Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Thuế quan là gì? Một công cụ hạn chế thương mại quốc tế

Thuế quan là gì? Một công cụ hạn chế thương mại quốc tế

by Ngo Thinh
340 views

Thuế quan (Tariff), một công cụ được sử dụng để hạn chế thương mại quốc tế và phân tích tác động của thuế quan tới nước có liên quan. Thực tế cho thấy các chính phủ các quốc gia thực sự không tôn trọng tự do thương mại, mặc dù buôn bán tự do là hình thức buôn bán hiệu quả và hợp lý nhất đối với người tiêu dùng. Các nhà hoạch định chính sách đã tạo ra những công cụ khác nhau để hạn chế sự tự do di chuyển hàng hóa và dịch vụ. Một công cụ quan trọng nhất và cổ điển nhất để hạn chế thương mại tự do và bảo hộ đối với sản xuất trong nước là thuế quan. Thuế quan làm tăng giá hàng nhập khẩu và từ đó làm cho giá hàng nhập khẩu kém cạnh tranh hơn.

1. Khái niệm thuế quan

Có nhiều định nghĩa khác nhau về thuế quan. Theo Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, thuế quan là nghĩa vụ nộp hoặc thuế đánh vào hàng hóa tại biên giới khi hàng hóa đi từ một lãnh thổ hải quan (thông thường là một nước) sang lãnh thổ hải quan khác. Hoặc theo Dominick Salvatore: “Thuế quan là một loại thuế đánh vào hàng hóa khi nó được vận chuyển xuyên qua biên giới quốc gia”. Thuế quan là một biện pháp hay công cụ quan trọng nhất và mang tính cổ điển nhất để thực hiện chính sách thương mại và bảo hộ thị trường nội địa.

2. Phân loại

Thuế quan có thể được phân loại dựa trên các tiêu chí khác nhau.

Theo mục đích đánh thuế, thuế quan được chia thành hai loại: thuế quan tài chính và thuế quan bảo hộ. Gọi là thuế quan tài chính, bởi vì thông qua việc đánh thuế nhằm đem lại nguồn thu cho ngân sách. Gọi là thuế quan bảo hộ, bởi vì thông qua việc đánh thuế nhằm bảo hộ đối với nền sản xuất trong nước.

Theo đối tượng đánh thuế, thuế quan được chia thành ba loại: thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế quá cảnh. Thuế xuất khẩu là thuế đánh vào hàng hóa hoặc nguyên vật liệu ở thời điểm chúng rời lãnh thổ hải quan quốc gia. Những lý do để đánh thuế xuất khẩu là nhằm tăng thu nhập cho ngân sách nhà nước, đẩy mạnh hơn nữa việc gia công hàng hóa trong nước, hình thành một chính sách đảm bảo rằng các nguyên vật liệu khan hiếm và cần thiết cho nền sản xuất trong nước phải được dự trữ ở mức tối đa cho công nghiệp nội địa. Thuế nhập khẩu là thuế đánh vào sản phẩm nhập khẩu tại biên giới. Thuế quá cảnh là thuế đánh vào hàng hóa khi đi qua lãnh thổ của một nước trung gian.

Theo phương pháp tính thuế, thuế quan được chia thành ba loại: thuế quan tính theo số lượng (còn gọi là thuế đặc định – specific tariff), thuế quan tính theo giá trị (Ad valorem tariff) và thuế quan hỗn hợp. Đại đa số các quốc gia sử dụng phương pháp thuế quan tính theo giá trị. Do nhiều nước ít đánh thuế vào hàng hóa xuất khẩu, hoặc nếu đánh thuế thì cũng đánh rất ít vào các sản phẩm xuất khẩu nên khi nói đến thuế quan là đồng nghĩa với thuế nhập khẩu.

