Một loại gốm tuy xuất hiện muộn nhưng đang khá phổ biến, được nhiều người trong nước và nước ngoài ưa thích, mang gương mặt riêng biệt trong nghệ thuật gốm Việt Nam, đó là gốm Biên Hòa, ra đời vào đầu thế kỷ XX và đạt được những thành tựu tại các hội chợ quốc tế từ năm 1925. Gốm Biên Hòa rất đa dạng về sản phẩm, tạo dáng và hoa văn trang trí. Nó được sản xuất từ Biên Hòa (Đồng Nai), sau này nhiều lò khác ở Sông Bé cũng sản xuất. Trong bài này, chúng tôi chỉ tìm hiểu phần trang trí.
Người thợ gốm Biên Hòa rất chú ý đến trang trí trên sản phẩm gốm của mình. Nhiều khi cùng một dáng nhưng được trang trí bằng nhiều bố cục hoa văn, màu sắc khác nhau, tạo nên những vẻ đẹp mới, sự hấp dẫn mới cho sản phẩm. Đây cũng là một đặc trưng của trang trí trong sản xuất công nghiệp. Gốm Biên Hòa gây được ấn tượng riêng biệt dễ nhận biết chủ yếu bởi phong cách trang trí, đó là mối quan hệ giữa thủ pháp trang trí, màu sắc và nội dung các hoa văn.
Sản phẩm gốm Biên Hòa về cơ bản được trang trí hoa văn từ phương pháp vẽ nét chìm, hoặc nét chìm kết hợp với chạm thủng tô men – màu lửa trung có màu sắc khá tươi sáng, bắt mắt. Các hoa văn được tạo bằng nét chìm giống với nét trên gốm đất nung truyền thống, đó là loại nét nhọn, mảnh nhưng là những nét liên tục, có độ uốn lượn khá phong phú để tạo nên những họa tiết khác nhau. Nếu hoa văn trên gốm đất nung được hiện lên bằng các nét chìm kết hợp như âm bản thì trên gốm Biên Hòa phần giữa cả hai nét chìm mới là hoa văn có hình đầy đủ được coi như là dương bản. Nó cũng khác hẳn với nét “bè” trên gốm hoa nâu Lý – Trần, tuy cả hai đều thuộc loại gốm sành xốp. Với đặc trưng riêng như vậy, nên các đồ án trang trí thường được tổ hợp khá đầy đặn các nét vẽ chìm, chỉ riêng nét đã tạo được các mảng trang trí đậm nhất trên sản phẩm.
Các trang trí trên gốm được bắt đầu bằng các nét vẽ viền họa tiết, rồi sau đó được tô men – màu hoặc chạm thủng, phần nền các nét này như là những đường bao để khi tô men – màu được nhỏ và gọn, tăng độ tinh tế và tăng cường việc sử dụng màu trên các mảng nhỏ đó. Việc sử dụng nét cho người thưởng thức cảm giác sản phẩm được trang trí rất công phu, tinh tế, mặc dầu trên thực tế những người thợ gốm với nghề nghiệp điêu luyện đã vẽ rất nhanh và chính xác theo mẫu được chuẩn bị từ khuôn, hoặc đập mẫu, in mẫu lên thân mộc từ trước.
Các mảng hoa văn được tạo từ nét đã làm tăng sự đối lập của nó với phần để trơn làm chúng tôn nhau, đặc biệt là trong các sản phẩm lớn. Các sản phẩm nhỏ đôi khi được trang trí bằng nét tạo hoa văn phủ khắp thân sản phẩm, và sự đối lập nét sản phẩm hoặc nét sáng từ xương đất với màu men của hoa văn dù là dùng một màu vẫn cho ta cảm giác đẹp. Trên thực tế, gốm Biên Hòa chỉ sử dụng nét và men màu đã cho ta nhiều sản phẩm có tính nghệ thuật cao, đó là các lọ hoa vẽ các đề tài “bách hoa”, “vũ nữ”…
Thủ pháp trang trí thông dụng khác thường được áp dụng trên gốm Biên Hòa là “chạm thủng”. Đặc trưng chạm thủng là tạo những chỗ đậm làm nền cho hoa văn như trong trang trí voi, chân đèn, lọ… Trong trường hợp chao đèn thì các mảng thủng lại là những chỗ sáng làm nền cho hoa văn đậm khi có ánh sáng phía trong, hoặc tạo chỗ cho ánh sáng tỏa ra ngoài một cách lung linh. Gốm Biên Hòa hầu như không cố tạo các hoa văn bằng các lỗ thủng như một số gốm Trung Quốc thường hay áp dụng, về màu sắc, gốm Biên Hòa cũng có những nét riêng không giống với gốm hoa nâu, hoa lam hay đồ sứ. Trước hết là nó không có sự phân biệt giữa men và mẫu vẽ, bởi men phủ trên gốm Biên Hòa cũng là mẫu vẽ lên hoa văn, đó là sự kết hợp men và mẫu chung trong một công thức, để rồi khi vẽ lên hoa văn đã được xác định đường nét, cũng chính là tô men lên sản phẩm, không phải vẽ rồi tráng men theo lối vẽ dưới men của gốm hoa lam và nung hai lần để có hoa văn tươi sáng như trên đồ sứ.
