1. Tình trạng viết hoa trong chính tả tiếng Việt
Chữ hoa trong tiếng Việt có các chức năng cơ bản sau:
- Đánh dấu sự bắt đầu một câu;
- Biểu thị danh từ riêng;
- Biểu thị thái độ tôn kính, tôn trọng, lịch sự.
Chức năng thứ nhất và thứ ba nhìn chung được thực hiện một cách nhất quán trong chính tả tiếng Việt. Duy có chức năng ghi tên riêng của người, địa danh, tên cơ quan, tổ chức… là còn nhiều điểm chưa thống nhất trong sử dụng.
Ví dụ:
- Cùng một tên người, tồn tại những cách viết khác nhau: Phan vũ diễm Hằng, Phan vũ Diễm Hằng, Phan Vũ Diễm Hằng, Phan – vũ – diễm – Hằng v.v…
- Cùng một tên tồn tại những cách viết khác nhau: Hà Nội, Hà-nội, Hà nội v…
- Cùng một tên tổ chức cơ quan cũng tồn tại những cách viết khác nhau: Trường đại học bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học bách khoa Hà Nội v…
Để khắc phục tình trạng này, tiếng Việt đã có những quy định về việc viết hoa trong văn bản.
2. Những quy định thông thường về việc viết hoa
Trên văn bản, viết hoa là một quy định bắt buộc. Theo đó có những quy định chính tả cho việc viết hoa. Không thể tùy tiện viết hoa các con chữ đầu âm tiết của từ. Nói cách khác, viết hoa thể hiện trình độ văn hóa của người viết.
Những quy định thông thường về cách viết hoa như sau:
a. Viết hoa dùng để ngăn cách ý nghĩa (nội dung) của câu này với câu khác hay ngăn cách các đoạn văn trên văn bản . Vì thế, chữ cái đầu âm tiết của từ đứng đầu câu, đầu đoạn văn cần phải viết
Ví dụ:
Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật và thuốc bảo vệ thực vật trong phạm vi cả nước.
Cục Bảo vệ thực vật có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, kinh phí hoạt động do ngân sách Nhà nước cấp, được mở tài khoản riêng.
b. Viết hoa con chữ đầu âm tiết của từ đầu tiên trong các lời đối thoại .
Ví dụ:
– Mời đồng chí tham dự họp triển khai kế hoạch công tác của phòng kinh doanh.
– Được. Tôi sẽ đến ngay.
c. Viết hoa con chữ đầu âm tiết của một từ – sau dấu ngoặc kép – trong lời trích dẫn trực tiếp.
Ví dụ:
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: ” Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
d. Trong văn bản thơ, con chữ đầu âm tiết của từ đầu dòng thơ, cần phải viết hoa.
Ví dụ:
Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa … đã có bờ tre xanh.
e. Viết hoa họ tên người, tên tự, tên hiệu.
Họ của người Việt Nam có thể do một từ biểu thị (Đinh, Lê, Lý, Nguyễn…) mà cũng có thể do hai từ (họ ghép) biểu thị (Trần Lê…, Nguyễn Hoàng…). Tên người cũng vậy (Lan, Minh Khai…). Trước từ chỉ tên người có thể có từ “Văn” hay “Thị” để biểu thị giới tính (Hoàng Thị Hà, Lê Việt Tuấn…) hoặc sau họ và tên người có thể có tên tự, tên hiệu: (Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên).
Quy định chung hiện nay là viết hoa con chữ đầu âm tiết của từ chỉ họ, chỉ tên, chỉ giới tính, chỉ tên tự, tên hiệu.
Ví dụ: Tôn Thất Bách
Nguyễn Thị Minh Khai
g. Viết hoa tên địa lí, tên các tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội…
Địa danh có thể là một từ do một âm tiết tạo thành ( Huế, Vinh…) có thể hai hoặc nhiều hơn hai âm tiết tạo thành ( Hà Nội, Điện Biên Phủ...). Có những từ ghép chỉ địa danh liên kết (Cao – Bắc – Lạng, Thanh – Nghệ – Tĩnh, Thừa Thiên – Huế…) thì cần viết con chữ đầu của các âm tiết và giữa các tên địa lí có dấu gạch ngang.
Tên các tổ chức hành chính, hiệp hội….
Ví dụ:
Hội phật giáo.
Hội cựu chiến binh.
Ngân hàng thương mại Việt Nam.
Nhưng, để thể hiện sự trang trọng, có thể viết hoa các con chữ đầu âm tiết của một từ ghép trong tên gọi của một tổ chức.
Ví dụ:
Hội Phật giáo.
Hội Cựu chiến binh.
Ngân hàng Thương mại Việt Nam.
Hoặc viết hoa con chữ đầu âm tiết của một từ thông dụng nhưng được dùng với nghĩa kính trọng.
Ví dụ: Bàn tay con nắm tay Cha
Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng.
Tổng thống nước Cộng hòa Pháp cùng Phu nhân sang thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
h. Viết hoa tên các ấn phẩm sách, báo, văn kiện, tạp chí….
Tên các ấn phẩm như tên sách, tên báo, tên tạp chí, văn kiện được in trên các bìa sách hoặc trang báo phụ thuộc vào kiểu con chữ, hoa văn màu sắc mà người trình bày tùy chọn không có những quy định bắt buộc. Ví dụ:
-Tên báo: Nhân Dân, Hà nội mới, Quân đội nhân dân, phụ nữ Việt Nam…
-Tên tạp chí: Hoa Học trò, Quê hương, Tuổi trẻ Hạnh phúc….