3. Thuế nhập khẩu

3.1. Thuế đặc định

Thuế được thể hiện bằng một khoản tiền cụ thể đánh vào một hàng hóa nhập khẩu cụ thể. Thuế đặc định là một loại thuế nhập khẩu quy định: một lượng tiền thuế cố định tính trên một đơn vị hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ, thuế đặc định này có thể là 20 đôla trên một tấn hàng hóa nhập khẩu. Tổng tiền bị đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tương ứng với số lượng đơn vị hàng hóa đưa vào quốc gia nhập khẩu và không tính theo giá cả hoặc giá trị của hàng nhập khẩu.

Cơ quan thuế có thể dễ dàng thu thuế đặc định vì họ chỉ cần biết số lượng hàng hóa nhập khẩu vào quốc gia, chứ không phải là một lượng tiền. Tuy nhiên, thuế đặc định cũng có một trở ngại khá lớn để bảo hộ các nhà sản xuất trong nước, đó là vì giá trị bảo hộ tỷ lệ nghịch với giá của hàng nhập khẩu. Nếu giá nhập khẩu của nhà sản xuất nước ngoài là 5 đôla và thuế là 1 đôla trên một đơn vị, mức thuế này tương đương với 20% giá cả hàng hóa. Tuy nhiên, nếu lạm phát xảy ra và giá nhập khẩu tăng lên 10 đôla, thuế nhập khẩu lúc này chỉ tương ứng là 10% của giá trị hàng nhập khẩu. Các nhà sản xuất trong nước có thể cảm thấy rằng loại thuế này không thực hiện được công việc bảo hộ (sau khi lạm phát xảy ra) như nó thường được sử dụng, tuy nhiên lợi ích của người tiêu dùng tăng lên. Lạm phát xảy ra trong và sau thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai và tái diễn dưới dạng khủng khoảng lớn vào những năm cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 đã khiến các quốc gia không còn chú trọng đến loại thuế này, song nó vẫn được áp dụng với nhiều mặt hàng.

3.2. Thuế quan tính theo giá trị

Theo Từ điển Chính sách thương mại quốc tế, thuế quan tính theo giá trị “dựa trên phần trăm của giá trị hàng nhập khẩu, gọi là thuế trị giá”, hay nói cách khác là tỷ lệ phần trăm của giá trị hàng hóa nhập khẩu.

Thuế quan tính theo giá trị có thể bảo hộ các nhà sản xuất trong nước tốt hơn thuế quan đặc định khi xảy ra lạm phát. Thuế quan tính theo giá trị được thu theo số phần trăm không đổi của số tiền tương đương với một đơn vị hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, nếu thuế quan tính theo giá trị là 10% thì một mặt hàng với giá chung trên thế giới là 10 đôla sẽ có một khoản thuế đặc định là 1 đôla. Khi lạm phát xảy ra (giả sử lạm phát là 100%), giá hàng hóa sẽ tăng lên 20 đôla và do đó tiền thuế nhập khẩu với mức thuế quan tính theo giá trị không đổi (10%) sẽ là 2 đôla.

3.3. Thuế ưu đãi

Thuế ưu đãi là tỷ lệ thuế được áp dụng cho một mặt hàng nhập khẩu theo những hiệp định thương mại giữa các quốc gia. Một quốc gia được hưởng chế độ ưu đãi sẽ phải trả mức thuế thấp hơn. Tại thời điểm hiện nay, các loại thuế ưu đãi ở EU, ví dụ như Pháp nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác như Italia sẽ trả thuế có giá trị là 0. Cùng một loại hàng thông thường có thể phải trả thuế (dương) nếu hàng hóa đó đến từ các nước không thuộc EU.

