1. Xây dựng cơ bản & Những khái niệm cơ bản
Xây dựng cơ bản
Xây dựng cơ bản là ngành sản xuất vật chất quan trọng có chức năng sản xuất và tái sản xuất tài sản cố định cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Việc sản xuất và tái sản xuất ra tài sản cố định được ngành xây dựng thực hiện dưới các hình thức xây dựng mới, mở rộng, cải tạo và khôi phục.
Tài sản cố định của toàn bộ nền kinh tế quốc dân (nhà cửa, công trình sản xuất và phi sản xuất) gọi chung là công trình xây dựng của các ngành là sản phẩm xây dựng đã hoàn chỉnh và theo nghĩa rộng nó là tổng hợp và kết tinh sản phẩm của nhiều ngành sản xuất như: các ngành chế tạo máy, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng, ngành năng lượng, hoá chất, luyện kim … và của ngành xây dựng đóng vai trò tổ chức cấu tạo công trình ở khâu cuối cùng để đưa chúng vào hoạt động.
Công trình xây dựng
Công trình xây dựng là sản phẩm của công nghệ xây lắp gắn liền với đất (bao gồm cả khoản không, mặt nước, mặt biển và thềm lục địa) được tạo thành bằng vật liệu xây dựng, thiết bị và lao động.
Công trình xây dựng bao gồm một hoặc nhiều hạng mục công trình nằm trong dây chuyền công nghệ đồng bộ và hoàn chỉnh để làm ra sản phẩm cuối cùng được nêu ra trong dự án khả thi.
Quá trình hình thành công trình xây dựng. Theo “Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng” hiện hành được chia thành ba giai đoạn như:
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: (Lập dự án khả thi và ra quyết định đầu tư xây dựng công trình). Giai đoạn thực hiện đầu tư (thiết kế, lập dự toán, giải phóng mặt bằng, thi công xây lắp công trình). Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng (bàn giao công trình, quyết toán vốn đầu tư …).
Thành phần tham gia vào việc tạo ra công trình xây dựng hoàn chỉnh gồm có: chủ đầu tư có công trình xây dựng (gọi là bên A) và các nhà thầu (bên B). Tuỳ theo quy mô và tính phức tạp của công trình, thành phần bên B có thể có nhiều tổ chức thành phần tham gia như các tổ chức tư vấn đầu tư và xây dựng (đảm nhận các thành phần việc liên quan đến khảo sát, thiết kế, giám sát kỹ thuật chất lượng thi công…, các tổ chức xây lắp (đảm nhận phần xây dựng và lắp đặt thiết bị) và các nhà cung ứng (đảm nhận việc mua sắm máy móc thiết bị).
Trong các thành phần bên B thì tổ chức xây lắp (doanh nghiệp xây dựng nhận thầu xây lắp công trình) là thành phần chủ chốt của xây dựng cơ bản. Hoạt động của các doanh nghiệp này mang tính công nghiệp nên gọi là công nghiệp xây dựng.
Công nghiệp xây dựng
Ngành công nghiệp xây dựng bao gồm các doanh nghiệp xây dựng chuyên nhận thầu xây lắp công trình cho các chủ đầu tư xây dựng ở mọi lĩnh vực. Ở Việt Nam hiện nay ngành công nghiệp xây dựng bị phân tán và do nhiều ngành, nhiều Bộ quản lý, trong đó Bộ Xây dựng được Nhà nước giao cho quản lý chủ yếu.
Sản phẩm trực tiếp của ngành công nghiệp xây dựng bao gồm phần kiến tạo các kết cấu xây dựng làm chức năng bao che, nâng đỡ và phần lắp đặt các thiết bị, máy móc cần thiết vào công trình xây dựng để đưa chúng vào hoạt động.
Cần phân biệt sản phẩm cuối cùng của ngành xây dựng cơ bản và sản phẩm trực tiếp của ngành công nghiệp xây dựng.
