Trang chủ Tiếng Việt Thực hành tạo lập đoạn văn

Thực hành tạo lập đoạn văn

by Ngo Thinh
541 views

1.  Mục đích, yêu cầu viết đoạn văn

Mục đích

  • Rèn luyện kĩ năng viết các đoạn văn trong văn bản.
  • Đoạn văn là đơn vị cơ sở để tổ chức văn bản, do đó, biết viết đoạn văn sẽ biết viết văn bản.

Yêu cầu

  • Các câu trong đoạn phải nhất thể hóa về nội dung, nghĩa là tập trung thể hiện cùng một đích.
  • Sự triển khai ý qua các câu phải mạch lạc, chặt chẽ, hợp lôgic.
  • Đoạn văn phải được tách ra rõ ràng, mạch lạc.
  • Đảm bảo các chuẩn mực về hình thức, cấu tạo, cách thức diễn đạt của ngữ pháp đoạn văn.

2.  Các bước viết đoạn văn

a. Xác định nội dung và mô hình cấu tạo đoạn văn

Trước khi bắt tay vào viết đoạn văn, cần phải xác định chủ đề của đoạn, các ý chi tiết, mối quan hệ (chức năng) của đoạn đó với các đoạn lân cận và trong toàn văn bản. Căn cứ vào nội dung của đoạn văn để xác định mô hình cấu tạo, có câu chủ đề hay không, cách lập luận.

Lưu ý, giữa vị trí câu chủ đề, mô hình cấu tạo và phương pháp lập luận phải quan hệ với nhau theo hệ thống.

b. Viết câu mở đoạn

– Câu mở đoạn được viết theo mô hình cấu tạo và phương pháp lập luận mà người viết lựa chọn. Câu mở đoạn thường có một số nhiệm vụ sau:

+ Giới thiệu nội dung khái quát của đoạn văn (chủ đề của đoạn).

+ Nêu lên một thành phần nội dung chi tiết (ý bộ phận) của đoạn văn.

+ Tóm lược nội dung đoạn trước, giới thiệu ý đoạn sau (chuyển tiếp).

– Về cấu tạo, câu mở đoạn thường là đầy đủ thành phần ngữ pháp, có thể chứa phương tiện liên kết với đoạn trước.

– Về diễn đạt, câu mở đoạn nên viết ngắn gọn, cô đọng.

c. Viết các câu tiếp theo

– Tùy thuộc vào câu mở đoạn, các câu tiếp theo có thể thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

+ Triển khai, chi tiết hóa ý khái quát (chủ đề) của đoạn văn.

+ Xác lập các ý chi tiết (theo hướng song hành với câu mở đoạn) để hướng đến một ý khái quát của đoạn văn.

Lưu ý, các câu tiếp theo, ngoài quan hệ phụ thuộc hoặc song hành với câu mở đoạn còn có thể được viết theo nhiều quan hệ khác như quan hệ tương phản, quan hệ giải thích, quan hệ nhân – quả, quan hệ bình luận, v.v..

– Khi viết các câu tiếp theo, cần phải sử dụng các phương tiện liên kết để kết nối chúng lại với nhau.

d. Viết câu kết thúc đoạn văn

– Câu kết thúc đoạn văn có thể được viết theo các trường hợp sau đây:

+ Tiếp tục triển khai ý chi tiết của đoạn, là ý cuối cùng của đoạn văn.

+ Tổng kết, khái quát ý của đoạn văn (chủ đề).

– Câu kết thúc đoạn văn thường là câu đầy đủ thành phần, ngắn gọn, cô đọng.

e. Kiểm tra đoạn văn

Sau khi đánh dấu kết thúc đoạn văn, tách đoạn để chuẩn bị chuyển qua đoạn khác phải tiến hành kiểm tra đoạn văn. Kiểm tra đoạn văn là rà soát các mặt nội dung và hình thức của đoạn văn, xem có lỗi gì không (nội dung đã đầy đủ và mạch lạc chưa, dung lượng hợp lí chưa, liên kết trong đoạn văn và những đoạn lân cận, v.v.). Nếu có lỗi, tiến hành sửa chữa, điều chỉnh để hoàn thiện đoạn văn.

g. Ví dụ minh họa

Quan niệm về sự trong sáng cũng như quan niệm về dân tộc, không phải là một cái gì tuyệt đối cố định (1). Có sự trong sáng quay lại sau, lấy ông cha làm mẫu mực tuyệt đối, nhưng cũng có sự trong sáng nhìn ra trước, mở đường cho con cháu mai sau (2). Có sự trong sáng dân tộc hẹp hòi, chỉ biết say mê ngắm nhìn dân tộc mình, nhưng có sự trong sáng đặt dân tộc mình là một bộ phận của nhân loại (3). Có sự trong sáng động và trong sáng tĩnh, trong sáng giàu và trong sáng nghèo (4). (Chế Lan Viên)

(a) Tác giả xác định nội dung của đoạn văn là bàn về vấn đề trong sáng (nội dung khái quát); chọn mô hình cấu tạo M-a, lập luận diễn dịch.

