do tuyệt đối hóa nó nên chỉ tạo nên những điển hình có tính chất đại diện cho một phẩm chất, một bản tính, một mặt nào đó trong phẩm chất của con người: Ácpagông keo kiệt, Ăngđrômác thủy chung, Giuốcđanh hám danh, Ôrgong mê đạo, đến loài vật cũng là con sói tàn ác, con sư tử hách dịch…Nghĩa là sản phẩm của chủ nghĩa duy lý, coi con người là một thực thể tuyệt đối, nên tính cách của nhân vật được khái quát trừu tượng, thiếu cá tính sinh động. Chính vì quá tin vào bản chất tinh túy cố định, vĩnh cửu của con người, phủ nhận cái đột biến, gạt bỏ cái riêng tư, nên tính cách nhân vật mờ nhạt, chỉ thấy cái chung, cái khái quát mà thiếu cái riêng, cái cụ thể.

Trong thực tế đời sống, con người có thể có vài nét nổi trội, được coi là yếu tố bản chất, nhưng trong nó còn có nhiều yếu tố khác. Chủ nghĩa cổ điển coi bản chất của con người là vĩnh hằng bất biến, không bị chi phối bởi không gian thời gian, nên tính cách nhân vật thiếu hơi thở thời đại và bản sắc dân tộc. Vì thế tính cách nhân vật cũng không phát triển. Mở đầu tác phẩm đã là người xấu, kẻ đạo đức giả thì đến cuối tác phẩm vẫn thế, không có gì thay đổi. Cũng vì thế, về nguyên tắc xây dựng tính cách, chủ nghĩa cổ điển đã tách con người ra khỏi môi trường, hoàn cảnh, không phụ thuộc vào hoàn cảnh điển hình. Descartes quan niệm bản chất của con người là muôn thuở, không bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Do vậy, những nhà văn chủ nghĩa cổ điển chỉ xây dựng được những điển hình tâm lý, chứ chưa có được những điển hình xã hội như chủ nghĩa hiện thực sau này.

Sự mô phỏng tự nhiên chỉ dừng lại ở bản chất duy lý mà không đi vào thế giới nội tâm vô cùng phong phú của con người cùng nguồn gốc của nó là đời sống hiện thực muôn màu muôn vẻ bên ngoài, không chú ý đến miêu tả phong tục tập quán, những sắc thái riêng biệt trong đời sống của một dân tộc, một thời đại, cố nhiên là nhược điểm, thiếu sự toàn diện trong nguyên tắc xây dựng tính cách của chủ nghĩa cổ điển. Nhưng phải thấy rằng, trong vô số những phẩm chất và tố chất biểu hiện đa dạng của một con người, chủ nghĩa cổ điển chỉ chọn một phẩm chất nào đó tiêu biểu, là nhằm đúng vào quy luật bản chất của nghệ thuật, đó là sự chọn lựa. Nghệ thuật không ôm đồm, không phản ánh hoặc biểu hiện tràn lan, mà nhằm vào yếu tố bản chất.

