Thị hiếu thẩm mỹ là gì?
Thị hiếu là sở thích trong mọi lĩnh vực đời sống của các nhân và tập thể. Sở thích của con người rất phong phú, nhiều lĩnh vực: đời sống, đạo đức, tâm hồn… Sở thích gần như là thói quen của từng người trong sinh hoạt. Con người có sở thích tốt, sở thích xấu; sở thích lành mạnh, sở thích không lành mạnh.
Thị hiếu thẩm mỹ là sở thích của con người về phương diện thẩm mỹ. Đó là thái độ tình cảm trước cái đẹp, cái xấu, cái cao cả, cái thấp hèn, cái bi, cái hài…
Đặc điểm của thị hiếu thẩm mỹ
a. Sự phản ứng mau lẹ gần như bản năng của chủ thể trước các hiện tượng thẩm mỹ. Do kinh nghiệm, do tôi luyện, do hun đúc… kinh nghiệm mỹ cảm đã trở thành ổn định, và trở thành giá trị thẩm mỹ thường trực chi phối sự đánh giá tức thời của chủ thể thẩm mỹ. Vì vậy mà, trước một hiện tượng thẩm mỹ, chủ thể phản ứng thích hay không thích ngay lập tức, cơ hồ như không hề có sự suy xét nào.
Nhà mỹ học Xôviết Stôlôvích phát biểu: Thị hiếu thẩm mỹ là giá trị của cá nhân, là năng lực tập trung của sự đánh giá, là năng lực phân biệt giá trị thẩm mỹ chân chính và phản chân chính, là năng lực phát hiện nhanh, nhạy các giá trị thẩm mỹ trong các sắc thái của nó.
Như vậy, phản ứng gần như bản năng ấy của thị hiếu thẩm mỹ lại là giá trị, là năng lực của con người, là thước đo phẩm giá con người.
b. Thị hiếu thẩm mỹ vừa mang tín chất cá nhân sâu sắc, vừa mang tính chất xã hội rộng rãi. Thị hiếu thẩm mỹ là một vấn đề phức tạp của tình cảm thẩm mỹ. Nó mang tính chất cá nhân hết sức sâu sắc. Ngạn ngữ ta có câu: Mỗi người một sở thích. Ngạn ngữ Nga có câu: Trong màu sắc và trong hương vị không có tình đồng chí. Quả là trong chiến đấu, trong lao động sản xuất, trong đấu tranh để xây dựng xã hội… chúng ta rất cần có tình đồng chí, đồng đội. Tình đồng chí là sức mạnh tập thể. Sức mạnh tập thể sẽ dời non lấp biển.
Nhưng trong thị hiếu thẩm mỹ thì mỗi người một vẻ, không thể dùng sức mạnh đồng đội, đồng chí, cũng không thể dùng ý chí cá nhân để bắt mọi người cùng một sở thích. Nếu thị hiếu thẩm mỹ mà có tình đồng chí thì đời sống thẩm mỹ của xã hội, của nhân loại sẽ vô đơn điệu, vô cùng cùng nghèo nàn. Phạm Văn Đồng cho rằng người thưởng thức, nhà phê bình có quyền theo sở thích mình ưa hay không ưa mà khen chê; đó là sở thích riêng của mình thì không sao, nhưng nếu đem sở thích riêng của mình mà ép người khác phải theo thì không được. Lênin đã dạy chúng ta không nên đem cái ưa hay không ưa của mình về nghệ thuật mà ép thiên hạ. Làm sao mà ép thiên hạ được. Tôi thích cái này, anh thích cái kia, mỗi con người có một sở thích của mình [1]
Thị hiếu thẩm mỹ mang tính cá nhân sâu sắc. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có tiêu chuẩn chung nào cho mọi người. Sở thích riêng của mỗi người liên hệ sâu sắc với cái chung của đời sống xã hội. Công cuộc đấu tranh cải tạo tự nhiên, xây dựng xã hội là điều kiện chung quy định tính chất chung, tính chất xã hội của thị hiếu thẩm mỹ. Phạm Văn Đồng nói: … tôi thích cái này, anh thích cái kia, mỗi người có một sở thích (…) nhưng không có nghĩa là cái hay không có tiêu chuẩn của nó. Rõ ràng là giữa thị hiếu thẩm mỹ tốt và thị hiếu thẩm mỹ xấu có ranh giới minh bạch.
c. Thị hiếu thẩm mỹ mang tính dân tộc và tính thời đại. Thị hiếu thẩm mỹ ra đời trong từng thời đại nhất định và biến đổi theo từng thời đại. Những sở thích thẩm mỹ của thời đại trước sẽ không hợp khẩu vị của thời đại sau. Cái răng, cái tóc là góc con người. Chỉ khoảng nửa thế kỉ trước đây tóc dài, răng đen (tóc dài, người đẹp, Răng răng đều như hạt na) là đẹp, nhưng ngày nay tóc dài, răng đen đã không hợp thời nữa. Dân tộc là một cộng đồng người ổn định hình thành trong lịch sử, dựa trên cơ sở cộng đồng về tiếng nói, về lãnh thổ, về đời sống kinh tế, về trạng thái tâm lí, biểu hiện trong một cộng đồng về văn hóa. Chính tính cộng đồng này đã làm cho thị hiếu thẩm mỹ mang tính dân tộc. Thị hiếu thẩm mỹ của từng cá nhân bị chế ước bởi tính cộng đồng dân tộc, nên bên cạnh tính riêng thị hiếu thẩm mỹ có tính chung. Nói cách khác, trên cơ sở cộng đồng dân tộc thị hiếu thẩm mỹ muôn màu muôn sắc cá nhân nẩy nở.