(b) Câu mở đầu: câu (1) nêu ý khái quát, tức chủ đề của đoạn (câu chủ đề).

(c) Các câu (2), (3) triển khai ý khái quát ở câu mở đầu (phụ thuộc câu mở đầu). Quan hệ giữa các câu (2) và (3) là song hành liệt kê.

(d) Câu (4) kết thúc đoạn văn, là ý chi tiết cuối cùng của đoạn văn (phụ thuộc vào câu mở đầu). Quan hệ giữa câu (4) với các câu (2) và (3) cũng là song hành liệt kê.

3.  Thực hành tách đoạn, chuyển đoạn, liên kết đoạn

3.1. Thực hành tách đoạn văn

a. Nguyên tắc tách đoạn văn

Tách đoạn văn là hoạt động của người tạo lập văn bản gắn liền với việc trình bày các thành tố nội dung nhằm triển khai chủ đề văn bản. Ở văn bản khoa học (cả văn bản chính luận), tách đoạn thường dựa trên những cơ sở lôgic của nội dung vấn đề theo các luận điểm, luận cứ, theo hệ thống lập luận. Với các loại văn bản khác, đặc biệt là văn bản nghệ thuật, việc tách đoạn linh hoạt hơn vì bị chế định bởi thể loại văn bản và phong cách của tác giả. Tuy nhiên, việc tách đoạn văn, lâu nay, các nhà nghiên cứu chủ yếu nói đến các nguyên tắc sau đây:

– Tách đoạn theo sự thay đổi chủ đề bộ phận

Chủ đề văn bản được triển khai thành các chủ đề bộ phận và mỗi chủ đề bộ phận thường được thể hiện trong một đoạn văn. Do đó, khi một chủ đề bộ phận nào đó đã giải quyết xong, chuyển bị chuyển qua một chủ đề bộ phận khác thì phải tách đoạn văn.

– Tách đoạn theo không gian

Các sự việc, vấn đề diễn ra ở những không gian khác nhau thì ứng với một không gian có thể tách thành một đoạn văn.

– Tách đoạn theo thời gian

Sự việc, vấn đề nếu diễn ra trong những thời gian khác nhau thì ứng với một thời điểm có thể tách ra thành một đoạn văn.

– Tách đoạn để nhấn mạnh

Khi cần nhấn mạnh một ý nào đó, có thể tách ý đó thành một đoạn văn. Trong văn bản khoa học, các định lí, các quy tắc, các kết luận, tiểu kết thường được tách thành một đoạn văn.

b. Thực hành tách đoạn văn

Nhận xét về cách tách đoạn văn trong các văn bản dưới đây:

MẤY LỜI KHUYÊN VỀ VIỆC LUYỆN CÂU

Để nâng cao năng lực viết câu, ta phải khổ công rèn luyện từng bước, từ việc viết câu cho đúng, đến việc viết câu trong sáng, và tiến tới viết câu hay.

Ở bước đầu tiên, ta cần nắm vững những nét cơ bản về ngữ pháp tiếng Việt và tập viết những câu ngắn, gọn; sau mới luyện qua cách viết những câu dài, khúc chiết. Để tập luyện thường xuyên, ta có thể viết nhật kí, đó là biện pháp tốt nhất cho những người mới cầm bút. Những nhà văn lớn, hàng ngày, gặp được chuyện gì hay, cảnh nào lạ, đều ghi chép cẩn thận; đó là những văn liệu rất quý và là cơ hội để trau dồi ngòi bút.

Ta còn phải đọc nhiều sách, về đủ loại, của những tác giả đã thành danh. Ngôn ngữ sắc sảo của họ sẽ là ông thầy chỉ vẽ cho ta những cách diễn đạt tinh tế, khi cần ta có thể vận dụng. Để cho việc đọc sách có lợi đối với mục đích luyện văn của ta, ta cần chú ý tìm kiếm những ý hay, lời đẹp và nghiệm xét lí giải những nét hay đẹp đó. Công việc này sẽ giúp ta nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật và năng lực điều khiển ngòi bút.