Dưới ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo việc khắc họa tính cách trong khuynh hướng cổ điển của văn học phương Đông cũng mang tính chất lý tính, nhưng tuân thủ thần quyền, theo cái chung, đánh mất cái riêng. Nho giáo chủ trương “khắc kỷ phục lễ” (tự kiềm chế mình để phục tùng lễ giáo), coi nhẹ nhân phẩm và cá tính con người. Tất cả mọi ứng xử, từ ngôn ngữ, cử chỉ, quan hệ, hành động đều tuân theo những quy định về luân lý, không còn khả năng cảm thụ thế giới. Điều đó dẫn đến tính chất “phi ngã” thiếu cá tính hóa trong nguyên tắc xây dựng hình tượng. Những hình tượng được khắc họa trên cơ sở những nét chung, được lý tưởng hóa đến tận thiện, tận mỹ thành những hình ảnh công thức. Nói đến vua, phải dùng hình ảnh con rồng, con vật đứng đầu trong tứ linh, thành long nhan, long thể, long bào. Nói đến người quân tử phải trúc, mai, sen thắm, người tráng sĩ phải cây tùng, cây bách… Dẫn đến những chi tiết tượng trưng ước lệ: nữ nhân mắt phượng mày ngài, anh hùng phải hàm hén mày ngài,,… Vì vậy, khuynh hướng cổ điển trong văn học phương Đông không hề miêu tả con người cụ thể, từ ngoại hình, nội tâm, hành động đều theo một công thức khái quát. Ngay cả khi đề cập đến cái tôi bản thân tác giả cũng không quan tâm thấu đáo. Cái tôi cá nhân không được thừa nhận, không có công dân mà chỉ có thần dân, thảo dân, tiện dân, con người sống phụ thuộc vào bề trên, nên quan niệm nghệ thuật về con người cũng tuân thủ theo như vậy, từ đó dẫn đến nguyên tắc khắc họa hình tượng cũng cứ theo công thức đó, mô hình đó.

Đặc điểm thi pháp

Thi pháp của chủ nghĩa cổ điển xuất phát từ nguyên tắc lý tính và mô phỏng tự nhiên như đã thể hiện trong việc chọn lựa nhân vật trung tâm và xây dựng hình tượng nghệ thuật. Không chỉ thế, Boileau còn kêu gọi “mô phỏng cổ đại”.

Nghệ thuật thơ ca của Boileau gần như là phiên bản của Thi pháp học của Aristote. Học tập theo khẩu hiệu “mô phỏng tự nhiên” của Aristote, Boileau cho rằng đó là chân lý phổ biến đã được chứng minh, lý tính tuyệt đối đã được kết tinh, các nhà văn chỉ có theo “công thức” đó mà thể hiện, không chỉ ở bản tính, tính cách con người mà tất cả các phương diện liên quan đến nội dung cũng như quy luật của hình thức như đề tài, thể loại, biện pháp nghệ thuật. Các tác giả cổ điển như Corneille, Racine, Molière, La Fontaine đều lấy cốt truyện cho bi kịch, hài kịch hoặc ngụ ngôn của mình từ trong các tác phẩm cổ đại. Chính Racine cũng đã thừa nhận: “Về phương diện tình cảm, tôi ra sức theo đuổi Euripides. Tôi phải thừa nhận rằng những chỗ được tán thưởng nhất trong vở bi kịch của tôi đều nên quy công cho ông ta. Tôi rất muốn thừa nhận như vậy. Đặc biệt là vì những sự tán thưởng đó càng củng cố thêm sự ngưỡng mộ vốn có của tôi đối với tác phẩm cổ đại.” (Tuyển tập bi kịch cổ điển Pháp, Nxb Văn học, H. 1979, tr.12).

Về mặt thể loại, Boileau chia nội dung thành nhiều loại và quy định phạm vi cho mỗi thể loại văn học. Những cái tiêu cực, xấu xa yếu đuối của con người sẽ thuộc về thể loại “hạ đẳng” như hài kịch, ngụ ngôn, văn châm biếm. Những niềm vui, nỗi buồn, sự xúc động đến cao trào của những con người thuộc tầng lớp cao quý là đối tượng của các thể loại “thượng đẳng” như bi kịch, anh hùng ca, tụng ca,… Sự thiếu bình đẳng, thiếu dân chủ trong việc phân chia đẳng cấp xã hội, dẫn đến những đẳng cấp trong nghệ thuật, vốn là đặc điểm có tính quy phạm của chủ nghĩa cổ điển. Nhân vật của bi kịch phải là những ông hoàng, bà chúa, bá tước, phu nhân… Sự phân biệt rạch ròi giữa cái bi với cái hài, giữa cái cao quý và thấp hèn, như là một quy phạm luân lý đã có từ trong quan niệm của Aristote. Cũng do sự phân biệt một cách thiếu dân chủ về đẳng cấp này, tất yếu là chủ nghĩa cổ điển rất coi thường văn học dân gian. Văn học dân gian thuộc về đời sống thực tế hàng ngày, lên án chế diễu thói đạo đức giả, những hợm hĩnh, cao đạo, đã bị Boileau đả kích là tầm thường, thô lỗ, chợ búa, là gián tiếp đả kích vào thị hiếu lành mạnh của công chúng và nền nghệ thuật đầy sức sống của xã hội đương thời.

