Trang chủ Nghiên cứu khoa học Thiết kế thử nghiệm có đối chứng & Áp dụng

Thiết kế thử nghiệm có đối chứng & Áp dụng

by Ngo Thinh
338 views

Thiết kế thử nghiệm có đối chứng trong phương pháp thử nghiệm & Áp dụng nghiên cứu thử nghiệm trên thực địa.

Thiết kế thử nghiệm có đối chứng

Chỉ đo lường sau thử nghiệm

Thiết kế này chỉ đo lường biến phụ thuộc sau khi đã tiến hành thử nghiệm. Thiết kế này được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực Marketing.

Ví dụ 1. Một nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu tác động của chương trình quảng cáo sử dụng sản phẩm mẫu. Họ có thể áp dụng thiết kế nghiên cứu này như sau:

Bước 1. Phân nhóm ngẫu nhiên khách hàng tiềm năng vào hai nhóm: Nhóm thử nghiệm và nhóm đối chứng. Các tác giả có thể kiểm tra mức độ tương đồng của hai nhóm về các chỉ số cơ bản như tuổi, giới tính, thu nhập, trình độ học vấn,…

Bước 2. Tiến hành thử nghiệm: Cho các thành viên trong nhóm thử nghiệm được sử dụng sản phẩm mẫu, trong khi đó nhóm đối chứng không được sử dụng sản phẩm mẫu.

Bước 3. Các thành viên tham gia nghiên cứu trong hai nhóm đều được gởi phiếu giảm giá khi mua sản phẩm ở siêu thị. Phiếu giảm giá được mã hóa để phân biệt, nhận dạng được cả hai nhóm.

Bước 4. Sau một khoảng thời gian (ví dụ: 1 tháng), số phiếu giảm giá của mỗi nhóm thu lại từ siêu thị sẽ được đếm. So sánh kết quả hai nhóm để đánh giá sự tác động của hoạt động quảng cáo sản phẩm mẫu.

Đo lường trước – sau thử nghiệm

Thiết kế trước – sau thử nghiệm khác với thiết kế “chỉ đo lường sau khi thử nghiệm” ở chỗ các biến phụ thuộc được đo lường trước và sau khi tiến hành thử nghiệm. Thiết kế này giúp kiểm soát tốt các tác động ngoại lai và rất phù hợp với việc đánh giá tác động ngắn hạn của thí nghiệm.

Ví dụ 2. Giả sử một nhóm tác giả muốn nghiên cứu tác động của chuyến thăm và nói chuyện về bóng đá của danh thủ Messi tới niềm đam mê bóng đá của trẻ em Việt Nam. Nhóm nghiên cứu có thể áp dụng thiết kế nghiên cứu thử nghiệm “trước – sau” có đối chứng như sau:

Bước 1. Chọn một mẫu trẻ em. Phân ngẫu nhiên họ thành hai nhóm: Nhóm đối chứng và nhóm thử nghiệm. Kiểm tra sự tương đồng của hai nhóm về các chỉ số cơ  bản như giới tính, tuổi, sở thích bóng đá,…

Bước 2. Đo lường trước: cả hai nhóm đều được đo lường về sự đam mê bóng  đá và hiểu biết về bóng đá.

Bước 3. Khi danh thủ Messi đến thăm và chia sẻ về bóng đá, chỉ có nhóm thử nghiệm được tham gia dự buổi nói chuyện và chia sẻ của danh thủ Messi. Nhóm đối chứng không được tiếp xúc hoặc nghe bất kỳ bài nói chuyện nào của danh thủ Messi.

Bước 4. Sau buổi nói chuyện của danh thủ Messi, nhóm nghiên cứu có thể đo lường lại niềm đam mê bóng đá của hai nhóm (khoảng sau 1 tuần).

Bước 5. Nhóm nghiên cứu so sánh sự thay đổi về suy nghĩ, thái độ đối với môn bóng đá của hai nhóm và sự khác biệt này là do được tham dự nghe buổi nói chuyện của danh thủ Messi.

