Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết dân tộc.
1. Vai trò của đại đoàn kết dân tộc
a. Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định thành công của cách mạng
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không phải là sách lược hay thủ đoạn chính trị mà là chiến lược lâu dài, nhất quán của cách mạng Việt Người nói rõ: “Sử dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, trước những yêu cầu và nhiệm vụ khác nhau, chính sách và phương pháp tập hợp đại đoàn kết có thể và cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với từng đối tượng khác nhau song không bao giờ được thay đổi chủ trương đại đoàn kết dân tộc, vì đó là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Từ thực tiễn xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, Hồ Chí Minh đã khái quát thành nhiều luận điểm mang tính chân lý về vai trò và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta”, “Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công”, “Bây giờ còn một điểm rất quan trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt: Đó là đoàn kết”. Người đã đi đến kết luận: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”.
b. Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Việt Nam
Đối với Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc không chỉ là khẩu hiệu chiến lược mà còn là mục tiêu lâu dài của cách mạng. Đảng là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam nên tất yếu đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xác định là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng và nhiện vụ này phải được quán triệt trong tất cả mọi lĩnh vực, từ đường lối, chủ trương, chính sách, tới hoạt động thực tiễn của Đảng. Trong lời kết thúc buổi ra mắt Đảng Lao động Việt Nam ngày 3-3-1951, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong tám chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”.
Đại đoàn kết dân tộc không những là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của cách mạng, mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Nhận thức rõ điều đó, Người yêu cầu Đảng Cộng sản phải có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, hướng dẫn quần chúng, chuyển những nhu cầu, những đòi hỏi khách quan, tự phát của quần chúng thành những đòi hỏi tự giác, thành hiện thực có tổ chức trong khối đại đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh vì độc lập của dân tộc, tự do cho nhân dân và hạnh phúc cho con người.
2. Lực lượng đại đoàn kết dân tộc
a. Chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc
Chủ thể của khối đại đoàn kết dân tộc, theo Hồ Chí Minh bao gồm toàn thể nhân dân, tất cả những người Việt Nam yêu nước ở các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội, các ngành, các giới, các lứa tuổi, các dân tộc, đồng bào các tôn giáo, các đảng phái, v.v. Đại đoàn kết toàn dân tộc là tập hợp, đoàn kết mọi người dân vào một khối thống nhất, không phân biệt dân tộc, giai cấp, tầng lớp, đảng phái, tôn giáo, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, ở trong nước hay ở ngoài nước cùng hướng vào mục tiêu
Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa mối quan hệ giai cấp, dân tộc để tập hợp lực lượng, không bỏ sót một lực lượng nào miễn là họ có lòng trung thành và sẵn sàng phục vụ Tổ quốc. Tư tưởng của Người đã định hướng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến cách mạng xã hội chủ nghĩa.
b. Nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc
Muốn xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, phải xác định rõ đâu là nền tảng của khối đại đoàn kết dân tộc và những lực lượng nào tạo nên nền tảng đó. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền, gốc của đại đoàn kết”. Như vậy, lực lượng làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc theo quan điểm của Hồ Chí Minh là công nhân, nông dân và trí thức. Nền tảng này càng được củng cố vững chắc thì khối đại đoàn kết toàn dân tộc càng có thể mở rộng, khi ấy không có thế lực nào có thể làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phải đặc biệt chú trọng yếu tố “hạt nhân” là sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng vì đó là điều kiện cho sự đoàn kết ngoài xã hội. Sự đoàn kết của Đảng càng được củng cố thì sự đoàn kết toàn dân tộc càng được tăng cường, Đảng đoàn kết, dân tộc đoàn kết và sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân đã tạo nên sức mạnh bên trong của cách mạng Việt Nam để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù, đi tới thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
3. Điều kiện để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Để xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, quy tụ, đoàn kết được mọi giai cấp, tầng lớp cần phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
Một là, phải kế thừa truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, đoàn kết của dân tộc. Truyền thống này được hình thành, củng cố và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc và đã trở thành giá trị bền vững, thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mỗi con người Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Truyền thống đó là cội nguồn sức mạnh vô địch để cả dân tộc chiến đấu và chiến thắng thiên tai, địch họa, làm cho đất nước được trường tồn, bản sắc dân tộc được giữ vững.
Thứ hai, phải có lòng khoan dung, độ lượng với con người. Theo Hồ Chí Minh, trong mỗi cá nhân cũng như mỗi cộng đồng đều có những ưu điểm, khuyết điểm, mặt tốt, mặt xấu… Cho nên, vì lợi ích của cách mạng, cần phải có lòng khoan dung độ lượng, trân trọng phần thiện dù nhỏ nhất ở mỗi người, có vậy mới tập hợp, quy tụ rộng rãi mọi lực lượng. Người từng căn dặn đồng bào: “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng văn dài đều họp nhau lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu người cũng có người thế này hay thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều dòng dõi của tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ”.