Không phải ngẫu nhiên mà các bậc thầy của chủ nghĩa cổ điển đều là những kịch tác gia. Họ đề cao kịch mà xem nhẹ thơ trữ tình. Họ cho rằng những cảm nghĩ riêng tư, những vui buồn say mê của cá nhân mình không có tính phổ biến, mà chỉ là sự đơn độc ngẫu nhiên. Chính vì thế thơ trữ tình chuyên khai thác cảm xúc tuôn trào của đời sống nội tâm không phù hợp với họ. Mô phỏng tự nhiên nhưng lại gạt bỏ những kiểu tả cảnh, tả tình, gửi tình qua cảnh, vì nó thuộc phạm trù riêng lẻ. Họ tôn sùng kịch là bởi vì nó có thể trực tiếp phát ngôn về tư tưởng – thẩm mỹ, phù hợp với lý tưởng lớn lao về vẻ đẹp của con người duy lý. Nhưng với kịch vẫn phải chịu sự quy định ngặt nghèo của chủ nghĩa duy lý, đó là quy luật tam duy nhất. Boileau đã tiếp thu ý kiến của Aristote khi xây dựng tính cách là cần phải có sự “thống nhất về hành động” nhưng ông đã biến thành đơn nhất, chỉ quan tâm đến việc khắc họa tâm lý dẫn đến chỉ diễn ra một hành động. Về thời gian, Aristote chỉ yêu cầu không quá dài “lồng hành động vào trong một ngày hoặc chỉ vượt khỏi thời gian này chút ít”, còn về địa điểm (không gian) thì Aristote không hề đặt ra. Việc bắt buộc tuân thủ những quy luật nghiêm ngặt trên đây làm ảnh hưởng nhiều đến sức sáng tạo đối với tác giả và sự phát triển của nghệ thuật. Nhưng, như đã nói, nó đề ra được quy luật bản chất của nghệ  thuật là sự chọn lựa, khác với đời sống, nó là sự cô đọng, súc tích của đời sống.

Thi pháp của khuynh hướng cổ điển ở phương Đông cũng đậm đặc tính chất quy phạm của mỹ học phong kiến, thể hiện rõ nhất là tinh thần thiếu dân chủ cả về đề tài và thể loại. Họ đề cao những đề tài cao quý trong tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ thú (cầm, kỳ, thi, họa), tứ quý (mai, lan, cúc, trúc)… Nhân vật lý tưởng chủ yếu xuất thân từ danh gia vọng tộc, dòng dõi thi thư, sống trong lầu son gác tía và công việc hằng ngày là uống rượu, đánh cờ, ngâm thơ, theo châm ngôn “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao.” Về mặt thể loại, chỉ có thơ, từ, phú được đề cao, kịch và tiểu thuyết là thứ “hạ đẳng”. Ngôi thứ trong xã hội được phân định rạch ròi theo đẳng cấp của các mối quan hệ gia đình, xã hội, cung đình. Như một chất keo dính kết tự nhiên, tất cả những điều đó kết lại thành chất quy phạm của mỹ học phong kiến, chi phối đến thi pháp nghệ thuật, từ ca vũ, hội họa, điêu khắc đến văn học. Ngay cả những thể loại cao quý cũng chịu những quy định nghiêm ngặt: bài Đường luật tám câu nhưng phải có đủ bốn phần: phá, thừa, luận, kết, một bài phú ngắn cùng phải  đủ sáu phần: lung, biện ngôn, thích thực, phô diễn, nghị luận, kết,… Về hình thức lẫn nội dung phải có đối xứng (trong ngoài, tả hữu), đối câu, đối chữ… Những quy tắc nghiêm ngặt ấy, cùng với tính chất giáo huấn đạo đức của nhân vật lý tưởng, lý tưởng hóa trong nguyên tắc xây dựng hình tượng, những quy phạm trong thi pháp, tất yếu sẽ dẫn đến sự đơn điệu trong phong cách biểu hiện.