Sản phẩm cuối cùng của xây dựng cơ bản là các công trình (nhà cửa, công trình sản xuất, công trình phi sản xuất) đã hoàn chỉnh có đủ khả năng đưa vào khai thác sử dụng. Nó là kết quả cuối cùng của hoạt động xây dựng cơ bản: hoạt động xây dựng, hoạt động lắp đặt thiết bị, hoạt động mua sắm máy móc thiết bị và hoạt động kiến thiết cơ bản khác.
Sản phẩm trực tiếp của công nghiệp xây dựng hẹp hơn. Nó là kết quả cuối cùng của hai hoạt động xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị.
Việc phân biệt giữa sản phẩm cuối cùng với sản phẩm trực tiếp của xây dựng có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong công tác định giá công trình, công tác đấu thầu.
Tư vấn đầu tư và xây dựng
Tư vấn là một dịch vụ trí tuệ, một hoạt động “chất xám” cung ứng cho khách hàng những lời khuyên đúng đắn về chiến lược, sách lược biện pháp hoạt động và giúp đỡ, hướng dẫn khách hàng thực hiện những lời khuyên đó.
Tư vấn đầu tư giúp khách hàng (chủ đầu tư) soạn thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi cho dự án. Ngoài ra có trường hợp tư vấn đầu tư được khách hàng yêu cầu thực hiện cả việc nghiên cứu thị trường để xác định cơ hội đầu tư.
Tư vấn xây dựng giúp khách hàng khảo sát, thiết kế, soạn thảo hồ sơ mời thầu, giám sát và quản lý quá trình thi công xây lắp, quản lý chi phí xây dựng, nghiệm thu công trình.
Các công việc tư vấn đầu tư và xây dựng do các tổ chức tư vấn đấu thầu và xây dựng thực hiện thông qua hợp đồng ký kết với chủ đầu tư. Các tổ chức tư vấn này thuộc các thành phần kinh tế, có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh về tư vấn đầu tư và xây dựng.
Tư vấn đầu tư và xây dựng có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển bền vững. Theo số liệu thống kê, giá trị do lĩnh vực tư vấn tạo ra hàng năm chiếm khoảng 2% tổng giá trị xây lắp trong cả nước, giá trị tư vấn tạo ra này tác động làm tăng trưởng nền kinh tế hàng năm. Mặt khác, ngoài giá trị đóng góp được đánh giá bằng tiền ra thì tư vấn còn có vai trò đóng góp vào hiệu quả, chất lượng các dự án, công trình xây dựng, sản phẩm công nghiệp và tri thức của con người, nhằm phục vụ cho sự phát triển của ngành và thông qua đó phục vụ cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
2. Đặc điểm của xây dựng cơ bản
Khác với phần lớn các ngành sản xuất vật chất khác, ngành xây dựng có nhiều đặc điểm riêng biệt, những đặc điểm này xuất phát từ tính đặc thù của sản phẩm ngành xây dựng và sản xuất xây dựng, chúng có ảnh hưởng rất lớn điến việc tổ chức sản xuất và quản lý kinh tế tài chính trong ngành xây dựng cụ thể:
Sản phẩm xây dựng có tính chất ổn định
Sản phẩm xây dựng sau khi hoàn thành thì không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, mà nơi sản xuất đồng thời là nơi sử dụng công trình này. Do đó các điều kiện (địa chất, thủy văn, cơ sở hạ tầng, nguồn nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm …) ở nơi địa điểm xây dựng công trình được lựa chọn có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình xây dựng và khai thác công trình, vì thế trong quản lý kinh tế xây dựng phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, điều tra, khảo sát để lựa chọn địa điểm công trình hợp lý về mọi mặt.
Mặt khác, do sản phẩm xây dựng cố định nên lực lượng sản xuất của ngành xây dựng thường xuyên di chuyển từ công trình này sang công trình khác. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định đời sống người lao động, đến chi phí cho khâu di chuyển. Do vậy công tác quản lý xây dựng cơ bản phải đặc biệt chú ý đến vấn đề này.