Khác với thử nghiệm đo lường sau, thử nghiệm trước – sau không chỉ cho phép so sánh các kết quả cuối cùng mà so sánh sự khác biệt giữa kết quả đo lường sau và trước. Thiết kế thử nghiệm trước – sau vì vậy cho phép đo lường trực tiếp tác động của thử nghiệm và so sánh tác động của thử nghiệm so với không có thử nghiệm.

Đo lường

trước

Thực

hành

Đo lường

sau

Thử nghiệmY0XY1Y0 – Y1
Đối chứngY0Y1Y0 – Y1

Bảng 1. Mô hình thiết kế thử nghiệm “trước – sau”.

Áp dụng nghiên cứu thử nghiệm trên thực địa

Thiết kế thử nghiệm như đã trình bày ở trên là thiết kế đầy đủ với điều kiện nhà nghiên cứu có thể kiểm soát toàn bộ quá trình, kể từ việc lựa chọn đối tượng, loại bỏ ảnh hưởng ngoại lai, tới việc điều tiết các mức độ/giá trị của biến độc lập. Điều này thường được đảm bảo với các thiết kế thử nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Nghiên cứu thử nghiệm ngoài thực địa thường khó có thể đảm bảo điều kiện trên. Vì vậy, thiết kế nghiên cứu cận thử nghiệm được gọi là quasi experiment thường được áp dụng. Với dạng thiết kế thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu coi những biến động trên thực địa (chính sách, thị trường, chính trị,…) là “sự can thiệp” giống như biến độc lập được điều chỉnh trong thử nghiệm và tìm cách đánh giá tác động của những can thiệp đó.

Một số dạng áp dụng thông dụng bao gồm:

Đánh giá tác động của dự án hoặc chính sách

Mỗi một dự án hoặc chính sách mới có thể coi là một sự can thiệp, tương đồng với điều tiết biến độc lập trong nghiên cứu thử nghiệm. Vì vậy đánh giá tác động của của dự án hoặc chính sách, các nhà nghiên cứu có thể áp dụng phương pháp thử nghiệm không đầy đủ. Trong đánh giá các nhà nghiên cứu có thể chọn nhóm đối chứng (những cá thể tương đồng song không thuộc nhóm điều chỉnh chính sách hoặc dự án) và nhóm thuộc diện chính /dự án. Chỉ số tác động (biến phụ thuộc), ví dụ như chất lượng cuộc sống hay nhận thức về một vấn đề gì đó được đo lường trước và sau dự án/chính sách. Các nhà nghiên cứu có thể so sánh sự khác biệt trong thay đổi giữa trước – sau của hai nhóm để đánh giá sự tác động của chính sách/dự án. Khó khăn thường là khó tìm nhóm đối chứng tương đồng, đặc biệt khi đánh giá tác động của chính sách có tầm bao phủ toàn quốc và cho mọi đối tượng. Một số kỹ thuật thống kê có thể giúp xác định nhóm đối chứng tương đồng nhất trên thực địa, song không thể có độ tương đồng cao như trong thiết kế thử nghiệm đầy đủ (ở phòng thí nghiệm).

Đánh giá tác động của biến động trên thực địa (chính trị, thị trường, hoặc tự nhiên)

Các nhà nghiên cứu cũng có thể đánh giá tác động của biến động chính trị, biến động của thị trường hay tự nhiên tới hành vi của doanh nghiệp, người dân,…Chỉ có điều khác là biến động này không có tính “chủ động” như chính sách dự án. Vì vậy thường khó có những khảo sát cơ sở theo đúng mục tiêu và các nhà nghiên cứu phải sáng tạo trong việc sử dụng các dữ liệu sẵn có trước biến động để làm cơ sở so sánh.

Liên quan: Phương pháp thử nghiệm là gì?

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]