Tất nhiên, ở thời kỳ hưng thịnh, quan niệm của tư tưởng thống trị thời đại là Nho gia cũng có những tiến bộ nhất định của nó. Ngoài giáo huấn đạo đức, Khổng Tử cũng thừa nhận thơ có thể giúp cho con người biết được chim muông cây cỏ, lời thơ phải khéo, không chỉ có tư tưởng đạo đức mà còn phải có tình cảm… Tất cả những yếu tố về sau càng được phát huy trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp – được coi là tập đại thành về thi pháp trong văn học phương Đông.

Ở Việt Nam, từ trong di sản của các tác giả trung đại, cũng xuất hiện nhiều quan niệm về thơ ca, có thể phát huy mặt tích cực trong thi pháp biểu hiện. Đó là quan niệm của Hoàng Đức Lương trong Trích diễm thi tập, Đinh Củng Viên trong Cổ đường đồ hoặc của Nguyễn Trãi trong Quốc âm thi tập: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc… Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăm nuôi muôn dân khiến cho trong chốn thôn cùng xóm vắng, không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là cái gốc của nhạc vậy.” (Từ trong di sản, Nxb Tác phẩm mới, H. 1987, tr.25)

Thời đại suy yếu của phong kiến Trung Hoa là từ sau thời Tống Nho, ở Việt Nam là từ thế kỷ XVI… Từ cơ sở xã hội đến ý thức hệ và quan niệm văn học nghệ thuật đều trở nên lạc hậu, tất yếu dẫn đến sự thoái hóa trong khuynh hướng cổ điển cả về nội dung lẫn hình thức, từ việc xây dựng nhân vật lý tưởng đến thi pháp biểu hiện.

Nhìn một cách tổng quát, với các tính chất giáo huấn, lý tưởng hóa và qui phạm, khuynh hướng cổ điển trong văn học cổ phương Đông cũng có một số yếu tố tương đồng với chủ nghĩa cổ điển phương Tây đều xem xét nhân vật lý tưởng là người đặt lý trí lên trên tình cảm, coi nhẹ lợi ích riêng tư, tận trung phục vụ chế độ và lễ giáo phong kiến, coi nhẹ việc cá thể hóa tính cách và đặc biệt là sự thiếu dân chủ về đề tài và thể loại, và ngay cả những thể loại được tôn sùng vẫn có những quy phạm nghiêm ngặt… Tuy nhiên, ở phương Đông và Việt Nam, quan hệ sản xuất tư bản ra đời và phát triển chậm, không diễn ra thế quân bình giữa hai giai cấp phong kiến và tư sản. Vì vậy, nó có những đặc điểm riêng mang tính lịch sử – cụ thể cần phải được khảo sát cẩn thận hơn nữa.

Nhìn chung, chủ nghĩa cổ điển do quan niệm về chủ nghĩa duy lý quy định mà có những đặc điểm mang ít nhiều nhược điểm, nhưng với sự hướng về đời sống thực tế, đi sâu vào bản chất của sự vật và tâm lý nhân vật, đã đặt những tiền đề nghệ thuật cho tiến trình văn học phát triển sau này, nhất là đối với chủ nghĩa cổ điển Đức, với sự xuất hiện của các nhà mỹ học lẫy lừng như E. Kant và Hégels, đã làm thay đổi quá trình văn học của nhân loại và nước Đức đã trở thành trung tâm của trào lưu văn học lãng mạn.

(Theo: Phạm Phú Phong, Giáo trình Tiến trình Văn học)

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]