Sản phẩm xây dựng có thời gian sử dụng lâu dài
Sản phẩm của xây dựng cơ bản thường tồn tại và hoạt động trong nhiều năm và có thể tồn tại vĩnh viễn. Đặc điểm này đòi hỏi: phải đặc biệt coi trọng công tác quản lý chất lượng sản phẩm trong tất cả các khâu từ điều tra, khảo sát thiết kế cho đến thi công, nghiệm thu và bàn giao công trình. Chất lượng sản phẩm kém sẽ ảnh hưởng lâu dài đến quá trình vận hành công trình sau này.
Sản phẩm xây dựng có quy mô lớn, kết cấu phức tạp
+ Quy mô thể hiện về mặt hiện vật: hình khối vật chất lớn, về giá trị: vốn lớn.
+ Kết cấu của sản phẩm phức tạp, thể hiện công trình (sản phẩm) xây dựng có thể bao gồm một hoặc nhiều hạng mục công trình (chẳng hạn một nhà máy bao gồm hạng mục sản xuất chính, hạng mục sản xuất phụ…) một hạng mục công trình gồm nhiều đơn vị công trình (chẳng hạn hạng mục công trình sản xuất chính bao gồm các phân xưởng sản xuất…). Một đơn vị công trình bao gồm nhiều bộ phận công trình như móng, tường, dầm, mái… Các bộ phận công trình có yêu cầu kỹ thuật khác nhau: có bộ phận công trình sau khi hoàn thành bị che khuất vì vậy đòi hỏi trong công tác quản lý xây dựng phải chú ý công tác quản lý kiểm tra chất lượng công trình. Song việc kiểm tra chất lượng công trình không phải chỉ khi hoàn thành công trình mà phải tiến hành thường xuyê, hàng ngày theo từng giai đoạn hoặc từng bộ phận công trình và phải quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên A, B, thiết kế đối với việc đảm bảo chất lượng công trình.
Từ đặc điểm này nó đòi hỏi: khối lượng vốn đầu tư, vật tư, lao động, máy thi công nhiều, giải phát thi công khác nhau vì vậy những sai lầm về xây dựng có thể gây nên những lãng phí lớn về vật tư tiền của. Do vậy trong quản lý xây dựng phải chú trọng công tác kế hoạch vốn đầu tư, lập định mức kinh tế – kỹ thuật và quản lý theo định mức.
Mặt khác đặc điểm này dẫn đến tình trạng có nhiều nhà thầu cùng tham gia vào quá trình sản xuất sản phẩm và điều đó đòi hỏi phải có một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các đơn vị tham gia đảm bảo tiến độ thi công.
Thời gian xây dựng công trình thường dài
Sản phẩm của xây dựng là các công trình xây dựng hoàn chỉnh, thời gian sản xuất ra chúng thường dài, thời gian này phải tính theo tháng, theo năm chứ không thể tính theo phút, theo giờ như trong sản xuất công nghiệp. Thời gian xây dựng dày do quy mô và mức độ phức tạp về kỹ thuật tạo ra những công trình chi phối. Đặc điểm này làm cho vốn đầu tư xây dựng của chủ đầu tư và vốn sản xuất của tổ chức xây dựng thường bị ứ đọng lâu tại công trình. Các tổ chức xây dựng dễ gặp phải rủi ro ngẫu nhiên theo thời gian như thời tiết, lãi suất, giá cả, tỷ giá, tiến bộ khoa học công nghệ đến xây dựng công trình, nhất là điều kiện hiện nay.
Do vậy, đòi hỏi công tác quản lý kinh tế tài chính trong xây dựng phải chú ý đến yếu tố thời gian, quy định phương thức thanh toán vốn đầu tư thích hợp. Lựa chọn phương án tiến độ xây dựng hợp lý cho từng hạng mục công trình cũng như toàn bộ công trình để sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng. Nếu công trình không thực hiện đúng tiến độ thì không những làm thiệt hại về kinh tế do tăng chi phí, hiệu quả đầu tư thấp mà còn gây ảnh hưởng đến các ngành có liên quan, Chẳng hạn, xây dựng nhà máy chế biến nông sản sẽ gây thiệt hại cho người trông nguyên liệu.