Một lời khuyên nữa là cần luyện tập cách biến hóa câu: tùy trường hợp mà viết câu dài hoặc câu ngắn, hoặc viết đều đều những câu vừa,…; khi thì viết câu chủ động, khi thì viết câu bị động; khi thì đặt ý chính ở đầu câu, khi thì ở giữa câu, khi thì ở cuối câu, v.v.. Những kĩ thuật này lợi hại như thế nào thì kinh nghiệm bản thân nhiều lần sẽ cho ta thấy rõ.

Trên đây là những lời khuyên cơ bản, tổng kết từ các ý kiến của những nhà nghiên cứu văn chương cũng như của chính các văn hào kim cổ đông tây. Nếu ta chăm chỉ thực hành theo các lời dạy sáng suốt đó thì chắc chắn ta sẽ đạt được những tiến bộ không ngờ trong việc luyện câu. (Vương Hữu Lễ, Đinh Xuân Quỳnh)

 

NGUỒN ĐIỆN

Các nguồn điện bao gồm các loại pin, các loại acquy và máy phát điện.

Các pin điện hóa như pin Con Thỏ, pin vuông, pin dạng cúc áo… thuộc loại pin khô. Trong các pin này, năng lượng hóa học được chuyển hóa thành điện năng. Do tác dụng hóa học, hai cực của pin bị nhiễm điện khác nhau, giữa chúng có một hiệu điện thế. Pin nhiệt điện (ít được sử dụng) biến đổi trực tiếp nhiệt năng thành điện năng do sự khuếch tán êlectrôn khác nhau ở hai mối tiếp giáp. Pin quang điện biến đổi trực tiếp năng lượng ánh sáng thành điện năng do có hiện tượng quang điện trong và sự chuyển dịch một chiều của êlectrôn qua lớp tiếp xúc giữa hai chất bán dẫn hoặc giữa một chất bán dẫn với kim loại.

Acquy là nguồn điện mà khi nạp điện thì điện năng được chuyển hóa thành hóa năng và trở thành một pin điện hóa. Khi đó, hóa năng trong pin này biến đổi thành điện năng làm hai cực của acquy nhiễm điện khác nhau và giữa hai cực có một hiệu điện thế. Sau một thời gian sử dụng, acquy lại được nạp lại để sử dụng trực tiếp. Pin và acquy là các nguồn điện một chiều.

Các máy phát điện hoạt động dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ. Cơ năng được sử dụng để làm quay rôto của máy phát điện làm cho từ thông qua các cuộn dây trên stato biến thiên và sinh ra suất điện động cảm ứng. Khi đó, giữa hai cực của máy phát có một hiệu điện thế. Như vậy, máy phát điện biến đổi trực tiếp cơ năng thành điện năng. Để có cơ năng phải biến đổi từ nhiệt năng, hoặc sử dụng năng lượng của dòng nước, hoặc năng lượng của gió, của thủy triều hoặc năng lượng hạt nhân nguyên tử. Ổ cắm điện của mạng điện tiêu dùng được nối với hai cực của máy phát điện của nhà máy. Đó là nguồn điện xoay chiều với các cực dương, âm thay đổi luân phiên.

Trong chương trình lớp 7, học sinh chỉ tìm hiểu và sử dụng các nguồn điện nhỏ như pin, acquy, diamo của xe đạp để đảm bảo an toàn điện. (Vật lí 7, sách giáo viên)

3.2. Thực hành chuyển đoạn

a. Chuyển đổi nội dung

(1) Từ đoạn văn không có câu chủ đề chuyển đổi thành đoạn văn có câu chủ đề và ngược lại. Chẳng hạn, từ đoạn văn không có câu chủ đề dưới đây, viết thành đoạn văn có câu chủ đề đứng ở đầu đoạn.

Giữa vòng vây của thứ lễ giáo nghiệt ngã, người ta thấy vang lên từ sau lũy tre xanh, hoặc giữa cánh đồng bát ngát, những giọng ca trữ tình, trong sáng và tươi đẹp như ánh trăng, như dòng suối, như chẽn lúa đòng đòng. Tình yêu trong ca dao là thứ tình yêu lành mạnh, thắm thiết, hồn nhiên vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến, thứ xiềng xích muốn kìm hãm đời đời cho “nam nữ thụ thụ bất thân”. Ca dao đã ghi lại tất cả những chặng đường của tình yêu, các trạng thái tình cảm của nam nữ thanh niên với những trắc trở, khó khăn, do đời sống và chế độ phong kiến gây ra.