-Tên sách: Tên sách cũng có cách trình bày tương tự như trên. Tên gọi văn kiện thường dùng con chữ in hoa chân phương: BÁO CÁO CHÍNH TRỊ CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG LẦN THỨ VIII.
Cần lưu ý: nếu trong văn bản viết tay, hoặc văn bản in có đề cập đến tên gọi các tác phẩm, sách, báo, văn kiện… thì cách viết hoa (hoặc in hoa) như sau:
– Tên người, địa danh, tên triều đại… dùng làm tên gọi của các tác phẩm thì viết hoa tên người, địa danh, tên triều đại đó.
Ví dụ:
Hồ Chí Minh toàn tập Hậu Hán thư.
Tam Quốc chí.
Nghệ An kí.
– Nếu trong câu đề cập đến tên tác phẩm, tác giả trong dấu ngoặc kép, thì chỉ viết hoa con chữ đầu của âm tiết tạo từ, hoặc cụm từ chỉ tên tác phẩm đó.
Ví dụ:
Trong tác phẩm “Dấu chân người lính”, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khắc họa rõ nét những đức tính cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.
i. Viết hoa tên người, địa danh, tổ chức… tiếng nước ngoài phiên âm ra tiếng Việt.
Việc phiên âm tên người, địa danh, tên tổ chức nước ngoài ra tiếng Việt chủ yếu dựa vào cách phát âm và ghi lại cách phát âm đó bằng con chữ tiếng Việt. Người ta chỉ viết hoa con chữ đầu âm tiết của từ (giữa các âm tiết có thể dùng gạch nối).
Ví dụ:
- Putin (hoặc Pu-tin)
- Italya (hoặc I – ta – li – a)
- V.I.Lênin (hoặc Lê-nin)
- Matxcơva (hoặc Mát – xcơ-va)
- Phơriđrich Ăngghen (hoặc Phơ-ri-đrích Ăng-ghen)
Hiện nay việc phiên âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và ghi lại bằng con chữ tiếng Việt đang là vấn đề chưa được giải quyết; chẳng hạn khi phiên âm có thể viết liền các âm tiết (Italia, Mianma…) mà cũng có thể ngăn cách các âm tiết bằng dấu gạch nối.
Ví dụ: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp đại sứ Mi – an – ma.
3. Văn bản của Bộ Nội vụ quy định về viết hoa trong văn bản hành chính – kèm theo Thông tư số 01/2011/TT-BNV
4. Quy tắc phiên âm tiếng nước ngoài.
Trong các văn bản khoa học chúng ta thường gặp các tên riêng nước ngoài và các thuật ngữ quốc tế. Có ba cách xử lý các từ ngữ này, phụ thuộc vào loại hình văn bản trong đó chúng xuất hiện: để nguyên dạng, chuyển tự hoặc phiên âm.
– Cách viết nguyên dạng được dùng trong các sách báo, tạp chí chuyên môn, trong các tiểu luận, luận văn đại học và sau đại học. Chẳng hạn, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thư mục của luận văn sau đại học, chữ Nga, chữ Trung Quốc, chữ Thái… đều phải để nguyên dạng, không dịch.
– Cách chuyển tự (chuyển từ các chữ cái tiếng nước ngoài thành chữ cái Việt Nam) cũng được dùng trong các văn bản chuyên môn.
Khi chuyển tự ta viết liền cả từ, không có gạch nối giữa các âm tiết và cũng không đánh dấu thanh.
– Cách phiên âm được dùng trong các sách báo phổ cập. Khi phiên âm cần viết rời từng âm tiết, giữa các âm tiết trong cùng một bộ phận có gạch nối, các âm tiết không đánh dấu
Ví dụ: Xanh Pê-tec-bua, Na-pô-lê-ông Bô-na-pac, Vla-đi-mia I-lich-Lê -nin… Nếu chữ viết trong nguyên ngữ dùng thuộc hệ La-tinh thì giữ nguyên dạng như trong nguyên ngữ, có thể giản lược các dấu phụ nếu thấy cần thiết (như các dấu phụ trong õ, ẽ,….).
Nếu chữ viết nguyên ngữ không thuộc hệ chữ La-tinh thì dùng lối chuyển tự được quy ước sang chữ cái la-tinh.
Chú ý:
– Tên sông, núi v.v… không thuộc riêng một nước nào và tên các tổ chức quốc tếthì viết theo dạng chữ thống nhất và phổ biến nhất trên thế giới (kể cả tên viết tắt, nếu có), ví dụ: Mekong, UNESCO, Himalaya… Nhưng nếu là tên có ý nghĩa và thường được dịch nghĩa thì viết theo lối dịch nghĩa, ví dụ: Biển Đen ( hay Hắc Hải), Liên Hợp Quốc…
– Một số tên riêng, nhất là tên đất, tên nhân vật lịch sử đã quen dùng từ lâu thì nóichung, giữ nguyên cách gọi cũ, ví dụ: Pháp, Đức, Hy Lạp, Thích Ca…
– Trong các sách giáo khoa ở các lớp dưới, có thể áp dụng đồng thời hai cách tên riêng nước ngoài: viết nguyên dạng (hoặc chuyển tự) và phiên âm – đặt trong ngoặc đơn, ví dụ: Shakespeare (Sêch-xpia), Curie (Quy-ri), Tchaikovskiy (Chai-cốp-xki)….
(Nguồn tham khảo: Giáo trình tiếng Việt Thực hành, Trường đại học Nội vụ)