Sản xuất xây dựng mang tính chất đơn chiếc theo đơn đặt hàng.
Sản phẩm của ngành công nghiệp thường được sản xuất hàng loạt theo thiết kế mẫu thống nhất tại một nhà máy sản xuất cố định để bán trên thị trường. Trong xây dựng cơ bản mỗi sản phẩm đều có một thiết kế riêng, dự đoán chi phí xây dựng riêng vì mỗi sản phẩm có yêu cầu riêng về công nghệ, về tiện nghi, về mỹ quan và an toàn. Ngay cả đối với các công trình xây dựng theo thiết kế mẫu (chẳng hạn công trình nhà ở) thì mỗi công trình ở địa điểm khác nhau đều phải được bổ sung, thay đổi thiết kế cho phù hợp với điều kiện địa chất, khí hậu, điều kiện cung cấp nguyên vật liệu tại địa điểm xây dựng công trình vụ thể.
Do vậy, có thể nói sản phẩm xây dựng không có sự giống nhau hoàn toàn, không thể nào tiến hành sản xuất hàng loạt mà sản xuất từng chiếc một theo đơn đặt hàng thông qua hình thức ký kết hợp đồng sau khi thắng thầu (hoặc giao thầu trong trường hợp chỉ định thầu) đặc điểm dẫn đến yêu cầu công tác quản lý kinh tế trong xây dựng phải xác định giá cho từng sản phẩm theo quy định của Nhà nước và quản lý theo giá đó. Mặt khác do sản xuất đơn chiếc, riêng lẻ nên năng suất lao động trong xây dựng không cao. Vì vậy trong quản ký kinh tế xây dựng phải tăng cương áp dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình chơ từng bộ phận kết cấu, sử dụng phương pháp lắp ghép để hạn chế một phần tính chất sản xuất đơn chiếc và nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm xây dựng.
Hoạt động xây dựng chủ yếu ở ngoài trời phải chịu ảnh hưởng rất lớn của các yếu tố tự nhiên, điều kiện làm việc nặng nhọc
Điều kiện thiên nhiên, thời tiết, khí hậu mưa gió, bão lụt… đều ảnh hưởng đến quá trình xây dựng. Ảnh hưởng này thường làm gián đoạn quá trình thi công, năng lực của doanh nghiệp không được điều hoà trong bốn quý, ảnh hưởng đến sản phẩm dở dang, đến vật tư thiết bị thi công, sức khoẻ của người lao động. Đặc điểm này đòi hỏi các doanh nghiệp xây dựng phải lập tiến độ thi công, tổ chức sản xuất hợp lý để tránh thời tiết xấu, giảm thời gian tổn thất do thời tiết gây ra, phải quan tâm phát triển phương pháp xây dựng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến xây dựng cơ bản nghiên cứu ban hành chế độ chính sách thích hợp đối với người lao động (chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bảo hộ lao động, chế độ tiền lương, tiền thưởng và các khoản phụ cấp khác) tổ chức tốt công tác cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo an toàn lao động. Đồng thời phải tổ chức tốt việc bảo quản vật tư, sản phẩm dở dang để tránh hư hỏng, mất mát do thiên tai gây ra.