Có thể thêm một trong số những câu chủ đề sau đây vào vị trí đầu đoạn văn để chuyển đổi đoạn văn song hành trên thành đoạn diễn dịch.

– Tình yêu trong ca dao là một thiên tình ca muôn điệu.

– Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là những bài ca rất đẹp, mặn mà, đằm thắm, lành mạnh chứa đầy những yêu thương.

(2) Từ những câu cho trước dưới đây, hãy triển khai thành đoạn văn theo các cách: có câu chủ đề đứng đầu đoạn, có câu chủ đề đứng cuối đoạn, có câu chủ đề kép dãn cách.

– Chí Phèo trước hết là một người lương thiện.

– Trong thơ Hồ Chí Minh, trăng là người bạn thân thiết. Cách viết có câu chủ đề đứng đầu đoạn văn:

Chí Phèo trước hết là một người lương thiện. Đã có một thời, chí Phèo ao ước “một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, vợ dệt vải”. Chí là người khỏe mạnh và giàu lòng tự trọng, biết nhục khi bà ba nhà cụ Bá sai làm điều không chính đáng. Cũng đã có lúc, mắt Chí “ươn ướt nước” và cái cười nghe thật hiền.

Trong thơ Hồ Chí Minh, trăng là người bạn thân thiết. Trăng là ánh sáng, là trong trắng, là thái bình, là hạnh phúc mơ ước của con người, là niềm an ủi và tượng trưng cho sự thủy chung. Ánh trăng làm cho cái đẹp của cảnh vật trở nên êm đềm, sâu sắc, làm cho suy nghĩ của con người thêm thâm trầm, trong trẻo.

Cách viết có câu chủ đề đứng cuối đoạn văn:

Từ tuổi thơ bơ vơ đi ở hết nhà này đến nhà nọ, đến khi lớn lên phải làm canh điền cho nhà Bá Kiến, Chí Phèo sống một cuộc sống lao động cực khổ nhưng Chí luôn giàu lòng tự trọng, biết điều hay lẽ phải. Chí thấy xấu hổ và nhục nhã khi bà ba nhà Bá Kiến bắt làm điều xằng bậy. Chí lại từng mơ ước có một gia đình nho nhỏ, vợ chồng làm ăn, chung sống hòa thuận. Chí thực sự là người lương thiện như bao người lương thiện khác.

Trăng đã đi vào thơ Hồ Chí Minh. Trăng lấp ló ngoài cửa sổ đòi thơ. Trăng đầy ắp trong khoang thuyền mỗi khuya về. Trăng mời mọc thi nhân Hồ Chí Minh, trò chuyện với người chiến sĩ Hồ Chí Minh. Có thể nói, trong bất kì bài thơ nào của Hồ Chí Minh, trăng cũng là người bạn thân thiết.

Cách viết có câu chủ đề kép dãn cách:

Chí Phèo trước hết là một người lương thiện. Đã có một thời, chí Phèo ao ước “một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, vợ dệt vải”. Chí là người khỏe mạnh và giàu lòng tự trọng, biết nhục khi bà ba nhà cụ Bá sai làm điều không chính đáng. Cũng đã có lúc, mắt Chí “ươn ướt nước” và cái cười nghe thật hiền. Chí thực sự là người lương thiện như bao người lương thiện khác.

Trong thơ Hồ Chí Minh, trăng là người bạn thân thiết. Trăng là ánh sáng, là trong trắng, là thái bình, là hạnh phúc mơ ước của con người, là niềm an ủi và tượng trưng cho sự thủy chung. Ánh trăng làm cho cái đẹp của cảnh vật trở nên êm đềm, sâu sắc, làm cho suy nghĩ của con người thêm thâm trầm, trong trẻo. Với Hồ Chí Minh, trăng là người bạn, là thơ và mãi mãi là thơ.

b. Chuyển đổi kết cấu

Dựa vào nội dung đoạn văn sau đây, hãy chuyển đổi thành những đoạn văn có kiểu kết cấu khác nhau.

“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng chủ yếu là những kỉ niệm đau buồn, tủi cực của một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bất hòa, phá sản và trụy lạc nên sớm phải sống bơ vơ, lêu lổng. Gia đình ấy khi đang còn sung túc đã không có hạnh phúc. Đứa con ra đời bởi một tình yêu gắng gượng. Người bố phẩn chí, lặng lẽ trả thù số phận bằng những khối thuốc phiện. Người mẹ trẻ trung khao khát hạnh phúc chân thật nhưng cũng đành chịu, cúi đầu trước lễ giáo phong kiến, âm thầm như chiếc bóng dưới chân tường. Gia đình sa sút rồi sụp đổ hẳn; bố chết, mẹ ngược xuôi tần tảo. Đứa trẻ mồ côi cha, xa tình mẹ, phải sống bơ vơ đói rách, lêu lổng; họ hàng lườm nguýt, xã hội dửng dưng.

Đoạn văn trên có kết cấu diễn dịch (M-a), có thể chuyển đổi thành đoạn quy nạp (a-K) như sau:

Đứa trẻ ra đời bởi một tình yêu gắng gượng trong một gia đình không có hạnh phúc. Người bố phẩn chí, lặng lẽ trả thù số phận bằng những khối thuốc phiện. Người mẹ trẻ trung khao khát hạnh phúc chân thật nhưng cũng đành chịu, cúi đầu trước lễ giáo phong kiến, âm thầm như chiếc bóng dưới chân tường. Gia đình sa sút rồi sụp đổ hẳn: bố chết, mẹ ngược xuôi tần tảo. Đứa trẻ mồ côi cha, xa tình mẹ, phải sống bơ vơ đói rách, lêu lổng; họ hàng lườm nguýt, xã hội dửng dưng. Có thể nói “Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng chủ yếu là những kỉ niệm đau buồn, tủi cực của một đứa trẻ, sinh ra trong một gia đình bất hòa, phá sản và trụy lạc, sớm phải sống bơ vơ, lêu lổng.

Có thể chuyển đổi thành đoạn kết hợp diễn dịch với quy nạp (có câu chủ đề kép dãn cách) như sau:

“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng chủ yếu là những kỉ niệm đau buồn, tủi cực của một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bất hòa, phá sản và trụy lạc nên sớm phải sống bơ vơ, lêu lổng. Gia đình ấy khi đang còn sung túc đã không có hạnh phúc. Đứa con ra đời bởi một tình yêu gắng gượng. Người bố phẫn chí, lặng lẽ trả thù số phận bằng những khối thuốc phiện. Người mẹ trẻ trung khao khát hạnh phúc chân thật nhưng cũng đành chịu, cúi đầu trước lễ giáo phong kiến, âm thầm như chiếc bóng dưới chân tường. Gia đình sa sút rồi sụp đổ hẳn; bố chết, mẹ ngược xuôi tần tảo. Đứa trẻ mồ côi cha, xa tình mẹ, phải sống bơ vơ đói rách, lêu lổng; họ hàng lườm nguýt, xã hội dửng dưng. Dấu ấn tuổi thơ ấy cũng lớn lên trong chịu đựng âm thầm, buồn tủi, chán chường của đứa trẻ.

3.3. Thực hành liên kết trong đoạn văn

a. Các phương thức liên kết

Đoạn văn không phải phép cộng cơ giới các câu mà là một mạng lưới liên hệ chặt chẽ, gọi là mạng lưới liên kết. Liên kết trong đoạn văn cũng gồm liên kết nội dung và liên kết hình thức. Liên kết hình thức là việc sử dụng các phương thức liên kết, tức là những cách thức và biện pháp làm cho các câu trong đoạn văn (và cả văn bản) gắn kết với nhau. Các phương thức liên kết được sử dụng phổ biến trong đoạn văn gồm phép nối (quan hệ từ, từ chêm xen), phép thế (thế đại từ, thế đồng nghĩa), phép lặp (từ vựng, ngữ pháp), phép liên tưởng, phép tuyến tính, phép đối, v.v..

b. Phân tích ví dụ

Xác định các phương thức liên kết được sử dụng trong đoạn văn dưới đây:

Một nhà văn chẳng có tiếng tăm gì, đột nhiên biến mất (1). Tin này được truyền đi nhanh chóng (2). Nơi nào, người ta cũng bàn tán xôn xao về ông (3). Người ta lôi tác phẩm đầy bụi của ông ra đánh giá, phê bình (4). Ông được đón nhận, được ca ngợi (5). Sách của ông được in và bán đắt như tôm tươi (6). Thế là, ông nổi tiếng (7). Một năm sau, nhà văn xuất hiện (8).

Ông giải thích, ông đính chính (9). Nhưng chẳng ai nghe ông cả (10). Bởi vì, đối với họ, ông là một nhà văn nổi tiếng đã mất tích. (Ngọc Thảo)

Đoạn văn trên có 11 câu, trong đó: câu (2) liên kết với câu (1) bằng phép thế đại từ (này); câu (3) liên kết với câu (2) bằng phép thế đồng nghĩa (ông); câu (4) liên kết với câu (3) bằng phép lặp (người ta); các câu (5), (6) liên kết với câu (4) bằng phép lặp từ vựng (ông); câu (7) liên kết với câu (6) bằng phép nối (thế là); câu (8) liên kết với câu (7) bằng phép thế (nhà văn);… câu (11) liên kết với các câu trước đó bằng phép nối (bởi vì).