Nhiệt độ 1.100°C – 1.200°C đã cho phép men – màu trên gốm Biên Hòa hết sức phong phú về mẫu và sắc độ. Ta biết rằng, nếu nâng cao hơn ở dạng sành trắng hay đồ sứ thì các màu này khó lòng tồn tại được. Nét riêng của màu sắc gốm Biên Hòa cũng chính là nét riêng của gốm sành xốp lửa trung do kỹ thuật điều khiển.
Vì là men và màu kết hợp nên màu không những tươi sáng mà còn có độ trong và độ sâu do độ dày của nó tạo nên gần với đặc trưng của gốm men ngọc. Đã có một giai đoạn, gốm Biên Hòa nhập men – màu của nước ngoài khoác lên mình, nên màu rất tươi sáng và ổn định.
Sự lạm dụng bảng màu tươi cũng đem lại hậu quả là một số sản phẩm gốm trở nên lòe loẹt và quá thừa thãi như sự trưng khoe, chứ không phải do nhu cầu của nghệ thuật. Và do men màu được tinh chế tốt nên mất đi cái cảm giác trầm mặc, sâu lắng mà men đồ gốm có thế mạnh. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm do sử dụng vừa độ màu sắc, hoặc rất ít màu khác nhau, đã cho ta những sản phẩm gốm thực sự có nghệ thuật cao. Đó thường là các trường hợp dùng men màu đen cho họa tiết trên nền nâu xương đất, men màu nâu trên nền vàng đất, hoặc chỉ sử dụng họa tiết một màu trắng ngà… hoặc nhiều màu men nhưng cùng một “tông” màu.
Một đặc trưng khác tạo ra do men là màu và nét vẽ chìm nên toàn bộ sản phẩm không có độ nhẵn bóng mịn như trên đồ sứ, các hoa văn do được tô men – màu dày lại ở giữa hai nét vẽ chìm càng tạo nên những khối nổi cho họa tiết, tạo cảm giác gần với các họa tiết trên đồ ngà.
Độ ổn định của men – màu rất cao nên ít khi men bị chảy nhòe hay chảy lấp vào các nét vẽ chìm. Vì vậy, đòi hỏi người sáng tác mẫu và người thể hiện trang trí phải tính toán đầy đủ yếu tố chủ động trong khâu sáng tạo họa tiết, kết hợp khâu vẽ nét chìm điêu luyện chuẩn xác và khâu tô men phải lưu loát – gốm Biên Hòa không có chỗ bất ngờ tạo được vẻ đẹp trong quá trình nung.
Về mặt bố cục, hoa văn trang trí trên sản phẩm gốm Biên Hòa thường áp dụng phổ biến mấy loại sau đây:
Loại thứ nhất trang trí bằng các dải đồ án ngang, gần với cách bố cục trang trí trên gốm hoa nâu. Một sản phẩm có thể trang trí bằng nhiều dải đồ án, nhưng thông thường là ba, trong đó có một dải đồ án lớn nằm ở thân và hai dải đồ án nhỏ nằm ở phía trên cổ và phía dưới chân sản phẩm. Dải đồ án chính nhiều khi là một bức tranh chạy tròn có nội dung rất phong phú, với cảnh vật, con người như cảnh nhảy múa, đi săn, đấu vật, đám cưới chuột…, còn các dải đồ án phụ thường thường là hoa văn hình học kết hợp với các bảng màu.
Loại thứ hai, có thể coi là sự biến thể của bố cục trang trí theo ô dọc nhưng các ô đó có khoảng cách không phải chỉ bằng những đường gạch dọc như trên gốm hoa màu mà còn là những ở cách xa nhau do mảng hoa văn trang trí phụ khắp thân gốm chừa ra mà tạo thành, có lẽ gần giống với lối trang trí thành hình ô trên chân đèn gốm hoa lam. Tùy theo bố cục và nội dung trang trí của sản phẩm, mà người ta để nhiều hay ít ô có hình vuông, chữ nhật, bầu dục, tròn và các biến thể của nó ở góc. Thông thường trên thân và trên cổ sản phẩm để từ hai đến bốn ô, và màu sắc trang trí trong các ô này bao giờ cũng đối lập với màu sắc trang trí trên nền còn lại, chẳng hạn các ô có màu sắc sáng thì hoa văn nền bao giờ cũng sẫm hoặc ngược lại.