4. Đo lường mực độ của thuế quan

Một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta cần tìm hiểu khi nghiên cứu về thuế quan của các nước đó là mức thuế quan trung bình của các nước là bao nhiêu? Vấn đề này nảy sinh vì tất cả các quốc gia đều có các tỷ lệ thuế quan khác nhau đối với hàng hóa nhập khẩu. Vậy làm thế nào chúng ta có thể xác định tỷ lệ thuế quan trung bình từ sự khác biệt lớn như vậy? Ở phần này chúng ta sử dụng hai công thức tính tỷ lệ thuế quan trung bình để trả lời các câu hỏi trên

4.1. Tỷ lệ thuế quan trung bình không cân đo

Tỷ lệ thuế quan trung bình không cân đo hay không có trọng số (ký hiệu R1) chính là trung bình cộng các mức thuế của tất cả các hàng hóa. Giả sử chúng ta có ba mặt hàng nhập khẩu với tỷ lệ thuế quan như sau: mặt hàng A là 10%, mặt hàng B là 15%, mặt hàng C là 20%. Trung bình chung của tỷ lệ này là:

R1 = (10% + 15% + 20%) / 3 = 15%

Đây cũng chính là tỷ lệ thuế quan trung bình không cân đo của 3 mặt hàng A, B, và C. Tỷ lệ thuế quan trung bình này không tính đến tầm quan trọng liên quan hàng hóa nhập khẩu. Nếu quốc gia nhập khẩu hầu hết hàng hóa A hay nhập khẩu hầu hết hàng hóa C thì tỷ lệ thuế quan trung bình không cân đo không phản ánh được chính xác mức thuế trung bình mà quốc gia đó áp dụng. Chính vì vậy, chúng ta có thể sử dụng công thức tính tỷ lệ thuế quan trung bình cân đo hay có trọng số.

4.2. Tỷ lệ thuế quan trung bình cân đo (ký hiệu R2)

Tỷ lệ thuế quan trung bình cân đo hay có trọng số (ký hiệu R2) chính là tỷ lệ thuế quan bình quân gia quyền của các thuế suất áp dụng cho các mặt hàng có tính đến giá trị nhập khẩu của các hàng hóa. Giả sử quốc gia nhập khẩu mặt hàng A với trị giá 500.000 đôla và thuế suất là 10%, mặt hàng B với trị giá 200.000 đôla và thuế suất là 15% và mặt hàng C với trị giá 100.000 đôla và thuế suất 20%. Tỷ lệ thuế quan trung bình cân đo được tính như sau:

Tỷ lệ thuế quan trung bình có trọng số (12,5%) thấp hơn tỷ lệ mức thuế không cân đo (15%) cho thấy có nhiều hàng hóa nhập khẩu có thuế quan thấp hơn là hàng hóa chịu thuế quan nhập khẩu cao đang được nhập vào quốc gia đó một cách tương ứng. Tuy nhiên, tỷ lệ thuế quan trung bình đối với hàng hóa đã cân đo có sự bất lợi liên quan đến quy luật nhu cầu. Giả sử nhu cầu biến động là tương tự như nhau đối với tất cả các mặt hàng, việc mua hàng với mức thuế quan cao có chiều hướng giảm, trong khi đó việc mua hàng với mức thuế quan thấp giảm tới mức thuế quan thấp hơn. Do vậy, bản thân tỷ lệ thuế quan thay đổi đối với kiện hàng nhập khẩu, tạo ra một sức nặng lớn hơn đối với hàng hóa chịu thuế nhập khẩu thấp. Vì thế, tỷ lệ thuế nhập khẩu trung bình đã cân đo giảm xuống.

Vấn đề cân đo có thể được minh họa trong một mô hình với thuế nhập khẩu cao đến mức không thể mua được (thuế ngăn cấm). Một loại thuế nhập khẩu với mục đích ngăn cấm có một mức thuế khá cao, nó ngăn cản hàng hóa nhập khẩu vào trong quốc gia. Trong ví dụ trên, một loại thuế nhập khẩu có mục đích ngăn cấm hàng hóa nhập khẩu sẽ tồn tại nếu một mặt hàng D có tỷ lệ thuế nhập khẩu là 200% và lượng hàng nhập khẩu là 0, bởi vì tỷ lệ này quá cao. Tỷ lệ thuế nhập khẩu trung bình cho một quốc gia sẽ là 12,5%, bởi vì thuế nhập khẩu 200% có trọng lượng là 0. Ở một cực điểm, đối với một quốc gia nhập khẩu một lượng hàng rất ít với thuế nhập khẩu là 0, nhưng thuế nhập khẩu có mục đích ngăn cản đối với tất cả các mặt hàng có khả năng nhập khẩu, sẽ chịu một mức thuế nhập khẩu trung bình được cân đo là 0 và quốc gia này sẽ giống như là một quốc gia tự do thương mại.