Ba là, phải có niềm tin vào nhân dân. Với Hồ Chí Minh, yêu dân, tin dân, dựa vào dân, sống, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân là nguyên tắc tối cao trong cuộc sống. Nguyên tắc này vừa là sự tiếp nối truyền thống dân tộc “Nước lấy dân làm gốc”, “Chở thuyền và lật thuyền cũng là dân”, đồng thời là sự quán triệt sâu sắc nguyên lý mácxít “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”. Dân là chỗ dựa vững chắc đồng thời cũng là nguồn sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyết định thắng lợi của cách mạng.
4. Hình thức tổ chức của khối đại đoàn kết dân tộc
a. Mặt trận dân tộc thống nhất
- Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ trở thành lực lượng to lớn, có sức mạnh khi được tập hợp, tổ chức lại thành một khối vững chắc, đó là Mặt trận dân tộc thống nhất, nơi quy tụ mọi tổ chức, cá nhân yêu nước, tập hợp mọi người dân trong nước và kiều bào sinh sống ở nước ngoài. Hồ Chí Minh chú trọng đến việc tập hợp quần chúng nhân dân vào những tổ chức yêu nước phù hợp như các hội ái hữu hay tương trợ, công hội hay nông hội, đoàn thanh niên hay hội phụ nữ, đội thiếu niên nhi đồng hay phụ lão,…, trong đó bao trùm là Mặt trận dân tộc thống nhất.
- Tùy theo từng thời kỳ và căn cứ vào nhiệm vụ của từng chặng đường cách mạng, Mặt trận dân tộc thống nhất có những tên gọi khác nhau như: Hội Phản đế đồng minh (1930); Mặt trận dân chủ (1936); Mặt trận nhân dân phản đế (1939); Mặt trận Việt Minh (1941); Mặt trận Liên Việt (1951); Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955, 1976)… Tuy nhiên, thực chất chỉ là một, đó là tổ chức chính trị – xã hội rộng rãi, tập hợp mọi người dân Việt Nam phấn đấu vì mục tiêu
b. Nguyên tắc xây dựng và hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Mặt trận dân tộc thống nhất cần được xây dựng và hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc:
Một là: Phải được xây dựng trên nền tảng liên minh công nhân – nông dân – trí thức và đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Hồ Chí Minh xác định Mặt trận là một khối đoàn kết chặt chẽ, có tổ chức trên nền tảng khối liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nguyên tắc cốt lõi trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó mở rộng Mặt trận, làm cho Mặt trận thực sự quy tụ được cả dân tộc, kết thành một khối vững chắc. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là lực lượng lãnh đạo Mặt trận.
Hai là: Phải xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân.
Theo Người, đại đoàn kết phải xuất phát từ mục tiêu vì nước, vì dân, trên cơ sở yêu nước, thương dân, chống áp bức bóc lột, nghèo nàn lạc hậu, lấy lợi ích tối cao của dân tộc, lợi ích căn bản của nhân dân lao động làm mục tiêu phấn đấu. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, là ngọn cờ đoàn kết và là mẫu số chung để quy tụ các tầng lớp, giai cấp, đảng phái, dân tộc và tôn giáo vào trong Mặt trận.
Ba là: Phải hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ.
Mặt trận dân tộc thống nhất là tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của cả dân tộc, bao gồm nhiều giai cấp, tầng lớp, đảng phái, dân tộc, tôn giáo khác nhau, với nhiều lợi ích khác nhau. Do vậy, hoạt động của Mặt trận phải dựa trên nguyên tắc hiệp thương dân chủ, Mọi vấn đề của Mặt trận đều phải được đem ra để tất cả các thành viên cùng nhau bàn bạc công khai, để đi đến nhất trí, loại trừ mọi sự áp đặt hoặc dân chủ hình thức.
Bốn là: Phải đoàn kết lâu dài, chặt chẽ, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Mặt trận phải lâu dài, chặt chẽ, thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt; đồng thời Người nêu rõ: “Đoàn kết thực sự nghĩa là mục đích phải nhất trí và lập trường cũng phải nhất trí. Đoàn kết thực sự nghĩa là vừa đoàn kết, vừa đấu tranh”.
5. Phương thức xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
Một là, làm tốt công tác vận động quần chúng (Dân vận)
Hồ Chí Minh coi đại đoàn kết là một mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng. Để thực hiện mục tiêu đó thì phải làm tốt công tác vận động quần chúng, giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phải giúp nhân dân hiểu đầy đủ, sâu sắc quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân với Tổ quốc, từ đó tích cực, chủ động, tự giác cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.
Hai là, thành lập đoàn thể, tổ chức quần chúng phù hợp với từng đối tượng để tập hợp quần chúng.
Theo Hồ Chí Minh, để tập hợp quần chúng nhân dân một cách hiệu quả, cần phải tổ chức các đoàn thể quần chúng như: Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ… Các đoàn thể quần chúng có nhiệm vụ giáo dục, động viên, phát huy tính tích cực của các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn.
Phải đoàn kết tốt các đảng phái, các đoàn thể, các nhân sĩ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn kết các dân tộc anh em, đoàn kết đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo.