Tư duy phản biện ở thế kỉ 21: Đó là gì và tại sao lại liên quan đến bạn (Anne và Charlie Kreitzberg)
Ở thế kỉ 21, chúng ta có những thay đổi thật sự trong cách sống và làm việc, cũng như trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin. Sự thay đổi này đồng nghĩa với việc chúng ta cần nhìn nhận một cách phản biện đối với chính tư duy phản biện, và quyết định xem liệu cách tiếp cận nào là hiệu quả nhất để ứng phó với những thách thức và cơ hội mà chúng ta đang đối mặt.
Tư duy phản biện giúp chúng ta đi đến những quyết định phù hợp. Mỗi ngày chúng ta đưa ra hàng ngàn quyết định. Phần lớn các quyết định là đơn giản, nhưng có một số quyết định lại rất ý nghĩa. Đôi khi, quyết định đó làm thay đổi cả cuộc đời. Khi không có cách nào để đoán trước điều gì có thể xảy ra không tương lai, thì điều thông minh nhất ta có thể thực hiện là đưa ra quyết định phù hợp nhất. Trong nghề nghiệp hay trong cuộc sống, những ai đưa ra quyết định tốt nhất sẽ là những người thành công nhất. Đó là lý do tại sao việc cải thiện tư duy phản biện lại trở nên quan trọng đến vậy.
Tư duy phản biện dẫn đến những quyết định phù hợp
Bạn có thể áp dụng tư duy phản biện đối với bất kì loại quyết định nào. Một vài quyết định phải mất hàng tháng và đòi hỏi phải có những phân tích phức tạp. Việc quyết định đầu tư vào một văn phòng hay phát triển một sản phẩm mới có thể khiến cả nhóm làm việc trong một thời gian dài. Nhưng những quyết định khác có thể thực hiện trong nháy mắt. Chẳng hạn, bạn nên trả lời điện thoại khi len lỏi trong dòng người tấp nập trên đường hay liều lĩnh bỏ lỡ một cuộc gọi quan trọng? Nếu gặp một con gấu trong rừng, bạn nên đứng yên hay bỏ chạy? Quyết định sai trong những hoàn cảnh đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tư duy phản biện cho bạn một sự nhạy bén
Dẫu bạn có 10 giây hay 10 tháng, tư duy phản biện sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định có lợi. Khi bạn tư duy một cách phản biện, bạn sẽ thấu hiểu tình huống rõ ràng, xem xét các chứng cứ, đưa ra những kết luận tốt nhất và thực hiện hành động phù hợp. Tư duy phản biện cho bạn một sự nhạy bén trong các quyết định.
Bạn đã có nền tảng rồi
Ở một chừng mực nào đó, mỗi chúng ta đều là người tư duy phản biện. Nếu đưa cho một bé gái 5 tuổi chọn cái bánh lớn hấp dẫn và một cái nhỏ tệ hơn, bé sẽ nhanh chóng phân tích tình hình và chọn cái tốt hơn. Khả năng phân tích tình huống và đưa ra kết luận bắt nguồn từ thời ấu thơ và càng lúc càng hiệu quả khi chúng ta trưởng thành.
Khi trưởng thành, chúng ta đưa ra nhiều quyết định phù hợp. Nhưng không phải lúc nào cũng thế. Mọi người đều có khả năng tư duy phản biện, nhưng không phải ta luôn thực hiện chúng và có thể không thực hiện tốt. Bằng cách cam kết trở thành người tư duy phản biện tốt hơn và nâng cao kỹ năng tư duy phản biện, bạn sẽ thấy bản thân đưa ra quyết định phù hợp hơn. Điều này có lợi cho bạn và những người làm việc cùng bạn.
Tư duy phản biện là một phong cách sống
Để trở thành người tư duy phản biện, chúng ta phải học hỏi rất nhiều. Có quan niệm cho rằng chúng ta tiếp nhận và áp dụng trên một nền tảng vững chắc. Có kỹ năng tư duy phản biện mà không sử dụng chúng thì cũng chẳng nâng cao được thành tích của bạn. Trở thành người tư duy phản biện giỏi cũng giống như trở thành vận động viên giỏi. Tất cả chúng ta sinh ra đều có khả năng vận động, nhưng để phát triển các kỹ năng này thì cần phải học các kỹ thuật và luyện tập chúng. Các vận động viên thường giỏi nhiều môn thể thao nhưng chỉ xuất sắc ở một hoặc hai môn. Những người tư duy phản biện cũng tiếp cận hầu hết các vấn đề một cách hiệu quả nhưng chỉ xuất sắc ở những lĩnh vực chuyên biệt.
Quyết định tạo lập các kỹ năng vận động là một quyết định thể hiện phong cách sống của bạn. Để trở thành vận động viên giỏi, bạn cần có lối sống lành mạnh và năng động. Tư duy phản biện cũng là vấn đề thuộc về lối sống. Những người tư duy phản biện tiếp cận mọi tình huống bằng cách cố gắng đánh giá chúng chính xác và đưa ra quyết định phù hợp nhất tại thời điểm đó. Tư duy phản biện còn hơn là việc thu thập các kỹ thuật – đó là quan niệm và là cách suy nghĩ.
Tư duy phản biện ở thế kỷ 21
Tư duy phản biện có một lịch sử lâu dài. Các nhà nghiên cứu thường bắt đầu với nhà triết học Hy Lạp cổ đại Socrates, người đã đặt ra những dạng câu hỏi logic. Trong 2500 năm tiếp theo, các tác giả dẫn đầu trong việc nghiên cứu về tư duy đã đưa ra nhiều ý tưởng về tư duy phản biện.
Tư duy phản biện ở thế kỷ 21 có khác gì so với tư duy phản biện trước đây không? Câu trả lời là Có và Không. Nền tảng của Tư duy phản biện – việc thu thập các chứng cứ phù hợp, tách sự thật ra khỏi các nhận định cá nhân, nhận ra các giả định (của chính bạn và của người khác) và đưa ra các kết luận chính xác – vẫn là những cách thức vững chắc để tiếp cận đến việc ra quyết định.
Nhưng ở thế kỉ 21, chúng ta có những thay đổi thật sự trong cách sống và làm việc, cũng như trong cách tiếp nhận và đánh giá thông tin. Những sự thay đổi này đồng nghĩa với việc chúng ta cần nhìn nhận một cách phản biện đối với chính tư duy phản biện và quyết định xem liệu những cách tiếp cận nào là hiệu quả nhất trong môi trường hiện tại.
Công nghệ thông tin
Một sự khác biệt rõ ràng nhất trong cách chúng ta tiếp nhận thông tin là Internet. Ai cũng có thể công bố bất cứ thứ gì và làm cho nó có giá trị đối với hầu hết mọi người trên thế giới. Việc tìm kiếm những thông tin thật sự giá trị trong vô vàn thông tin hỗn độn không phải là điều dễ dàng. Bạn không bao giờ chắc chắn rằng bạn có thể tìm thấy mọi thứ quan trọng và có liên quan. Nhiều trong số những thông tin đó là không đúng hoặc thiên vị, có thể do chủ đích của tác giả cũng có thể do sai sót. Và tệ hơn nữa, nhiều thông tin được trình bày cẩn thận để thuyết phục và đánh lừa người đọc. Internet là nguồn thông tin rộng lớn và vô giá nhưng cũng rất nguy hiểm. Vì vậy, tư duy phản biện về việc chúng ta đang sử dụng chúng như thế nào là rất quan trọng.
Toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa, một xu hướng ở thế kỉ 21, đang thay đổi cách thức kinh doanh. Hiện nay chúng ta đang bắt đầu một xã hội toàn cầu hóa thật sự. Nhiều ngành kinh doanh đã phát triển trong một kỷ nguyên mà ở đó các công ty tập trung vào một quốc gia. Ở thế kỉ 21, hoạt động quốc tế là một phần của việc kinh doanh. Các công ty đã phát triển các lĩnh vực kinh doanh “đa quốc gia”, mở rộng hoạt động sang nhiều nước hơn.
Ngày nay, ngay cả những công ty nhỏ cũng có thể hoạt động theo hướng toàn cầu. Bạn có thể tìm thấy cơ hội tốt khi làm việc với nhiều người ở đất nước khác như là những đội ảo. Làm việc xa các đồng nghiệp đòi hỏi bạn phải theo kế hoạch hơn so với khi gặp nhau thường xuyên. Làm việc trong môi trường toàn cầu hóa cũng phải xem xét các yếu tố khác như: sự khác biệt về văn hóa, giao tiếp, phong cách làm việc hay ngay cả lịch gặp. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật giúp cho việc trao đổi thông tin và hợp tác trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm hơn.
Năng lượng
Vấn đề thứ 3 mà chúng ta đối mặt ở thế kỉ 21 là cách sử dụng năng lượng. Trước đây, các tiến trình kinh doanh được xây dựng trên giả định nguồn dầu, khí ga và than đá là rẻ và vô hạn. Việc giảm nguồn cung và bùng phát những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang thách thức những giả định kinh tế này. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kinh doanh? Sau đây là một ví dụ. Ngày 9/10/2007, Marketplace – một chương trình radio được sản xuất bởi American Public Media – đã tiết lộ một câu chuyện về cuộc chu du của rác Mỹ. Theo câu chuyện này, rác Mỹ đã được chuyên chở bằng đường thủy, vượt qua 7000 dặm đến Trung Quốc và được tái chế thành các hộp cát-tông. Sau đó số hộp này được đóng thành các sản phẩm tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc và được chất lên tàu, vượt 7000 dặm để rồi trở lại Mỹ (American Public Media, 2007). Có thể có người cho rằng đây là một cách tao nhã để tái chế. Nhưng nó chỉ có lợi nếu giá nguyên liệu thấp. Nếu giá dầu cao và ảnh hưởng môi trường khi vận chuyên thì có lẽ điều này chẳng còn ý nghĩa gì cả.
Chúng ta có thể làm gì lúc này
Rất khó để nhận thấy những thay đổi đối với xã hội và kinh doanh sẽ diễn ra như thế nào trong tương lai. Nhưng rõ ràng những gì chúng ta thật sự cần lúc này là tư duy phản biện. Cách tốt nhất để phát triển trong sự thay đổi này là đặt câu hỏi với những giả định của bạn. Hãy cởi mở để nhìn thế giới theo những cách khác nhau. Hãy chắc chắn rằng bạn đang làm việc với thông tin hiện tại hơn là những niềm tin cũ. Hãy hiểu làm thế nào để đưa ra quyết định tốt, kiên nhẫn hơn nữa. Hãy cam kết hình thành thói quen tư duy phản biện.
Nguồn: www.agilecriticalthinking.com (Người dịch: ThS. Nguyễn Thị Trường Hân)