Loại thứ ba là bố cục trang trí theo lối dàn trải hoa văn khắp thân sản phẩm như trong trang trí vải hoa, các hoa văn được lặp lại, mà phần lớn là hoa văn xoắn ốc, hoa cúc dây, mắt võng, mai rùa, hoa chanh hoặc rồng mây có bố cục tự do miễn sao cho thuận mắt.
Trên nhiều sản phẩm, người ta kết hợp ba loại bố cục kể trên và các biến thể của nó để bố cục trang trí được khác nhau, lấy bố cục và hoa văn trang trí biến đổi, đánh lừa con mắt, thay cho sự thay đổi về hình dáng – làm phong phú kiểu dáng gốm Biên Hòa.
Một đặc trưng nữa của trang trí gốm Biên Hòa, đó là sự đa dạng, phong phú của nội dung các hoa văn trang trí. Đối với các hoa văn, ngoài yếu tố trang trí, người ta rất quan tâm đến ý nghĩa của nó, đặc biệt là những hoa văn có tính ước lệ, được gán đặt một ý nghĩa nào đó thông dụng trong nhân dân. Hoa văn miêu tả cuộc sống, hay minh họa cho một truyền thuyết, một kỳ tích, một câu chuyện nào đó.
Trước hết, ta thấy gần như đủ mặt các loại đồ án trang trí phổ biến trong nghệ thuật Việt Nam. Đó là tứ linh tức long (rồng), ly (lân), quy (rùa), phượng: mỗi con là một biểu hiện, tượng trưng riêng, chẳng hạn long tượng trưng cho đức, ly tượng trưng cho yên bình, quy tượng trưng cho sự bền vững, còn phượng tượng trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ… Ở mỗi con vật tượng đó lại được thể hiện cụ thể hơn như long có long vân, long hàm thọ, lưỡng long tranh châu, ngư long hý thủy… với nhiều dạng bố cục khác nhau.
Ngoài những con vật trang trí trên còn bốn con vật nữa là ngư (con cá chép), phúc (con dơi), hạc, hổ rất phổ biến trong nghệ thuật trang trí và được gọi chung là bát vật, mỗi con vật này đều mang ý nghĩa tượng trưng như con cá chép tượng trưng cho sự phồn thịnh, con dơi cho tốt lành may mắn, hổ cho sức mạnh…
Ngoài những đồ án có tính chất phong kiến và tôn giáo kể trên, gốm Biên Hòa còn sử dụng các hoa văn trang trí từ thảo mộc, hoa quả và vật thường dùng trong nhân dân, đã được dùng khái quát thành hình tượng trang trí như tứ hữu, tứ thời bát bảo, bát tiêu mà mỗi loại, đều mang ý nghĩa nhất định.
Ta thường thấy đề tài mai, lan, cúc, trúc trang trí tứ quý hay mai điểu (chim đậu cành mai), liên áp (vịt bơi bên hoa sen), cúc điệp (bướm đậu trên hoa cúc), tùng hạc hay tùng lộc (con hạc hoặc con hươu đứng bên cây tùng). Đó là đồ báo hỉ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong một năm.
Gốm Biên Hòa còn sử dụng khá nhiều những đề tài lịch sử, đề tài lao động, sinh hoạt và các mẫu tranh dân gian vào trong trang trí của mình, để trở thành những bức tranh trang trí trên đồ gốm. Tuy nhiên, chỉ những bức tranh có tính trang trí cao mới phù hợp với gốm Biên Hòa mà thôi.
Những phân tích trên cho thấy những đặc trưng cơ bản đã tạo nên phong cách gốm Biên Hòa là chất liệu sành xốp sử dụng men – màu lửa trung, phong phú về bảng màu và sắc độ với thủ pháp trang trí nét chìm kết hợp với tô màu – men hoặc chạm thủng có tính trang trí cao, là sự đa dạng về hình dáng và bố cục trang trí, nội dung hoa văn. Tất cả đã hòa nhập vào nhau tạo thành một gương mặt gốm riêng trong nghệ thuật gốm Việt Nam, có khả năng phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong loại hình gốm nghệ thuật.
(Nguồn tài liệu: Trần Khánh Chương, Gốm Việt Nam từ đất nung đến sứ, NXB Mỹ thuật, 2004)