3. Vai trò của xây dựng cơ bản đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế
Xây dựng cơ bản là một trong những ngành sản xuất quan trọng nó tạo ra hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân, không có một ngành nào trong nền kinh tế quốc dân có thể phát triển nếu không có xây dựng cơ bản. Do vậy, vai trò của nó được thể hiện:
+ Xây dựng cơ bản giữ vai trò chủ chốt trong việc tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật (nhà cửa, công trình sản xuất, phi sản xuất) cho mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân. Chúng ta biết rằng để tạo ra nhà cửa công trình sản xuất, phi sản xuất có sự tham gia của nhiều ngành trong nền kinh tế quốc dân. Chẳng hạn, ngành nông nghiệp, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, máy móc thiết bị (kể cả thiết bị không cần lắp, súc vật để sản xuất …) ngành giao thông vận tải vận chuyển các yếu tố này. Các yếu tố này để trở thành nhà cửa, công trình sản xuất, phi sản xuất phải đi qua một quá trình: từ quy hoạch, chuẩn bị đầu tư, thiết huy tác dụng. Quá trình này do ngành xây dựng cơ bản đảm nhận. Vì vậy, có thể nói xây dựng cơ bản là khâu cuối cùng, khâu chủ chốt của quá trình sáng tạo lên các công trình xây dựng – cơ sở vật chất kỹ thuật của các ngành trong nền kinh tế quốc dân. Các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tác động trực tiếp đến việc tăng năng lực sản xuất kinh doanh, tăng năng lực phục vụ của các cơ sở, góp phần làm tăng trưởng nền kinh tế, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, góp phần phát triển văn hoá, nghệ thuật kiến trúc, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
+ Xây dựng cơ bản góp phần làm tăng thu cho ngân sách nhà nước bằng hai con đường trực tiếp và gián tiếp:
- Xây dựng cơ bản đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế.
- Xây dựng cơ bản đóng góp gián tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua việc tạo ra các công trình cho các ngành như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… với chất lượng và giá công trình hạ. Giá công trình này là cơ sở để tính khấu hao vào giá thành sản phẩm của công trình sau này từ đó làm cho giá thành của công trình các ngành hạ, kết quả tài chính của các ngành tăng, đóng góp cho ngân sách tăng trong đó có ngành xây dựng.
+ Xây dựng cơ bản góp phần vào việc thay đổi cơ cấu kinh tế trong nền kinh tế quốc dân theo ngành và theo lãnh thổ (cơ cấu ngành, cơ cấu vùng) tạo khả năng thu hút lao động dưa thừa, giải quyết việc làm cho xã hội cả thành thị, nông thôn và di chuyển lao động giữa các vùng.
+ Xây dựng cơ bản góp phần xoá bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và miền xuôi, thông qua việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng như hệ thống đường xá giao thông, sân bay, bến cảng, hệ thống thông tin, hệ thống tải điện, các khu công nghiệp, đô thị hoá …
+ Việc hoàn thành kế hoạch xây dựng cơ bản của ngành xây dựng trên các mặt về quy mô, tốc độ và chất lượng sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế – chính trị – xã hội mà Đảng và Nhà nước đề ra trong từng thời kỳ, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tăng cường mối quan hệ giao lưu với các nước khác trên thế giới thông qua việc tạo ra các công trình cho tham quan du lịch, trùng tu lại các công trình hiện có nơi danh lam thắng cảnh.
+ Ngành xây dựng cơ bản góp phần đẩy nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ cho các ngành của nền kinh tế quốc dân thông qua việc lựa chọn, mua sắm, lắp đặt máy móc thiết bị có trình độ cao cho công trình, đổi mới công nghệ máy móc thiết bị cho côngo trình đang hoạt động. Do đó có thể nói xây dựng cơ bản là “cửa ngõ” đưa tiến bộ khoa học và công nghệ vào các ngành kinh tế.
+ Xây dựng cơ bản góp phần làm tăng tiềm lực cho quốc phòng, xây dựng các công trình phục vụ cho phòng thủ đất nước.
Tóm lại, trong điều kiện nước ta – Đất nước trong quá trình CNH, HĐH nền kinh tế thì xây dựng cơ bản càng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Tất cả các ngành các lĩnh vực khác của nền kinh tế muốn phát triển đòi hỏi xây dựng cơ bản phải đi trước một bước vì vậy Nhà nước cũng như từng ngành kinh tế, từng vùng địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển xây dựng phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
(Nguồn tài liệu: Giáo trình Kinh tế phát triển, Trường cao đẳng nghề Nam Định)