4.  Các loại lỗi của đoạn văn

4.1. Một số điểm lưu ý

Thực tế, việc xây dựng đoạn văn có thể mắc một số lỗi về nội dung và hình thức. Những đoạn văn mắc lỗi nội dung thường đồng thời mắc lỗi hình thức và ngược lại. Ở đoạn văn và văn bản, việc phát hiện lỗi không hoàn toàn đơn giản (do tính đa dạng của lỗi, do phạm vi đoạn văn tương đối rộng). Do đó, phát hiện lỗi và tìm cách sửa chữa là công việc hết sức quan trọng.

Bên cạnh thực hành xây dựng các đoạn văn đúng chuẩn, người học cũng cần biết phát hiện và sửa chữa một số lỗi thường gặp. Biết tránh các loại lỗi thông thường khi viết đoạn văn.

Xuống dưới, người học thực hành phát hiện và sửa chữa một số lỗi của đoạn văn về nội dung và hình thức.

4.2. Phát hiện và sửa chữa lỗi đoạn văn

a. Lỗi về nội dung

a1. Lỗi chủ đề

– Lạc chủ đề

Biểu hiện của lỗi này là các thành phần nội dung chi tiết không tập trung làm sáng tỏ chủ đề (thể hiện trong câu chủ đề). Giữa chủ đề và các thành tố nội dung chi tiết không ăn nhập với nhau.

Ví dụ: Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu nam nữ là nhiều hơn tất cả. Họ yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau chung sống, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Họ yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh ruộng đồng đến công việc trong xóm, ngoài làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc.

Đoạn văn có 4 câu, trong đó: ý câu đầu là ý khái quát (câu chủ đề), các câu còn lại là các ý bộ phận nhưng giữa chúng không ăn nhập với nhau nên không xác định được chủ đề của đoạn văn (lạc chủ đề). Có thể viết lại đoạn văn này bằng nhiều cách, trong đó, cách viết đơn giản nhất, bỏ từ nam nữ ở câu chủ đề.

Trong ca dao Việt Nam, những bài về tình yêu là nhiều hơn tất cả. Đó là tình yêu yêu gia đình, yêu cái tổ ấm cùng nhau chung sống, yêu nơi chôn nhau cắt rốn. Đó còn là tình yêu người làng, người nước, yêu từ cảnh rộng đồng đến công việc trong xóm, ngoài làng. Tình yêu đó nồng nhiệt, đằm thắm và sâu sắc.

– Lệch chủ đề

Lệch chủ đề là thiếu hụt chủ đề, chưa triển khai đầy đủ các khía cạnh nội dung của chủ đề đoạn văn.

Ví dụ: Cư dân Văn Lang rất ưa ca hát, nhảy múa. Họ hát trong những đêm trăng hoặc ngày hội. Họ còn hát trong lúc chèo thuyền, săn bắn. Những nhạc cụ đệm cho những điệu hát thường là trống, khèn, sáo, cồng, v.v..

Chủ đề của đoạn văn trên (câu đầu) có hai khía cạnh nội dung nhưng các ý bộ phận (ở các câu tiếp theo) mới chỉ triển khai một khía cạnh (ưa ca hát), còn thiếu một khía cạnh nội dung (ưa nhảy múa) nên mắc lỗi lệch chủ đề. Có thể viết lại đoạn văn này như sau:

Cư dân Văn Lang rất ưa ca hát, nhảy múa. Họ hát trong những đêm trăng hoặc ngày hội. Họ còn hát trong lúc chèo thuyền, săn bắn. Những nhạc cụ đệm cho những điệu hát thường là trống, khèn, sáo, cồng, v.v.. Không chỉ ưa ca hát, cư dân Văn Lang còn ưa nhảy múa. Họ múa những lúc nghỉ ngơi. Họ múa trong lúc săn bắn được nhiều muông thú. Họ còn múa trong các lễ hội, lúc mừng được mùa, v.v..

– Lỗi loãng chủ đề

Lỗi loãng chủ đề thể hiện ở chỗ: các ý bộ phận tuy có hướng đến chủ đề đoạn văn nhưng lan man, chưa đủ làm sáng tỏ chủ đề.