5. Tỷ lệ bảo hộ hiệu quả với nhiều yếu tố đầu vào

Một vấn đề nảy sinh trong vòng 25-30 năm trở lại đây là người ta quan tâm đến sự lựa chọn tỷ lệ thuế nhập khẩu phù hợp khi đánh giá ảnh hưởng của thuế nhập khẩu. Vấn đề này rất quan trọng khi các quốc gia thương lượng về sự giảm tỷ lệ thuế nhập khẩu bởi vì việc thương lượng đòi hỏi sự tập trung một tỷ lệ phù hợp. Trong khi người tiêu dùng quan tâm tới thuế quan áp dụng cho các hàng hóa nhập khẩu (thuế quan danh nghĩa) thì các nhà sản xuất lại quan tâm tới mức độ bảo hộ thực tế của họ là như thế nào. Để biết mức độ bảo hộ thực tế cho các nhà sản xuất thì người ta sử dụng khái niệm tỷ lệ bảo hộ có hiệu quả (Effecticve rate of proctection – ERP).

Thuế quan danh nghĩa đơn giản là tỷ lệ được đưa ra trong biểu thuế quan của một quốc gia. Các nhà kinh tế sử dụng tỷ lệ thuế quan danh nghĩa để phản ánh sự quan tâm của người tiêu dùng khi giá cả hàng hóa tăng lên với sự tồn tại của thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, khi sử dụng tỷ lệ bảo hộ hiệu quả, các nhà kinh tế cũng quan tâm đến phạm vi mà “giá trị tăng thêm” đối với ngành công nghiệp cạnh tranh nhập khẩu trong nước được chuyển đổi bởi sự tồn tại của toàn bộ cấu trúc thuế nhập khẩu (đó là, tỷ lệ thuế nhập khẩu không chỉ áp dụng đối với hàng hóa hoàn thiện mà còn áp dụng đối với hàng hóa trung gian được sử dụng để sản xuất hàng hóa hoàn thiện).

5.1. Khái niệm

Tỷ lệ bảo hộ hiệu quả chính là tỷ lệ giữa giá trị bổ sung dưới sự bảo hộ trừ đi giá trị bổ sung khi thương mại tự do chia giá trị gia tăng mà ngành sản xuất nội địa tạo ra khi sản xuất mặt hàng đó khi thương mại tự do.

ERPi = (Vi’Vi) / Vi

Trong đó Vi’ là giá trị gia tăng trong ngành i khi có áp dụng thuế quan; Vi là giá trị gia tăng khi buôn bán tự do;

Chúng ta cùng xem xét một tình huống sau. Giả sử mặt hàng F là sản phẩm hoàn thiện được sản xuất từ hai yếu tố đầu vào nhập khẩu là A và B. Và để sản xuất ra một sản phẩm F thì người ta cần sử dụng 1 đơn vị hàng hóa A và 1 đơn vị hàng hóa B. Khi thương mại tự do, giá của một sản phẩm hoàn thiện (PF) là 1.000 đôla và giá của các nguyên liệu đầu vào PA = 500 đôla và PB = 200 đôla. Do đó, giá trị nội địa tăng thêm trong trường hợp này là:

1.000 – (500 + 200) = 1.000 – 700 = 300 (đôla).

