Giáo dục có thể được định nghĩa như là một quá trình trong đó xã hội truyền những kiến thức, giá trị, quy tắc, chuẩn mực và hệ tư tưởng và như vậy nó chuẩn bị cho thế hệ trẻ thực hiện vai trò của người lớn và người lớn thực hiện các vai trò mới; nói cách khác giáo dục truyền các giá trị văn hóa của xã hội cho các thế hệ sau. Do vậy giáo dục là một dạng của xã hội hóa được thực hiện bên ngoài gia đình, ví dụ như các trường học. Thiết chế giáo dục có tác động rất lớn đối với cộng đồng và xã hội.
Một điểm khác biệt của xã hội hiện đại là giáo dục được tách rời ra khỏi tôn giáo và gia đình. Mục tiêu cơ bản của thiết chế giáo dục là xã hội hóa thế hệ trẻ. Durkheim nhấn mạnh vai trò của giáo dục chính thức như là một công cụ bảo tồn văn hóa. Lester Ward xem thiết chế này là phương tiện của sự tiến bộ xã hội, ở đó người được giáo dục tìm được niềm vui hạnh phúc như là một sản phẩm phụ quí giá. Nó cũng có thể được xem là phương tiện để đạt được, nắm giữ quyền lực, sự giàu có và uy tín.
Một số nhà khoa học xã hội xem giáo dục như là một sự đầu tư giống như các dạng đầu tư khác: lượng đầu tư được phản ảnh ở sự tưởng thưởng ở tương lai (future payoff). Đây là lý thuyết về vốn con người-human capital. Theo quan điểm này, những sự tưởng thưởng (nghề nghiệp, vị trí xã hội) khác nhau được giải thích do sự khác nhau trong đầu tư (học hành chăm chỉ ở trường). Tuy nhiên có một số chỉ trích cho rằng các nguồn tài nguyên cần thiết để “đầu tư” không bằng nhau đối với tất cả các thành viên trong xã hội.
Thể chế giáo dục rất cần thiết bởi hai sự thật không thể thay đổi được đó là: Văn hóa của loài người không phải là được kế thừa về mặt sinh học mà là được học hỏi; và đứa trẻ phát triển tính cách xã hội thông qua sự dạy dỗ và nuôi dưỡng chăm sóc của người lớn.