Ví dụ: Bên cạnh con cò, con trâu được nói đến nhiều hơn cả trong ca dao, dân ca Việt Nam. Con trâu không mấy lúc thảnh thơi, cho nên, khi nghĩ đến cuộc đời nhọc nhằn của mình, người nông dân thường nghĩ đến con trâu. Con cò tuy có vất vả, tuy có lúc phải lặn lội bờ sông nhưng còn có lúc được bay lên mây xanh. Con cò, con vạc, con nông là những con vật rất gần gũi với người dân lao động. Chúng mang những đức tính cần cù, chịu khó của người nông dân chân lấm tay bùn. Những lúc cần bộc bạch nỗi niềm, người nông dân thường dùng những con vật đó để tâm sự, để giãi bày nỗi lòng mình.

Trong đoạn văn trên, câu chủ đề định hướng nội dung viết về con trâu, do đó, những câu nói về con cò (và các con vật khác) làm loãng chủ đề (vì nó không liên quan). Có thể viết lại đoạn văn như sau:

Bên cạnh con cò, con trâu được nói nhiều hơn cả trong ca dao, dân ca Việt Nam. Con trâu không mấy lúc thảnh thơi, cho nên, khi nghĩ đến cuộc đời nhọc nhằn của mình, người nông dân thường nghĩ đến con trâu. Những lúc cần bộc bạch nỗi niềm, người nông dân thường đem con trâu ra để tâm sự, để giãi bày nỗi lòng mình.

– Lỗi lặp chủ đề

Lỗi này biểu hiện ở sự trùng lặp các ý bộ phận nhằm triển khai chủ đề đoạn văn, làm cho nội dung đoạn văn không phát triển được, dẫn đến thiếu ý.

Ví dụ: Mọi vật đều như ngưng đọng trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Cảnh vật phảng phất nỗi buồn man mác. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo hiu quạnh. Một ngõ trúc vắng vẻ đìu hiu. Mọi vật thấm cái buồn cô quạnh. Nỗi buồn tràn vào cảnh vật. Ở chỗ nào cũng thấy nỗi buồn ngưng đọng. Chiếc thuyền buồn, ngõ trúc buồn và cả chiếc lá vàng rơi cũng buồn. Nỗi buồn ẩn dấu trong mọi cảnh vật. Cảnh vật chìm trong nỗi buồn.

Đoạn văn trên lặp khá nhiều ý (mọi vật như ngưng đọng, nỗi buồn ngưng đọng, cảnh vật chìm trong nỗi buồn); từ nỗi buồn lặp nhiều lần không vì mục đích nhấn mạnh. Có thể viết lại đoạn văn như sau:

Mọi vật đều như ngưng đọng trong bài thơ “Câu cá mùa thu” của Nguyễn Khuyến. Cảnh vật phảng phất một nỗi buồn man mác. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Một ngõ trúc quanh co, vắng vẻ. Một chiếc lá vàng lạnh lẽo, cô đơn. Nỗi buồn đã ẩn dấu trong tất cả mọi vật. Mùa thu ở đây buồn hay chính tâm tư của Nguyễn Khuyến cô đơn.

a2. Lỗi lôgic

– Mâu thuẩn giữa các ý trong đoạn

Trong đoạn văn, ý các câu, ngoài việc phải tập trung làm sáng tỏ chủ đề của đoạn (liên kết chủ đề) còn phải phù hợp nhau, không mâu thuẩn, loại trừ nhau, nghĩa là phải được sắp xếp một cách mạch lạc. Nếu không đáp ứng được điều đó sẽ mắc phải lỗi lôgic.

Ví dụ: Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh màn đêm buông xuống. Sóng biển cài then, đêm sập cửa, vũ trụ đi vào yên tĩnh, vắng lặng. Bốn bề không còn một tiếng động. Lá cờ nhỏ trên đỉnh cột buồm bay phần phật trước gió. Những đường chỉ viền óng ánh như sáng rực trong đêm. Tiếng sóng vỗ vào thân thuyền rì rầm nghe như bản nhạc vô tận của biển cả ngân nga muôn lời tâm sự. Những khuôn mặt rám nắng, những cánh tay gân guốc, bắp thịt nổi cuồn cuộn khẩn trương chuẩn bị nhổ neo lên đường.