Nếu quốc gia nhập khẩu áp dụng thuế quan đối với hàng hóa F và các yếu tố đầu vào nhập khẩu (bảo hộ cho các nhà sản xuất nội địa) thì ảnh hưởng như thế nào đến giá trị nội địa tăng thêm của hàng hóa F? Giả sử mức thuế nhập khẩu (tF) đối với hàng hóa hoàn thiện F là 10% và thuế đối với nguyên liệu đầu vào A (tA) là 5% và nguyên liệu đầu vào B (tB) là 8%. Như vậy, giá nội địa của hàng hóa khi có thuế quan là:

P’F = 1.000 + (0,1 x 1.000) = 1.000 + 100 = 1.100 (đôla)

P’A = 500 + (0,05 x 500) = 500 + 25 = 525 (đôla)

P’B = 200 +(0,08 x 200) = 200 + 16 = 216 (đôla)

Giá trị bổ sung trong ngành F dưới sự bảo hộ là:

1.100 – (525 + 216) = 1.100 – 741= 359 (đôla)

Khi có bảo hộ, ngành công nghiệp sản xuất F đã tạo ra được giá trị nội địa tăng thêm lớn hơn so với khi tự do thương mại. Do vậy đã khuyến khích các yếu tố sản xuất ở các ngành khác gia nhập ngành công nghiệp sản xuất F. Tỷ lệ bảo hộ thực tế ở ví dụ này là:

(359$ – 300$) / 300$ = 0,197(hay19,7% ).

5.2. Công thức tính ERP

ERP còn có thể tính bằng công thức như sau:

Trong đó Vi’ là giá trị gia tăng trong ngành i khi có áp dụng thuế quan; Vi là giá trị gia tăng trong chế độ buôn bán tự do; ti là mức thuế quan đối với sản phẩm hoàn thiện; tj là mức thuế quan đối với sản phẩm trung gian j; aij là tỷ lệ thể hiện sự tham gia của j trong việc sản xuất một đơn vị sản phẩm i.

Trong ví dụ trên, aij đối với đầu vào A là 500 đôla/1.000 đôla hoặc 0,5 và giá trị của aij đối với đầu vào B là 200 đôla/1.000 đôla hoặc 0,2. ERP tương tự như cách tính trên là:

ERP có thể là âm, điều đó có nghĩa là thuế quan đối với nguyên liệu được xem là cao hơn thuế quan đánh vào hàng hóa hoàn thiện. Do vậy, cấu trúc thuế quan trong tình trạng này tác động điều chỉnh các yếu tố của việc sản xuất ngoài phạm vi của ngành hơn là thu hút các nguồn khác.

TÓM TẮT

Thuế quan là một công cụ cổ điển để thực hiện chính sách bảo hộ thương mại. Nhiều quốc gia chú trọng khuyến khích xuất khẩu nên hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài không phải nộp thuế, hoặc nộp thuế rất thấp; chủ yếu là đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Vì vậy, khi nói đến thuế quan là chủ yếu nói đến thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu. Có nhiều cách tính thuế nhập khẩu, mỗi cách đều có ưu điểm và hạn chế của nó; trong đó thuế quan tính theo giá trị là phương pháp được các nước sử dụng phổ biến. Phương pháp này có ý nghĩa bảo hộ đối với sản xuất trong nước nhất là khi lạm phát xảy ra. Để biết mức thuế quan của một nước cao hay thấp, người ta sử dụng phương pháp đo lường đơn giản: tỷ lệ thuế quan trung bình không cân đo và tỷ lệ thuế quan trung bình có cân đo. Dĩ nhiên tỷ lệ thuế quan trung bình có cân đo bao giờ cũng chính xác và có ý nghĩa hơn tỷ lệ thuế quan trung bình không cân đo. Một vấn đề rất đáng được quan tâm là bảo hộ đối với sản xuất trong nước như thế nào trong điều kiện nhập khẩu các yếu tố đầu vào từ bên ngoài? Để đo lường mức độ bảo hộ đối với sản xuất trong nước cần sử dụng công thức tính ERP. Tỷ lệ này càng cao thì tỷ lệ bảo hộ càng lớn và ngược lại. Điều này rất thực tế và có ý nghĩa đối với các nhà sản xuất trong nước khi sử dụng các yếu tố đầu vào hoặc sản phẩm trung gian cần phải nhập khẩu.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net