Ta thấy, hai câu xuất hiện đầu đoạn văn đã chỉ rõ không gian, thời gian và cảnh vật làm nền để miêu tả là màn đêm buông xuống, đêm sập cửa, yên tĩnh, vắng lặng nên không thể có những chi tiết miêu tả như bay phần phật, sáng rực, nghe như bản nhạc, cũng không thể nhìn rõ được những khuôn mặt rám nắng, những cánh tay gân guốc, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Còn nữa, đoàn thuyền đánh cá ra khơi (ở phần đầu) sao lại còn chuẩn bị nhổ neo lên đường. Như vậy, các ý trong đoạn mâu thuẩn, loại trừ nhau. Có thể viết lại đoạn văn như sau:

Đoàn thuyền đánh cá ra khơi trong cảnh màn đêm buông xuống. Sóng biển cài then, đêm sập cửa, vũ trụ đi vào yên tĩnh, vắng lặng. Bốn bề không còn một tiếng động.

– Không phù hợp với thực tế (phi thực tế)

Nguyên nhân của loại lỗi này là: các câu, các ý trong đoạn văn phản ánh sai thực tế khách quan (phi thực tế). Ví dụ:

Lịch sử dân tộc ta đã ghi lại biết bao trang sử hào hùng với những tên tuổi sáng chói muôn đời không quên. Ngô Quyền đánh tan quan xâm lược Nguyên Mông. Nguyễn Huệ đánh tan quân Minh. Lê Lợi phá tan quân xâm lược nhà Thanh. Ải Chi Lăng mãi mãi là mồ chôn quân xâm lược. Rồi Trần Hưng Đạo phá tan quân Nam Hán. Cửa biển Bạch Đằng lập chiến công lừng lẫy nôn sông. Những tên tuổi đó sẽ sống mãi cùng non sông đất nước.

Đoạn văn trên vừa liệt kê lộn xộn, không theo trình tự thời gian các triều đại, vừa phản ánh sai thực tế lịch sử: Ngô Quyền không đánh tan quân Nguyên Mông, Nguyễn Huệ không đánh tan quân Minh, v.v.. Đoạn văn có thể viết lại như sau:

Lịch sử dân tộc ta đã ghi lại biết bao trang sử hào hùng với những tên tuổi sáng chói muôn đời không quên. Ngô Quyền đánh tan quan xâm lược Nam Hán. Cửa biển Bạch Đằng lập chiến công lừng lẫy non sông. Trần Hưng Đạo lãnh đạo nhân dân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông, giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Lê Lợi phá tan quân Minh. Ải Chi Lăng mãi mãi là mồ chôn quân xâm lược. Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh giành lại độc lập. Những tên tuổi đó sẽ mãi mãi sống cùng non sông đất nước.

b. Lỗi về hình thức

b1. Sử dụng phương thức liên kết không phù hợp

Mỗi phương thức liên kết có những ưu thế riêng, cách thức riêng làm cho các câu trong đoạn văn kết nối với nhau. Do đó, khi viết đoạn văn, nếu không dùng các phương thức liên kết, hoặc dùng không phù hợp sẽ dẫn đến mắc lỗi hình thức. Ví dụ:

Thúy Kiều và Thúy Vân đều là con gái ông bà Vương viên ngoại (1). Nàng là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống hòa thuận hạnh phúc với cha mẹ (2). Họ sống êm ấm dưới một mái nhà, cùng có những nét xinh đẹp tuyệt vời (3). Vẻ đẹp của Kiều hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn (4). Còn Vân lại có nét đẹp đoan trang, thùy mị (5). Còn về tài thì nàng hơn hẳn Thúy Vân (6). Thế nhưng, nàng đâu có được hưởng hạnh phúc (7).

Phép thế (nàng) ở câu (2), khi câu (1) có hai đối tượng làm cho trở nên phiếm định (thế cho Vân hay Kiều?). Câu (6) thiếu liên kết với câu (5); từ nàng (câu 6) dễ bị cho là thay cho Thúy Vân, nếu hiểu thế thì câu văn trở nên vô nghĩa. Có thể viết lại đoạn văn như sau:

Thúy Kiều và Thúy Vân đều là con gái ông bà Vương viên ngoại (1). Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống hòa thuận hạnh phúc với cha mẹ (2). Thúy Kiều và Thúy Vân cùng có những nét xinh đẹp tuyệt vời (3). Vẻ đẹp của Kiều hoa cũng phải ghen, liễu cũng phải hờn (4). Vẻ đẹp của Thúy Vân đoan trang, thùy mị (5). Nhưng về tài thì Thúy Kiều hơn hẳn Thúy Vân (6). Song, nàng đâu có được hưởng hạnh phúc (7).

b2. Lỗi về dung lượng

– Đoạn văn có dung lượng quá lớn

– Đoạn văn có dung lượng quá bé

(Nguồn tham khảo: Nguyễn Hoài Nguyên, Giáo trình thực hành tiếng Việt)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net